hieuluat

Quyết định 2275/QĐ-BYT giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Y tếSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:2275/QĐ-BYTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Trần Văn Thuấn
    Ngày ban hành:23/08/2022Hết hiệu lực:29/10/2023
    Áp dụng:23/08/2022Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe, Tư pháp-Hộ tịch, COVID-19
  • BỘ Y TẾ

    ____

    Số: 2275/QĐ-BYT

     

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    __________________

                  Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2022

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Ban hành Quy trình giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2 và việc tổ chức thực hiện

    _______

    BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

     

    Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007; Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về đảm bảo an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;

    Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

    Căn cứ Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Luật sửa đổi một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020;

    Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

    Căn cứ Thông tư số 43/2011/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Quy định chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm;

    Căn cứ Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

    Căn cứ Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng;

    Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-BYT ngày 17 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thu dung điều trị người mắc COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

    Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành Quy trình giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2 và việc tổ chức thực hiện kèm theo Quyết định này.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số 3993/QĐ-BYT ngày 18 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y tử thi có liên quan đến COVID-19 và việc tổ chức thực hiện.

    Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thực hiện giám định pháp y tử thi trên toàn quốc, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:

    - Như Điều 3;

    - Văn phòng Chính phủ (để b/cáo);

    - Q. Bộ trưởng Đào Hồng Lan (để b/cáo);

    - Viện KSND Tối cao (để p/hợp);

    - TAND Tối cao, (để p/hợp);

    - Bộ Tư pháp (để p/hợp);

    - Bộ Công an (để p/hợp);

    - Bộ Quốc phòng (để p/hợp);

    - Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;

    - Website Cục QLKCB;

    - Lưu: VT, KCB.

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG

     

     

     

     

    Trần Văn Thuấn

     

     

     

     

    BỘ Y TẾ

    _____

     

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ______________________

     

     

    QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH PHÁP Y TỬ THI NGHI NHIỄM/NHIỄM SARS-CoV-2 VÀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 2275/QĐ-BYT ngày 23 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

     

    I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

    1. Đối tượng giám định

    1.1. Trường hợp chết có kết quả xét nghiệm xác định SARS-CoV-2 dương tính;

    1.2. Trường hợp chết nghi nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định.

    2. Phạm vi điều chỉnh

    Quy trình này quy định về yêu cầu, hồ sơ, trình tự giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2 và việc tổ chức thực hiện.

    II. ĐỊA ĐIỂM, TRANG THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN PHÒNG HỘ CÁ NHÂN

    1. Địa điểm giám định

    1.1. Khu vực thực hiện giám định: đảm bảo thông gió tự nhiên, đủ ánh sáng, đủ nước, thuận lợi thực hiện khử khuẩn và xử lý môi trường, được bảo vệ, cách ly với khu vực xung quanh và cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực khám nghiệm tử thi.

    1.2. Khu vực mổ tử thi: có đủ dụng cụ chứa chất thải nguy hại theo quy định.

    2. Trang thiết bị giám định

    2.1. Trang thiết bị phục vụ công tác giám định tử thi

    - Bộ dụng cụ mổ tử thi.

    - Máy cưa sọ, cưa sọ bằng tay, kim chỉ khâu.

    - Máy ảnh.

    - Máy quay phim (trong trường hợp cần thiết).

    - Bông gòn, hoặc khăn thấm nước.

    - Băng keo trong lấy dấu vết.

    - Băng keo niêm phong mẫu.

    - Thước tỷ lệ.

    - Hóa chất bảo quản mẫu.

    - Phương tiện ghi chép, mã số.

    - Xà phòng, dung dịch sát khuẩn.

    - Các dụng cụ khác...

    2.2. Dụng cụ lấy mẫu, lưu mẫu và túi nilon đựng lọ bệnh phẩm, hộp đựng bệnh phẩm theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 43/2011/TT-BYT ngày 05/12/2011 của Bộ Y tế về “Quy định chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm” (viết tắt là Thông tư số 43/2011/TT-BYT ngày 05/12/2011).

    2.3. Túi đựng tử thi.

    3. Phương tiện phòng hộ cá nhân

    3.1. Lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định về tiêu chuẩn bộ phòng chống dịch theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế

    3.2. Găng tay cao su dài đến khuỷu tay.

    3.3. Tạp dề chống thấm nước.

    III. TIẾP NHẬN HỒ SƠ VÀ PHÂN CÔNG NGƯỜI GIÁM ĐỊNH

    1. Tiếp nhận thông tin, hồ sơ và đối tượng giám định

    1.1. Người được giao nhiệm vụ tiếp nhận thông tin vụ việc, nhận Hồ sơ trực tiếp từ cơ quan trưng cầu giám định, làm thủ tục giao nhận theo quy định.

    1.2. Hồ sơ đủ điều kiện giám định, gồm:

    a) Hồ sơ theo quy định chung về giám định tử thi

    - Quyết định trưng cầu giám định.

    - Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến nội dung cần giám định.

    - Các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y (nếu có).

    - Biên bản ghi lời khai, nghi can, nhân chứng (nếu có).

    - Biên bản niêm phong thu mẫu vật chứng và vật chứng kèm theo (nếu có).

    - Tài liệu khác có liên quan.

    - Tùy từng trường hợp, tính chất vụ việc cụ thể mà hồ sơ giám định có thể được bổ sung sau khi khám nghiệm tử thi.

    b) Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng các kỹ thuật nhằm phát hiện tình trạng nhiễm SAR-CoV-2.

    1.3. Nếu đủ điều kiện giám định hoặc hồ sơ cần bổ sung, cán bộ được phân công báo cáo lãnh đạo đơn vị để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình này.

    1.4. Nếu không đủ điều kiện giám định, cán bộ được phân công báo cáo lãnh đạo đơn vị ban hành văn bản từ chối giám định, nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ trưng cầu giám định.

    1.5. Từ chối giám định trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp không đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

    2. Phân công người tham gia giám định

    2.1. Lãnh đạo đơn vị phân công giám định viên (GĐV) pháp y, người giúp việc (NGV) cho GĐV pháp y tiếp nhận giám định.

    2.2. Số lượng và nhiệm vụ của GĐV, NGV:

    a) Số lượng

    - Giám định viên: 02.

    - Người giúp việc: 02.

    b) Nhiệm vụ của GĐV

    - Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trước khi thực hiện giám định.

    - Liên hệ và trao đổi với đại diện cơ quan trưng cầu và các cơ quan liên quan.

    - Chỉ đạo NGV chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị cho cuộc khám nghiệm, trình tự mổ tử thi, lấy mẫu xét nghiệm.

    - Chụp ảnh, ghi chép trong quá trình mổ tử thi.

    - Trực tiếp thực hiện phẫu tích (nếu cần thiết).

    - Cùng với Hội đồng khám nghiệm hoàn thiện biên bản khám nghiệm tử thi.

    - Giám sát, phối hợp với nhau trong quá trình giám định, thảo luận, thống nhất trước khi kết luận giám định.

    - Hoàn thiện văn bản ghi nhận quá trình giám định và kết luận giám định.

    - Báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo đơn vị tổ chức hội chẩn khi cần thiết.

    - Giải quyết những phát sinh trong quá trình giám định, báo cáo kết quả với lãnh đạo đơn vị.

    - Những nhiệm vụ khác do thủ trưởng đơn vị quyết định.

    c) Nhiệm vụ của NGV:

    - Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện phòng hộ theo quy định tại mục 2, mục 3 phần II của Quy trình này.

    - Thực hiện mổ tử thi, lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của GĐV.

    - Vệ sinh sơ bộ tử thi trước khi bàn giao.

    - Vệ sinh dụng cụ, trang thiết bị;

    - Thu gom rác thải phát sinh trong quá trình khám nghiệm tử thi theo quy định;

    - Bàn giao mẫu xét nghiệm (trong trường hợp cơ quan trưng cầu gửi mẫu xét nghiệm) hoặc lưu giữ, bảo quản mẫu trước khi bàn giao cho các cơ sở xét nghiệm.

    - Phụ giúp GĐV dự thảo văn bản ghi nhận quá trình giám định và kết luận giám định, hoàn thiện bản ảnh giám định trình GĐV duyệt.

    - Hoàn thiện hồ sơ giám định.

    - Các nhiệm vụ khác theo phân công của GĐV.

    IV. GIÁM ĐỊNH

    1. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

    Đề nghị cơ quan trưng cầu thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng các kỹ thuật đối với đối tượng quy định tại tiểu mục 1.2, mục 1, phần I:

    - Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SAR-CoV-2: thực hiện giám định theo quy định của giám định tử thi nói chung.

    - Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SAR-CoV-2: thực hiện giám định theo hướng dẫn tại phần IV Quy trình này.

    2. Mang phương tiện phòng hộ cá nhân

    - Tất cả những người tham gia vào quá trình khám nghiệm tử thi nhiễm hay nghi nhiễm SARS-CoV-2 đều phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tiêu chuẩn theo quy định tại mục 3 phần II Quy trình này.

    - Toàn bộ kíp giám định phải mang hai lớp găng tay (bên trong là găng tay phẫu thuật, bên ngoài là găng tay cao su dài).

    3. Khám nghiệm

    * Nguyên tắc:

    - Yêu cầu khử khuẩn bên ngoài tử thi trước khi tiến hành khám nghiệm.

    - Khám ngoài: từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, từ trước ra sau.

    - Khám trong: phẫu thuật từng bộ phận khoang cơ thể, thứ tự phẫu thuật từng phần do GĐV quyết định theo nguyên tắc: bộ phận nào có ít nguy cơ lây nhiễm khám trước, bộ phận nguy cơ cao khám sau như hầu, họng, khí quản, phế quản, phổi để hạn chế tiếp xúc dịch tiết.

    - Tùy theo nội dung quyết định trưng cầu, tính chất vụ việc mà GĐV thực hiện giám định tử thi toàn diện hay giám định từng phần (trong trường hợp có khả năng xác định sơ bộ được nguyên nhân chết).

    - Trong quá trình mổ tử thi, hạn chế tối đa các kỹ thuật xâm lấn các bộ phận, thi thể.

    3.1. Khám ngoài

    a) Nhận dạng tử thi

    - Nhận xét về tư thế tử thi. Tình trạng bảo quản tử thi.

    - Mô tả đặc điểm quần áo: Màu sắc, cũ mới, kiểu quần áo, nhãn hiệu, dấu vết trên quần áo...

    - Các vật dụng, tư trang, giấy tờ có trong túi quần áo. Mô tả các tư trang của nạn nhân, vị trí của vật dụng đó trên tử thi. Giầy dép mới cũ, loại...

    - Xác định giới tính tử thi: Nam/nữ

    - Đánh giá tình trạng tử thi: Thể trạng (cao, thấp, gầy, béo); tình trạng cứng tử thi, hoen tử thi (đặc điểm, vị trí, mức độ); mức độ thối rữa (nếu có).

    - Đầu: Mô tả kỹ về tóc như độ dài, thẳng quăn, màu tóc.

    - Mặt: Khám kỹ mắt, lông mày, dái tai, miệng, mũi, cằm.

    - Răng : Răng thật, răng giả, loại răng giả.

    - Trợ giúp kỹ thuật hình sự lấy vân tay (nếu cần).

    b) Kiểm tra, đánh giá bên ngoài tử thi

    - Khám và mô tả đầu, mặt, mắt (niêm mạc mắt, kết mạc, đồng tử), lỗ tai, lỗ mũi, miệng (răng, lưỡi), cổ, toàn thân, các chi theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, từ trước ra sau. Mô tả các đặc điểm thương tích về vị trí, kích thước, màu sắc, tính chất tùy theo loại hình, các vết sẹo, các vết xăm, các dị tật.

    - Kiểm tra vùng cổ: Mô tả các dấu vết thương tích, đặc điểm, tính chất.

    - Kiểm tra vùng ngực, bụng, lưng: Mô tả các dấu vết thương tích, đặc điểm, tính chất.

    - Kiểm tra, đánh giá tay, chân: hệ thống cơ xương khớp. Lòng bàn tay, bàn chân, móng tay, móng chân, nếp bẹn.

    - Mô tả bộ phận sinh dục, kiểm tra màng trinh, âm đạo (trong các trường hợp nghi ngờ xâm hại tình dục).

    - Đo thân nhiệt tử thi (nếu cần thiết).

    3.2. Khám trong

    a) Đầu

    - Đánh giá tình trạng dưới da đầu: Bình thường; tụ máu.

    - Đánh giá tình trạng xương sọ: Bình thường; dị tật; tình trạng vỡ xương.

    - Đánh giá tình trạng nhu mô não, mạch máu não, các khoang não thất.

    Lưu ý: Nên dùng cưa tay để cưa xương hộp sọ, nhằm hạn chế mạt cưa bắn trong không khí hoặc dùng cưa máy và dùng khăn tẩm nước cho chảy vào chỗ cưa, cưa sẽ nhanh và không bị mạt cưa bắn trong không khí

    b) Cổ

    Kiểm tra đánh giá: Tổ chức phần mềm ở dưới da; tổ chức cơ vùng cổ; sụn giáp, xương móng, tuyến giáp; khí quản; lưỡi, cuống lưỡi, thành sau họng; bó mạch cảnh hai bên; cột sống cổ.

    c) Ngực

    - Kiểm tra, đánh giá: Tình trạng tổ chức dưới da, cơ thành ngực; hệ thống xương sườn, xương ức; hố ngực, màng phổi, dịch màng phổi;

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng bề mặt phổi, lòng khí phế quản, diện cắt, mật độ nhu mô phổi, tình trạng lòng các mạch máu ở phổi, đánh giá xem có tình trạng huyết khối, tắc mạch không?

    - Kiểm tra đánh giá tình trạng khoang màng ngoài tim, lượng dịch khoang màng ngoài tim, hình dáng tim, bề mặt tim, các thành tim, cơ tim, cột tim, dây chằng, van tim, buồng tim, tình trạng các mạch vành, lòng các gốc động mạch, tĩnh mạch buồng tim.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng cơ hoành phải, trái; cột sống ngực.

    d) Bụng

    - Kiểm tra, đánh giá các tổ chức cơ dưới da, tình trạng ổ bụng, các tạng trong ổ bụng: gan, túi mật, đường mật; lách; thận, thượng thận; tụy; dạ dày, tình trạng, số lượng, chất chứa trong dạ dày; ruột già, ruột non, trực tràng; bàng quang.

    - Kiểm tra, đánh giá âm đạo, tử cung, buồng trứng.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng các mạch máu ở bụng.

    - Kiểm tra, đánh giá khung chậu; tình trạng cột sống.

    đ) Tay, chân

    Các tổn thương rách da, bầm tụ máu dưới da, gãy xương để xác định tổn thương có trước chết hay sau chết, giám định viên cần rạch bộc lộ tổn thương để đánh giá.

    4. Thu mẫu xét nghiệm

    4.1. Nguyên tắc

    - Tùy từng trường hợp GĐV quyết định việc thu mẫu bệnh phẩm và chỉ định cận lâm sàng phù hợp. Cơ quan trưng cầu ra quyết định trưng cầu làm các xét nghiệm cận lâm sàng theo yêu cầu của GĐV.

    - Việc đóng gói mẫu thực hiện theo đúng quy định tại Điều 6, Thông tư số 43/2011/TT-BYT ngày 05/12/2011.

    - Mẫu xét nghiệm mô bệnh học: Dùng formol bảo quản tại chỗ trước khi đóng gói.

    4.2. Mẫu bệnh phẩm

    - Thu các vật chứng tại hiện trường: thức ăn, thức uống, chất nôn, chai, lọ, bao bì, quần áo...

    - Thu mẫu mô tại các vị trí nghi ngờ bị tổn thương và phủ tạng để làm xét nghiệm mô bệnh học.

    - Thu phủ tạng và máu, chất chứa trong dạ dày, nước tiểu, phân để làm độc chất, vi sinh.

    - Thu mẫu máu để làm nhóm máu, bệnh truyền nhiễm.

    - Thu chất dịch âm đạo để làm xét nghiệm tinh trùng, ADN, bệnh truyền nhiễm nếu nghi ngờ.

    - Thu dấu vết ở tay qua băng dính, cắt móng tay.

    - Niêm phong, bảo quản, bàn giao mẫu theo quy định.

    5. Kết thúc khám nghiệm

    - Khâu vết mổ và các vết thương (nếu có). Vệ sinh lau chùi, đặt tử thi vào túi đựng xác. Lau rửa sơ bộ dụng cụ mổ tử thi.

    - Tất cả các thành viên tham gia khám nghiệm thực hiện tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định tại mục 6 và bỏ vào vị trí đã được qui định thống nhất hoặc thùng chứa chất thải ở vị trí cách xa bàn mổ tử thi (tối thiếu 2m). Loại bỏ những vật dụng dùng một lần.

    - Thực hiện các bước khử khuẩn đối với dụng cụ và vật dụng:

    + Bộ dụng cụ mổ tử thi sau đó cho vào túi nilon kín.

    + Các vật dụng chứa mẫu, bệnh phẩm giám định, cho vào túi nilon kín, sau đó cho vào hộp đựng bệnh phẩm.

    + Các vật dụng thải bỏ sau khi khám nghiệm theo quy định.

    + Hồ sơ, tài liệu thiết lập trong quá trình khám nghiệm.

    + Giầy, dép trước khi ra khỏi khu vực mổ tử thi.

    Lưu ý: Tuyệt đối không mang dụng cụ ra khỏi khu vực mổ tử thi khi chưa được khử khuẩn (đối với máy ảnh, máy quay được lau vệ sinh bằng cồn, không phun dung dịch khử khuẩn).

    6. Tháo bỏ phưong tiện phòng hộ cá nhân

    - Nguyên tắc

    + Tuân thủ trình tự tháo phương tiện phòng hộ cá nhân để tránh lây nhiễm. Tránh chạm vào bất kỳ bề mặt nào trước khi thực hiện tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân.

    + Các phương tiện phòng hộ cá nhân được tháo bỏ và cho vào thùng gom chất thải lây nhiễm.

    - Trình tự tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân

    + Tháo găng tay dài.

    + Các bước tiếp theo thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế

    7. Bàn giao tử thi, mẫu xét nghiệm

    - Sau khi hoàn thành khám nghiệm, kíp giám định bàn giao tử thi cho cơ quan trưng cầu giám định theo quy định.

    - Cơ quan trưng cầu phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tử thi theo quy định của Bộ Y tế.

    - Bàn giao mẫu xét nghiệm cho cơ quan trưng cầu (nếu có yêu cầu); ghi rõ thông tin của tử thi, loại bệnh phẩm trên lọ hoặc týp đựng bệnh phẩm.

    - Họp hội đồng khám nghiệm giải quyết các yêu cầu của giám định (nếu cần).

    8. Nghiên cứu vật chứng gửi giám định, thực nghiệm hoặc hội chẩn chuyên môn (nếu cần)

    - Trường hợp cơ quan trưng cầu cung cấp mẫu vật thì GĐV nghiên cứu, giám định vật chứng theo quy trình giám định vật chứng. Trong quá trình giám định tuân thủ các quy định về phương tiện phòng hộ cá nhân, phòng chống dịch COVID-19.

    - Trường hợp cần thiết GĐV báo cáo lãnh đạo đơn vị cho tiến hành thực nghiệm hoặc hội chẩn chuyên môn.

    9. Khám nghiệm hiện trường

    Trong trường hợp cần thiết, giám định viên có thể đề nghị tham gia khám nghiệm hiện trường. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, tuân thủ các quy định về phương tiện PHCN, phòng chống phòng chống dịch COVID-19.

    10. Tổng hợp, đánh giá và dự thảo kết luận giám định

    Dự thảo kết luận giám định theo biểu mẫu đã ban hành, căn cứ vào các dấu hiệu chính thu được qua giám định và theo nội dung trưng cầu, GĐV tổng hợp, đánh giá kết quả và kết luận

    a) Các dấu hiệu chính

    Liệt kê các dấu hiệu chính qua giám định, căn cứ vào kết quả:

    - Khám nghiệm tử thi.

    - Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng các kỹ thuật phát hiện tình trạng nhiễm SARS-CoV-2.

    - Cận lâm sàng về mô bệnh học, độc chất...

    - Khám nghiệm hiện trường, giám định vật chứng hoặc kết quả thực nghiệm (nếu có).

    - Hội chẩn chuyên môn (nếu có).

    - Kết quả khác.

    b) Kết luận

    Căn cứ vào tổng hợp tất cả những yếu tố thu được trong quá trình giám định:

    - Hồ sơ bệnh án điều trị.

    - Thông tin do cơ quan trưng cầu cung cấp.

    - Khám hiện trường.

    - Khám nghiệm tử thi.

    - Kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng...

    Lưu ý: Trong suất quá trình thực hiện khám giám định GĐV và NGV cần ghi biên bản, chụp ảnh và làm bản ảnh.

    - GĐV ghi nhận các dấu hiệu bất thường và bình thường vào Văn bản ghi nhận quá trình giám định.

    - NGV chụp ảnh có thước tỷ lệ và mã số, chụp chung và đặc tả bao gồm:

    + Chụp ảnh chân dung.

    + Chụp ảnh hiện trường (nếu có), dấu vết trên quần áo, trên cơ thể, các vật dụng, có thước tỷ lệ, kèm theo số thứ tự.

    - Làm bản ảnh, ghi chú thích vào bản ảnh.

    V. HOÀN THÀNH, TRẢ KẾT QUẢ, LƯU TRỮ HỒ SƠ GIÁM ĐỊNH

    1. Hoàn thành và ký kết luận giám định

    - Dự thảo kết luận giám định trước khi trình lãnh đạo đơn vị duyệt.

    - GĐV duyệt và ký bản chính thức kết luận giám định

    - Lãnh đạo đơn vị ký bản kết luận giám định.

    - Đóng dấu bản kết luận giám định.

    2. Trả kết luận giám định

    Trả bản Kết luận giám định, kèm theo vật chứng (nếu có):

    - Trả trực tiếp cho cơ quan trưng cầu giám định: Có ký nhận kết quả giám định.

    - Nếu trả theo đường bưu chính phải vào sổ và giao nhận với Văn thư của đơn vị để trả cho cơ quan trưng cầu giám định.

    3. Lưu trữ hồ sơ giám định

    Hồ sơ giám định được lưu trữ tại cơ quan giám định theo quy định chung và quy định của cơ quan giám định.

    VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    1. Đối với cơ quan trưng cầu

    - Thực hiện các quy định về trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật.

    - Chủ trì và phối hợp cùng tổ chức, đơn vị có liên quan bố trí địa điểm giám định đáp ứng quy định.

    - Chủ trì, phối hợp cùng cơ quan liên quan đảm bảo an ninh, an toàn tại địa điểm khám nghiệm tử thi.

    - Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng các kỹ thuật đối với đối tượng quy định tại tiểu mục 1.2, mục 1, phần I.

    - Phối hợp với cơ sở y tế và thực hiện theo hướng dẫn xử lý thi hài người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định hiện hành.

    - Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện theo quy định xử lý thi thể người chết do dịch bệnh nguy hiểm tại Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế.

    2. Đối với tổ chức giám định pháp y

    - Tiếp nhận quyết định trưng cầu theo quy định.

    - Thực hiện các bước giám định theo quy định tại Quy trình này.

    - Viện Pháp y Quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn Quy trình giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2 và việc tổ chức thực hiện cho các tổ chức giám định pháp y trên toàn quốc.

    3. Đối với Y tế địa phương và các cơ quan liên quan

    Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và các cơ quan liên quan khử khuẩn, xử lý môi trường theo quy định của Bộ Y tế.

    4. Đối với cơ sở y tế nơi tiến hành khám nghiệm tử thi

    - Các cơ sở y tế trên địa bàn được trưng dụng nhà đại thể để khám nghiệm tử thi hoặc các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan trưng cầu bố trí địa điểm giám định đáp ứng các tiêu chí quy định tại mục 1, phần II Quy trình này.

    - Xử lý rác thải, môi trường, khu vực sau khám nghiệm tử thi: Cơ sở y tế nơi diễn ra khám nghiệm xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

    5. Đối với người thực hiện giám định và người tham gia Hội đồng khám nghiệm hoặc có liên quan

    - Tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19;

    - GĐV, NGV: Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định này.

    - Những người tham gia: Điều tra viên, kỹ thuật hình sự, kiểm sát viên... tham dự chứng kiến cuộc khám nghiệm đều phải mang phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo phòng chống COVID-19.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 21/11/2007 Hiệu lực: 01/07/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Khám bệnh, chữa bệnh của Quốc hội, số 40/2009/QH12
    Ban hành: 23/11/2009 Hiệu lực: 01/01/2011 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật Giám định tư pháp của Quốc hội, số 13/2012/QH13
    Ban hành: 20/06/2012 Hiệu lực: 01/01/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    04
    Nghị định 103/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm
    Ban hành: 01/07/2016 Hiệu lực: 01/07/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    05
    Nghị định 75/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
    Ban hành: 20/06/2017 Hiệu lực: 20/06/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    06
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp của Quốc hội, số 56/2020/QH14
    Ban hành: 10/06/2020 Hiệu lực: 01/01/2021 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    07
    Quyết định 1226/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thu dung điều trị người mắc COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
    Ban hành: 17/05/2022 Hiệu lực: 17/05/2022 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 2275/QĐ-BYT giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Y tế
    Số hiệu:2275/QĐ-BYT
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:23/08/2022
    Hiệu lực:23/08/2022
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe, Tư pháp-Hộ tịch, COVID-19
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Trần Văn Thuấn
    Ngày hết hiệu lực:29/10/2023
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Quyết định 2275/QĐ-BYT giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2 (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Quyết định 2275/QĐ-BYT giám định pháp y tử thi nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2 (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X