hieuluat

Quyết định 3421/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia

  •  

    BỘ Y TẾ
    -------
    Số: 3421/QĐ-BYT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2017
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ THÔNG TIN TIÊM CHỦNG QUỐC GIA
    -------------
    BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
     
     
    Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
    Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
    Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn việc quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng;
    Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,
     
    QUYẾT ĐỊNH
     
    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia”.
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
    Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     
    Nơi nhận:
    - Như Điều 3;
    - Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
    - Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp chỉ đạo);
    - Các Viện VSDT/Pasteur (để thực hiện);
    - Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành (để thực hiện);
    - Sở Y tế các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
    - Trung tâm YTDP/CDC các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
    - Lưu: VT, DP.
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG





    Nguyễn Thanh Long
     
     
    QUY CHẾ
    QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ THÔNG TIN TIÊM CHỦNG QUỐC GIA
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 3421/QĐ-BYT ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
     
    Chương I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
    1. Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
    2. Trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
    Điều 2. Đối tượng áp dụng
    1. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế: Cục Y tế dự phòng; Cục Công nghệ thông tin; Cục Quản lý Dược; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Dinh dưỡng.
    2. Sở Y tế; Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh); Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Trung tâm Y tế huyện) và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Trạm Y tế xã).
    3. Cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở y tế được thực hiện tiêm chủng theo quy định.
    4. Cơ sở khám, chữa bệnh có phòng sinh.
    5. Tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan đến quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
    Điều 3. Giải thích từ ngữ
    Trong quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (sau đây gọi tắt là Hệ thống): là Hệ thống thông tin để phục vụ công tác quản lý của Bộ Y tế về hoạt động tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống bao gồm các phân hệ chính: quản lý danh mục; quản lý tài khoản; quản lý đối tượng; quản lý lịch tiêm; quản lý các bước tiêm chủng; quản lý vật tư, vắc xin; quản lý thống kê, báo cáo.
    2. Lịch sử tiêm chủng là thông tin liên quan đến các lần tiêm, uống vắc xin huyết thanh phòng bệnh đã được đối tượng tiêm chủng sử dụng và được ghi nhận trong Hệ thống.
    3. Thông tin tiêm chủng là thông tin cá nhân, lịch sử tiêm chủng và dinh dưỡng của đối tượng tiêm chủng.
    Điều 4. Nguyên tắc chung khi quản lý, sử dụng Hệ thống
    1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân, giao dịch điện tử, công nghệ thông tin và các quy định pháp luật có liên quan.
    2. Tài khoản được cung cấp cho tổ chức, cá nhân theo phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và phải tự bảo vệ thông tin tài khoản.
    3. Mỗi một đối tượng tiêm chủng chỉ có duy nhất một mã số trên hệ thống.
    4. Quản lý, sử dụng Hệ thống theo đúng mục đích, thẩm quyền; đảm bảo thực hiện đúng quy trình và tiến độ để không làm gián đoạn quá trình xử lý và luân chuyển thông tin của Hệ thống.
    5. Đảm bảo tính chính xác, trung thực, đầy đủ các thông tin.
    6. Thông tin, dữ liệu dạng ký tự dùng trong Hệ thống sử dụng bộ mã theo tiêu chuẩn TCVN 6909-2001 (Unicode).
     
    Chương II
    QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG
     
    Điều 5. Địa chỉ truy cập Hệ thống
    Hệ thống được truy cập tại địa chỉ: http://tiemchung.gov.vn.
    Điều 6. Quản lý tài khoản
    1. Tạo lập, cấp và thu hồi tài khoản:
    a) Cục Y tế dự phòng tạo lập, cung cấp, thu hồi tài khoản cho các đơn vị tại Khoản 1 Điều 2 của Quy chế này và Sở Y tế (hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nếu có văn bản ủy quyền của Sở Y tế) theo quy chuẩn sau:
    - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: có 02 tài khoản, gồm:
    + Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương - Dự án Tiêm chủng mở rộng => Tên đăng nhập: vien_vsdttw.
    + Ban quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc => Tên đăng nhập: kv_mienbac.
    - Các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur khu vực - Ban quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực: có 01 tài khoản, gồm: kv_tên khu vực (Ví dụ: Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên => Tên đăng nhập: kv_taynguyen).
    - Tuyến tỉnh: có 02 tài khoản, gồm:
    + Sở Y tế: syt_tên tỉnh/thành phố (Ví dụ: Sở Y tế thành phố Hà Nội => Tên đăng nhập: syt_hanoi).
    + Trung tâm Y tế dự phòng: tên tỉnh/thành phố (Ví dụ: Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội => Tên đăng nhập: hanoi).
    b) Sở Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (được ủy quyền của Sở Y tế bằng văn bản) có trách nhiệm quy định và thực hiện việc cung cấp, thu hồi tài khoản cho các đơn vị trên địa bàn tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 2 của Quy chế này (trừ các đơn vị tuyến tỉnh đã được cấp tại điểm a, Khoản 1, Điều 6) theo quy chuẩn sau:
    - Tuyến huyện: có 01 tài khoản:
    Trung tâm Y tế: tên tỉnh/thành phố viết tắt_tên quận/huyện (Ví dụ: Trung tâm Y tế quận Đống Đa, thành phố Hà Nội => Tên đăng nhập: hn_dongda).
    - Tuyến xã: có 01 tài khoản, gồm:
    Tên tỉnh/thành phố viết tắt_tên quận/huyện viết tắt_tên xã/phường.
    Ví dụ: Trạm Y tế phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội => Tên đăng nhập hn_hd_quangtrung.
    - Cơ sở khám, chữa bệnh có phòng sinh: Tên tỉnh/thành phố viết tắt_bv_tên đơn vị.
    Ví dụ: Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội => Tên đăng nhập: hn_bv_dakhoahoaiduc.
    - Các cơ sở y tế được thực hiện tiêm chủng dịch vụ: Tên tỉnh/thành phố viết tắt_dv_tên đơn vị.
    Ví dụ: Phòng tiêm dịch vụ Bệnh viện đa khoa Tràng An, thành phố Hà Nội => Tên đăng nhập: hn_dv_bvdktrangan.
    c) Một số trường hợp đặc biệt tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 của Quy chế này (tên huyện, tên thị xã trùng nhau....), tài khoản của đơn vị sẽ do Sở Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (được ủy quyền của Sở Y tế) cung cấp.
    2. Mật khẩu ban đầu được cung cấp bởi các đơn vị phân cấp tại khoản 1, Điều 6 Quy chế này.
    3. Quản lý tài khoản:
    a) Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận, phân cấp, quản lý tài khoản và bàn giao tài khoản bằng văn bản cho cá nhân có trách nhiệm của đơn vị quản lý, sử dụng.
    b) Tổ chức, cá nhân sau khi nhận tài khoản, có trách nhiệm đổi mật khẩu ban đầu ngay sau khi được cung cấp và có trách nhiệm quản lý mật khẩu mới.
    c) Trường hợp mất mật khẩu, thay đổi thông tin tài khoản, thông tin đơn vị cần gửi văn bản cho đơn vị cung cấp tài khoản theo phân cấp tại khoản 1, Điều 6, Quy chế này.
    d) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không sử dụng tài khoản (trong vòng 06 tháng liên tiếp không truy cập vào Hệ thống), đơn vị cấp tài khoản có trách nhiệm khóa tài khoản của tổ chức, cá nhân đó.
    Điều 7. Quản lý đối tượng trên Hệ thống
    1. Tạo mới đối tượng:
    Đối tượng tiêm chủng phải được thu thập đầy đủ thông tin tiêm chủng, đảm bảo không trùng lặp đối tượng trước khi đăng ký vào Hệ thống.
    2. Cập nhật thông tin đối tượng:
    a) Thông tin cá nhân và lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào Hệ thống.
    b) Khi thực hiện các bước tiêm chủng, đơn vị thực hiện tiêm chủng phải nhập thông tin mới của đối tượng tiêm chủng ngay trong buổi tiêm. Đối với các điểm tiêm chủng ngoài trạm tại miền núi, vùng sâu, vùng xa không có máy tính và Internet, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc buổi tiêm phải thực hiện nhập thông tin của đối tượng tiêm chủng vào Hệ thống.
    c) Đối với các thông tin về phản ứng sau tiêm chủng, phải được cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác sau khi phát hiện.
    3. Rà soát các đối tượng:
    Cơ sở tiêm chủng phải thực hiện rà soát hàng tuần để đảm bảo không trùng lặp đối tượng.
    4. Xóa đối tượng:
    a) Không được xóa đối tượng đã có lịch sử tiêm chủng, trừ trường hợp đối tượng trùng lặp trên Hệ thống. Đối tượng tiêm chủng được giữ lại trên Hệ thống phải được giữ lại lịch sử tiêm chủng và cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin của đối tượng tiêm chủng. Mã số đối tượng đã giữ lại trên Hệ thống phải được cung cấp cho đối tượng tiêm chủng.
    b) Việc xóa đối tượng sẽ được Hệ thống tự động sao lưu dữ liệu và được gửi thông tin đối tượng đã xóa tới đơn vị đang đồng thời quản lý trên Hệ thống.
    c) Chỉ có Trạm Y tế xã trực tiếp quản lý mới có quyền xóa đối tượng.
    - Trường hợp trùng lặp từ 02 đối tượng trở lên trong cùng địa bàn xã, Trạm Y tế xã có trách nhiệm rà soát, xác định chính xác thông tin đối tượng và thực hiện việc xóa đối tượng theo nội dung tại điểm a, Khoản 4, Điều 7 của Quy chế này, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.
    - Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 xã trở lên đang quản lý, trong cùng địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện có trách nhiệm rà soát, xác định chính xác thông tin đối tượng và chỉ đạo Trạm Y tế xã trực tiếp quản lý thực hiện việc xóa đối tượng và thực hiện đầy đủ các nội dung tại điểm a, Khoản 4, Điều 7 của Quy chế này, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.
    - Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 xã trở lên, khác địa bàn huyện đang quản lý, trong cùng địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện rà soát, xác định chính xác thông tin đối tượng để Trạm Y tế xã trực tiếp quản lý thực hiện việc xóa đối tượng và thực hiện đầy đủ các nội dung tại điểm a, Khoản 4, Điều 7 của Quy chế này, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.
    - Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 tỉnh trở lên thuộc cùng 01 khu vực Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực (Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực) hiện đang quản lý, có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị giải quyết, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.
    - Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 tỉnh trở lên thuộc các khu vực khác nhau, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Dự án Tiêm chủng mở rộng) có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực và các đơn vị liên quan giải quyết, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.
    5. Đối với các đối tượng tử vong hoặc không sinh sống tại Việt Nam trong 06 tháng, Trạm Y tế xã có trách nhiệm cập nhật trạng thái tạm ngừng gọi tiêm trên Hệ thống trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được thông tin.
    6. Trong trường hợp có sự cố về Hệ thống phải thông báo ngay cho tổng đài của đơn vị xây dựng Hệ thống để kịp thời hỗ trợ, giải quyết. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi khắc phục xong sự cố, đơn vị thực hiện tiêm chủng phải thực hiện cập nhập đầy đủ, chính xác thông tin đối tượng đã tiêm chủng vào Hệ thống.
     
    Chương III
    TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HỆ THỐNG
     
    Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
    1. Đầu mối quản lý về mã nguồn, cơ sở dữ liệu của Hệ thống.
    2. Thường xuyên truy cập Hệ thống để nắm tình hình trên phạm vi cả nước.
    3. Tạo lập, cung cấp, thu hồi tài khoản của Hệ thống cho các đơn vị theo Điều 6 của Quy chế này.
    4. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    5. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc triển khai, áp dụng Hệ thống. Đầu mối tiếp nhận thông tin về hoạt động triển khai Hệ thống từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.
    6. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai Hệ thống trên phạm vi toàn quốc.
    Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế
    1. Phối hợp với Cục Y tế dự phòng đưa ra giải pháp kỹ thuật, tiêu chuẩn về kết nối, bảo mật, an ninh, an toàn để hoàn thiện Hệ thống.
    2. Phối hợp với Cục Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai Hệ thống.
    Điều 10. Trách nhiệm, quyền hạn của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế
    Cung cấp danh mục vắc xin mới, huyết thanh phòng bệnh mới trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi vắc xin được cấp phép lưu hành tại Việt Nam cho Cục Y tế dự phòng để cập nhật vào Hệ thống.
    Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
    1. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh có phòng sinh hoặc các cơ sở y tế được thực hiện tiêm chủng tham gia tập huấn, triển khai áp dụng Hệ thống.
    2. Phối hợp với Vụ Sức khỏe bà mẹ - Trẻ em chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh có liên quan thực hiện nhập đối tượng và thông tin của đối tượng tiêm chủng.
    3. Kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh có liên quan trong việc triển khai áp dụng Hệ thống.
    Điều 12. Trách nhiệm, quyền hạn của Vụ Sức khỏe bà mẹ - Trẻ em, BY tế
    1. Phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản có thực hiện tiêm chủng tham gia tập huấn, triển khai áp dụng Hệ thống.
    2. Chỉ đạo cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản có liên quan thực hiện nhập đối tượng và thông tin của đối tượng tiêm chủng.
    3. Kiểm tra, giám sát các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản có liên quan trong việc triển khai áp dụng Hệ thống.
    Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế
    1. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    2. Chỉ đạo Dự án tiêm chủng mở rộng:
    a) Cập nhật, cung cấp lịch tiêm chủng để đưa vào Hệ thống.
    b) Nhập, xuất, quản lý vắc xin, vật tư trong chương trình tiêm chủng mở rộng lên Hệ thống.
    c) Đầu mối giải quyết việc trùng lặp đối tượng từ 02 tỉnh trở lên thuộc các khu vực khác nhau, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống theo Điều 7 của Quy chế này.
    d) Phối hợp với Cục Y tế dự phòng để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong việc đào tạo, triển khai áp dụng và duy trì Hệ thống tại các tỉnh, thành phố.
    e) Thường xuyên truy cập Hệ thống để nắm tình hình triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước và chỉ đạo Ban quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
    3. Chỉ đạo Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc:
    a) Thường xuyên truy cập Hệ thống để nắm tình hình triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công.
    b) Nhập, xuất, quản lý và tổ chức kiểm kê số liệu về vắc xin, vật tư trong chương trình tiêm chủng mở rộng lên Hệ thống theo địa bàn được phân công.
    c) Đầu mối giải quyết việc trùng lặp đối tượng từ 02 tỉnh trở lên thuộc khu vực quản lý, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống theo Điều 7 của Quy chế này.
    4. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn và triển khai áp dụng Hệ thống; tiếp nhận thông tin về hoạt động triển khai Hệ thống của các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc.
    5. Tổ chức, áp dụng triển khai sử dụng Hệ thống tại các đơn vị trực thuộc Viện có thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn của Sở Y tế tỉnh/thành phố nơi đơn vị đặt trụ sở.
    6. Tham mưu, đề xuất cho Cục Y tế dự phòng về các chỉ số, nội dung báo cáo, các biểu mẫu cần quản lý và phối hợp hoàn thiện, triển khai áp dụng Hệ thống.
    7. Phối hợp với Cục Y tế dự phòng để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong việc đào tạo, triển khai áp dụng và duy trì Hệ thống tại các tỉnh, thành phố theo địa bàn được phân công.
    8. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Hệ thống và báo cáo kết quả bằng văn bản cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
    Điều 14. Trách nhiệm, quyền hạn của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực, Bộ Y tế
    1. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    2. Chỉ đạo Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực:
    a) Thường xuyên truy cập Hệ thống để nắm tình hình triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công.
    b) Nhập, xuất, quản lý và tổ chức kiểm kê số liệu về vắc xin, vật tư trong chương trình tiêm chủng mở rộng lên Hệ thống theo địa bàn được phân công.
    c) Đầu mối giải quyết việc trùng lặp đối tượng từ 02 tỉnh trở lên thuộc khu vực quản lý, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống theo Điều 7 của Quy chế này.
    3. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn và triển khai áp dụng Hệ thống; tiếp nhận thông tin về hoạt động triển khai Hệ thống của các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công.
    4. Tổ chức, áp dụng triển khai sử dụng Hệ thống tại các đơn vị trực thuộc Viện có thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn của Sở Y tế tỉnh/thành phố nơi đơn vị đặt trụ sở.
    5. Phối hợp với Cục Y tế dự phòng để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong việc đào tạo, triển khai áp dụng và duy trì Hệ thống tại các tỉnh, thành phố theo địa bàn được phân công.
    6. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Hệ thống và báo cáo kết quả bằng văn bản cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
    Điều 15. Trách nhiệm, quyền hạn của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế
    Cung cấp các chỉ số dinh dưỡng cần thiết cho Cục Y tế dự phòng để cập nhật lên Hệ thống.
    Điều 16. Trách nhiệm, quyền hạn của Sở Y tế các tỉnh, thành phố
    1. Tiếp nhận, triển khai và áp dụng Hệ thống trên địa bàn quản lý.
    2. Quản lý, cung cấp, thu hồi tài khoản của Hệ thống cho các đơn vị theo Điều 6 của Quy chế này.
    3 Thường xuyên truy cập Hệ thống để nắm tình hình và chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện Hệ thống.
    4. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    5. Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở tiêm chủng trên địa bàn bố trí cán bộ và máy in máy tính có kết nối Internet hoạt động ổn định 24/24 giờ, đảm bảo thực hiện nhập dữ liệu trực tiếp lên hệ thống trong buổi tiêm chủng.
    6. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thực hiện tổng hợp, rà soát, nhập liệu toàn bộ thông tin đối tượng tiêm chủng.
    7. Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn liên tục nhập, cập nhật, bổ sung dữ liệu đối tượng tiêm, áp dụng Hệ thống trong quá trình tiêm, bảo đảm việc ứng dụng Hệ thống phù hợp với điều kiện thực tế.
    8. Tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ, đánh giá kết quả triển khai áp dụng Hệ thống tại địa bàn, kịp thời báo cáo bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực những khó khăn, vướng mắc vấn đề phát sinh để xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
    Điều 17. Trách nhiệm, quyền hạn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
    1. Tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, triển khai, áp dụng Hệ thống tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn.
    2. Quản lý, cung cấp, thu hồi tài khoản theo phân cấp tại Điều 6 của Quy chế này.
    3. Thường xuyên truy cập Hệ thống để nắm tình hình trên địa bàn.
    4. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    5. Đầu mối thu thập, rà soát, tổng hợp danh mục thôn, ấp thuộc địa bàn tỉnh thành phố gửi về Cục Y tế dự phòng và đơn vị xây dựng Hệ thống để cập nhật lên Hệ thống.
    6. Nhập, xuất, quản lý số liệu về vật tư vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trên Hệ thống.
    7. Đầu mối giải quyết việc trùng lặp đối tượng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống theo Điều 7 của Quy chế này.
    8. Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng hệ thống cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, thành phố. Xây dựng biểu mẫu giám sát, thống nhất giữa các đơn vị trên địa bàn.
    9. Đầu mối tiếp nhận thông tin, phản ảnh về hoạt động triển khai Hệ thống của các đơn vị đóng trên địa bàn.
    10. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hệ thống và báo cáo kết quả bằng văn bản cho Sở Y tế, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực.
    Điều 18. Trách nhiệm, quyền hạn của Trung tâm Y tế huyện
    1. Quản lý tài khoản theo phân cấp tại Điều 6 của Quy chế này.
    2. Thường xuyên truy cập Hệ thống để nắm tình hình triển khai thực hiện Hệ thống trên địa bàn.
    3. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    4. Đầu mối giải quyết việc trùng lặp đối tượng trên địa bàn quản lý, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống theo Điều 7 của Quy chế này.
    5. Nhập, xuất, quản lý số liệu về vật tư vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trên Hệ thống.
    6 Thường xuyên rà soát, chuẩn hóa số liệu tiêm chủng, đảm bảo số liệu được chuẩn hóa và chỉ đạo các Trạm Y tế xã thuộc địa bàn quản lý, cập nhật vào Hệ thống.
    7. Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng hệ thống cho cơ sở tiêm chủng trên địa bàn.
    8. Tham mưu cho Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện để chỉ đạo các đơn vị cơ sở tiêm chủng trên địa bàn triển khai áp dụng và duy trì Hệ thống.
    9. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai áp dụng, duy trì Hệ thống tại địa bàn và báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân quận, huyện.
    10. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Hệ thống và báo cáo kết quả bằng văn bản cho Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
    Điều 19. Trách nhiệm, quyền hạn của Trạm Y tế xã
    1. Áp dụng trực tiếp Hệ thống vào buổi tiêm chủng.
    2. Quản lý tài khoản theo phân cấp tại Điều 6 của Quy chế này.
    3. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    4. Cung cấp mã số cho đối tượng tiêm chủng ngay sau khi Hệ thống có mã số.
    5. Thường xuyên rà soát và chuẩn hóa số liệu trước khi đưa vào Hệ thống.
    6. Cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng tại cơ sở theo Điều 7 Quy chế này.
    7. Thực hiện việc xóa đối tượng theo Khoản 4, Điều 7 của Quy chế này.
    8. Cập nhật số liệu về vật tư, vắc xin trên Hệ thống.
    9. Thực hiện lập kế hoạch tiêm chủng trên Hệ thống cho các đối tượng tiêm chủng trên địa bàn quản lý thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trước buổi tiêm chủng.
    10. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
    Điều 20. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ sở khám, chữa bệnh có phòng sinh
    1. Áp dụng trực tiếp Hệ thống vào buổi tiêm chủng.
    2. Quản lý tài khoản theo phân cấp tại Điều 6 của Quy chế này.
    3. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    4. Cung cấp mã số cho đối tượng tiêm chủng ngay sau khi Hệ thống có mã số.
    5. Cập nhật ngay thông tin của trẻ mới sinh ra lên Hệ thống. Cập nhật đầy đủ chính xác, kịp thời thông tin tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng tại cơ sở theo Điều 7 Quy chế này.
    6. Thường xuyên rà soát và chuẩn hóa số liệu trước khi đưa vào Hệ thống.
    7. Cập nhật số liệu về vật tư, vắc xin trên Hệ thống.
    8. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
    Điều 21. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ
    1. Áp dụng trực tiếp Hệ thống vào buổi tiêm chủng.
    2. Quản lý tài khoản theo phân cấp tại Điều 6 của Quy chế này.
    3. Đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn số liệu do đơn vị quản lý.
    4. Cung cấp mã số cho đối tượng tiêm chủng ngay sau khi Hệ thống có mã
    5. Thường xuyên rà soát và chuẩn hóa số liệu trước khi đưa vào Hệ thống.
    6. Cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng tại cơ sở theo Điều 7 Quy chế này.
    7. Cập nhật số liệu về vật tư, vắc xin trên Hệ thống.
    8. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
     
    Chương IV
    TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
     
    Điều 22. Xử lý vi phạm
    1. Định kỳ hàng quý, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp tình hình quản lý sử dụng Hệ thống của các cá nhân/đơn vị liên quan báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế và gửi cấp có thẩm quyền để phối hợp giải quyết.
    2. Đơn vị hoặc cá nhân vi phạm Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
    Điều 23. Trách nhiệm thi hành
    1. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
    2. Thủ trưởng các đơn vị có tên tại Điều 2, Quy chế này có trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo và giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình thực hiện đúng và đầy đủ nội dung Quy chế này.
    Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để nghiên cứu, giải quyết./.

Văn bản liên quan

Văn bản mới