hieuluat

Quyết định 4361/QĐ-BYT ban hành Quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Y tếSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:4361/QĐ-BYTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Trần Chí Liêm
    Ngày ban hành:07/11/2007Hết hiệu lực:29/12/2017
    Áp dụng:07/11/2007Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe
  • BỘ Y TẾ
    --------

    Số: 4361/QĐ-BYT

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2007

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

    -------------------

    BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

     

    Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

    Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Sinh sản, Vụ trưởng Vụ Điều trị,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

     

    Điều 1

    Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”.

    Điều 2

    Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

    Điều 3.

     

     

    Các ông, bà: Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Sinh sản, Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

     

     

    Nơi nhận:
    - Như Điều 3;
    - Trang web Bộ Y tế;
    - Lưu: VT, ĐTr, AIDS, SKSS, PC.

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Trần Chí Liêm

     

     

     

     

     

     

    QUY TRÌNH

     

    CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 4361/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

     

     

    Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

     

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

     

    Quy trình này quy định các hoạt động liên quan đến chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phân tuyến kỹ thuật và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

     

     

     

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

     

    Quy trình này áp dụng đối với tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập có tham gia các hoạt động chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai và trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

    Điều 3. Giải thích từ ngữ

    1. Dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV, chăm sóc hỗ trợ cho mẹ và con sau khi sinh nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con của họ.

    2. Trẻ phơi nhiễm là trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV hoặc người mẹ có xét nghiệm sàng lọc HIV dương tính cho đến khi trẻ có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV hoặc không nhiễm HIV.

    Điều 4. Nguyên tắc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

    1. Tất cả phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế đều được khuyến khích xét nghiệm HIV, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

    2. Trẻ phơi nhiễm được điều trị dự phòng theo quy định, được giới thiệu đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS gần nhất để theo dõi tình trạng nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị;

    3. Các hoạt động chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phải tuân thủ theo các quy định về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

    4. Các hoạt động chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép với các hoạt động của chương trình phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dinh dưỡng, chẩn đoán và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục v.v…

     

     

     

     

    Chương II. 

     

    QUY TRÌNH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

     

     

    Điều 5. Các can thiệp trong thời gian mang thai

    1. Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng HIV

    a) Tư vấn trước xét nghiệm

    Tư vấn nhóm: áp dụng khi có nhiều phụ nữ đến khám thai

    Tư vấn cá nhân: áp dụng khi có ít phụ nữ đến khám thai, cho những phụ nữ mang thai sau khi tư vấn nhóm còn có nhu cầu tư vấn riêng hoặc chưa biết tình trạng HIV trong khi chuyển dạ. Tư vấn khi chuyển dạ nên được tiến hành ngắn gọn.

    Tư vấn trước xét nghiệm phải cung cấp đầy đủ các thông tin về HIV, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, lợi ích của xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng nếu mẹ nhiễm; đề nghị tự nguyện xét nghiệm HIV và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (giang mai, héc pét sinh dục v.v...) cùng với các xét nghiệm thường quy khác trong khám thai.

    b) Xét nghiệm sàng lọc HIV theo một trong hai hình thức ghi tên hoặc giấu tên tuỳ theo lựa chọn của người phụ nữ.

    c) Tiến hành xét nghiệm khẳng định HIV cho người có kết quả sàng lọc HIV (+) tại các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép.

    d) Tư vấn sau xét nghiệm cho tất cả phụ nữ khi trả kết quả xét nghiệm, kể cả HIV âm tính, dương tính hoặc chưa xác định theo các quy định hiện hành. Đối với những phụ nữ có kết quả xét nghiệm HIV (+) cần tập trung tư vấn các vấn đề sau:

    - Tư vấn hỗ trợ tâm lý;

    - Thảo luận cách xử trí với thai nghén, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và các can thiệp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, phương pháp và kế hoạch chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng trẻ;

    - Giới thiệu đến các nhóm và các cơ sở hỗ trợ xã hội;

    - Thảo luận, khuyến khích thông báo kết quả xét nghiệm cho chồng, tư vấn xét nghiệm HIV cho chồng;

    - Việc thông báo kết quả xét nghiệm cho các đối tượng khác ngoài bản thân người phụ nữ phải tuân theo các quy định hiện hành;

    2. Đánh giá và xử trí tình trạng thai nghén

    a) Xác định tuổi thai và đánh giá tình trạng thai nghén theo quy định;

    b) Trường hợp người phụ nữ HIV (+) mong muốn phá thai thì cung cấp dịch vụ phá thai phù hợp với tuổi thai theo các quy định hiện hành;

    c) Trường hợp người phụ nữ lựa chọn sinh con thì tiến hành các bước quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9 của Quy trình này.

    d) Giới thiệu đến các dịch vụ chuyên ngành liên quan (lao, da liễu v.v...) để phối hợp hội chẩn, chăm sóc và điều trị nếu có chỉ định.

    Điều 6. Can thiệp bằng thuốc kháng HIV

    1. Phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng HIV được phát hiện có thai:

    a) Hội chẩn giữa cơ sở sản khoa với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để điều chỉnh (thay đổi hoặc tạm ngừng) phác đồ nếu cần, tư vấn sử dụng thuốc trong ba tháng đầu của thời kỳ mang thai;

    b) Theo dõi điều trị bằng thuốc kháng HIV tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

    c) Quản lý thai tại cơ sở sản khoa;

    2. Phụ nữ được phát hiện nhiễm HIV khi mang thai:

    a) Giới thiệu đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để đánh giá và theo dõi về lâm sàng, xét nghiệm, tiêu chuẩn điều trị thuốc kháng HIV; giới thiệu đến các nhóm và các cơ sở hỗ trợ xã hội;

    b) Nếu phụ nữ mang thai đủ tiêu chuẩn điều trị thuốc kháng HIV thì thực hiện quy trình điều trị thuốc kháng HIV tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đồng thời tiếp tục theo dõi, quản lý thai tại cơ sở sản khoa;

    c) Nếu phụ nữ mang thai chưa đủ tiêu chuẩn hoặc chưa thể tiến hành điều trị thuốc kháng HIV thì điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng phác đồ phù hợp với tuổi thai tại thời điểm phát hiện nhiễm HIV theo ‘‘Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS’’. Hàng tuần, tiến hành cấp phát thuốc cùng với tư vấn và đánh giá tuân thủ điều trị cho đến khi sinh con.

    Điều 7. Chăm sóc trong khi chuyển dạ, sinh đẻ

    1. Tiếp nhận, phân loại tình trạng nhiễm HIV và sử dụng thuốc kháng HIV:

    a) Phụ nữ đang điều trị bằng thuốc kháng HIV: Tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng HIV trong khi chuyển dạ, sinh đẻ và sau sinh theo chỉ định của bác sĩ điều trị HIV/AIDS trước đó;

    b) Phụ nữ đang điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi mang thai: Tiếp tục phác đồ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV trong thời gian chuyển dạ theo quy định hiện hành;

    c) Phụ nữ chưa được xét nghiệm HIV:

    - Tư vấn ngắn gọn trước xét nghiệm;

    - Xét nghiệm sàng lọc HIV, nếu kết quả sàng lọc dương tính thì tư vấn sử dụng phác đồ nevirapine liều duy nhất, đồng thời tư vấn giải thích ý nghĩa của kết quả sàng lọc;

    - Xét nghiệm khẳng định sớm. Tư vấn sau xét nghiệm cho tất cả phụ nữ khi trả kết quả xét nghiệm khẳng định, kể cả HIV âm tính, dương tính theo các quy định hiện hành. Giới thiệu người phụ nữ sau sinh đến cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để đánh giá giai đoạn lâm sàng nếu kết quả khẳng định dương tính.

    2. Các can thiệp sản khoa:

    a) Các can thiệp sản khoa đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung như đối với phụ nữ mang thai không nhiễm HIV để đảm bảo một cuộc chuyển dạ và sinh con an toàn;

    b) Nhân viên y tế cần tuân thủ các nguyên tắc dự phòng phổ cập, chống nhiễm khuẩn;

    c) Hạn chế tối đa các thủ thuật có thể gây tổn thương đường sinh sản người mẹ hoặc tổn thương cho con như cắt tầng sinh môn, giác hút, phooc xép; đặt điện cực vào đầu thai nhi; hạn chế việc bấm ối sớm và hạn chế thăm khám âm đạo.

    Điều 8. Các can thiệp ngay sau sinh

    1. Chăm sóc trẻ:

    a) Hút sạch dịch đường mũi, hầu họng ngay sau sinh bằng các loại ống thông mềm, thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương;

    b) lau khô chất dịch của mẹ trên người trẻ bằng khăn mềm, tránh xây xước;

    c) Cho trẻ uống thuốc kháng HIV theo phác đồ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ngừng thuốc nếu mẹ có kết quả khẳng định âm tính.

    2. Tư vấn cho mẹ:

    a) Tư vấn hỗ trợ tâm lý;

    b) Tư vấn về dinh dưỡng và chăm sóc cá nhân;

    c) Tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục;

    d) Tư vấn hỗ trợ sự lựa chọn của người mẹ về cách nuôi dưỡng an toàn và chăm sóc trẻ:

    - Lợi ích về dinh dưỡng và miễn dịch cũng như nguy cơ lây truyền HIV của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nguy cơ và lợi ích của việc dùng thức ăn thay thế;

    - Nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế thì hướng dẫn nuôi con hoàn toàn bằng thức ăn thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh (hướng dẫn cách pha sữa, vệ sinh dụng cụ v.v…);

    - Nếu người mẹ quyết định cho con bú thì hướng dẫn cách cho bú và vệ sinh bầu vú, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và ngừng càng sớm càng tốt, muộn nhất là khi trẻ được 6 tháng tuổi. Khi ngừng nuôi con bằng sữa mẹ cần chuyển ngay sang sử dụng thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ.

    - Không nuôi con kết hợp sữa mẹ với bất cứ loại thức ăn thay thế hoặc bổ sung nào khác;

    đ) Tư vấn, hướng dẫn cho trẻ tiếp tục uống thuốc kháng HIV sau khi xuất viện;

    e) Tư vấn về sự cần thiết của tiêm chủng, điều trị dự phòng, nhu cầu theo dõi tăng trưởng của trẻ và xét nghiệm HIV cho trẻ.

    Điều 9. Chuyển tuyến, chuyển tiếp sau sinh

    1. Phụ nữ nhiễm HIV:

    a) Giới thiệu đến cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để:

    - Theo dõi quản lý sức khỏe lâu dài nếu chưa điều trị thuốc kháng HIV;

    - Theo dõi và tiếp tục điều trị nếu đang điều trị thuốc kháng HIV;

    b) Giới thiệu và cung cấp địa chỉ các cơ sở hỗ trợ tâm lý, kinh tế dành cho người nhiễm HIV, các nhóm hỗ trợ xã hội khác.

    c) Giới thiệu đến các dịch vụ chuyên ngành liên quan để phối hợp điều trị và chăm sóc tiếp tục nếu có chỉ định.

    d) Giới thiệu đến các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nguồn cung cấp biện pháp tránh thai, bao cao su v.v…

    2. Trẻ phơi nhiễm:

    Giới thiệu trẻ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nhi khoa để:

    a) Điều trị dự phòng cotrimoxazole cho trẻ từ 6 tuần tuổi;

    b) Tiếp tục hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ an toàn, chăm sóc trẻ, đồng thời định kỳ theo dõi tăng trưởng;

    c) Xác định sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ:

    - Tổ chức tiến hành xét nghiệm phát hiện kháng nguyên sớm nếu có điều kiện;

    - Xét nghiệm phát hiện kháng thể khi trẻ được 18 tháng tuổi;

    d) Tiêm chủng, theo dõi đánh giá tình trạng lâm sàng và miễn dịch cho trẻ, điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị thuốc kháng HIV khi có chỉ định;

    đ) Giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

     

     

     

     

    Chương III. 

     

    PHÂN TUYẾN KỸ THUẬT

     

     

    Điều 10. Tuyến trung ­ương và khu vực:

    1. Cơ quan thực hiện:

    Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương; khoa Sản, khoa Nhi thuộc các Bệnh viện đa khoa trung ương thuộc Bộ Y tế.

    2. Nhiệm vụ:

    a) Cơ sở sản khoa:

    - Thực hiện các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được quy định tại Chương II, Điều 6, 7, 8, 9;

    - Hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ phơi nhiễm bằng thức ăn thay thế sữa mẹ trong 06 tuần đầu nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế;

    - Phối hợp các chuyên khoa và tiếp nhận các bệnh nhân nặng, chẩn đoán phức tạp về sản khoa từ tuyến dư­ới chuyển lên và chuyển bệnh nhân về tuyến dưới sau khi đã ổn định;

    - Chuyển phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang được quản lý thai đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS hoặc mời hội chẩn khi có chỉ định. Chuyển người mẹ sau sinh và trẻ phơi nhiễm đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS phù hợp và giới thiệu đến các dịch vụ hỗ trợ khác;

    - Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và chỉ đạo tuyến dưới tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

    - Báo cáo, quản lý điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo quy định.

    b) Cơ sở nhi khoa:

    - Chăm sóc và quản lý trẻ phơi nhiễm theo các nội dung được quy định tại Chương II, Điều 9;

    - Tư vấn nuôi dưỡng trẻ, tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ nuôi dưỡng bằng thức ăn thay thế từ tuần thứ 07 đến hết tháng thứ sáu nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế;

    - Phối hợp các chuyên khoa và tiếp nhận các bệnh nhân nặng, chẩn đoán phức tạp từ tuyến dưới chuyển lên và chuyển bệnh nhân về tuyến dưới sau khi đã ổn định;

    - Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và chỉ đạo tuyến dưới tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn theo dõi và chăm sóc trẻ phơi nhiễm;

    - Báo cáo, quản lý theo dõi và chăm sóc trẻ phơi nhiễm theo quy định.

    Điều 11. Tuyến tỉnh:

    1. Cơ quan thực hiện:

    Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, bệnh viện chuyên khoa nhi; khoa Phụ sản, khoa Nhi thuộc các Bệnh viện đa khoa tỉnh; khoa Phụ sản, khoa Nhi thuộc các bệnh viện ngành; Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.

    2. Nhiệm vụ:

    a) Cơ sở sản khoa:

    - Thực hiện các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được quy định tại Chương II, Điều 6, 7, 8, 9;

    - Hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ phơi nhiễm bằng thức ăn thay thế sữa mẹ trong 06 tuần đầu nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế;

    - Phối hợp các chuyên khoa và tiếp nhận các bệnh nhân nặng, chẩn đoán phức tạp về sản khoa từ tuyến dư­ới chuyển lên và chuyển bệnh nhân về tuyến dưới sau khi đã ổn định;

    - Chuyển phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang được quản lý thai đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS hoặc mời hội chẩn khi có chỉ định. Chuyển người mẹ sau đẻ và trẻ phơi nhiễm đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS phù hợp và giới thiệu đến các dịch vụ hỗ trợ khác;

    - Phối hợp với các cơ sở tuyến tỉnh trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, tập huấn, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường;

    - Báo cáo, quản lý điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo quy định.

    b) Cơ sở nhi khoa:

    - Chăm sóc và quản lý trẻ phơi nhiễm theo các nội dung được quy định tại Chương II, Điều 9;

    - Tư vấn nuôi dưỡng trẻ, tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ nuôi dưỡng bằng thức ăn thay thế từ tuần thứ 07 đến hết tháng thứ sáu nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế;

    - Phối hợp các chuyên khoa và tiếp nhận các bệnh nhân nặng, chẩn đoán phức tạp từ tuyến dưới chuyển lên và chuyển bệnh nhân về tuyến dưới sau khi đã ổn định;

    - Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tập huấn, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong chăm sóc trẻ phơi nhiễm cho tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường;

    - Báo cáo, quản lý theo dõi và chăm sóc trẻ phơi nhiễm theo quy định.

    c) Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản:

    - Tư vấn về HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV;

    - Tư vấn lựa chọn các biện pháp tránh thai, cung cấp các dịch vụ tránh thai, bao cao su;

    - Giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến cơ sở sản khoa để được theo dõi, chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

    - Phối hợp với các cơ sở tuyến tỉnh trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường;

    d) Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS:

    - Tư vấn về HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm HIV cho mọi đối tượng có nhu cầu

    - Giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến cơ sở sản khoa để được theo dõi, chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

    - Điều phối chung, tổ chức thực hiện và hỗ trợ quy trình chuyển tiếp giữa các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, trẻ phơi nhiễm, trẻ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các dịch vụ khác có liên quan;

    - Phối hợp với các cơ sở tuyến tỉnh trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường.

    Điều 12. Tuyến huyện:

    Là tuyến trọng điểm thực hiện các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

    1. Cơ quan thực hiện: Trung tâm Y tế dự phòng huyện, bệnh viện huyện.

    2. Nhiệm vụ:

    a) Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

    - Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng trong các hoạt động tuyên truyền về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

    - Chỉ đạo tuyến xã, phường trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho phụ nữ mang thai và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ phơi nhiễm;

    - Tổ chức và đảm bảo chất lượng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại các trạm y tế xã, phường;

    - Giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

    - Phối hợp với bệnh viện huyện tư vấn nuôi dưỡng trẻ, hướng dẫn và hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ bằng thức ăn thay thế đến hết tháng thứ sáu nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế, tổ chức xét nghiệm khẳng định tình trạng HIV cho trẻ phơi nhiễm;

    - Hỗ trợ chăm sóc người nhiễm HIV và trẻ phơi nhiễm tại cộng đồng;

    - Báo cáo, quản lý điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo quy định.

    b) Bệnh viện huyện:

    - Tại các quận, huyện triển khai quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

    + Thực hiện các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được quy định tại Chương II, Điều 6, 7, 8, 9;

    + Phối hợp, chuyển bệnh nhân khám và điều trị lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS v.v... cũng như giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, xã hội và kinh tế khác cho bệnh nhân, tiếp nhận các bệnh nhân đã điều trị ổn định từ tuyến tỉnh chuyển về và chuyển lên tuyến tỉnh các trường hợp nặng, chẩn đoán phức tạp;

    + Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện tư vấn nuôi dưỡng trẻ, hướng dẫn và hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ bằng thức ăn thay thế đến hết tháng thứ sáu nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế;

    + Báo cáo, quản lý điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo quy định.

    - Tại các quận, huyện chưa triển khai toàn bộ quy trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Cơ sở sản khoa có trách nhiệm giới thiệu phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm HIV đến các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời khám và quản lý thai cho tất cả phụ nữ mang thai, kể cả những người HIV dương tính, âm tính hoặc chưa xét nghiệm theo quy định hiện hành.

    Điều 13. Tuyến xã, ph­ường : Trạm y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm:

    - Cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho phụ nữ mang thai, giới thiệu các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có;

    - Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai;

    - Giới thiệu phụ nữ mang thai có nguy cơ hoặc nghi ngờ nhiễm HIV đến cơ sở sản khoa tuyến huyện, tuyến tỉnh có triển khai các hoạt động chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

    - Tiến hành chăm sóc sau sinh, cung cấp biện pháp kế hoạch hoá gia đình cho phụ nữ nhiễm HIV và theo dõi tăng trưởng cho trẻ phơi nhiễm như mọi đối tượng khác;

    - Theo dõi, giám sát điều trị dự phòng bằng cotrimoxazole, điều trị triệu chứng và chuyển tuyến trên khi nghi ngờ bệnh nhân mắc các nhiễm trùng cơ hội;

    - Phối hợp hỗ trợ, theo dõi tuân thủ điều trị cho bà mẹ nhiễm HIV và trẻ sau sinh;

    - Phối hợp với các tổ chức xã hội, các ban ngành, nhóm hỗ trợ đồng đẳng trong công tác chăm sóc và hỗ trợ bà mẹ nhiễm HIV và trẻ phơi nhiễm tại cộng đồng;

    - Báo cáo, quản lý điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo quy định.

     

     

     

     

    Chương IV. 

     

    TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY TRÌNH

     

     

    Điều 14. Cơ quan điều phối

    1. Tuyến trung ương: Vụ Sức khoẻ sinh sản phối hợp với các Vụ, Cục, Viện liên quan điều phối các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

    2. Tuyến khu vực: Ban điều hành phòng chống HIV/AIDS khu vực chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật trong phạm vi quản lý và hỗ trợ, chỉ đạo tuyến theo quy chế hoạt động hiện hành.

    3. Tuyến tỉnh: Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (hoặc Trung tâm Y tế dự phòng ở các tỉnh chưa thành lập Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS) và các cơ quan liên quan lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và theo dõi giám sát, đánh giá hoạt động trên địa bàn tỉnh.

    4. Tuyến huyện: Trung tâm Y tế dự phòng huyện là đầu mối tổ chức triển khai, theo dõi và giám sát các hoạt động của quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn huyện.

    Điều 15. Tổ chức triển khai quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

    1. Củng cố mạng lưới triển khai hoạt động chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

    - Các cơ sở chăm sóc sức khoẻ sinh sản, cơ sở hoạt động phòng chống HIV/AIDS, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên có trách nhiệm phối hợp tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

    - Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành lựa chọn các cơ sở đủ điều kiện để triển khai quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và từng bước mở rộng hoạt động chương trình. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, Sở Y tế có trách nhiệm chỉ định:

    + Các bệnh viện tham gia thực hiện quy trình và cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

    + Các cơ sở y tế thực hiện việc hỗ trợ sử dụng thức ăn thay thế sữa mẹ phù hợp và theo dõi trẻ phơi nhiễm.

    2. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình: Vụ Sức khoẻ sinh sản, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Tiểu ban Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phối hợp với các Ban Điều hành phòng chống HIV/AIDS khu vực và Sở Y tế các tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện quy trình theo quy định.

    3. Chỉ đạo thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuât trong quá trình triển khai thực hiện quy trình: Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Vụ Sức khoẻ sinh sản, Tiểu ban Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phối hợp với các Ban Điều hành phòng chống HIV/AIDS khu vực và Sở Y tế các tỉnh.

    Điều 16. Chế độ báo cáo và quản lý số liệu

    1. Báo cáo chuyên môn định kỳ:

    a) Thời gian báo cáo: Thực hiện theo các quy định tại Quyết định 26/2006/QĐ-BYT ngày 06/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

    b) Trình tự báo cáo:

    - Các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tuyến huyện và tuyến xã gửi báo cáo cho Trung tâm Y tế dự phòng huyện chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ;

    - Các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng huyện gửi báo cáo tổng hợp thuộc địa bàn quản lý cho Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ở các tỉnh chưa thành lập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ;

    - Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh gửi báo cáo về Ban điều hành phòng chống HIV/AIDS khu vực và Tiểu ban Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con - Bệnh viện Phụ sản trung ương chậm nhất sau 25 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ;

    - Ban điều hành phòng chống HIV/AIDS khu vực, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tuyến trung ương và khu vực gửi báo cáo về Vụ Sức khoẻ sinh sản, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam và Tiểu ban Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con - Bệnh viện Phụ sản trung ương chậm nhất sau 35 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ.

    2. Báo cáo đột xuất:

    Thực hiện theo các quy định tại Quyết định 26/2006/QĐ-BYT ngày 06/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Tải văn bản tiếng Việt

    Quyết định 4361/QĐ-BYT ban hành Quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X