hieuluat

Quyết định 56/2010/QĐ-TTg thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:568 & 569 - 9/2010
    Số hiệu:56/2010/QĐ-TTgNgày đăng công báo:28/09/2010
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Thiện Nhân
    Ngày ban hành:16/09/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/11/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe, Cơ cấu tổ chức
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------------
    Số: 56/2010/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    --------------------
    Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2010
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    VỀ VIỆC QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
    CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHỐNG DỊCH CÁC CẤP
    ------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Điều 46 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
     
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Thời gian và thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp
    1. Trong vòng 24 giờ, kể từ khi có công bố dịch của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp phải được thành lập.
    2. Thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp được quy định cụ thể như sau:
    a) Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;
    b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế;
    c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là cấp huyện) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch cấp huyện theo đề nghị của Trưởng Phòng Y tế cấp huyện;
    d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã theo đề nghị của Trạm trưởng Trạm Y tế xã.
    Điều 2. Tổ chức của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp
    1. Các thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
    2. Các Tiểu ban chống dịch được quy định cụ thể như sau:
    a) Cấp quốc gia và cấp tỉnh gồm các tiểu ban: Giám sát, Điều trị, Tuyên truyền và Hậu cần. Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định cụ thể thành phần, nhiệm vụ và hoạt động của các Tiểu ban chống dịch;
    b) Cấp huyện và cấp xã: Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định thành lập hoặc không thành lập các Tiểu ban chống dịch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
    3. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đặt tại cơ quan y tế cùng cấp và do người đứng đầu cơ quan y tế đó phụ trách.
    Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp
    1. Ban Chỉ đạo chống dịch làm việc theo chế độ tập thể.
    2. Các thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
    3. Thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp chịu trách nhiệm sử dụng bộ máy tổ chức của đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch và sử dụng con dấu do đơn vị mình quản lý.
    4. Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
    Điều 4. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp
    1. Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo quy định tại Điều 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54 và 55 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
    2. Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp có nhiệm vụ:
    a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chống dịch và chịu trách nhiệm trước chính quyền cùng cấp về toàn bộ các hoạt động chống dịch;
    b) Phê duyệt, tổ chức và thực hiện kế hoạch chống dịch, đề xuất việc áp dụng các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
    c) Phân công và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của các Phó Trưởng Ban và các thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch;
    d) Thành lập các đội chống dịch cơ động theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
    3. Các Phó Trưởng ban và các thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ: giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về các lĩnh vực và công việc được phân công.
    Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ và thành phần của các Tiểu ban chống dịch
    1. Các Tiểu ban chống dịch có chức năng tham mưu và giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo về giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, điều trị người mắc bệnh dịch, tuyên truyền phòng chống chống dịch và hậu cần chuẩn bị chống dịch.
    2. Nhiệm vụ và thành phần của các Tiểu ban chống dịch được quy định cụ thể như sau:
    a) Tiểu ban Giám sát có nhiệm vụ theo dõi diễn biến dịch để đề xuất và trực tiếp tổ chức thực hiện triển khai các biện pháp khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Trưởng Tiểu ban Giám sát là đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị chuyên ngành y tế dự phòng cùng cấp. Các thành viên tiểu ban gồm đại diện các cơ quan có liên quan đến hoạt động giám sát dịch bệnh do Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định theo đề xuất của Trưởng Tiểu ban Giám sát;
    b) Tiểu ban Điều trị có nhiệm vụ phân tuyến, thu dung, cách ly và điều trị người mắc bệnh dịch. Trưởng Tiểu ban Điều trị là đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách khám, chữa bệnh truyền nhiễm cùng cấp. Các thành viên tiểu ban gồm đại diện các cơ quan liên quan đến hoạt động điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm do Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định theo đề xuất của Trưởng Tiểu ban Điều trị;
    c) Tiểu ban Tuyên truyền có nhiệm vụ cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch và các biện pháp chống dịch. Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền là đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách truyền thông cùng cấp. Các thành viên tiểu ban gồm đại diện các cơ quan liên quan đến hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh do Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định theo đề xuất của Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền;
    d) Tiểu ban Hậu cần có nhiệm vụ phân bổ và quản lý việc sử dụng kinh phí chống dịch. Trưởng Tiểu ban Hậu cần là đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách tài chính cùng cấp. Các thành viên tiểu ban gồm đại diện các cơ quan liên quan đến hoạt động hậu cần phòng chống dịch bệnh do Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định theo đề xuất của Trưởng Tiểu ban Hậu cần.
    Điều 6. Chức năng và nhiệm vụ của Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo
    1. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là cơ quan tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Ban Chỉ đạo chống dịch và Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch.
    2. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm:
    a) Là đầu mối tổng hợp kế hoạch, báo cáo về phòng chống dịch;
    b) Giám sát thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch;
    c) Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối hoạt động của các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo và của Đội chống dịch cơ động.
    3. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chống dịch.
    Điều 7. Nhiệm vụ của Đội chống dịch cơ động
    1. Điều tra, xác định dịch bệnh, phân tích diễn biến và xu hướng phát triển dịch.
    2. Phát hiện, cấp cứu và điều trị tại chỗ người mắc bệnh dịch, chuyển người mắc bệnh dịch về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
    3. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại vùng có dịch về cách ly, vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch.
    Điều 8. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp
    Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan được giao nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp theo phân cấp nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
    Điều 9. Hiệu lực thi hành
    Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2010.
    Điều 10. Trách nhiệm thi hành
    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Thiện Nhân
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 21/11/2007 Hiệu lực: 01/07/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X