VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 331/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC
VỚI TRUNG ƯƠNG HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Ngày 19 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài chính và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, báo cáo tổng hợp ý kiến các bộ về kiến nghị của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ý kiến các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1. Trong thời gian qua, căn cứ quy định của pháp luật, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong tổ chức, hoạt động và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Các hoạt động nhân đạo ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả cao. Nhiều cuộc vận động, phong trào của Hội như: “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Dự án “ngân hàng bò”, các hoạt động khám chữa bệnh, hiến máu nhân đạo, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã trở thành phong trào rộng lớn, có tác dụng lan tỏa, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Hoạt động của Hội tiếp tục khẳng định, thể hiện và phát huy truyền thống văn hóa, tương thân tương ái, nhân văn rất tốt đẹp của dân tộc ta. Vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong xã hội và trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được nâng cao.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và các kết quả đạt được của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
2. Trong thời gian tới, đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động sáng tạo thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng theo các nguyên tắc tự nguyện, không vụ lợi, công khai, minh bạch; đúng mục đích, đối tượng; kịp thời và hiệu quả, góp phần cùng cả nước tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các công tác sau đây:
a) Tập trung đẩy mạnh các hoạt động chữ thập đỏ với 7 nội dung được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ; tiếp tục tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào, dự án, hoạt động thiết thực, cụ thể, kịp thời, hướng về cơ sở, nhân rộng các mô hình hoạt động nhân đạo phù hợp, hiệu quả; qua đó, tiếp tục giáo dục, nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần nhân đạo, nhân ái tốt đẹp của dân tộc.
Hội cần chủ động nghiên cứu, làm việc với các bộ, ngành để đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù nhằm thúc đẩy, nâng cao vai trò là tổ chức nòng cốt trong thực hiện các hoạt động nhân đạo, phong trào chữ thập đỏ; chú ý nắm bắt, có thông tin hướng dẫn, cung cấp các địa chỉ nhân đạo, cùng các cấp chính quyền tổ chức và định hướng các hoạt động nhân đạo đúng địa chỉ, đối tượng.
b) Tiếp tục đổi mới tổ chức, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; quan tâm phát triển hệ thống các tổ chức Hội chữ thập đỏ ở cơ sở, chú trọng đào tạo cán bộ, phát triển đội ngũ tình nguyện viên và hoàn thiện quy chế, quy trình, giải pháp phù hợp với từng loại đối tượng, từng hoạt động chữ thập đỏ.
c) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân đạo, thu hút nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động nhân đạo trong nước; kịp thời và có biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ nhân đạo đối với nạn nhân thiên tai, thảm họa trên thế giới.
3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến hoạt động của Hội. Các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội phát huy tốt nhất vai trò của mình trong tổ chức thực hiện hoạt động chữ thập đỏ; tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 120/TB-VPCP ngày 8 tháng 4 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
II. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TRUNG ƯƠNG HỘI CHỮ THẬP ĐỎ
1. Giao Bộ Nội vụ chủ trì cùng các bộ, cơ quan có liên quan phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong quá trình xây dựng Điều lệ Hội và thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Hội thông qua.
2. Nhất trí việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác chữ thập đỏ nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác chữ thập đỏ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề nghị Hội Chữ thập đỏ khẩn trương dự thảo Chỉ thị, lấy ý kiến Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Giao Bộ Y tế cùng các bộ, cơ quan có liên quan phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổng kết 10 năm thực hiện hiến máu nhân đạo theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 26 tháng 2 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở kết quả tổng kết, đề nghị Hội đề xuất cụ thể việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường vận động hiến máu tình nguyện.
4. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án về việc thí điểm cơ chế trích 5-10% tổng giá trị vận động quyên góp hàng năm cho các hoạt động nhân đạo để chi trả cho các hoạt động thường xuyên của Hội (tương tự như cơ chế đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, bố trí kinh phí, cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Chữ thập đỏ xây dựng, thực hiện Đề án cải tạo, nâng cấp di tích Đình làng Thanh Ấm thuộc huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội và Nhà truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
6. Về đầu tư xây dựng trụ sở 68 Bà Triệu, Hà Nội và cơ sở 466 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh làm trụ sở làm việc và liên kết tổ chức các hoạt động dịch vụ nhân đạo: Đề nghị Hội Chữ thập đỏ chủ trì, cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án theo hướng liên kết, thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo đảm các yêu cầu về quy hoạch, công khai minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả, trình phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Các địa phương, trước hết là Hà Nội quan tâm quy hoạch, bố trí diện tích đất phù hợp và thông báo cho Hội Chữ thập đỏ để có căn cứ xây dựng dự án đầu tư cụ thể các cơ sở hoạt động chữ thập đỏ theo quy định.
7. Căn cứ đề xuất của Hội chữ thập đỏ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý cụ thể trên tinh thần tạo điều kiện cho Hội tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về vệ sinh nước sạch, môi trường nông thôn và việc ưu tiên cho Hội tham gia các dự án do Liên hợp quốc tài trợ về phòng ngừa và ứng phó thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn, trường học an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em, hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng; chuyển giao, nhân rộng các mô hình thành công.
8. Hội Chữ thập đỏ xây dựng Đề án về việc mở Văn phòng đại diện của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao hướng dẫn Hội chữ thập đỏ về thủ tục và chủ trì cùng các bộ liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
9. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức để Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ X của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - UBTWMTTQVN; - Các Bộ: NV, YT, KHĐT, TC, NNPTNT, TNMT, LĐTBXH, GD&ĐT, VHTTDL, NG, TTTT, XD; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Văn Tùng, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, NN, QHQT, TCCV, QT; - Lưu: VT, KGVX (3) Q. | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Văn Tùng |