hieuluat

Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 595/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:595/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Văn Tùng
    Ngày ban hành:22/12/2017Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/12/2017Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe
  •  

    VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 595/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2017
     
     
    THÔNG BÁO
    KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐC ĐAM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
     
     
    Ngày 14 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm để đánh giá tình hình, kết quả hoạt động năm 2017, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2018 của Ban chỉ đạo; cho ý kiến về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết Luật an toàn thực phẩm. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và một số hiệp hội trong lĩnh vực thực phẩm.
    Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận:
    1. Trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt như xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách; thông tin truyền thông; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm tại các sự kiện quan trọng... Đặc biệt, đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất thực phẩm an toàn gắn với các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, một số vấn đề nóng như sử dụng chất salbutamol trong chăn nuôi được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hiệu quả, nhất là tập trung chỉ đạo sản xuất sạch, đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, được đánh giá tốt.
    Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần tập trung chỉ đạo như việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh trong sản xuất nông lâm thủy sản, sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm, giết mổ không bảo đảm an toàn; buôn lậu thực phẩm còn diễn biến phức tạp; số nạn nhân bị tử vong do ngộ độc còn lớn, trong đó chủ yếu là ngộ độc do sử dụng rượu giả có methanol...
    Trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất thực phẩm sạch, an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm; chủ động, tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt các Chương trình phối hợp mà Chính phủ đã ký kết với Mặt trận Tổ quốc và các Hội; tiếp tục và kiên trì thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, thức ăn tại các chợ và an toàn thực phẩm tại lò mổ; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; quyết liệt ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh rượu giả, không rõ nguồn gốc.
    Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình sức khỏe Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ trì, thiết kế hệ thống thu nhận thông tin báo cáo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
    2. Về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết Luật an toàn thực phẩm.
    Việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP phải bảo đảm đồng thời cả 2 yêu cầu là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm.
    Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan, hiệp hội đã phát biểu tại cuộc họp để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định, có quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm quản lý của từng ngành, từng cấp, phù hợp thông lệ quốc tế; quy định rất chi tiết về hậu kiểm, trong đó phải có hình thức xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Cân nhắc tiếp thu ý kiến của Bộ Công an về việc ban hành danh mục chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; nghiên cứu ý kiến của Viện quản lý kinh tế trung ương về việc miễn công bố đối với sản phẩm thực phẩm cùng loại đã công bố trước đó.
    3. Về việc kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm:
    Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Thành phần Ban chỉ đạo vẫn có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.
    4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong đó đề xuất về kinh phí thực hiện Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
    5. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và dành thời lượng thỏa đáng để phát sóng các thông điệp về an toàn thực phẩm tại các chương trình quảng cáo trong các khung giờ có đông khán giả.
    Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
     
     Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
    - Các Bộ: TP, KHCN;
    - UBTWMTTQVN, Hội NDVN. Hội LHPNVN;
    - Các Thành viên BCĐ liên ngành TW về vệ sinh an toàn thực phẩm;
    - Phòng Thương mại và CNVN;
    - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW;
    - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Văn Tùng, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, NN, TCCV;
    - Lưu: VT, KGVX (3) Q.
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Nguyễn Văn Tùng
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X