hieuluat

Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn tiền viện trợ Quốc tế đề án ngành y tế

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Y tếSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:04/BYT-TTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Nguyễn Trọng Nhân
    Ngày ban hành:02/04/1994Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:02/04/1994Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe
  • THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 04/BYT-TT NGÀY 2 THÁNG 4 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN TIỀN VIỆN TRỢ QUỐC TẾ CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN THUỘC
    NGÀNH Y TẾ ĐỂ CHI TIÊU TRONG NƯỚC

     

    Căn cứ những nội dung quy định trong Thông tư số 45/TC-VT ngày 5/8/1991 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với các nguồn tiền - hàng viện trợ quốc tế; để phù hợp với những tính chất, đặc điểm về tổ chức hoạt động và chuyên môn của ngành y tế, được sự thoả thuận của Bộ Tài chính tại công văn số 397 TC/VT ngày 23/2/1994, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể một số điểm trong việc quản lý và sử dụng nguồn tiền viện trợ quốc tế cho các chương trình, dự án thuộc ngành Y tế để chi tiêu trong nước như sau:

     

    I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    1. Số tiền do các tổ chức quốc tế (hoặc cá nhân) tài trợ cho ngành Y tế theo các chương trình hợp tác (hoặc đột xuất) được coi là một nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Y tế. Các đơn vị phải quản lý theo đúng quy định của Nhà nước, sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao.

    2. Số tiền do các tổ chức quốc tế tài trợ cho đơn vị nào thì đơn vị ấy được quyền sử dụng toàn bộ để đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu theo kế hoạch hành động đã được ký kết với cơ quan, tổ chức tài trợ.

    3. Các khoản chi trong nước từ nguồn tiền được viện trợ chỉ được chi bằng tiền đồng Việt Nam, các trường hợp cần chi bằng ngoại tệ do Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

    4. Việc quản lý, chi tiêu của các chương trình, dự án phải được gắn với một đơn vị sự nghiệp y tế phù hợp, có tư cách pháp nhân và có bộ máy quản lý tài chính theo quy định. Riêng đối với các chương trình, dự án thuộc các Vụ, Thanh tra, Văn phòng thuộc cơ quan Bộ Y tế.

    5. Mọi việc chi tiêu phải có sổ sách theo dõi, chứng từ hợp lệ và lập báo cáo quyết toán theo chế độ kế toán thống nhất của Nhà nước.

     

    II- CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

     

    1. Quản lý tiếp nhận:

    1.a- Ngay từ khi xây dựng kế hoạch với các tổ chức quốc tế, các chủ nhiệm chương trình, dự án cần bàn với phía Bạn để ghi thật cụ thể số tiền sẽ sử dụng để chi cho từng mục tiêu, từng hoạt động trong từng khoản thời gian xác định. Các bản kế hoạch sau khi được thống nhất phải gửi về Bộ (Vụ kế hoạch - tài chính kế toán) và là cơ sở theo dõi, cấp phát, quản lý.

    Mọi nguồn tiền của chương trình, dự án được tài trợ từ các tổ chức quốc tế (hoặc cá nhân) đều phải chuyển về tài khoản của Bộ Y tế mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Bộ Y tế sẽ chuyển toàn bộ số tiền bằng đồng Việt Nam theo đề nghị của chủ nhiệm các chương trình, dự án phù hợp với kế hoạch hành động đã được ký kết vào tài khoản của đơn vị có dự án tại Ngân hàng hoặc hệ thống Kho bạc Nhà nước; riêng đối với các chương trình, dự án thuộc cơ quan Bộ quản lý không có tài khoản riêng sẽ chuyển về tài khoản của Văn phòng Bộ.

    1.b- Ngay sau khi nhận được thông báo tài trợ của các tổ chức quốc tế, các chương trình dự án phải gửi ngay bản sao về Bộ Y tế (Vụ kế hoạch - tài chính kế toán) để tổng hợp, theo dõi và quản lý như một khoản kinh phí cấp cho đơn vị. Đồng thời đơn vị được nhận viện trợ tiến hành các thủ tục xác nhận viện trợ với cơ quan quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế thuộc Bộ Tài chính theo quy định, thông qua đầu mối là Vụ kế hoạch - tài chính kế toán. Mọi khoản viện trợ phải có chữ ký xác nhận của Vụ kế hoạch - tài chính kế toán mới được coi là hợp pháp.

    2. Quản lý sử dụng:

    2.a- Căn cứ vào nội dung hoạt động đã thoả thuận với cơ quan tài trợ nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình, dự án (thể hiện bằng các văn bản có chữ ký xác nhận của hai phía: Chủ nhiệm chương trình, dự án và cơ quan tài trợ), chủ nhiệm chương trình, dự án chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc lập kế hoạch sử dụng các khoản tiền được tài trợ để đảm bảo cho các mục tiêu được ký kết.

    2.b- Chủ nhiệm chương trình, dự án, thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị chương trình, dự án chịu trách nhiệm quản lý sử dụng số tiền được tài trợ, các chương trình, dự án do cán bộ của Văn phòng hoặc Vụ nào quản lý, điều hành thì Chánh Văn phòng hoặc Vụ trưởng Vụ đó có trách nhiệm cùng với chủ nhiệm chương trình, dự án chịu trách nhiệm quản lý sử dụng số tiền được tài trợ; những việc chi tiêu trong phạm vi chương trình, dự án là do chủ nhiệm chương trình, dự án quyết định và chịu trách nhiệm chính.

    2.c- Về chi tiêu cho các hoạt động được tài trợ: Tất cả các hoạt động chi tiêu đều phải có dự toán và căn cứ vào các khoản mục đã được cơ quan tài trợ chấp thuận; trong đó khoản chi về phụ cấp cho cán bộ, học viên không được chi vượt quá mức đã thoả thuận với cơ quan tài trợ; các khoản chi khác phải dựa trên tình hình thực tế để thủ trưởng đơn vị và chủ nhiệm chương trình, dự án thống nhất mức chi trong phạm vi số tiền được tài trợ.

    2.d- Các chương trình, dự án sử dụng tiền viện trợ để mua hàng trong nước phải căn cứ vào kế hoạch hoạt động đã được duyệt và phải tuân thủ các quy định mua bán hàng hoá hiện hành.

    2.e- Trường hợp đơn vị thực hiện chương trình, dự án là các cơ sở y tế địa phương thì việc cấp tiền và chi tiêu được thực hiện và thông qua các Sở Y tế. Sở Y tế có trách nhiệm theo dõi, quản lý và quyết toán số tiền được cấp với chương trình, dự án, Bộ Y tế và Sở Tài chính.

    2.f- Trong từng hoạt động cụ thể, nếu các chương trình, dự án không chi hết số tiền được tài trợ nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu đề ra, thì chủ nhiệm chương trình, dự án và thủ trưởng đơn vị có chương trình, dự án được sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm này vào các mục đích phục vụ cho chương trình, dự án như: Tiền thuê trụ sở, sửa chữa nhà cửa, điện nước, vệ sinh, thuê cán bộ hợp đồng, hỗ trợ các đơn vị nằm trong phạm vi triển khai chương trình, dự án hoặc phục vụ cho các hoạt động tiếp theo của chương trình, dự án... Tất cả các khoản chi tiêu này phải được quản lý, sử dụng và quyết toán đầy đủ theo chế độ tài chính hiện hành.

     

    III- CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VÀ KIỂM TRA

     

    1. Khi hình thành chương trình, dự án, chủ nhiệm chương trình, dự án phải trình lãnh đạo Bộ để cho phép. Sau khi được phép đơn vị đăng cai quản lý phải có kế toán theo dõi, mở sổ sách hạch toán toàn bộ các khoản thu chi và các loại tài sản, vật tư mua từ nguồn tài trợ để phục vụ công tác quản lý đề án theo đúng chế độ kế toán thống nhất của Nhà nước.

    2. Thực hiện đúng việc gửi các thông báo tài trợ, việc báo cáo quyết toán theo định kỳ từng quý và cả năm cho Bộ Y tế theo quy định của Pháp lệnh kế toán - thống kê. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể chế độ báo cáo và biểu mẫu báo cáo cho các đơn vị có tiếp nhận và sử dụng viện trợ quốc tế trong ngành.

    3. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra định kỳ (hoặc đột xuất) việc thực hiện chế độ quản lý tài chính các nguồn viện trợ tại các đơn vị, chương trình, dự án.

     

    IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư 16/BYT TT ngày 7/5/1991 của Bộ Y tế.

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X