hieuluat

Thông tư hướng dẫn xây dựng và phát triển công tác phục hồi chức năng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Y tếSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:12/BYT-TTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Lê Ngọc Trọng
    Ngày ban hành:18/11/1993Hết hiệu lực:13/08/2014
    Áp dụng:Đang cập nhậtTình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe
  • THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 12/BYT-TT NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC
    PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

     

    Trong khoảng 10 năm trở lại đây ngành Phục hồi chức năng được xây dựng và phát triển. Hầu hết các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố, các ngành, các viện điều dưỡng, các viện chuyên khoa có giường bệnh đã thành lập được khoa Phục hồi chức năng hoặc khoa Vật lý trị liệu. Các khoa Phục hồi chức năng đã tích cực góp phần phục hồi chức năng các rối loạn chức năng về thần kinh và vận động, các di chứng sau chẩn thương, tai nạn. Một số khoa phục hồi chức năng tuyến tỉnh và huyện được sự giúp đỡ của tuyến trên đã thực hiện được nhiệm vụ giúp đỡ về kỹ thuật cho các địa phương để phát triển chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1987. đã được lồng ghép trong hệ thống Chăm sóc sức khỏe ban đầu và hiện nay đang phát triển mạnh ở các địa phương.

    Đào tạo: Đã biên soạn lại chương trình đào tạo Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng thống nhất trong toàn quốc, đã có chương trình thí điểm đào tạo Kỹ thuật viên cao cấp Vật lý trị liệu (Cử nhân Vật lý trị liệu) và đã xây dựng được giáo trình giảng dạy Phục hồi chức năng trong chương trình đào tạo các đối tượng: y sĩ, điều dưỡng và hộ sinh. Một số trường Đại học đã có bộ môn Phục hồi chức năng, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy Phục hồi chức năng các khoa đào tạo sinh viên y khoa và các cán bộ quản lý y tế.

    Hợp tác quốc tế: Từ năm 1983 ngành phục hồi chức năng đã bắt đầu nhận được viện trợ của các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ các nước, viện trợ này đã giúp công tác Phục hồi chức năng duy trì và phát triển về các mặt đào tạo cán bộ, trang thiết bị và triển khai chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

    * Những tồn tại:

    - Còn nhiều cán bộ trong ngành chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phục hồi chức năng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người cho nên chỉ chú trọng tập trung vào công tác điều trị và phòng bệnh mà chưa chú ý đến việc giải quyết hậu quả của bệnh và tật, vai trò và chức năng của con người trong xã hội. Từ quan niệm và nhận thức trên nên việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa cụ thể, chưa có kế hoạch đào tạo, tổ chức xây dựng ngành Phục hồi chức năng một cách thích đáng.

    - Công tác tuyên truyền về Phục hồi chức năng trong cán bộ y tế, nhân dân và các ngành còn yếu, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong lĩnh vực chăm sóc người tàn tật.

    - Một số khoa phục hồi chức năng bệnh viện tỉnh, ngành còn thiếu dụng cụ, trang thiết bị cần thiết, diện tích khoa chật hẹp, không thuận tiện cho bệnh nhân đến điều trị và luyện tập.

    - Chương trình Phục hồi chức năng đưa vào cộng đồng còn bị hạn chế bởi chất lượng huấn luyện tại thôn, xã đến người tàn tật chưa đạt yêu cầu dẫn đến kết quả phục hồi cho người tàn tật chưa cao. Thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của cán bộ Y tế và các ngành ảnh hưởng đến việc hội nhập xã hội, đưa người tàn tật hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

    Để xây dựng và phát triển công tác Phục hồi chức năng, thực hiện luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Điều lệ khám bệnh, chữa bệnh và Phục hồi chức năng đã được Hội đồng Bộ trưởmg ban hành theo Nghị định số 23/HĐBT. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:

     

    I. XÂY DỰNG BỘ MÁY CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH:

     

    1.1. Bộ Y tế: Tăng cường chỉ đạo công tác Phục hồi chức năng từ Trung ương đến các cơ sở, tiến tới hình thành một ngành chuyên khoa với các nhiệm vụ chính như sau:

    - Xây dựng kế hoạch phát triển công tác Phục hồi chức năng trong từng giai đoạn, bao gồm ngắn hạn, dài hạn.

    - Chỉ đạo kế hoạch phát triển công tác Phục hồi chức năng về mọi mặt cho phù hợp và cân đối.

    - Phối hợp với các bộ, các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho người tàn tật và cho cán bộ làm công tác Phục hồi chức năng.

    - Tranh thủ sự hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và phát triển công tác Phục hồi chức năng theo kịp các nước trong khu vực.

    1.2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung tâm y tế huyện:

    Các Sở Y tế tỉnh, thành phố, các Trung tâm y tế huyện phải có cán bộ theo dõi chỉ đạo công tác Phục hồi chức năng ở các địa phương có chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thì cán bộ này làm thường trực cho chương trình với nhiệm vụ:

    - Tham mưu giúp lãnh đạo xây dựng và phát triển công tác Phục hồi chức năng trong địa phương mình.

    - Kết hợp với khoa Phục hồi chức năng có kế hoạch duy trì và phát triển chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở địa phương.

    - Hàng quý lập kế hoạch và viết báo cáo về công tác Phục hồi chức năng.

     

    II. PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

     

    1. Các bệnh viện đa khoa, viện chuyên khoa, có giường trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các ngành, các bệnh viện loại A và B của quân đội và các viện điều dưỡng phải xây dựng và củng cố khoa Phục hồi chức năng. Đối với các huyện mới triển khai chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thì phải thành lập khoa hoặc tổ Phục hồi chức năng với các nhiệm vụ:

    1.1. Điều trị và phục hồi:

    Chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú có khiếm khuyết, giảm khả năng và tàn tật. Thực hiện phương châm phục hồi chức năng sớm, liên tục và toàn diện. Phục hồi chức năng ngay từ giai đoạn sau cấp cứu và trong quá trình nằm viện. Đề phòng và khắc phục các thương tật thứ cấp. Trong điều trị và phục hồi sử dụng chủ yếu các các phương pháp vật lý trị liệu trong đó lấy Vận động trị liệu làm trọng tâm kết hợp với các phương pháp khác. ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đào tạo tiến tới phát triển thêm hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tổ sản xuất dụng cụ trợ giúp theo kỹ thuật thích ứng cho người tàn tật.

    1.2. Đào tạo, nghiên cứu khoa học:

    Tùy theo chức năng và nhiệm vụ của khoa, cần có kế hoạch đào tạo, bổ túc, nâng cao trình độ cán bộ trong khoa, cán bộ làm công tác Phục hồi chức năng, cán bộ nghiên cứu và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan đến công tác Phục hồi chức năng.

    1.3. Chỉ đạo tuyến:

    Các bệnh viện và viện chuyên khoa tùy theo chức năng, có nhiệm vụ quản lý và triển khai hệ thống Phục hồi chức năng theo ngành dọc. Các tỉnh, thành phố và huyện đã triển khai chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thì khoa Phục hồi chức năng có trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, bổ túc cho cán bộ làm công tác Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

    2. Tổ chức, trang bị khoa Phục hồi chức năng:

    - Biên chế của khoa do Giám đốc bệnh viện ấn định trên cơ sở chỉ tiêu biên chế lao dộng được giao hàng năm.

    - Khoa phục hồi chức năng dù có giường bệnh hay không thì vẫn là một khoa lâm sàng. Tỷ lệ bác sĩ/ kỹ thuật viên, điều dưỡng viên có thể là 1/3 hoặc 1/4.

    - Xây dựng khoa phục hồi chức năng: khoa phục hồi chức năng nên bố trí ở nơi thuận tiện cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú và người tàn tật đi lại, tập luyện được dễ dàng. Khoa bao gồm các bộ phận sau:

    * Cơ sở:

    + Phòng khám

    + Phòng vận động (cần rộng rãi, thoáng mát)

    + Phòng xoa bóp, thủ thuật

    + Phòng Điện trị liệu

    + Phòng Thuỷ trị liệu

    + Phòng cho bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng viên.

    * Trang bị:

    Căn cứ vào thực tế hoạt động trong những năm qua, khoa Phục hồi chức năng cần trang bị những dụng cụ đơn giản thiết yếu về Vật lý trị liệu, một số máy điều trị điện cao tần, thấp tần như máy sóng ngắn, siêu âm, hồng ngoại, tử ngoại, điện phân, điện châm, parafin... Bộ sẽ ban hành bản mẫu sử dụng tạm thời chủ yếu về vận động trị liệu. Những khoa có nhiệm vụ đào tạo cần trang bị thêm các phương tiện giảng bài cần thiết, dụng cụ chẩn đoán và phục hồi, dụng cụ dùng cho hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu hoặc thuỷ trị liệu.

     

    III. PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
    DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG

     

    Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là một chương trình y tế được xã hội hóa cao. Những kiến thức phòng ngừa và phục hồi chức năng cho người tàn tật được truyền đạt từ người thầy thuốc đến nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, đến người tàn tật và gia đình họ. Với sự giúp đỡ của nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu người tàn tật có thể được tập luyện tại nhà bằng việc sử dụng các dụng cụ thích ứng có ở địa phương. Cần huy động các ngành, các cấp, những người hảo tâm ở địa phương giúp đỡ người tàn tật.

    Bộ Y tế coi Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là bước đi chính để giải quyết vấn đề người tàn tật ở Việt Nam. Từng bước mở rộng và phát triển chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. Những tỉnh đã triển khai chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cần phải củng cố về mặt tổ chức, tranh thủ sự lãnh đạo của uỷ ban nhân dân các cấp, phối hợp, lồng ghép các hoạt động của ngành y tế với các ngành Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội, xác định việc huấn luyện tại nhà, tạo công ăn việc làm cho người tàn tật ở độ tuổi đi học được đến trường là khâu then chốt đánh gía chất lượng chương trình.

     

    IV. ĐÀO TẠO VÀ GIÁO DỤC CÔNG TÁC
    PHỤC HỒI CHỨC NĂNG:

     

    1. Thành lập bộ môn Phục hồi chức năng ở các trường Đại học Y:

    Hiện nay ở một số trường đã có bộ môn Phục hồi chức năng và đã đưa việc giảng dạy Phục hồi chức năng vào chương trình đào tạo cho sinh viên Y khoa. Những năm tới cần tiếp tục phát triển việc giảng dạy phục hồi chức năng cho các trường khác và cần thống nhất giáo trình đào tạo Phục hồi chức năng trong các trường Đại học Y kể cả quân và dân Y.

    2. Đào tạo kỹ thuật viên Phục hồi chức năng:

    Hiện nay bộ môn Phục hồi chức năng của 3 trường trung học kỹ thuật y tế trung ương 1, 2 và 3 chịu trách nhiệm đào tạo kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Các bộ môn này cần được duy trì, củng cố và nâng cao chất luợng giảng dạy theo chương trình và cấp giáo trình đã thống nhất sử dụng trong toàn quốc. Các bộ môn cần chuẩn bị kế hoạch nhận đào tạo kỹ thuật viên với số lượng và chất lượng lớn hơn để cung cấp cho nhu cầu phát triển của ngành Phục hồi chức năng.

    3. Đào tạo kỹ thuật viên cao cấp (Cử nhân Vật lý trị liệu).

    Những năm qua đã đào tạo được một số kỹ thuật viên phục hồi chức năng có trình độ cao học, sắp tới cần nghiên cứu thêm về nội dung và thời gian đào tạo, quy chế tuyển chọn và hướng sử dụng đối tượng này. Tập trung vào một số chuyên ngành chủ yếu như: Vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và thuỷ trị liệu.

    4. Bổ túc và nâng cao trình độ cho bác sĩ Phục hồi chức năng:

    4.1. Đào tạo trong nước: Cho đến nay ngành phục hồi chức năng đã hình thành hệ thống đào tạo liên tục và bổ túc sau đại học:

    - Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo theo từng chuyên đề cho cán bộ.

    - Đào tạo chuyên khoa I hệ dài hạn 2 năm tập trung, hệ cấp chứng chỉ từng phần và hệ bổ túc chuyên đề cho một số bác sĩ công tác lâu năm trong ngành Phục hồi chức năng có chuyên khoa I ngành khác chuyển sang.

    - Đào tạo chuyên khoa II Phục hồi chức năng gồm hệ ngắn hạn và hệ dài hạn 2 năm.

    - Chuẩn bị đào tạo cao học Phục hồi chức năng.

    - Chuẩn bị đào tạo Phó tiến sĩ hệ tập hợp công trình và hệ dài hạn cho những năm tới.

    Căn cứ vào trình độ cán bộ, ngành phục hồi chức năng có kế hoạch cụ thể đào tạo dần đội ngũ cán bộ khoa học về Phục hồi chức năng.

    4.2. Đào tạo ở ngoài nước:

    - Tranh thủ viện trợ của các tổ chức quốc tế giành cho cán bộ trẻ có trình độ ngoại ngữ, yêu ngành nghề đào tạo dài hạn 1 đến 2 năm.

    - Đào tạo ngắn hạn 2,3 tháng tùy theo chuyên đề.

    - Đi học tập, tham quan 1, 2 tháng chủ yếu giành cho các bộ quản lý ngành Phục hồi chức năng.

    5. Giảng dạy về phục hồi chức năng trong các trường Trung học Y tế:

    Tất cả các trường Trung học Y tế các tỉnh phải đưa chương trình Phục hồi chức năng vào giảng cho tất cả các đối tượng y sĩ điều dưỡng và hộ sinh theo quy định của Bộ Y tế. Các trường Trung học Y tế cần tranh thủ sử dụng các cán bộ kiêm nhiệm giảng dạy, tùy theo đặc điểm từng trường có thể bổ sung một số kỹ thuật viên Phục hồi chức năng làm nhiệm vụ hướng dẫn thực tập cho học sinh. Ngành phục hồi chức năng có kế hoạch bổ túc kiến thức Phục hồi chức năng cho cán bộ giảng dạy đối tượng này.

    6. Giảng dạy phục hồi chức năng trong các trường Cán bộ Quản lý Y tế và viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh:

    Trong các khóa bổ túc ngắn hạn và đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II cho cán bộ quản lý ngành Y tế, trường Cán bộ Quản lý Y tế và viện Vệ sinh Y tế công cộng cần kết hợp với ngành Phục hồi chức năng để đưa chương trình Phục hồi chức năng vào giảng dạy cho các đối tượng này. Trước mắt từ cơ sở đào tạo cần có cán bộ kiêm nhiệm, sau đó sẽ có giáo viên chính thức chịu trách nhiệm giảng dạy về phục hồi chức năng.

     

    V. XÂY DỰNG CÁC TRUNG TÂM VỀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG:

     

    1. Trong cả nước sẽ xây dựng một trung tâm mang tính chất chung về Phục hồi chức năng đặt tại bệnh viện Bạch Mai và một số trung tâm mang tính chất chuyên ngành ở các viện và bệnh viện chuyên khoa.

    2. Một số bệnh viện tỉnh, thành phố phân theo vùng lãnh thổ sẽ hình thành điểm đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng (chủ yếu đào tạo kỹ thuật viên cho tuyến tỉnh và huyện).

    3. Việc thành lập các trung tâm căn cứ vào:

    - Trình độ tổ chức quản lý

    - Trình độ cán bộ

    - Trang thiết bị dụng cụ

    - Nhiệm vụ yêu cầu

     

    VI. KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC
    PHỤC HỒI CHỨC NĂNG:

     

    Kinh phí xây dựng và phát tiển công tác Phục hồi chức năng có được từ:

    1. Viện trợ: Ngành Phục hồi chức năng cần tranh thủ viện trợ của các tổ chức quốc tế. Chú ý việc quản lý, phân phối và sử dụng viện trợ đạt hiệu quả, đúng mục tiêu và đúng quy định của Nhà nước và nguyên tắc quản lý tài chính.

    2. Ngân sách nhà nước: Hàng năm căn cứ vào kế hoạch cụ thể của ngành Phục hồi chức năng, Bộ sẽ tính và cấp kinh phí cho công tác Phục hồi chức năng để chi cho khảo sát, tập huấn, đào tạo, trang thiết bị cần thiết... Số kinh phí này sẽ được tính chung vào tổng kinh phí của một đơn vị trực thuộc Bộ trong kỳ để cấp kinh phí.

    3. Ngân sách địa phương: Các địa phương cần vận động sự bảo trợ của các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp... để xây dựng công tác Phục hồi chức năng cho người tàn tật tại địa phương. Các địa phương đã phát triển chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cần trích một khoản kinh phí nhất định để phát triển chương trình như tập trung vào công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trực tiếp làm việc tại cộng đồng, trang bị một số dụng cụ cần thiết cho khoa Phục hồi chức năng của cơ sở.

     

    VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    Các Vụ chức năng trong cơ quan Bộ Y tế hướng dẫn, theo dõi và giúp đỡ các Sở Y tế tỉnh, thành phố. Y tế các ngành và các đơn vị trong ngành Y tế thực hiện thông tư này. Nếu có khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện báo cáo về Bộ (Vụ điều trị) để nghiên cứu bổ sung.

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X