hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 02/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chủ tiệm cầm đồ được bán tài sản của khách không?

Bán tài sản cầm cố mà người bán là chủ tiệm cầm đồ được không? Có những cách xử lý tài sản cầm cố nào? Tài sản nào được phép cầm cố? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

 
Mục lục bài viết
  • Chủ tiệm được bán tài sản cầm cố của khách không?
  • Có những cách xử lý tài sản cầm cố nào?
  • Tài sản cầm cố bao gồm những loại nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi chủ tiệm cầm đồ có được phép bán tài sản cầm cố của khách như xe máy, xe máy điện… hay không nếu quá hạn trả nợ?

Khi quá hạn trả tiền vay, tài sản dùng để cầm cố sẽ được xử lý như thế nào?

Hiện nay, có được phép cầm cố thẻ ngành, chứng minh nhân dân hoặc thẻ học viên… để vay tiền không?

Mong Luật sư giải đáp chi tiết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Chào bạn, được bán tài sản cầm cố của khách hàng không, cách xử lý tài sản cầm cố và loại tài sản được cầm cố theo quy định pháp luật là những vướng mắc được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Chủ tiệm được bán tài sản cầm cố của khách không?

Trước hết, cầm cố tài sản hay trong trường hợp của bạn là cầm đồ để đảm bảo cho khoản vay tại tổ chức cho vay tiền nhận cầm đồ tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Căn cứ quy định tại Điều 313 Bộ luật Dân sự 2015, trong thời hạn nhận cầm cố, bên nhận cầm cố không được quyền bán tài sản nhận cầm cố của khách hàng, trừ trường hợp được nhận ủy quyền bán hoặc phải xử lý tài sản cầm cố theo phương thức bán tài sản.

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, căn cứ quy định tại Điều 134, Điều 138, Điều 303, Điều 315 Bộ luật Dân sự 2015 chủ tiệm cầm đồ được quyền bán tài sản cầm cố của khách nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Trường hợp 1: Các bên thỏa thuận phương thức xử lý tài sản cầm cố là bán tài sản cầm cố và bên nhận cầm cố là bên thực hiện bán tài sản

  • Trường hợp 2: Bên nhận cầm cố nhận ủy quyền bán tài sản của bên cầm cố

Lý do để chủ tiệm cầm đồ được bán tài sản như sau:

Trường hợp 1: Các bên thỏa thuận phương thức xử lý tài sản cầm cố là bán tài sản cầm cố và bên nhận cầm cố là bên thực hiện bán tài sản

Trường hợp 2: Bên nhận cầm cố nhận ủy quyền bán tài sản của bên cầm cố

Biện pháp này được thực hiện nếu thỏa mãn các điều kiện:

  • Phát sinh căn cứ để xử lý tài sản cầm cố: Đến hạn mà bên vay không trả tiền hoặc trả tiền không đúng, không đầy đủ theo thỏa thuận hoặc bên vay tiền phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước thời hạn theo thỏa thuận;

  • Hợp đồng cầm cố tài sản có quy định biện pháp xử lý là bên nhận cầm cố tự bán tài sản và điều khoản này có hiệu lực pháp lý;

  • Bên nhận cầm cố được nhận bàn giao tài sản cùng giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (nếu có) để thực hiện quyền bán tài sản cầm cố;

Chủ tiệm cầm đồ được bán tài sản của khách hàng trong trường hợp này nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Thời điểm thực hiện: Có thể trong thời hạn cầm cố tài sản hoặc đã hết hạn cầm cố tài sản theo thỏa thuận của các bên;

  • Có văn bản ủy quyền của bên cầm cố cho bên nhận cầm cố, trong đó phạm vi ủy quyền cho phép bên nhận cầm cố được bán tài sản;

  • Việc ủy quyền được lập thành hợp đồng, thường phải công chứng, chứng thực;

  • Tương tự, nếu bán tài sản trong khi giao dịch cầm cố tài sản còn hiệu lực có nghĩa rằng đã có căn cứ để xử lý tài sản cầm cố;

Như vậy, chủ tiệm cầm đồ được bán tài sản cầm cố của khách hàng nếu thuộc trường hợp phải xử lý tài sản cầm cố hoặc được bên cầm cố ủy quyền.

Điều kiện để được bán tương ứng là các bên thỏa thuận cách thức bán là bên nhận cầm cố tự bán tài sản trong hợp đồng cầm cố; hoặc có văn bản ủy quyền thể hiện chủ tiệm được bán tài sản.

Thực tế cho thấy, nếu không có văn bản ủy quyền của bên cầm cố, bên nhận cầm cố rất khó có thể bán được tài sản có đăng ký.

Điều kiện bán tài sản cầm cố của bên nhận cầm cốĐiều kiện bán tài sản cầm cố của bên nhận cầm cố

Có những cách xử lý tài sản cầm cố nào?

Như chúng tôi đã trình bày, cầm cố tài sản cũng là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Hay, cách thức xử lý tài sản cầm cố được thực hiện theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, và gồm:
Một là, bán đấu giá tài sản
Hai là, bên nhận cầm cố tài sản tự bán tài sản cầm cố
Ba là, bên nhận tài sản cầm cố nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên cầm cố
Bốn là, phương thức khác do các bên thỏa thuận
Khi áp dụng cách thức xử lý tài sản cầm cố, cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
  • Được lựa chọn một trong những phương thức xử lý tài sản cầm cố mà không được thực hiện đồng thời các cách thức xử lý tài sản bảo đảm;
  • Cách thức xử lý tài sản bảo đảm phải được thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố tài sản;
  • Thực hiện xử lý tài sản bảo đảm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố;
  • Nếu có phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện, các bên có quyền khởi kiện tới tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết;
  • Nếu các bên không thỏa thuận cách thức xử lý tài sản bảo đảm theo Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc xử lý tài sản cầm cố được bán đấu giá;
Như vậy, ngoài bán tài sản cầm cố (bao gồm bán đấu giá hoặc bên nhận cầm cố tự bán tài sản) thì việc xử lý tài sản cầm cố được thực hiện bằng cách bên nhận cầm cố tự nhận tài sản để bù trừ nghĩa vụ hoặc cách thức khác do các bên thỏa thuận.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng cầm cố, nếu phát sinh tranh chấp, các bên có quyền tự thương lượng, thỏa thuận, hòa giải hoặc đề nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Các biện pháp xử lý tài sản cầm cốCác biện pháp xử lý tài sản cầm cố

Tài sản cầm cố bao gồm những loại nào?

Căn cứ từ định nghĩa cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015), suy ra, tài sản cầm cố có đặc điểm:
  • Là tài sản được giao dịch hợp pháp và được pháp luật dân sự quy định như tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản, vật;
  • Tài sản này phải là hữu hình, được bàn giao từ bên cầm cố cho bên nhận cầm cố, vậy nên, các tài sản là bất động sản (như nhà đất..) thường không là tài sản cầm cố;
  • Thực tế cho thấy, đối với bất động sản thì biện pháp bảo đảm được áp dụng thường là bảo lãnh, thế chấp quyền sở hữu;
  • Pháp luật hiện hành tuy không cấm cầm cố bất động sản nhưng không có hướng dẫn về việc đăng ký biện pháp cầm cố, cũng không quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục để cầm cố loại tài sản này tại pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản;
  • Ngoài bất động sản thì quyền sở hữu trí tuệ cũng thường không là đối tượng của hợp đồng cầm cố tài sản bởi gần như không thể thực hiện giao tài sản này cho bên nhận cầm cố cũng như khó khăn trong cách xử lý tài sản cầm cố;
  • Tài sản cầm cố phải thuộc sở quyền sở hữu của bên cầm cố;
  • Từ những phân tích trên, thông thường, các tài sản được sử dụng để cầm cố gồm động sản (ô tô, xe máy, điện thoại, máy tính,...), tiền (ngoại tệ, tiền Việt Nam - thường là những đồng tiền có số seri đẹp…), vật (như vàng, bạc, kim cương,...), giấy tờ có giá như trái phiếu, xác nhận quyền ưu tiên mua các sản phẩm chứng khoán, chứng quyền…;
  • Các loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, thẻ học sinh, thẻ ngành, thẻ nghiệp vụ, chứng minh thư quân đội,... không là tài sản cầm cố vì đây không được coi là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự; đồng thời, người cầm cố, nhận cầm cố còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính;
Lưu ý rằng:
  • Việc nhận cầm cố, cầm cố tài sản phải được lập thành hợp đồng, nếu không có hợp đồng sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính;
  • Không được nhận cầm cố tài sản của người khác nếu không được sự ủy quyền, cho phép của họ;
  • Phải lưu trữ tài sản hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của bên nhận cầm cố tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trong thời hạn hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực;
  • Các bên cần tìm hiểu kỹ các quy định về việc cầm cố, nhận cầm cố tài sản để tránh tranh chấp, rủi ro pháp lý;
Như vậy, bán tài sản cầm cố là một trong những biện pháp xử lý tài sản cầm cố theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Việc bán tài sản cầm cố có thể được thực hiện thông qua đấu giá hoặc do bên nhận cầm cố tự quyết định.
Tài sản cầm cố phải là tài sản được tham gia giao dịch hợp pháp và phải được pháp luật về dân sự cho phép là tài sản cầm cố.
Trên đây là giải đáp về bán tài sản cầm cố, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X