hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 28/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn thế nào?

Chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn được thực hiện theo những cách nào? Án phí giải quyết là bao nhiêu? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

Mục lục bài viết
  • Chia tài sản chung khi ly hôn được thực hiện bằng cách nào?
  • Án phí giải quyết tranh chấp đất đai khi ly hôn là bao nhiêu?
  • Tranh chấp đất đai sau ly hôn, giải quyết ở đâu?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau:

Em gái tôi muốn li hôn nhưng chồng không đồng ý bán nhà để chia 2 nên việc ly hôn vẫn chưa thể giải quyết được theo thỏa thuận.

Theo tôi được biết, nhà này là căn biệt thự do chồng đứng tên mua từ chủ đầu tư, em gái tôi không ký do lúc đó em gái tôi đang đi công tác ở nước ngoài.

Người chồng có ý chiếm căn nhà để làm tài sản riêng do nghĩ rằng không có chữ ký của em gái tôi trên hợp đồng.

Căn nhà chưa được cấp sổ hồng.

Vậy xin hỏi Luật sư, em gái tôi có được quyền yêu cầu chia căn nhà trên cùng với việc giải quyết ly hôn không?

Án phí giải quyết là bao nhiêu nếu tài sản có giá trị khoảng 5 tỷ đồng.

Nếu được thì phải thực hiện theo cách nào?

Em gái tôi muốn giải quyết ly hôn trước, sau khi đã có quyết định ly hôn thì em gái tôi tiếp tục giải quyết việc phân chia tài sản.

Nếu lựa chọn cách xử lý như vậy thì nơi nào tiếp nhận xử lý?

Xin cảm ơn Luật sư đã giải đáp.

Xin chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận toàn bộ câu hỏi của bạn.

Với thông tin bạn cung cấp, dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn vấn đề chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn như sau:

Chia tài sản chung khi ly hôn được thực hiện bằng cách nào?

Trước hết, theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản là nhà đất do vợ, chồng được tạo ra trong thời kỳ chung sống hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng (trừ trường hợp nhà đất được nhận tặng cho, nhận thừa kế hoặc có được thông qua giao dịch riêng).

Theo thông tin bạn cung cấp, căn biệt thự do người chồng đứng tên trên hợp đồng mua trong thời kỳ chung sống hôn nhân và chúng tôi chưa nhận được thông tin nào khác về việc căn nhà này được mua từ nguồn tài chính của người chồng nên tạm thời chúng tôi giả sử đây là tài sản chung của vợ chồng.

Tài sản chung này được pháp luật công nhận quyền sở hữu là của vợ chồng em gái bạn nếu họ dã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai 2013, Điều 9 Luật Nhà ở 2014.

Trong trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng thì theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 sẽ được phân chia theo một trong những cách thức sau đây.

Cách 1: Theo thỏa thuận của vợ chồng

Khi ly hôn, vợ chồng bạn có quyền thỏa thuận về việc phân toàn bộ tài sản chung của vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân.

Việc phân chia này tùy thuộc nhu cầu của các bên mà các điều khoản thỏa thuận có thể bao gồm như quyền sở hữu, sử dụng được trao cho một người hay chia đôi, có từ chối nhận tài sản chung không, quyền/nghĩa vụ của các bên khi chia tài sản chung là gì...

Việc phân chia này dựa trên ý chí tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối hay cưỡng ép của vợ chồng.

Đối với tài sản là nhà đất thì việc thỏa thuận này có hiệu lực khi thỏa thuận được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, căn nhà mà vợ chồng bạn mua chưa được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất), do đó, từ thông tin bạn đã cung cấp chúng tôi có một số cách hiểu sau đây:

Trường hợp 1: Chủ đầu tư chưa thực hiện nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng cho khách hàng, do vậy, vợ chồng em gái bạn mua nhà mà không thể làm thủ tục cấp sổ đỏ cho mình

  • Nếu thuộc trường hợp này, vợ chồng em gái bạn không thể lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung là căn nhà đã mua hợp pháp theo quy định do không đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 118 Luật Nhà ở 2014 về điều kiện của đất, nhà ở tham gia giao dịch (phải có Sổ đỏ);

  • Điều này đồng nghĩa với việc em gái bạn không thể được pháp luật công nhận về thỏa thuận phân chia tài sản chung của mình;

  • Cách giải quyết trong trường hợp này là các bên có thể giữ nguyên hiện trạng hoặc tự lập thỏa thuận dân sự không có công chứng/chứng thực để giảm thiểu phần nào rủi ro;

  • Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng, các văn bản lập không có công chứng/chứng thực sẽ không có hiệu lực để xác nhận, làm căn cứ để Nhà nước công nhận việc chuyển quyền sở hữu từ tài sản chung thành tài sản riêng mà chỉ có tác dụng làm giảm thiểu phần nào rủi ro, thiệt hại của em gái bạn;

Trường hợp 2: Chủ đầu tư đã thực hiện nộp hồ sơ cấp sổ hồng cho vợ chồng em gái bạn nhưng chưa thực hiện bàn giao
  • Nếu thuộc trường hợp này thì vợ chồng em gái bạn đề nghị chủ đầu tư bàn giao sổ hồng và tiến hành thỏa thuận phân chia tài sản chung sau khi đã nhận được sổ;

  • Việc thỏa thuận phân chia được các bên tự thực hiện tại văn phòng công chứng, phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

  • Đây là cách thực hiện trực tiếp, đơn giản và tốn ít chi phí nhất cho vợ chồng em gái bạn;

Cách 2: Thực hiện phân chia theo chế độ tài sản của vợ chồng
  • Việc phân chia này được thực hiện theo văn bản thỏa thuận chế độ vợ chồng nếu văn bản này được lập có công chứng/chứng thực và không bị Tòa án tuyên vô hiệu;

  • Tài sản chưa được cấp sổ đỏ mà là tài sản chung thì vẫn thực hiện chia theo thỏa thuận và việc chia trong trường hợp này có thể được thực hiện khi tài sản đủ điều kiện hoặc theo Quyết định/Bản án của Tòa án nhân dân có thẩm quyền;

Cách 3: Yêu cầu Tòa án thực hiện phân chia tài sản chung
  • Vợ hoặc chồng hoặc cả hai có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung là căn nhà này tại thời điểm ly hôn hoặc trước thời điểm giải quyết ly hôn hoặc sau khi được giải quyết ly hôn;

  • Việc yêu cầu Tòa phân chia phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;

Như vậy, để phân chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn được mua trong thời kỳ chung sống hôn nhân, em gái bạn có thể lựa chọn thực hiện theo một trong những cách thức mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Do chưa có thông tin đầy đủ về trường hợp của em gái bạn, nên theo những giải đáp của chúng tôi ở trên, em gái bạn lựa chọn phương án xử lý phù hợp với mình.

Cách chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn

 Cách chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn

Án phí giải quyết tranh chấp đất đai khi ly hôn là bao nhiêu?

Án phí giải quyết tranh chấp chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn ở giai đoạn xét xử sơ thẩm là án phí có giá ngạch, quy định tại Nghị quyết 326/2016/QH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14.

Theo đó, cách xác định giá trị tài sản để tính án phí được dựa trên nguyên tắc ưu tiên áp dụng theo thứ tự tại Điều 8 Nghị quyết 326/2016/QH14 như sau:

  • Gía do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định;

  • Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp cho Tòa án;

  • Giá trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án ly hôn tranh chấp tài sản;

  • Giá trị thường tại thời điểm, địa điểm xác định giá tài sản;

  • Nếu không thể xác định giá trị tài sản theo các căn cứ nêu trên thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến về việc xác định giá tài sản và quyết định giá tài sản tranh chấp để tính án phí, tạm ứng án phí;

Điều này cũng có nghĩa rằng, 5 tỷ là giá được xác định là giá để tính án phí, tạm ứng án phí nếu phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị quyết 326/2016/QH14.

Lúc này, mức án phí mà 2 vợ chồng phải chịu nếu tài sản là 5 tỷ là 113 triệu đồng.

Mức án phí cụ thể sẽ được tòa tuyên trong bản án tương ứng với phần tài sản được nhận.

Trường hợp giá trị tài sản tranh chấp được sử dụng để tính án phí, tạm ứng án phí không phải là 5 tỷ thì việc xác định án phí được thực hiện theo Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/QH14 như sau:

Giá trị tài sản nhà đất tranh chấp được xác định theo Điều 8 Nghị quyết 326/2016/QH14 để tính án phí

Cách tính án phí 

≤ 6 triệu đồng

300.000 đồng

Trên 6 triệu - đến 400 triệu đồng

5% giá trị tài sản tranh chấp

Trên 400 triệu - đến 800 triệu đồng

20 triệu đồng + 4% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

Trên 800 triệu - đến 2 tỷ đồng

36 triệu + 3% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 800 triệu đồng

Trên 2 tỷ - đến 4 tỷ đồng

72 triệu + 2% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 2 tỷ đồng

Trên 4 tỷ đồng

112 triệu + 0,1% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 4 tỷ đồng

Như vậy, án phí khi chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn là án phí được tính theo giá ngạch.

Tùy thuộc giá trị tài sản được xác định làm căn cứ tính án phí mà mức án phí phải nộp của đương sự là khác nhau.

Mức án phí cụ thể mà mỗi người phải nộp được Tòa ghi nhận trong bản án/quyết định.

Án phí vụ án chia tài sản chung là nhà đất khi ly hônÁn phí vụ án chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn

Tranh chấp đất đai sau ly hôn, giải quyết ở đâu?

Tranh chấp về chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn được giải quyết tại Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu vợ chồng cùng yêu cầu giải quyết vấn đề ly hôn và vấn đề chia tài sản.

Trong trường hợp, các bên chỉ giải quyết ly hôn mà không yêu cầu chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn thì việc chia tài sản chung này được pháp luật cho phép được thực hiện sau khi có bản án ly hôn.

Tại thời điểm sau khi có bản án ly hôn, các bên có yêu cầu tòa phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sau khi đã giải quyết ly hôn là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Trong trường hợp nơi bị đơn cư trú, làm việc khác với nơi có bất động sản thì vẫn do Tòa nơi bị đơn cư trú, làm việc giải quyết vì mặc dù quan hệ hôn nhân đã chấm dứt nhưng tranh chấp về tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự (Điều 7 Chương III. Về dân sự tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử của Tòa án nhân dân tối cao).

Như vậy, chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn được pháp luật cho phép giải quyết cùng với yêu cầu ly hôn hoặc sau khi đã có bản án ly hôn.

Trường hợp sau khi đã có bản án ly hôn mà đương sự mới yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình nên vẫn do Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc thụ lý, giải quyết (bao gồm cả trường hợp nhà đất khác nơi cư trú, làm việc của bị đơn).

Dựa trên giải đáp của chúng tôi, em gái bạn có thể chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ và yêu cầu Tòa án có thẩm quyền thực hiện phân chia theo đúng quy định.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về chia tài sản chung là nhà đất khi ly hôn, nếu còn thắc mắc,  vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X