Trong quá trình hoạt động, nhu cầu vay, cho vay vốn giữa các doanh nghiệp là rất đa dạng, nó góp phần vào việc tăng khả năng thanh khoản, góp phần giảm các khoản nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp trong hệ thống kinh tế. Qua đó, dòng chảy về vốn lưu động được thực hiện nhanh chóng, kịp thời hơn. Câu hỏi đặt ra là, pháp luật Việt Nam có cho phép các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng được phép cho nhau vay tiền (tài chính không)? Nếu có thì lãi suất tối đa là bao nhiêu?
Câu hỏi: Chào Luật sư, doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất. Hiện tại, chúng tôi đang thiếu nguồn vốn lưu động. Đối tác của chúng tôi có nguồn vốn dự phòng để cho chúng tôi vay tạm trong thời gian ngắn. Tôi muốn hỏi Luật sư là, cả hai doanh nghiệp chúng tôi đều là doanh nghiệp gia công, sản xuất thì có được phép cho nhau vay vốn (vay tiền) không? Nếu có thể cho vay thì lãi suất mà chúng tôi được thỏa thuận tối đa là bao nhiêu, thưa Luật sư?
Chào bạn, liên quan đến những vấn đề về cho doanh nghiệp khác vay tiền mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Không là tổ chức tín dụng, có được cho doanh nghiệp khác vay tiền không?
Trước hết, doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có các quyền được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể gồm:
Điều 7. Quyền của doanh nghiệp
1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.
=> Theo đó, doanh nghiệp được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp. Các tài sản này có thể là tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình.
Mặt khác, tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 gồm có các loại sau:
+ Vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản;
+ Bất động sản, động sản: Trong đó, bất động sản hoặc động sản bao gồm đồng thời tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Vì vậy, tiền của doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp. Và là tài sản của doanh nghiệp nên doanh nghiệp có quyền định đoạt việc sử dụng tiền của mình theo ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp. Quyền định đoạt tài sản của doanh nghiệp có thể kể đến như quyền chiếm hữu, cho thuê, cho vay, cho mượn, thế chấp, bán…
Các doanh nghiệp khi thực hiện việc cho vay tiền cần phải đảm bảo thực hiện đúng hình thức thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC như sau:
Điều 4. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng
1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Trong đó, khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định các hình thức thanh toán tiền giữa các doanh nghiệp cho vay tiền gồm:
…
2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
…
=> Các doanh nghiệp có quyền cho nhau vay tiền, tuy vậy, khác với các hợp đồng khác, pháp luật chỉ cho phép các doanh nghiệp cho vay tiền được sử dụng hình thức thanh toán bằng séc, hoặc ủy nhiệm chi - chuyển tiền hoặc các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt khác phù hợp với quy định pháp luật.
Thêm vào đó, hợp đồng vay tiền giữa các doanh nghiệp là hợp đồng dân sự nên hình thức của hợp đồng phải tuân thủ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
=> Từ quy định trên, có thể nhận thấy, pháp luật không quy định hình thức bắt buộc của hợp đồng vay tiền giữa các doanh nghiệp, điều này có thể hiểu là, các bên trong hợp đồng vay có thể lập hợp đồng vay tài sản bằng hành vi, bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng vay được thống nhất và giảm thiểu tối đa những tranh chấp có thể phát sinh, việc vay tiền giữa các doanh nghiệp nên được lập thành văn bản.
Kết luận: Các doanh nghiệp không có ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng, tài chính vẫn có quyền cho nhau vay tiền, chỉ cần đảm bảo tiền này là tài sản hợp pháp của doanh nghiệp cho vay.
Hợp đồng vay giữa các bên không bắt buộc phải lập thành văn bản; tuy nhiên, để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng và tránh những tranh chấp có thể phát sinh, các bên nên lập hợp đồng vay bằng văn bản. Việc cho vay, thanh toán tiền vay giữa các bên chỉ được thực hiện bằng một trong những hình thức luật định như séc, ủy nhiệm chi...
Lãi suất tối đa khi cho doanh nghiệp khác vay tiền là bao nhiêu?
- Như đã trình bày ở trên, hợp đồng vay tiền giữa các doanh nghiệp là một giao dịch dân sự.
- Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không nhận định cụ thể mức lãi suất là bao nhiêu thì lãi suất được áp dụng trong trường hợp này là không quá 10%/năm tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, lãi suất tối đa mà doanh nghiệp có thể thỏa thuận trong hợp đồng vay là 20%/năm.
Hợp đồng vay tiền giữa các bên có phải công chứng, chứng thực không?
Hiện nay, pháp luật về dân sự, Luật Công chứng 2014, Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan không bắt buộc các bên trong hợp đồng vay tiền phải thực hiện công chứng/chứng thực. Do vậy, khi hai doanh nghiệp ký kết hợp đồng cho vay tiền thì không cần phải thực hiện công chứng/chứng thực hợp đồng.
Tuy vậy, nếu để đảm bảo chắc chắn về tình trạng pháp lý, tính tuân thủ pháp luật và hạn chế rủi ro thì các bên cũng có thể lựa chọn việc công chứng hợp đồng vay tiền. Việc công chứng hợp đồng vay tiền được thực hiện tại các văn phòng công chứng/phòng công chứng được thành lập, tổ chức, hoạt động theo pháp luật về công chứng.
Kết luận: Hợp đồng vay tiền không bị bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Do đó, khi cho doanh nghiệp khác vay tiền thì các bên có thể lựa chọn việc công chứng hợp đồng hoặc không cần công chứng hợp đồng.
Trên đây là giải đáp về cho doanh nghiệp khác vay tiền, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Tài sản nào được xác định là tài sản cố định của doanh nghiệp?