hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 30/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chuyển nhượng đất từ bố sang con được thực hiện thế nào?

Chuyển nhượng đất từ bố sang cho con được thực hiện như thế nào? Bố mẹ đã sang tên, chuyển nhượng đất đai cho con có quyền lấy lại không? HieuLuat sẽ giải đáp những vướng mắc pháp lý này trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, bố mẹ tôi có dự định chuyển nhượng đất đai mang tên của bố mẹ sang cho tôi.

Mong Luật sư hướng dẫn, giải đáp cho tôi những vấn đề sau đây: 1, Việc chuyển nhượng đất đai từ bố mẹ tôi sang cho tôi được thực hiện ở đâu? Theo trình tự như thế nào?

2, Do gia đình tôi tương đối phức tạp, tôi muốn hỏi trước, tại thời điểm này bố mẹ tôi đồng ý tặng cho tôi nhưng qua một thời gian nữa bố mẹ tôi muốn đòi lại phần đất nhà đã tặng cho thì có được không Luật sư?

Chào bạn, xoay quanh các vấn đề pháp lý về vấn đề chuyển nhượng đất từ bố sang con mà bạn quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Thủ tục chuyển nhượng đất từ bố sang con thế nào?

Chuyển nhượng đất từ bố sang cho con là việc chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận cho bố sang cho con theo trình tự, thủ tục luật định.

Việc chuyển nhượng đất mang tên bố mẹ sang cho con trong trường hợp của bạn được thực hiện theo trình tự như sau:

Bước 1: Ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất

  • Nếu việc bố mẹ bạn chỉ tặng cho một phần diện tích đất của thửa đất thì bố mẹ bạn cần thực hiện thủ tục tách thửa đất trước khi ký kết hợp đồng chuyển quyền;

  • Ngược lại, nếu bố mẹ bạn cho bạn toàn bộ thửa đất thì không cần thực hiện thủ tục tách thửa trước khi ký kết hợp đồng;

  • Hợp đồng chuyển quyền đất đai từ bố mẹ bạn sang cho bạn phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Đây là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật;

  • Việc ký công chứng hợp đồng tặng cho đất đai từ bố mẹ sang cho con được thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng có trụ sở trong phạm vi cấp tỉnh nơi có đất. Chứng thực hợp đồng tặng cho đất đai được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

Bước 2: Thực hiện đăng ký biến động về người sử dụng đất

  • Sau khi đã ký kết hợp đồng, bên có nghĩa vụ đăng ký biến động, sang tên sổ đỏ nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai nói có đất;

  • Các bên có nghĩa vụ hoàn thiện nghĩa vụ tài chính (đóng nộp các khoản thuế, phí lệ phí,...) theo quy định trước khi nhận sổ đỏ mang tên của bên nhận tặng cho;

Bước 3: Nhận kết quả

Bên nhận chuyển quyền/nhận tặng cho đất đai nhận kết quả là sổ đỏ mới mang tên mình (nếu thuộc trường hợp tách thửa tặng cho con hoặc cấp đổi sổ khi nhận tặng cho toàn bộ thửa đất) hoặc sổ đỏ đã được xác nhận biến động.

Kết luận: Để chuyển nhượng đất từ bố sang con thì các bên cần phải ký kết hợp đồng tặng cho, chuyển quyền có công chứng, chứng thực.

Sau khi đã có hợp đồng, bên có nghĩa vụ thực hiện đăng ký biến động tiến hành nộp hồ sơ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng được công chứng, chứng thực.

Quá thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền được quyền xử phạt vi phạm hành chính tại thời điểm sang tên quá hạn.

chuyen nhuong dat tu bo sang con

Bố mẹ sang tên sổ đỏ cho con có lấy lại được không?

Khi đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất từ bố sang con, từ bố mẹ sang cho con cái thì có lấy lại được không nếu bố mẹ vẫn còn sống và không đồng ý việc sang tên?

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp mà đang diễn ra khá phổ biến hiện nay, nguyên nhân của việc muốn đòi lại đất đai đã tặng cho có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái, do xúi giục từ người khác, …

Căn cứ quy định tại Điều 95 Luật Đất đai 2013, khi phát sinh biến động về việc chuyển quyền sử dụng đất thì các bên có nghĩa vụ đăng ký biến động theo trình tự, thủ tục luật định.

Tại thời điểm thông tin đăng ký biến động được ghi nhận vào sổ địa chính thì người có yêu cầu đã hoàn tất việc đăng ký biến động.

Lúc này, kết quả họ nhận được là sổ đỏ đã ghi tên của mình, đồng nghĩa với việc Nhà nước đã xác nhận quyền sở hữu hợp pháp được chuyển giao từ bên tặng cho (bố mẹ bạn) sang bên nhận tặng cho (bạn).

Việc tặng cho tại thời điểm bạn đã nhận sổ hồng được nhận định là hoàn tất, dứt khoát và không kèm theo bất kỳ điều kiện nào khác.

Do đó, bố mẹ bạn không thể đòi lại tài sản đã tặng cho bạn dứt khoát, không kèm điều kiện được.

Ngoại lệ, bố mẹ bạn có căn cứ để lấy lại tài sản đất đai đã tặng cho nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

Trường hợp 1: Có căn cứ chứng minh quá trình tặng cho trước đây vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Ví dụ tại thời điểm tặng cho, bố mẹ bạn bị lừa dối, ép buộc hoặc quy trình ký hợp

đồng công chứng, chứng thực không đúng trình tự, thủ tục…

Tại đây, bố mẹ bạn có quyền yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng tặng cho bị vô hiệu, từ đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi sổ đã cấp cho bạn và cấp lại sổ cho đúng đối tượng.

Trường hợp 2: Bên nhận tặng cho chưa hoàn thành điều kiện để được nhận tặng cho theo thỏa thuận đã được các bên ghi nhận trong hợp đồng

Nếu việc tặng cho là có điều kiện và bên nhận tặng cho chỉ được quyền nhận tặng cho đất đai sau khi đã hoàn thành toàn bộ những yêu cầu tặng cho được ghi nhận trong hợp đồng, tuy nhiên, bạn không hoàn thành các nghĩa vụ này.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, mục đích của hợp đồng chưa đạt được.

Bố mẹ bạn có quyền đề nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy bỏ hợp đồng đã ký kết/tuyên vô hiệu hợp đồng đã ký kết để các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận tại thời điểm ký.

Lưu ý: Quyết định hoặc bản án có hiệu lực của tòa án là căn cứ để buộc các bên phải chấp hành/thực hiện.

Kết luận: Khi đã chuyển nhượng đất từ bố sang con mà việc chuyển nhượng là dứt khoát, không kèm điều kiện, con đã được Nhà nước công nhận quyền hợp pháp thì bố mẹ không thể đòi lại đất đai đã tặng cho.

Bố mẹ chỉ có căn cứ để lấy lại đất đã tặng cho con trong trường hợp việc tặng cho vi phạm pháp luật hoặc quy trình đăng ký sang tên vi phạm pháp luật hiện hành dẫn đến xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bố mẹ.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về chuyển nhượng đất từ bố sang con, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X