hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 02/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đăng ký kết hôn có cần sổ hộ khẩu không?

Nam nữ phải đăng ký kết hôn để được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp. Khi đăng ký kết hôn các bên cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Đăng ký kết hôn cần hộ khẩu không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Tôi đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn và muốn biết việc đăng ký kết hôn không có sổ hộ khẩu thì có được không? Mong Luật sư giải đáp. Chân thành cảm ơn.

Căn cứ Luật Cư trú 2020, nơi cư trú của công dân là nơi thường trú (nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và có đăng ký thường trú) hoặc nơi tạm trú (nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã đăng ký tạm trú).

Giấy tờ để xác nhận công dân đã đăng ký thường trú là Sổ hộ khẩu (được sử dụng đến hết 31/12/2022 theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú 2020). Theo Luật Cư trú 2020, từ ngày 01/7/2021, công dân khi đăng ký thường trú sẽ không được cấp mới sổ hộ khẩu, thay vào đó được ghi nhận thông tin đăng ký thường trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để xác định đã đăng ký thường trú, công dân đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền xác nhận thông tin cư trú.

Trở lại với thủ tục đăng ký kết hôn, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 18, Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 1 Điều 2, Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể gồm:

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP;

- Giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) còn hiệu lực;

- Giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân (đối với công dân Việt Nam là Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của công dân/đối với người nước ngoài là Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp);

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (áp dụng đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài).

Trường hợp hai bên nam, nữ có một trong hai hoặc cả hai đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

- Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký kết hôn phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú;

- Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị thêm quyết định/bản án ly hôn (trong trường hợp đã ly hôn) hoặc giấy chứng tử (trong trường hợp đã từng có vợ hoặc chồng mà vợ/chồng đã chết).

Lưu ý: Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, bạn tới Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định.

Từ quy định nêu trên, có thể thấy giấy tờ chứng minh nơi cư trú (như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ xác nhận cư trú) là cần thiết để chứng minh nơi cư trú trong giai đoạn chuyển tiếp. Bởi hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được cập nhật, chia sẻ tới toàn bộ các cơ quan, đơn vị nên vẫn cần giấy tờ xác nhận nơi cư trú (sổ hộ khẩu...) để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể xác định được chính xác thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn.

Hiện nay, nhiều người đăng ký kết hôn không có sổ hộ khẩu do hộ khẩu được cấp trước đây đã bị mất/bị rách, nát không còn nguyên vẹn... Theo Luật Cư trú 2020, các sổ hộ khẩu cũ bị mất sẽ không được cấp lại nên do đó họ không thể có sổ hộ khẩu để xuất trình khi đăng ký kết hôn. Lúc này, theo quy định đã nêu ở trên, người dân có thể thay thế sổ hộ khẩu bằng giấy tờ xác nhận nơi cư trú do cơ quan công an có thẩm quyền cấp.

Kết luận: Khi đăng ký kết hôn trong giai đoạn này (giai đoạn chuyển tiếp) bạn vẫn cần có sổ hộ khẩu hoặc xác nhận thông tin cư trú. Đây là loại giấy tờ dùng làm căn cứ xác định thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn cho bạn. Tùy thuộc đối tượng kết hôn mà cần thêm các giấy tờ chuẩn bị cũng cần khác nhau, đối chiếu với tình huống cụ thể của mình, bạn lựa chọn các tài liệu phù hợp.

Xem thêm: Đăng ký kết hôn ở đâu?

dang ky ket hon can ho khau khong

Đăng ký kết hôn cần giấy tờ gì? (Ảnh minh họa)


Đăng ký kết hôn có phải chuyển khẩu không?

Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi đọc được thông tin khi đăng ký kết hôn thì phải chuyển khẩu từ nhà tôi sang nhà chồng. Vậy Luật sư cho tôi hỏi thông tin đó có đúng không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận toàn bộ câu hỏi của bạn. Dựa theo quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Điều 20 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng như sau:

Điều 20. Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng

Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.

Theo quy định trên, pháp luật cho phép vợ, chồng sau khi đăng ký kết hôn có thể ở hai nơi khác nhau.

Đồng thời, nơi cư trú theo Luật Cư trú 2020 quy định gồm nơi thường trú (nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và có đăng ký thường trú) hoặc nơi tạm trú (nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã đăng ký tạm trú). Tại Điều 14 của Luật Cư trú 2020 cũng quy định vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Vậy nên, từ các căn cứ trên vợ chồng bạn hoàn toàn có quyền tự định đoạt nơi mình tạm trú/thường trú sau khi kết hôn mà không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển hộ khẩu của vợ chồng về cùng một nơi là nơi thường trú sẽ tạo điều kiện để đơn giản các giấy tờ trong một số thủ tục sau như: Nhập học cho con sau này, mua bán chuyển nhượng tài sản có đăng ký...hoặc để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thuận tiện theo dõi, quản lý.

Tuy không cùng nơi thường trú nhưng vợ chồng vẫn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình như phải thương yêu chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình,...

Kết luận: Pháp luật không cấm việc vợ, chồng sau khi đăng ký kết hôn không cùng chung nơi thường trú (không chung sổ hộ khẩu). Việc lựa chọn nơi ở của vợ, chồng sau kết hôn do hai vợ chồng tự thỏa thuận. Vì thế, sau khi kết hôn, bạn không bắt buộc phải chuyển khẩu về bên nhà chồng.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về đăng ký kết hôn cần hộ khẩu không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đăng ký kết hôn lần 2 thế nào?

>> Đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền bị xử phạt thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X