Đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 có phải là thủ tục bắt buộc không? Giải quyết khiếu nại lần 2 theo trình tự như thế nào là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi thực hiện thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại. Trong phạm vi bài viết này, HieuLuat sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 và thủ tục giải quyết khiếu nại lần 2.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang thực hiện thủ tục khiếu nại lần 2 trong lĩnh vực đất đai. Hồ sơ, tài liệu cũng như yêu cầu cụ thể về việc giải quyết khiếu nại lần 2 tôi đã gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Tôi muốn Luật sư có thể giải đáp cho tôi về việc có bắt buộc phải thực hiện đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 hay không? Thủ tục giải quyết khiếu nại lần 2 được thực hiện thế nào?
Chào bạn, liên quan đến đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 và thủ tục giải quyết khiếu nại lần 2 mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
1. Có buộc phải đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 không?
Đối thoại có thể hiểu là hình thức trao đổi, thương lượng của hai hoặc nhiều bên về những vấn đề mà cần phải phân tích, làm rõ hoặc thống nhất.
1.1 Đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 có bắt buộc không?
Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 là quy trình bắt buộc phải thực hiện.
Đối với từng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 thì việc đối thoại có một số những điểm khác biệt, cụ thể:
Một là, nếu người giải quyết khiếu nại lần 2 là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Giám đốc sở hoặc cá nhân có thẩm quyền khác tương đương phải trực tiếp thực hiện việc đối thoại với người khiếu nại.
Kết quả của cuộc đối thoại phải được lập thành biên bản theo mẫu luật định.
Hai là, việc đối thoại của người quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Đối với những vụ việc khiếu nại phức tạp (như có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung hoặc có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết hoặc trong trường hợp người khiếu nại có thái độ gay gắt, hoặc những vụ việc khiếu nại được dư luận xã hội quan tâm hoặc vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội) thì Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp thực hiện đối thoại;
- Đối với những trường hợp còn lại thì những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 trong trường hợp này được quyền ủy quyền cho một trong những người sau đây thực hiện đối thoại với người khiếu nại:
+ Cấp phó của mình;
+ Hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp;
+ Hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh vụ việc;
Lưu ý: Người được giao nhiệm vụ thực hiện đối thoại với người khiếu nại phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về những nội dung vượt quá thẩm quyền hoặc phức tạp. Khi kết thúc đối thoại, những người được phân công đối thoại phải báo cáo với người giải quyết khiếu nại về kết quả đối thoại, đồng thời, chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo đó của mình.
1.2 Nội dung đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 là gì?
Những người tham gia buổi đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 gồm có người khiếu nại, người chủ trì buổi đối thoại (người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại/người được phân công, ủy quyền thực hiện đối thoại) và người có quyền lợi liên quan. Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định về những nội dung cụ thể trong buổi đối thoại gồm:
+ Nội dung cần đối thoại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
+ Ý kiến của người tham gia đối thoại;
+ Những thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại được bổ sung bởi người tham gia đối thoại cùng các yêu cầu của họ;
Lưu ý: Người chủ trì buổi đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại (gồm người khiếu nại, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung) người bị khiếu nại hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan). Nội dung thông báo bao gồm thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.
=> Đây là những nội dung được ghi nhận trong buổi đối thoại.
Việc đối thoại phải được lập thành biên bản, số lượng biên bản cần lập ít nhất là 03. Biên bản này được lập theo mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP và bao gồm các nội dung sau:
+ Thời gian, địa điểm, thành phần tham gia (trong đó ghi rõ người tham dự và người vắng mặt; nếu có người khiếu nại không tham gia đối thoại thì cần ghi rõ có lý do không tham gia hoặc không có lý do);
+ Nội dung, ý kiến của những người tham gia trong buổi đối thoại;
+ Những nội dung đã được thống nhất và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau;
+ Chữ ký của các bên tham gia đối thoại phải có đầy đủ trong biên bản đối thoại;
Vậy nên, những nội dung được các bên trao đổi trong buổi đối thoại cũng như những nội dung phải có trong biên bản đối thoại bao gồm những thông tin, điều khoản như chúng tôi đã nêu ở trên.
2. Thủ tục giải quyết khiếu nại lần 2 thế nào?
Luật khiếu nại 2011 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại từ Điều 38 đến Điều 42, có thể tóm gọn lại thành những bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ khiếu nại lần 2
Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có thể thực hiện khiếu nại lần 2 hoặc thực hiện khởi kiện vụ án hành chính theo định pháp luật.
Hồ sơ mà các bên cần chuẩn bị nếu lựa chọn việc khiếu nại lần 2 gồm:
- Đơn đề nghị giải quyết khiếu nại lần 2;
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu giải quyết khiếu nại;
- Các tài liệu, giấy tờ khác có liên quan.
Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tự mình hoặc giao cho người có trách nhiệm thực hiện xác minh yêu cầu khiếu nại, tính chất, nội dung cụ thể của vụ việc khiếu nại.
Kết quả của việc xác minh nội dung khiếu nại lần 2 là bản kết luận nội dung khiếu nại/nếu là người được giao trách nhiệm xác minh khiếu nại thì ngoài kết luận nội dung khiếu nại còn cần phải có kiến nghị giải quyết khiếu nại để gửi cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Bước 3: Đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2
Sau khi đã xác minh nội dung khiếu nại, người có thẩm quyền hoặc người được phân công thực hiện đối thoại tiến hành tổ chức buổi đối thoại theo quy định pháp luật.
Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Sau khi thực hiện đối thoại, các vấn đề mà các bên chưa thể thống nhất được sẽ được người có thẩm quyền thực hiện giải quyết khiếu nại và ra quyết định giải quyết khiếu nại lần 2.
Quyết định giải quyết khiếu nại được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến trong khoảng thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.
Quyết định khiếu nại cũng phải được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở của cơ quan của người trực tiếp giải quyết khiếu nại, các cách khác theo quy định tại Điều 40 Luật Khiếu nại 2011.
Lưu ý: Nếu quá thời hạn yêu cầu giải quyết khiếu nại lần 2 mà người khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định pháp luật.
Như vậy, thủ tục giải quyết khiếu nại lần 2 được thực hiện theo các bước như chúng tôi đã nêu ở trên.
Trên đây là giải đáp về đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Khiếu nại là gì? Có thể khiếu nại bằng những hình thức nào?