Ký hiệu các loại đất nông nghiệp hiện nay như thế nào? Sử dụng đất nông nghiệp có phải đóng thuế không? Mức thuế phải đóng là bao nhiêu? … Một số câu hỏi liên quan đến ký hiệu đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp như trên sẽ được chúng tôi giải đáp trong bài viết sau đây.
Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi muốn Luật sư giải đáp cho tôi về ký hiệu của các loại đất nông nghiệp trong nhóm đất nông nghiệp hiện nay là như thế nào? Việc sử dụng đất nông nghiệp có cần phải đóng thuế cho Nhà nước không? Mức thuế là bao nhiêu?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi liên quan đến ký hiệu các loại đất nông nghiệp về cho HieuLuat, chúng tôi xin được giải đáp câu hỏi của bạn như sau:
Ký hiệu các loại đất nông nghiệp hiện nay như thế nào?
Pháp luật về đất đai quy định mỗi loại đất hiện nay đều có ký hiệu riêng trong bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính. Căn cứ quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, ký hiệu các loại đất nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp hiện nay như sau:
STT | Loại đất nông nghiệp | Mã/Ký hiệu đất |
1 | Đất chuyên trồng lúa nước | LUC |
2 | Đất trồng lúa nước còn lại | LUK |
3 | Đất lúa nương | LUN |
4 | Đất bằng trồng cây hàng năm khác | BHK |
5 | Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác | NHK |
6 | Đất trồng cây lâu năm | CLN |
7 | Đất rừng sản xuất | RSX |
8 | Đất rừng phòng hộ | RPH |
9 | Đất rừng đặc dụng | RDD |
10 | Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
11 | Đất làm muối | LMU |
12 | Đất nông nghiệp khác | NKH |
Có 12 ký hiệu đất tương ứng với 12 loại đất nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, trải qua quá trình xây dựng, sửa đổi Luật Đất đai, ký hiệu đất nông nghiệp cũng có sự thay đổi, kế thừa, phát triển. Có thể liệt kê đến một số giai đoạn quy định về ký hiệu các loại đất nông nghiệp được sử dụng trong các văn bản pháp luật về đất đai như sau:
Một là, ký hiệu các loại đất nông nghiệp theo Quyết định 499QĐ/ĐC (Quyết định quy định về mẫu sổ địa chính, mẫu sổ mục kê, sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ theo dõi biến động đất đai) của Tổng Cục địa chính ngày 27/05/1995
STT | Loại đất nông nghiệp | Mã/Ký hiệu đất |
MỤC ĐÍCH NÔNG NGHIỆP | ||
1 | Trồng lúa, lúa màu | Lúa |
2 | Nương rẫy | N.rẫy |
3 | Trồng cây hàng năm khác | ĐRM |
4 | Trồng cói, bàng | Cói |
5 | Làm vườn | Vườn |
6 | Trồng cây lâu năm | LN |
7 | Đất cỏ dùng vào chăn nuôi | Cỏ |
8 | Mặt nước nuôi trồng thủy sản | Ao, (hồ) |
MỤC ĐÍCH LÂM NGHIỆP (PHÂN THÀNH 3 LOẠI KHÁC NHAU) | ||
Loại 1. Khoanh nuôi bảo vệ, phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên | ||
9 | Sản xuất | R. Tn. S |
10 | Phòng hộ | R. Tn. P |
11 | Đặc dụng | R. Tn. Đ |
Loại 2. Trồng rừng | ||
12 | Sản xuất | R. T. S |
13 | Phòng hộ | R. T. P |
14 | Đặc dụng | R. T. Đ |
15 | Loại 3. Ươm cây giống lâm nghiệp | Ư. R |
ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG | ||
16 | Đất bằng chưa sử dụng | Hg/ b |
17 | Đất đồi núi chưa sử dụng | Hg/ đn |
18 | Đất có mặt nước chưa sử dụng | MN/ Hg |
19 | Sông suối | Sg/ suối |
20 | Núi đá không có rừng cây | N/đá |
21 | Đất chưa sử dụng khác | Khác |
Hai là, ký hiệu các loại đất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư 29/2004/TT-BTNMT
Ký hiệu các loại đất nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư này như sau:
STT | Loại đất nông nghiệp | Mã/Ký hiệu |
1 | Đất trồng lúa | LUA |
2 | Đất cỏ dùng vào chăn nuôi | COC |
3 | Đất trồng cây hàng năm khác | HNK |
4 | Đất trồng cây lâu năm | CLN |
5 | Đất rừng sản xuất | RSX |
6 | Đất rừng phòng hộ | RPH |
7 | Đất rừng đặc dụng | RDD |
8 | Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
9 | Đất làm muối | LMU |
10 | Đất nông nghiệp khác | NKH |
Ba là, ký hiệu các loại đất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư 09/2007/TT-BTNMT
STT | Loại đất nông nghiệp | Mã/Ký hiệu |
1 | Đất trồng lúa | LUA |
2 | Đất cỏ dùng vào chăn nuôi | COC |
3 | Đất trồng cây hàng năm khác | HNK |
4 | Đất trồng cây lâu năm | CLN |
5 | Đất rừng sản xuất | RSX |
6 | Đất rừng phòng hộ | RPH |
7 | Đất rừng đặc dụng | RDD |
8 | Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
9 | Đất làm muối | LMU |
10 | Đất nông nghiệp khác | NKH |
Như vậy, việc ký hiệu các loại đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai qua các thời kỳ như chúng tôi đã nêu ở trên.
Thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là bao nhiêu?
Thuế sử dụng đất nông nghiệp là một trong những loại thuế mà người sử dụng đất nông nghiệp phải kê khai, nộp cho Nhà nước. Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết về cách tính thuế, thuế suất được tính đối với diện tích đất chịu thuế.
Theo đó, một số vấn đề về việc tính thuế sử dụng đất nông nghiệp như sau:
Thứ nhất, loại đất nông nghiệp phải đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp và không phải đóng thuế
Điều 2, Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 quy định về loại đất nông nghiệp phải đóng/hoặc không phải đóng thuế đất nông nghiệp như sau:
Loại đất nông nghiệp phải đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp | Loại đất nông nghiệp không phải đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp |
- Đất trồng trọt; - Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; - Đất rừng trồng. | - Đất có rừng tự nhiên; - Đất đồng cỏ tự nhiên; - Đất dùng để ở; - Đất chuyên dùng. |
Thứ hai, căn cứ tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
Điều 5 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định có 3 căn cứ để tính toán thuế sử dụng đất nông nghiệp là:
- Diện tích: Diện tích được tính là diện tích đất nông nghiệp được mà đối tượng sử dụng đất nông nghiệp sử dụng theo sổ địa chính hoặc theo diện tích ghi trong tờ khai/tờ đăng ký đất đai của hộ gia đình sử dụng đất;
- Hạng đất: Là căn cứ để tính định suất thuế theo quy định pháp luật. Có 5 yếu tố được sử dụng để xác định hạng đất là chất đất, vị trí thửa đất, địa hình, điều kiện khí hậu/thời tiết và điều kiện tưới tiêu. Trong đó, pháp luật quy định đất trồng cây hàng năm, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản được chia làm 6 hạng, còn đất trồng cây hàng năm được chia thành 5 hạng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn xác định hạng đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xác định hạng đất cho từng đối tượng nộp thuế.
Định suất thuế được tính đối với mỗi hạng đất của từng loại đất được quy định tại Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp như sau:
Hạng đất | Định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm (Đơn vị tính: kg thóc/1ha) | Trường hợp riêng: Định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với cây ăn quả lâu năm trồng trên đất trồng cây hàng năm (Đơn vị tính: kg thóc/1ha) | Định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm (Đơn vị tính: kg thóc/1ha) | Định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản (Đơn vị tính: kg thóc/1ha) |
1 | 650 | 715 | 550 | 550 |
2 | 550 | 598 | 460 | 460 |
3 | 400 | 481 | 370 | 370 |
4 | 200 | 280 | 280 | 280 |
5 | 80 | 180 | 180 | 180 |
6 | -/- | 50 | 50 | 50 |
Lưu ý:
+ Trường hợp cây lấy gỗ và các loại cây lâu năm thu hoạch một lần sẽ phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp bằng 4% giá trị sản lượng khai thác;
+ Nếu người sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức giao đất thì còn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp bổ sung theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phần diện tích vượt hạn mức.
- Định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp: Định suất thuế được tính bằng kg thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.
Thứ ba, đối tượng phải nộp thuế
Đối tượng nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm có tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cụ thể:
- Hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân và cá nhân;
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã (hay chính là đất nông nghiệp của xã, phường, thị trấn sử dụng vào mục đích công ích);
- Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản (gồm nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại và các doanh nghiệp khác, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và các đơn vị khác sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản).
Như vậy, tùy thuộc diện tích đất sử dụng, hạng đất, định suất cụ thể mà người sử dụng đất nông nghiệp được áp dụng mà mức thuế sử dụng đất nông nghiệp phải kê khai, đóng nộp cũng có sự khác biệt.
Trên đây là giải đáp về Ký hiệu các loại đất nông nghiệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.