hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 12/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tự ý bỏ việc, nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không?

Người lao động tự ý bỏ việc, nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không? Cùng tìm hiểu và giải đáp câu hỏi với bài viết dưới đây

Nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, chẳng là cô của em ở quê đã tự ý nghỉ việc tại công ty may. Lúc đầu cô có xin nghỉ không lương 2 tháng do chồng và cháu ngoại ốm, nhưng sau đó cô thấy đi làm may vất vả, lương cũng chẳng được mấy mà phải chăm người ốm nên ở nhà luôn và không thông báo gì cho công ty cả.

Tháng trước thời điểm nghỉ không lương cô em đã được thanh toán lương rồi, liệu cô em muốn rút BHXH 1 lần thì có được không?

Nghỉ ngang (hoặc tự ý bỏ việc) là một cách gọi khác của hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật mà người lao động thực hiện bằng cách nghỉ không báo trước hoặc có báo trước nhưng không đáp ứng được yêu cầu pháp luật về thời gian báo trước.

(Căn cứ: Điều 39, 35, 36 và 37 Bộ luật Lao động 2019)

Để trả lời thắc mắc nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không, ta xem xét các trường hợp được hưởng chế độ này theo khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015, bao gồm:

- Người lao động rút BHXH 1 lần để đi nước ngoài định cư;

- Người lao động rút BHXH 1 lần khi đã đủ tuổi hưu nhưng không đủ 20 năm đóng bảo hiểm (trường hợp người lao động là cán bộ nữ hoạt động không chuyên trách cấp xã thì được rút khi không đủ 15 năm đóng bảo hiểm và không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện);

- Người lao động được rút bảo hiểm 1 lần nếu mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng: ung thư, HIV chuyển sang AIDS, xơ gan cổ chướng, lao nặng, phong…;

- Người lao động được rút BHXH 1 lần nếu là công an, bộ đội xuất ngũ, phục viên hoặc thôi việc mà không đủ điều kiện lĩnh lương hưu;

- Người lao động đã nghỉ việc 01 năm, tổng thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm và không có nhu cầu đóng BHXH nữa thì được rút BHXH 1 lần.

Có thể thấy, người lao động nghỉ việc đáp ứng được điều kiện về thời gian nghỉ (01 năm) mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm mà có yêu cầu thì cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết hưởng BHXH 1 lần mà không phân biệt người đó nghỉ ngang hay nghỉ việc đúng pháp luật.

Như vậy, nghỉ ngang vẫn có thể nhận BHXH 1 lần trong trường hợp sau 01 năm nghỉ việc mà người đó không đủ 20 năm tham gia BHXH.

Nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không?

Nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không?

Muốn rút BHXH 1 lần mà bị công ty giữ sổ, phải làm gì?

Câu hỏi: Bác tôi (nam, 61 tuổi) thời gian trước có đi làm bảo vệ ở 1 phòng giao dịch ngân hàng tại địa phương. Bác vốn nóng tính nên có lần đã xô xát với khách và bị phía ngân hàng khiển trách. Bác thấy tự ái nên đã không đi làm và không lấy lương.

Bác tôi đóng bảo hiểm được 12 năm và có ý định nhận BHXH 1 lần, bác không biết luật nên cũng từng hỏi bộ phận nhân sự của ngân hàng tư vấn chế độ. Giờ họ “đe” bác ấy rằng nếu không hợp tác quay trở lại làm việc thì sẽ không trả lương và không trả sổ bảo hiểm.

Vậy không có sổ bảo hiểm thì bác tôi nhận BHXH 1 lần được không ạ? Nếu phải lấy lại sổ thì bác tôi cần làm gì ạ?

Theo Điều 109 Luật BHXH hiện hành, sổ bảo hiểm là một trong những tài liệu bắt buộc khi làm thủ tục rút BHXH 1 lần. Nếu không, người lao động không được giải quyết hưởng chế độ này.

Trên thực tế, trường hợp người lao động (kể cả khi nghỉ ngang) bị doanh nghiệp, tổ chức giữ sổ bảo hiểm không hề hiếm gặp. Tuy nhiên theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 5 Điều 21 Luật BHXH, bên sử dụng lao động có trách nhiệm xác nhận thời gian đóng các loại bảo hiểm và trả sổ cho người lao động (nếu đang giữ). Nếu không chốt sổ và trả cho người lao động thì sẽ bị phạt.

>>>Xem tiếp: Nghỉ ngang công ty sẽ không chốt số bảo hiểm xã hội, đúng không?

Nếu tổ chức, doanh nghiệp cố tính không trả sổ bảo hiểm, người lao động có thể đòi lại thông qua những cách sau:

- Cách 1. Khiếu nại

Theo khoản 2 Điều 119 Luật BHXH 2014 thì người lao động có thể khiếu nại 02 lần:

  • Lần 1: Khiếu nại đến người sử dụng lao động.
  • Lần 2: Làm đơn khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty, tổ chức đặt trụ sở chính.

(Áp dụng trong trường hợp công ty nhận được đơn khiếu nại nhưng không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng).

- Cách 2. Tố cáo trực tiếp đến Chánh Thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở;

- Cách 3. Khởi kiện tại Tòa

Nếu thực hiện theo cách này, người lao động làm đơn gửi đến TAND cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để giải quyết lấy lại sổ BHXH.

(Căn cứ: Điều 188 Bộ luật Lao động hiện hành, khoản 2 Điều 119 Luật BHXH).

Trên đây là phần giải đáp cho thắc mắc nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không. Nếu còn câu hỏi khác cần hỗ trợ, xin mời quý khách liên hệ 19006192 và cùng trao đổi thêm với chúng tôi.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X