Thành phần hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm những cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, được pháp luật quy định để tham gia thực hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai của người sử dụng đất. Vậy, thành phần hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm những ai? Việc hòa giải tranh chấp đất đai phải thực hiện bao nhiêu lần?
Chào bạn, liên quan đến thành phần hòa giải tranh chấp đất đai, số lần thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp như sau:
Thành phần hòa giải tranh chấp đất đai gồm những ai?
Trước hết, Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất trước khi yêu cầu giải quyết tại các cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất trực tiếp là người tổ chức, thực hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thực hiện thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai theo đơn yêu cầu/đề nghị của người sử dụng đất.
Căn cứ khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013, khoản 27 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, thành phần hòa giải tranh chấp đất đai gồm có:
Một là, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;
Hai là, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất tranh chấp;
Ba là, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn, ấp (tùy thuộc khu vực tranh chấp là đô thị hoặc nông thôn);
Bốn là, người có uy tín trong dòng họ hoặc ở nơi sinh sống, nơi làm việc: Thông thường, đây là những người có trình độ, có hiểu biết, được nhiều người tôn trọng trong khu vực, cộng đồng dân cư nơi phát sinh sự việc tranh chấp;
Năm là, người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội: Có thể đây là những người được đào tạo chuyên môn hoặc người đã từng làm việc trong lĩnh vực đất đai đang sinh sống, học tập, làm việc tại nơi có phát sinh tranh chấp;
Sáu là, những người là già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc và đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó: Đây là nhóm người có hiểu biết về quá trình sử dụng đất của các bên hoặc có sự hiểu biết nhất định đối với quá trình quản lý, sử dụng diện tích đất của các bên tranh chấp;
Bảy là, cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn: Đây là công chức chuyên môn có thể tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc tranh chấp;
Tám là, đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại địa phương/cấp xã nơi có đất tranh chấp, tùy từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, pháp luật đất đai quy định 8 nhóm cá nhân, cơ quan là thành phần hòa giải tranh chấp đất đai cho trường hợp của bạn. Dựa theo quy định pháp luật và tình huống cụ thể của mình, bạn đối chiếu để có đáp án, cách xử lý phù hợp.
Phải thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai mấy lần?
Như chúng tôi đã phân tích, Điều 202 quy định các bên buộc phải thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai trước khi yêu cầu các cơ quan cấp trên có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan không quy định cụ thể phải thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai bao nhiêu lần nhưng quy định về quy trình thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai. Theo đó, Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP (sửa đổi khoản 3 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP), quy định về một số điểm chú ý về việc hòa giải tranh chấp đất đai như sau:
Trong khoảng thời gian 45 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất phải thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện hòa giải tranh chấp, lập biên bản hòa giải tranh chấp tranh chấp có chữ ký của các bên tham gia, và của Chủ tịch Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành nếu các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành;
=> Như vậy, có thể thấy, việc hòa giải tranh chấp đất đai có thể được thực hiện nhiều hơn 1 lần trong trường hợp các bên có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành đã được các bên lập, thỏa thuận, ký kết trước đó trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành.
Kết luận: Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thể được thực hiện nhiều hơn 1 lần nếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến khác bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải chỉ thực hiện xong nếu các bên không có ý kiến khác sau khi đã hòa giải thành hoặc đã gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tới cơ quan cấp trên có thẩm quyền.
Trên đây là giải đáp về thành phần hòa giải tranh chấp đất đai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ bằng cách nào?
>> Trình tự giải quyết tranh chấp đất đai thực hiện thế nào?