Thời điểm để tính thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đất đai trước năm 1993 là thời điểm nào? Thủ tục chia thừa kế đất đai trước năm 1993 ra sao? Hieuluat sẽ giải đáp cụ thể cho bạn đọc về vấn đề chia thừa kế này trong bài viết dưới đây.
Trước khi mất, ông bà không để lại di chúc, tài sản để lại cho các con là thửa đất ở có vườn tạp rộng khoảng 3000m2.
Hiện tại, chú út nhà tôi yêu cầu chia tài sản ông bà để lại nhưng không được mọi người trong gia đình đồng ý. Theo lời của chú, chú đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhưng chúng tôi chưa nhận được thông báo nào của Tòa.
1. Thời hiệu để yêu cầu chia thừa kế đối với phần tài sản ông bà tôi để lại có còn không?
2. Nếu phải chia thừa kế tài sản này thì thủ tục, cách thức phân chia được thực hiện ra sao thưa Luật sư?
Chào bạn, với những vướng mắc liên quan đến vấn đề nhận thừa kế đất đai trước năm 1993, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Thời điểm nào tính thời hiệu thừa kế đất đai trước năm 1993?
Thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế là đất đai khi người để lại tài sản mất trước năm 1993 được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản khác có liên quan.
Theo đó, căn cứ Điều 688, Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu để những người thừa kế tài sản mà ông bà bạn để lại là 30 năm, kể từ thời điểm ông, bà bạn mất.
Cũng có nghĩa là thời điểm yêu cầu chia thừa kế phần tài sản của ông bạn là từ thời điểm ông bạn mất đến năm 2020, còn thời hiệu yêu cầu phân chia phần di sản bà bạn để lại là từ thời điểm bà bạn mất đến năm 2021 (thời gian được tính chuẩn đến đơn vị ngày);
Quá thời hạn 30 năm trên, quyền sở hữu tài sản thuộc về người được hưởng thừa kế đang quản lý di sản;
Thêm vào đó, căn cứ quy định tại khoản 2.1 Điều 2 Mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, thời hiệu để yêu cầu phân chia di sản thừa kế được thực hiện như sau:
2. Việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế
2.1. Quyền thừa kế
"Quyền thừa kế" quy định tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Điều 648 của Bộ luật Dân sự bao gồm quyền yêu cầu chia di sản thừa kế, quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
2.2. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".
Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.
b) Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự.
…
Trong đó, tài sản đất đai được coi là di sản thừa kế nếu là một trong những trường hợp sau:
Đã được cấp sổ;
Hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất xác nhận là đủ điều kiện cấp sổ nhưng chưa được cấp;
Hoặc có một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
Hoặc có văn bản xác nhận về việc sử dụng đất không vi phạm quy hoạch/được xem xét giao quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Do thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đề cập đến tình trạng pháp lý của thửa đất nên có thể phát sinh rất nhiều trường hợp khác nhau.
Tóm gọn lại, nếu thuộc trường hợp được quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, thỏa mãn về điều kiện di sản, thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông bà bạn mất), thì:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm, được tính từ thời điểm 10/9/1990.
Nếu thời điểm mở thừa kế trước 1/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế là 10 năm và được tính từ 2/1/1999 (tức từ 2/1/1999 đến 2/1/2019).
Từ các phân tích, căn cứ nêu trên, hiện nay chú út của bạn đã hết thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế là đất đai, nhà ở trên đất do ông bà nội bạn để lại.
Tuy rằng, chú út của bạn không còn thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế, nhưng theo thông tin bạn cung cấp, những người thừa kế tài sản của ông bà bạn đã thỏa thuận thống nhất về tài sản thừa kế và giao cho vợ chồng bác cả chăm lo, quản lý, đây là căn cứ để chú út của bạn có quyền yêu cầu chia tài sản chung.
Việc chia tài sản chung này được thực hiện theo quy định tại khoản 2.4 Điều 2 Mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP về việc không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu chia tài sản chung:
2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
…
Lúc này, di sản là đất đai mà ông bà bạn để lại trước khi mất vẫn có thể được phân chia theo quy định của pháp luật (chia tài sản chung).
Kết luận: Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đất đai trước năm 1993 (thời điểm mở thừa kế trước năm 1993 với di sản là đất đai) theo quy định hiện hành là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Quá thời hạn này, người được nhận thừa kế không có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản thừa kế nhưng có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung nếu đáp ứng đủ điều kiện như chúng tôi đã nêu trên.
Thủ tục nhận thừa kế đất đai trước năm 1993 thế nào?
Từ những căn cứ, phân tích nêu trên, có thể phát sinh 2 tình huống sau đây:
Tình huống 1: Việc phân chia tài sản được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Lúc này, những người được hưởng thừa kế/hoặc được nhận phần tài sản của mình theo bản án có quyền đề nghị văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất thực hiện cấp sổ lần đầu hoặc đăng ký biến động theo trình tự, thủ tục luật định.
Tình huống 2: Phân chia di sản do những người được thừa kế tự thực hiện
Dưới góc độ pháp lý, đây là việc phân chia tài sản chung theo quy định pháp luật.
Tại đây, việc thực hiện phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Cấp sổ đỏ lần đầu đối với di sản
Trường hợp đất đai chưa được cấp sổ đỏ thì những người nhận thừa kế thực hiện việc cấp sổ đỏ lần đầu đối với thửa đất, nhà ở trên đất (nếu có).
Bước 2: Chia tài sản chung
Việc phân chia tài sản chung phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Bước 3: Đăng ký sang tên quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là nhà đất
Sau khi đã có văn bản chia tài sản chung, những người được nhận thừa kế tiến hành đăng ký sang tên/đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Người nhận thừa kế được nhận sổ đỏ đã đăng ký biến động cho phần tài sản của mình theo thỏa thuận phân chia tài sản chung sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Kết luận: Việc phân chia thừa kế đất đai trước năm 1993 (đất đai sử dụng trước năm 1993, người để lại tài sản mất trước năm 1993) được thực hiện theo các bước mà chúng tôi đã nêu trên.