Tranh chấp đất đai giữa anh em ruột được giải quyết như thế nào? Nếu đất tranh chấp chưa có sổ đỏ thì giải quyết ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Hiện nay, do có nghe được thông tin cơ quan Nhà nước chuẩn bị cấp sổ đỏ và cũng là nhân dịp anh em chúng tôi được dịp tề tựu đông đủ do đi làm ăn xa nên chúng tôi muốn chia thừa kế đất mà bố mẹ để lại.
Anh hai còn nói, anh cả đã bán phần thừa kế của anh cùng với một mảnh ruộng khác mang tên anh cả của tôi cho anh hai cách đây 2 năm nhưng chưa làm sổ đỏ.
Còn anh cả của tôi thì không đồng ý với việc bán phần đất thừa kế của anh cả cho anh hai vì anh cả cho rằng anh cả không có quyền bán, đồng thời, anh cả còn muốn trả lại cho anh hai số tiền đã nhận lúc trước.
Cần chuẩn bị giấy tờ, tài liệu gì để được giải quyết, thưa Luật sư?
Chào bạn, giải quyết tranh chấp đất đai giữa anh em ruột được thực hiện bằng cách nào, hồ sơ cần chuẩn bị những gì là những vướng mắc được chúng tôi giải đáp như dưới đây.
Giải quyết tranh chấp đất đai giữa anh em ruột như thế nào?
Giải quyết tranh chấp về đất đai được thực hiện theo 2 trường hợp là phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi giải quyết tranh chấp hoặc không phải hòa giải trước khi giải quyết tranh chấp.
Để quyết định có buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã hay không phụ thuộc vào tranh chấp đó là tranh chấp đất đai hay là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất.
Việc xác định tranh chấp về đất đai là loại tranh chấp gì như sau:
Một là, tranh chấp đất đai
Là những tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013);
Ví dụ, tranh chấp về ai là người có quyền đối với thửa đất, hoặc tranh chấp về ranh giới, mốc giới thửa đất…;
Hai là, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất (khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn về trả lại đơn khởi kiện, quyền khởi kiện lại vụ án)
Là những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất không phải là tranh chấp đất đai;
Ví dụ, tranh chấp về quyền thừa kế đất đai, tranh chấp về hợp đồng quyền sử dụng đất, tranh chấp về chia tài sản chung là đất đai…;
Sở dĩ phải phân biệt hai loại tranh chấp về đất đai là bởi vì xác định loại tranh chấp sẽ dẫn đến việc giải quyết tranh chấp theo trình tự nào.
Trong trường hợp của gia đình bạn, tranh chấp về đất đai là tranh chấp về quyền thừa kế đất và hợp đồng chuyển nhương quyền sử dụng đất nên là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và không buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
Cách giải quyết tranh chấp đất đai giữa anh em ruột
Do đó, bạn có thể lựa chọn quy trình xử lý như sau:
Bước 1: Tự hòa giải hoặc đề nghị hòa giải tại Tòa án (không bắt buộc)
Tự hòa giải giữa các bên có tranh chấp có thể được hiểu rằng các anh của bạn tự mình thương lượng, thống nhất phương án xử lý hoặc có thể đề nghị chính quyền cấp thôn/xóm/phường…hỗ trợ hòa giải;
Hòa giải tại tòa án là việc nhờ tới sự hỗ trợ của Hòa giải viên và tiến hành hòa giải theo thủ tục quy định tại Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14;
Nếu hòa giải thành, các bên có thể xin công nhận việc hòa giải thành tại Tòa án nhân dân và tiếp tục thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế;
Bước 2: Khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền
Nếu các bên trong tranh chấp hòa giải không thành hoặc không thực hiện hòa giải thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân nơi có đất giải quyết tranh chấp;
Quy trình cơ bản khi thực hiện giải quyết tranh chấp về đất đai tại Tòa án nhân dân gồm:
Gửi hồ sơ khởi kiện, nếu đủ điều kiện để được tòa án nhân dân thụ lý thì người khởi kiện đóng đầy đủ, đúng hạn tiền tạm ứng án phí theo quy định;
Thực hiện các công việc của giai đoạn chuẩn bị xét xử như: Giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, lấy lời khai, xác minh thông tin, thu thập thông tin…;
Đưa vụ án ra xét xử: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thời hạn, trình tự luật định..;
Thực hiện xét xử vụ án: Hội đồng xét xử và các bên tranh chấp, các bên có liên quan tham gia việc xét xử vụ án theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, hội đồng xét xử nghị án và tuyên án theo quy định…;
Thi hành bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án sau khi tranh chấp đã được giải quyết;
Như vậy, tranh chấp đất đai giữa anh em ruột có thể được giải quyết bằng cách tự thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai gồm những gì?
Hồ sơ giải quyết tranh chấp về đất đai, tranh chấp đất đai là tổng hợp những giấy tờ, tài liệu được sử dụng trong quá trình giải quyết.
Trong trường hợp của bạn, các giấy tờ này bao gồm:
Đơn khởi kiện, mẫu số 54-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP về biểu mẫu tố tụng dân sự;
Giấy chứng tử hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương chứng minh có sự kiện thừa kế;
Giấy khai sinh của những người nhận thừa kế;
Căn cước công dân của các bên;
Hợp đồng mua bán đất giữa anh cả và anh hai của bạn;
Văn bản ủy quyền (nếu có);
Giấy chứng nhận đã được cấp hoặc giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất đang tranh chấp;
Giấy tờ, tài liệu chứng minh quá trình quản lý, sử dụng đất khác (nếu có);
Biên bản họp mặt gia đình về việc phân chia tài sản thừa kế là đất đai (nếu có);
Giấy tờ khác (nếu có);
Như vậy, hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai giữa anh em ruột gồm các loại giấy tờ, tài liệu như chúng tôi liệt kê ở trên.
Do chưa được tiếp cận trực tiếp vụ việc, vậy nên, chưa thể có kết luận cuối cùng cho những loại văn bản giấy tờ mà bạn cần chuẩn bị.
Dựa trên giải đáp của chúng tôi, bạn đối chiếu với tình huống tranh chấp của mình để có câu trả lời phù hợp.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề tranh chấp đất đai giữa anh em ruột, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.