Tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo được giải quyết như thế nào? Cần lưu ý gì khi giải quyết tranh chấp đất liên quan đến tôn giáo? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi nếu một số hộ gia đình có hành vi lấn chiếm đất của cơ sở tôn giáo thì xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
Có lưu ý gì khi giải quyết tranh chấp đất liên quan đến tôn giáo không?
Chào bạn, giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo như thế nào, cần lưu ý những gì là những vấn đề được chúng tôi giải đáp như sau:
Xử lý tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo bằng cách nào?
Trước hết, đất của cơ sở tôn giáo là đất thuộc chùa/nhà thờ/nhà nguyện/thánh thất/niệm phật đường/tu viện/trường đào tạo riêng của tôn giáo/trụ sở của cơ sở tôn giáo/các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động (khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2013).
Theo quy định của Luật Đất đai, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP cần phân biệt tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất để làm căn cứ xác định quy trình giải quyết vụ án tranh chấp.
Cụ thể, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đất đai là tranh chấp đất đai, ví dụ: Tranh chấp về ranh giới, mốc giới, tranh chấp về ai có quyền sử dụng đất…
Ngược lại, nếu tranh chấp về hợp đồng/giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc chia thừa kế đất đai hoặc chia tài sản chung là quyền sử dụng đất,...
Đối chiếu với trường hợp của bạn, tranh chấp giữa người sử dụng đất là hộ gia đình và cơ sở tôn giáo về ranh giới, mốc giới đất là tranh chấp đất đai.
Căn cứ quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai, trình tự giải quyết tranh chấp này như sau:
Hòa giải tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình và cơ sở tôn giáo;
Tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai;
Thi hành bản án/quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực;
Xử lý tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo
Chi tiết, quá trình giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình và cơ sở tôn giáo như sau:
Bước 1: Hòa giải tranh chấp đất đai giữa cơ sở tôn giáo và hộ gia đình
Các bên có thể tự tiến hành hòa giải hoặc nhờ tới sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư, trưởng thôn, trưởng ấp… tại nơi có đất;
Nếu không tự hòa giải, đương sự trong vụ tranh chấp gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất là cơ quan có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật;
Nếu hòa giải thành, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi thông tin hòa giải tới cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh nếu có thay đổi hiện trạng về ranh giới; cơ quan Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp công nhận việc thay đổi ranh giới và cấp mới giấy chứng nhận;
Nếu hòa giải không thành, chuyển sang thực hiện theo Bước 2;
Bước 2: Giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân có thẩm quyền
Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và được xác định dựa trên nhu cầu của đương sự, giấy tờ về quyền sử dụng đất, cụ thể:
Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong số những giấy tờ quy định tại Điều 100/hoặc không có giấy chứng nhận, không có giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cơ sở tôn giáo nếu đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong số những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai;
Để được giải quyết, đương sự phải có biên bản hòa giải tranh chấp đất đai không thành cùng đơn khởi kiện tranh chấp đất đai/đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai cùng các tài liệu, giấy tờ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện/yêu cầu giải quyết;
Bước 3: Thi hành bản án/quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
Các bên có nghĩa vụ thi hành theo bản án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
Bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án/quyết định có hiệu lực nếu bên phải thi hành án không tự thực hiện nghĩa vụ theo bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
Như vậy, pháp luật đất đai hiện hành quy định việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo cũng được tiến hành như các trường hợp thông thường khác.
Trong đó, đặc biệt lưu ý, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã là bước bắt buộc phải thực hiện để giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến cơ sở tôn giáo.
Lưu ý gì khi giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo?
Khi giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo, cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
Một là, trình tự giải quyết tranh chấp
Trình tự các bước giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo được thực hiện như chúng tôi đã trình bày ở trên;
Nếu hòa giải thành ngay từ bước 1 thì các bên không cần phải giải quyết tại Ủy ban nhân cấp có thẩm quyền hoặc Tòa án nhân dân;
Hai là, yêu cầu, ý kiến của các bên đối với vụ việc tranh chấp
Yêu cầu, ý kiến của các bên trong tranh chấp đất đai là căn cứ để xác định phạm vi giải quyết tranh chấp;
Đây cũng là căn cứ để xác định, khoanh vùng những tài liệu, giấy tờ có liên quan đến vụ việc và đánh giá chứng cứ phù hợp với vụ việc tranh chấp;
Lưu ý khi giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo
Ba là, hồ sơ, giấy tờ tương ứng với yêu cầu giải quyết tranh chấp
Giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, phạm vi khởi kiện là căn cứ để giải quyết tranh chấp.
Tùy thuộc từng trường hợp cụ thể mà cần lưu ý đến nhóm giấy tờ, tài liệu tương ứng, ví dụ như:
Giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất:
Đất cơ sở tôn giáo có nguồn gốc là do Nhà nước giao không thu tiền (đất phi nông nghiệp sử dụng với mục đích quy định tại khoản 1 Điều 159), hoặc do nhận chuyển nhượng, tự tạo lập/hoặc mượn của hộ gia đình, tổ chức/hoặc nguồn gốc khác (Điều 54 Luật Đất đai, Điều 28 Nghị định 43/2014/NĐ-CP);
Đất của hộ gia đình sử dụng có thể được Nhà nước giao, cho thuê, nhận chuyển quyền, được mượn từ người khác, chuyển đổi quyền…;
Hồ sơ lưu trữ tại cơ quan Nhà nước về nguồn gốc sử dụng đất:
Giấy tờ về quyền sử dụng đất: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một trong số những giấy tờ về quyền sử dụng đất tại Điều 100 Luật Đất đai, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
Giấy tờ về quá trình quản lý, sử dụng đất từ thời điểm bắt đầu cho tới thời điểm giải quyết tranh chấp: Sổ địa chính, sổ mục kê, hồ sơ giao đất/cho thuê đất, hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu/hồ sơ đăng ký đất đai…;
Các bản đo vẽ, các quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến diện tích đất tranh chấp: Bản đồ giải thửa, bản đồ địa chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính,...;
Bốn là, tác động/mức độ ảnh hưởng của vụ việc đối với tình hình an ninh trật tự, đời sống của người dân
Bên cạnh những điều cần lưu ý nêu trên, khi giải quyết tranh chấp, các bên cũng cần chú ý đến mức độ ảnh hưởng của vụ việc đến tình hình an ninh trật tự, đời sống của người dân tại khu vực nơi có tranh chấp;
Những tín đồ, người theo đạo… là những công dân có thể bị tác động khi vụ việc tranh chấp được giải quyết chưa đúng hoặc có dấu hiệu không đúng pháp luật;
Do đó, cơ quan giải quyết cũng cần cân nhắc tới vấn đề này để có phương án xử lý đúng đắn, phù hợp;
Như vậy, khi giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo, cơ quan, người giải quyết tranh chấp, đương sự cần lưu ý đến một số điểm cơ bản như chúng tôi trình bày ở trên.
Trên đây là giải đáp về vấn đề tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.