Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo gồm những gì và thực hiện như thế nào? Cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi muốn hỏi về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình tôn giao như nhà thờ, nhà nguyện… được thực hiện như thế nào?
Chân thành cảm ơn đã hỗ trợ.
Chào bạn, việc cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.
Với vướng mắc của bạn về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các cơ sở tôn giáo, chúng tôi giải đáp như sau:
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo gồm những gì?
Trước hết, công trình tôn giáo được hiểu là những công trình như chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, công trình khác như là trường đào tạo riêng của tôn giáo/trụ sở của tổ chức tôn giáo…
Trừ trường hợp được miễn xin cấp giấy phép xây dựng, trước khi khởi công, chủ đầu tư xây dựng công trình tôn giáo phải xin cấp giấy phép xây dựng.
Căn cứ Điều 95 Luật Xây dựng, Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ cần chuẩn bị khi xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo gồm:
Đơn đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo (mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP);
Một trong số những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Nghị định 53/2017/NĐ-CP ví dụ như:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Báo cáo rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất của cơ sở tôn giáo đang sử dụng mà chưa được cấp giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất và quyết định xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
…;
Văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan chuyên môn về tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình tôn giáo (bản sao);
Văn bản thông báo về kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở đã được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có);
Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và các tài liệu, bản vẽ kèm theo (nếu có);
Văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định (áp dụng đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng);
Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng (nếu có);
02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt bao gồm: bản vẽ tổng mặt bằng dự án, mặt bằng định vị công trình trên lô đất/bản vẽ kiến trúc các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình/bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng/các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình/bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình;
Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm/chủ trì thiết kế xây dựng công trình tôn giáo, kèm theo chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế (bản sao);
Số lượng hồ sơ mà chủ đầu tư cần chuẩn bị 02 bộ.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, chủ đầu tư thực hiện xin cấp giấy phép xây dựng theo trình tự được chúng tôi trình bày ở phần dưới đây.
Như vậy, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo bao gồm các tài liệu, giấy tờ kèm theo đơn đề nghị xin cấp giấy phép như chúng tôi đã trình bày.
Chủ đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, hồ sơ để tránh trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hoặc không được cấp giấy phép.
Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo như thế nào?
Trình tự các bước thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng.
Các bước cơ bản này bao gồm: Chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo, giải quyết yêu cầu xin cấp giấy phép xây dựng, trả kết quả yêu cầu xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo.
Chi tiết các công việc cần được thực hiện khi tiến hành xin cấp giấy phép xây dựng như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng
Chủ đầu tư công trình tôn giáo chuẩn bị 02 bộ hồ sơ với những tài liệu, giấy tờ được chúng tôi trình bày ở trên;
Nơi nộp hồ sơ: Do công trình tôn giáo là công trình xây dựng cấp III đối với mọi quy mô (Thông tư 06/2021/TT-BXD), do vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt công trình theo Điều 103 Luật Xây dựng;
Lưu ý rằng: Khi hồ sơ của bạn đã có đầy đủ giấy tờ, tài liệu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra và gửi bạn phiếu tiếp nhận, trường hợp không đầy đủ hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hướng dẫn người nộp hồ sơ thực hiện bổ sung hồ sơ theo quy định.
Bước 2: Xử lý yêu cầu xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tiếp nhận hồ sơ thực hiện thẩm định hồ sơ khi chủ đầu tư đã thực hiện hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng;
Việc thẩm định yêu cầu xin cấp giấy phép xây dựng là đối chiếu sự phù hợp của bản vẽ thiết kế xây dựng với thiết kế cơ sở được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, đóng dấu xác nhận;
Kiểm tra sự phù hợp của bản thiết kế xây dựng tại hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng với bản vẽ thiết kế xây dựng được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình có yêu cầu về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy;
Trường hợp cần phải có yêu cầu về thẩm tra thiết kế thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thực hiện kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của báo cáo kết quả thẩm tra;
Bước 3: Trả kết quả xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo
Sau khi đã kiểm tra, đối chiếu sự phù hợp, đúng quy định pháp luật của hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền thực hiện trả kết quả là giấy phép xây dựng cùng bản vẽ thiết kế xây dựng đã được đóng dấu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
Trong trường hợp không đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền trả kết quả bằng văn bản cho chủ đầu tư và nêu rõ lý do không cấp giấy phép xây dựng;
Lưu ý: Chủ đầu tư cần phải đóng nộp đầy đủ lệ phí cấp giấy phép xây dựng trước khi nhận kết quả theo thông báo từ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Kết luận: Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo được tiến hành theo các bước như chúng tôi đã trình bày ở trên.
Trên đây là giải đáp về xây dựng công trình tôn giáo, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.