hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 02/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đăng ảnh trẻ em lên mạng bêu riếu có thể bị xử lý hình sự?

Hành vi đăng ảnh trẻ em lên mạng bêu riếu phải đối mặt với hình phạt gì? Trong vài ngày trở lại đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh, clip của một bé gái 5 tuổi bị người khác đăng tải trên mạng với mục đích không lành mạnh. Vậy hành vi này dưới góc độ pháp lý sẽ như thế nào?

Câu hỏi: Thời gian vài ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc một bé gái 5 tuổi ở tỉnh Đắk Lắk bị một chủ cửa hàng tên T đưa clip/video lên mạng xã hội với tiêu đề 'Truy tìm người thân bé gái này mới qua shop ăn cắp một chiếc vòng tay. Trên tay là tang vật bé lấy nhé. Ai là người nhà thì qua shop làm việc ngay với em'.

Tóm tắt sơ qua vụ việc đang có nhiều ý kiến trên mạng xã hội như sau:

Ngày 30/11/2022, trên mạng xã hội lan truyền 1 bài đăng của một tài khoản facebook (xin được phép giấu tên, tạm gọi là T) với nội dung: 'Truy tìm người thân bé gái này mới qua shop ăn cắp một chiếc vòng tay. Trên tay là tang vật bé lấy nhé. Ai là người nhà thì qua shop làm việc ngay với em'.

Hình ảnh, clip ghi nhận trên bài đăng này được xác định là một bé gái 5 tuổi ở Đắk Lắk, trong clip, có thể nhận thấy bé gái đang bật khóc.

Theo tin đưa từ báo chí về sự tình vụ việc như sau:

Chiều 29/11/2022, bé N được ba mẹ gửi sang nhà bà ngoại (5 tuổi, ở tại thành phố Buôn Ma Thuột) đã tự mình vào một cửa hàng quần áo, phụ kiện trên đường Y Ngông (phường Tân Tiến).

Tại cửa hàng, cháu N có cầm đi một vòng tay cao su màu trắng, có giá khoảng 10.000 đồng, chị T chủ cửa hàng phát hiện hành vi này nên đã chặn cháu bé lại, hỏi địa chỉ nơi cháu sinh sống nhưng cháu bé không trả lời.

Tiếp theo đó, chị T chụp ảnh, quay lại hình ảnh của bé N và đưa lên trang facebook cá nhân với tựa đề như chúng tôi đã nêu trên.
Làm việc với cơ quan chức năng, chị T cho biết, xuất phát từ mục đích muốn tìm kiếm người nhà của cháu bé để đưa bé về nhà chứ không có ác ý nào khác.

Việc cháu bé đến cửa hàng của chị T là do tự cháu đi, người lớn trong nhà không ai biết.

Ngay sau khi sự việc này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em (nếu có).

Ngoài ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu Phòng Lao động Thương binh và xã hội thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Ủy ban nhân dân phường thực hiện các biện pháp để hỗ trợ, can thiệp đối với bé N theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

Việc hỗ trợ, can thiệp này của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Buôn ma Thuột phải được báo cáo cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội trước ngày 15/12/2022 để tổng hợp, báo cáo Cục trẻ em.

Hiện tại, cháu N đã được Ủy ban nhân dân cấp phường đưa đi kiểm tra sức khỏe nhằm làm căn cứ để xử lý các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Về cơ bản đây là những tình tiết của vụ việc được báo chí đưa tin trong vài ngày qua.

Dưới góc độ pháp lý, sự việc này được hiểu thế nào? Trách nhiệm của các đối tượng ra sao?

Chủ cửa hàng T có bị xử lý hành chính không?

Kể từ thời điểm năm 1990, năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em cũng là nước nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn này, hành lang pháp lý trong nước không ngừng có những thay đổi, chính sửa để ngày một hiện thực hóa công ước trong đời sống xã hội.

Theo đó, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã, đang có hiệu lực thi hành để nhằm bảo vệ tối đa quyền của trẻ em tại Việt Nam như:

  • Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em;

  • Bộ luật Dân sự 2015;

  • Luật Trẻ em 2016;

  • Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

  • Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em 2016;

  • Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;

  • Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em;

  • Nghị định 15/2020/NĐ-CP nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

Trước hết, những hình ảnh của cá nhân thuộc quyền sở hữu của mỗi cá nhân theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Cụ thể hơn, Điều 87 Luật Trẻ em 2016 quy định:

Điều 87. Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân.

Quy định này phù hợp với các điều khoản được Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Theo đó, dưới góc độ pháp lý, việc sử dụng hình ảnh của bé gái N phải được bé gái, người đại diện/người giám hộ của cháu đồng ý. Với những thông tin là bí mật riêng tư cá nhân (như địa chỉ nơi ở, tên gọi, các mối quan hệ cá nhân, hành vi của mình trong các giao dịch,...) là những thông tin bất khả xâm phạm khi chưa được họ đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.

Chị T tự ý sử dụng hình ảnh của cháu T, làm lộ các thông tin về hình ảnh, khuôn mặt của cháu khi chưa được bố mẹ cháu cho phép, bản thân cháu đồng ý đã xâm phạm tới quyền đối với hình ảnh, quyền đối với bí mật đời sống riêng tư được pháp luật bảo hộ.

Ngoài ra, với hành vi đưa thông tin lên mạng xã hội đã tạo hiệu ứng không tốt, lan truyền thông tin về việc cháu N ăn cắp hàng hóa khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền đã gây ra những hậu quả xấu đối với tình hình an ninh trật tự, đến tinh thần của cháu N và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Có thể nhận thấy, hành vi này của chị T đã vi phạm nguyên tắc bảo vệ trẻ em được Luật Trẻ em 2016 quy định tại khoản 1 Điều 4, đến quyền được bảo vệ, phát triển, tạo mọi điều kiện để không bị phân biệt đối xử, bị tổn thương về tinh thần, sức khỏe, tính mạng, quyền nhân thân…theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.

Vì vậy, để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi mà chị T đã thực hiện, hậu quả mà hành vi này để lại cần phải thu thập các căn cứ, chứng cứ cụ thể, có thể liệt kê một số vấn đề cần xác định, làm rõ như:

  • Diễn biến khách quan của vụ việc;

  • Mức độ nhận thức của chị T đối với hành vi;

  • Động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi của chị T

  • Mức độ tác động của hành vi chị T đã thực hiện đối với sức khỏe tinh thần của cháu T;

  • Tác động của hành vi đối với đời sống xã hội, an ninh trật tự;

  • Quy định của pháp luật về hành vi mà chị T đã thực hiện;

Dựa trên dấu hiệu hành vi, có thể phát sinh một số trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh đối với chị T như sau:

Một là, trách nhiệm pháp lý dân sự

Bồi thường thiệt hại khi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần do hành vi mà mình gây ra đối với bé N.

Kèm theo đó, có thể phải thực hiện công khai xin lỗi, cải chính thông tin, gỡ toàn bộ các thông tin đã đăng tải theo quy định tại Điều 11, Chương XX của Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyên tắc để yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần là phải xác định được thiệt hại thực tế từ hành vi của chị T, mối liên hệ nguyên nhân - kết quả giữa hậu quả và hành vi này.

Hai là, trách nhiệm pháp lý hành chính

Để xử lý trách nhiệm hành chính đối với hành vi của chị T, cần phải xem xét toàn diện đến các yếu tố như mục đích, động cơ, hành vi, hậu quả..

Dấu hiệu hành vi mà chị T đã thực hiện có thể bị xử lý hành chính khi khai thác, sử dụng thông tin của cá nhân mà không được họ cho phép hoặc nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác tại điểm e, điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

Ba là, trách nhiệm hình sự

Hành vi sử dụng mạng xã hội để nhằm lan truyền, đưa đến những thông tin không đúng sự thật, có chủ ý làm nhục người khác, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác là căn cứ để truy cứu tội danh làm nhục người khác.

Tội phạm này được quy định cụ thể tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 với mức án phạt cao nhất là 5 năm tù giam.

Chi tiết về việc chịu trách nhiệm đối với tội phạm này được chúng tôi trình bày trong phần phía dưới.

Kết luận: Hành vi đăng ảnh trẻ em lên mạng bêu riếu là hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Người có hành vi vi phạm pháp luật còn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi, cải chính thông tin.

hanh vi dang anh tre em len mang de beu rieu


Trách nhiệm hình sự đối với chủ cửa hàng T là gì?

Hành vi đăng ảnh trẻ em lên mạng để nhằm mục đích bêu riếu xâm phạm đến quy định của pháp luật về trẻ em và là hành vi thể hiện việc không tuân thủ công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên từ năm 1990.

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, hành vi đăng ảnh trẻ em lên mạng bêu riếu là một trong những hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Những hành vi điển hình của tội phạm này có thể liệt kê đến như:

  • Đưa những thông tin không đúng sự thật, đưa những hình ảnh/thông tin riêng tư lên mạng để nhằm mục đích làm người khác xấu hổ, nhục nhã trước đông người;

  • Các hành động khác nhằm hạ nhục uy tín, danh dự của nạn nhân;

Người thực hiện hành vi này với chủ đích bêu riếu, làm nhục nhã người khác, làm cho họ cảm thấy tủi hổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của họ.

Do chúng tôi chưa tiếp cận được hồ sơ vụ việc nên toàn bộ các thông tin phân tích và suy đoán này chỉ được thực hiện dựa trên những thông tin mà báo chí đã cung cấp.

Thực tế, việc có truy cứu trách nhiệm pháp lý (hình sự, dân sự, hành chính) đối với chủ cửa hàng T có được thực hiện hay không còn phải phụ thuộc vào nội dung vụ việc cụ thể, hậu quả của hành vi, quy định pháp luật hiện hành,...

Chúng tôi sẽ tiếp tục có những phân tích pháp lý sâu hơn, chi tiết hơn khi có thêm các thông tin từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Mọi suy luận của chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thể sử dụng để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm căn cứ định tội cho chủ cửa hàng T.

Kết luận: Hành vi đăng ảnh trẻ em lên mạng bêu riếu là hành vi có thể được sử dụng làm căn cứ để xử lý hình sự với tội danh làm nhục người khác.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này còn phụ thuộc vào các yếu tố như mục đích, động cơ phạm tội của chủ cửa hàng T, diễn biến khách quan của vụ việc,...

Trên đây là những trao đổi thông tin của chúng tôi về Hành vi đăng ảnh trẻ em lên mạng bêu riếu, nếu còn thắc mắc hoặc cần trao đổi, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X