hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 03/06/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cho mượn sổ đỏ để đi cầm cố không đòi được phải làm gì?

Vì nhẹ dạ cả tin hoặc “nể tình thân quen”, mà nhiều người cho mượn Sổ đỏ để người khác đi cầm cố mà lại không thể đòi được. Đây không phải là trường hợp hi hữu. Vậy, phải làm gì khi không thể đòi được Sổ đỏ?

Mục lục bài viết
  • Sổ đỏ có thể mang đi cầm cố được không?
  • Phải làm gì để lấy lại Sổ đỏ đã cầm cố?
  • Thủ tục xin cấp lại Sổ đỏ thế nào?
Câu hỏi: Anh họ tôi và tôi có mối quan hệ thân thiết như anh em ruột, anh tôi cũng đẫ giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống cũng như kinh doanh.. Do nể tình anh em nên tôi cho anh B mượn sổ đỏ khi anh nói cần có việc gấp. Sau đó, Anh B cầm cố sổ đỏ tại tiệm cầm đồ X để vay số tiền 200 triệu đồng. Hiện nay, anh B đến hạn không trả được nợ nên không thể lấy được sổ đỏ. Vậy trong trường hợp này tôi phải làm sao để có thể lấy lại được sổ đỏ ? Tôi cảm ơn! – Nguyễn Hoàng (Hoàng Mai)

Sổ đỏ có thể mang đi cầm cố được không?

Căn cứ theo khoản 1, Điều 105 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”

Căn cứ theo khoản 16, Điều 3 Luật đất đai 2013:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Như vậy, theo quy định trên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) không phải là vật, cũng không phải là tiền hay giấy tờ có giá. Đó chỉ là một chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất, nó ghi nhận quyền tài sản của người sử dụng đất.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự 2015:

“ Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

Theo quy định trên, bên cầm đồ chỉ có thể thực hiện cầm cố tài sản .Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản và không thể thực hiện được giao dịch cầm cố tài sản.

Do đó, việc anh B cầm cố sổ đỏ là trái với quy định của pháp luật. Nếu xảy ra tranh chấp thì hợp đồng cầm cố sẽ bị vô hiệu.

Cho mượn sổ đỏ để đi cầm cố không đòi được phải làm gì? (Ảnh minh họa)


Phải làm gì để lấy lại Sổ đỏ đã cầm cố?

Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự vô hiệu sẽ làm phát sinh hậu quả pháp lý sau:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Như đã phân tích ở trên, giao dịch dân sự bị vô hiệu thì các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Khi đó, tiệm cầm đồ có trách nhiệm trả lại sổ đỏ cho anh B, và anh B phải trả lại khoản tiền đã vay.

Nếu các bên không tự nguyện giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là trả lại cho nhau những gì đã nhận thì gia đình bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Từ đó buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ này.

Xem tiếp: Nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc bị xử lý thế nào?

Thủ tục xin cấp lại Sổ đỏ thế nào?

Trường hợp bạn muốn xin cấp lại Sổ đỏ thì thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Khai báo UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất

Căn cứ khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân có Giấy chứng nhận bị mất phải khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.

Sau khi tiếp nhận khai báo của hộ gia đình, cá nhân thì UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã.

Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo nếu không tìm được thì hộ gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại.

Bước 2.Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận

Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK.

- Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận.

- Nếu bị mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã

- Nếu địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa.

- Nếu địa phương chưa tổ chức bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 4: Trả kết quả

Thời gian cấp lại: Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã...

Trên đây là giải đáp về Cho mượn sổ đỏ để đi cầm cố không đòi được phải làm gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký xóa thế chấp Sổ đỏ thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X