hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 20/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bảo hiểm thất nghiệp 2023: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng

Bảo hiểm thất nghiệp là khoản hỗ trợ thiết thực phần lớn người lao động mong muốn được nhận sau khi nghỉ việc. Bài viết sau đây sẽ làm rõ các điều kiện, mức hưởng và hồ sơ thực hiện thủ tục hưởng khoản trợ cấp này.

Mục lục bài viết
  • Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
  • Khái niệm bảo hiểm thất nghiệp
  • Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?
  • Bảo hiểm thất nghiệp gồm có những chế độ nào?
  • Đối tượng, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2023

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Khái niệm bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc làm. Ngoài ra, chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ học nghề, duy trì và giúp người lao động tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm).

Có thể thấy, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách hỗ trợ Nhà nước dành cho người lao động đã tham gia bảo hiểm nhưng gặp khó khăn do mất việc làm. Sự hỗ trợ này sẽ giúp người lao động giảm bớt khó khăn và có nhanh chóng ổn định cuộc sống.

>> Xem tiếp: Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?

Mặc dù các quy định về bảo hiểm thất nghiệp đã xuất hiện từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 ra đời, tuy nhiên, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 140 Luật này thì phải đến 2009 chế định về bảo hiểm thất nghiệp mới chính thức được áp dụng.

Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp có từ năm 2009. Điều đó đồng nghĩa với việc, những cá nhân có thời gian đi làm trước 2009 sẽ không được tham gia loại bảo hiểm này.

>> Xem tiếp: Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?

Bảo hiểm thất nghiệp gồm có những chế độ nào?

Dựa vào nội dung Điều 42 của Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp gồm các chế độ:

- Trợ cấp thất nghiệp;

- Đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động;

- Tư vấn, giới thiệu việc làm;

- Hỗ trợ học nghề.

Trong đó:

- Tiền trợ cấp dành cho người lao động thất nghiệp sẽ được trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

- Việc tư vấn, giới thiệu việc làm, học - đào tạo nghề sẽ diễn ra tại Trung tâm dịch vụ việc làm làm dựa theo thông tin người lao động kê khai khi nhận trợ cấp.

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Đối tượng, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2023

Đối tượng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định hiện nay tại Điều 43 Luật Việc làm, tham gia bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Cụ thể:

Đối với người lao động

Căn cứ nội dung khoản 1 Điều này, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, bao gồm:

- Hợp đồng xác định thời hạn;

- Hợp đồng không xác định thời hạn;

- Hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Đối với người sử dụng lao động

Theo khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động bắt buộc trích đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng gồm:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị vũ trang nhân dân;

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp;

- Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác và các cá nhân, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng.

Những trường hợp không phải đóng

Trong một số trường hợp ngoại lệ dưới đây, người lao động dù đã ký hợp đồng hoặc đóng bảo hiểm nhưng không bắt buộc phải trích đóng bảo hiểm thất nghiệp:

Người lao động nghỉ hưu

Theo khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013, người lao động đã và đang nhận lương hưu thì không cần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Về bản chất, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trên cơ sở đóng bảo hiểm.

Còn chế độ lương hưu là chính sách dành cho người hết tuổi lao động theo quy định pháp luật, suy giảm sức khỏe và tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Khoản tiền này sẽ giúp người lao động dưỡng già, chi trả cơ bản và chăm sóc sức khỏe bản thân.

Do vậy, người lao động đã/đang nhận lương hưu sẽ không được hỗ trợ thất nghiệp khi nghỉ việc nữa.

Người giúp việc gia đình

Theo Điều 161 và 162 Bộ Luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm ký hợp đồng với người thực hiện công việc giúp việc trong các hộ gia đình (bao gồm: chăm trẻ, làm vườn, trông con, quản gia, nội trợ…).

Song cũng tại khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm, dù có hợp đồng thì đối tượng này cũng không bắt buộc phải trích đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Công chức

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 và khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi 2019 thì công chức là người được tuyển dụng theo quyết định của Nhà nước thay vì làm việc theo hợp đồng. Do vậy, đây không phải là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

>> Xem tiếp: Bảo hiểm thất nghiệp ai đóng? Đối tượng nào không cần đóng?

Ai phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Ai phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất 2023

Cả người lao động và bên sử dụng lao động đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, do vậy mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của mỗi đối tượng đều phải được quy định rõ.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm:

- Người lao động: trích đóng 1% tiền lương tháng;

- Bên sử dụng lao động: trích 1% quỹ lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm và do ngân sách trung ương bảo đảm.

>>>>Xem tiếp: Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bao nhiêu phần trăm?

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc 

Người lao động đang đóng bảo hiểm sẽ được nhận trợ cấp nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nêu tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 dưới đây:

- Đã kết thúc quan hệ hợp đồng với bên sử dụng lao động;

- Đã tích lũy đủ thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

  • Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn: đóng đủ từ 12 tháng bảo hiểm trong 24 tháng trước khi hết hợp đồng;

  • Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc từ 03 – dưới 12 tháng: đóng bảo hiểm đủ từ 12 tháng trong thời gian 36 tháng trước khi hết hợp đồng.

- Đã nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm đúng thời hạn quy định;

- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ mà không tìm được việc làm mới (không áp dụng cho trường hợp đi xuất khẩu lao động, định cư nước ngoài, đi nghĩa vụ quân sự-công an; chết…).

Bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào?

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính bằng 60% mức lương bình quân (Mlbq) của 06 tháng cuối cùng trước thời điểm thất nghiệp.

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH bằng phép tính sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng

=

60%

x

Mlbq 06 tháng liền kề tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp

*Lưu ý:

- Nếu quá trình đóng bảo hiểm trong 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp bị gián đoạn, mức lương bình quân tại công thức này sẽ được áp dụng cho 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng theo quy định.

- Mức hưởng trợ cấp hằng tháng tối đa là 05 lần mức lương cơ sở đối với người thực hiện chế độ tiền lương của Nhà nước (ví dụ: viên chức) hoặc tối đa là 05 lần lương tối thiểu vùng đối với người theo chế độ tiền lương mà bên sử dụng lao động quyết định.

Ví dụ:

Anh X làm việc tại công ty A từ 01/01/2018 đến 31/12/2019 (24 tháng) và đều đặn đóng bảo hiểm. Mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 06 tháng cuối trước khi kết thúc hợp đồng của anh A là 5,2 triệu đồng/tháng.

Khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp năm 2020, tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng anh X được nhận là: 60% x 5,2 triệu đồng/tháng = 3,12 triệu đồng/tháng.

Bắt đầu từ 01/04/2020– 31/03/2021, anh X sang công ty B làm với mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm là 7 triệu đồng/tháng. Đến tháng 2/2021, anh X xin nghỉ 01 tháng không lương để lo việc gia đình và chính thức chấm dứt hợp đồng với công ty B từ 01/4/2021.

Lúc này, tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của anh X là 60% mức tiền lương của tháng 3, 1 (của năm 2021) và tháng 12, 11, 10, 9 (năm 2020). Tức là, anh X sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp bằng 60% x 7 triệu đồng/tháng = 4,2 triệu đồng/tháng.

Tiền bảo hiểm thất nghiệp phải tính thế nào cho chuẩn?

Tiền bảo hiểm thất nghiệp phải tính thế nào cho chuẩn?

Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp 2023 như thế nào?

Hồ sơ cần chuẩn bị

Tổng hợp nội dung quy định Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, người lao động muốn lĩnh trợ cấp thất nghiệp cần có:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu 03 thuộc Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH

- Sổ bảo hiểm xã hội (bao gồm bìa và toàn bộ tờ rời ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm);

- Giấy tờ xác nhận việc chấm dứt quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động (bản chính, bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính):

  • Hợp đồng đã hết hạn;

  • Quyết định thôi việc;

  • Quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với người lao động;

  • Quyết định sa thải;

  • Thông báo (thỏa thuận) chấm dứt hợp đồng của 02 bên;

  • Xác nhận chấm dứt làm việc với người lao động;

  • Xác nhận doanh nghiệp/hợp tác xã phá sản;

  • Quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức người quản lý hợp tác xã/doanh nghiệp;

  • Xác nhận chấm dứt hợp đồng theo mùa vụ/công việc từ 03 – dưới 12 tháng.

Ngoài ra, người lao động cần có thêm những giấy tờ sau:

- Bản gốc CMND/CCCD/Hộ chiếu trong trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm để cán bộ Một cửa kiểm tra;

- Giấy ủy quyền nếu người lao động không thể tự đến nộp hồ sơ (do ốm dài ngày, nghỉ thai sản, gặp sự cố thiên tai, lũ lụt...bất khả kháng).

Làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định, người lao động có thể mang hồ sơ đề nghị lĩnh trợ cấp đến trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh/thành phố nơi muốn nhận trợ cấp.

Trong đó, theo khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trung tâm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Như vậy, cá nhân phải đến trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nơi muốn lĩnh trợ cấp thất nghiệp để được hỗ trợ.

*Lưu ý: Trong trường hợp đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm nhưng có nhu cầu chuyển về quê hoặc tỉnh/thành phố khác thì người lao động nên làm thủ tục chuyển nơi nhận trợ cấp.

Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp 2023 được quy định thế nào?Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp 2023 được quy định thế nào?

Các bước thủ tục 

Theo nội dung Mục 3 Chương IV Nghị định 28/2015/NĐ-CP, quy trình giải quyết hưởng bảo hiểm được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1. Nộp hồ sơ

- Thời hạn: Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm đã nêu rõ, người lao động phải nộp hồ sơ trong thời hạn tối đa 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

- Hình thức nộp hồ sơ:

+ Đến trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ giấy;

+ Làm bảo hiểm thất nghiệp online qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bước 2. Lấy phiếu hẹn trả kết quả

Sau khi kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ, người lao động sẽ được nhận Phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 3. Nhận Quyết định hưởng trợ cấp

Khi hồ sơ hợp lệ, người lao động sẽ được thông báo và yêu cầu đến nhận Quyết định hưởng trợ cấp đúng hẹn theo nội dung ghi trên Phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 4. Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định hưởng trợ cấp, người lao động sẽ được nhận tiền cho tháng trợ cấp đầu tiên.

Thời điểm lĩnh trợ cấp cho các tháng sau đó được ghi cụ thể trên Quyết định, người lao động cần theo dõi và thông báo ngay cho cơ quan bảo hiểm nếu quá hạn mà chưa nhận được tiền.

Bước 5. Thông báo tìm việc làm

Hằng tháng, người lao động phải nộp mẫu Thông báo tìm kiếm việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Việc làm.

Các khoản phí, lệ phí phải nộp

Khi thực hiện thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động không phải nộp bất kỳ khoản phí, lệ phí nào.

Thời hạn giải quyết

Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm xem xét hồ sơ và trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ký quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nếu hồ sơ của người lao động được gửi qua đường bưu điện, ngày nhận đủ hồ sơ được tính là ngày chuyển đến ghi trên dấu bưu điện.

Như vậy, thời gian giải quyết hồ sơ trợ cấp hiểm thất nghiệp của người lao động là 20 ngày làm việc.

Người lao động có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp hoặc online

Người lao động có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp hoặc online

Cách nhận trợ cấp

Hiện nay, cá nhân muốn lĩnh trợ cấp thất nghiệp có thể chọn một trong hai cách thức sau:

- Đến cơ quan bảo hiểm xã hội nhận tiền mặt;

- Nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.

Để nhận được tiền bảo hiểm theo cách mình mong muốn, người lao động phải điền rõ thông tin tại Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu 03 thuộc Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH), cụ thể:

- Tại trường thông tin “Số tài khoản (ATM nếu có):

+ Nếu nhận trợ cấp trực tiếp: bỏ qua;

+ Nếu nhận trợ cấp online: điền chính xác số tài khoản, tên Ngân hàng, chi nhánh/phòng giao dịch (nếu có).

- Tại trường thông tin “Nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp”:

+ Nếu nhận trợ cấp trực tiếp: ghi rõ cơ quan bảo hiểm xã hội của quận/huyện nào;

+ Nếu nhận trợ cấp online: ghi “qua thẻ ATM”.

>>>>Xem tiếp: Có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp qua ngân hàng nào?

Trên đây là phần tổng hợp về bảo hiểm thất nghiệp mới nhất theo quy định hiện nay. Nếu còn câu hỏi khác, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được hỗ trợ và tư vấn tiếp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X