Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ thời gian sẽ được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Vậy hồ sơ nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp gồm giấy tờ gì? Có phải công chứng tài liệu nào không?
Hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp gồm giấy tờ gì?
Chào bạn, với câu hỏi hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp gồm giấy tờ gì, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP), hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
- Giấy Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp - Mẫu số 03 được ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH;
(Đây không phải là mẫu đơn phức tạp, song bạn cũng cần biết cách điền mẫu 03 bảo hiểm thất nghiệp chuẩn để thuận tiện cho quá trình nhận trợ cấp sau này).
- (Bản chính/Bản sao) Giấy tờ, tài liệu xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động với bên sử dụng lao động, ví dụ:
- Hợp đồng hết hiệu lực;
- Quyết định sa thải;
- Quyết định thôi việc;
- Quyết định về việc kỷ luật buộc thôi việc đối với người lao động;
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng giữa các bên;
- Xác nhận chấm dứt hợp đồng của bên sử dụng lao động;
- Xác nhận doanh nghiệp/hợp tác xã giải thể, phá sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức người quản lý doanh nghiệp/hợp tác xã.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
*Lưu ý: Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 nêu rõ, người lao động chỉ có thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm kết thúc hợp đồng để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, do vậy nếu quá thời hạn này mà người lao động không thực hiện thủ tục thì sẽ không được nhận tiền hỗ trợ.
Làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp có cần công chứng không?
Chào bạn, Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) đã nêu rõ, những tài liệu có chức năng xác nhận việc chấm dứt quan hệ lao động giữa người lao động và bên sử dụng lao động phải là bản chính hoặc bản sao.
Điều đó có nghĩa là, nếu bạn nộp bản photocopy đối với hợp đồng lao động hết hạn thì phải mang hợp đồng gốc đi để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra và đối chiếu. Còn trong trường hợp bạn muốn giữ lại giấy tờ bản chính, trước khi nộp hồ sơ thì phải ra các văn phòng công chứng để công chứng viên tiến hành sao y bản chính.
Tôi có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu? Nộp bằng cách nào?
Hiện nay người lao động có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp bằng hai cách:
- Đến trực tiếp cơ quan tiếp nhận hồ sơ để nộp;
- Làm bảo hiểm thất nghiệp online tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, đối với nơi nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn rằng: Trung tâm giới thiệu việc làm là đơn vị tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người lao động. Bạn có thể nộp hồ sơ tại bất kì trung tâm nào mình muốn nhận.
*Lưu ý: Trong khoảng thời gian nộp, giải quyết hồ sơ và nhận tiền trợ cấp, bạn phải thường xuyên có mặt tại địa phương nơi tiếp nhận hồ sơ (Ví dụ: thành phố Hà Nội) để thực hiện công việc đúng thời hạn (Ví dụ: nộp thông báo tìm kiếm việc làm từng tháng…)
Trên đây là nội dung giải đáp xoay quanh vấn đề hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp gồm giấy tờ gì. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được tư vấn thêm.