hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 12/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đã nghỉ việc có được hưởng BHYT không?

Người lao động làm việc có kí hợp đồng theo quy định được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp… Vậy nếu người lao động nghỉ việc, có được hưởng BHYT không?

Câu hỏi: Em dự định nghỉ việc sau khi hết hợp đồng vào tháng 5 này. Vậy khi nghỉ việc thì em có còn được hưởng BHYT nữa không ạ? Nếu nghỉ việc lâu mới xin công việc khác em có thể tham gia BHYT bằng hình thức nào? Xin tư vấn giúp em!

Sau khi nghỉ việc có được hưởng BHYT không?

Sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp, thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng tại tháng doanh nghiệp báo giảm lao động.

Cụ thể, khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp,… theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Nếu người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động lập hồ sơ báo giảm BHXH gửi tới cơ quan BHXH. Trường hợp chậm báo giảm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó (điểm 2.1 khoản 2 Điều 50 Quyết định 595)

Suy ra, nếu chậm báo giảm, doanh nghiệp phải đóng tiền BHYT của những tháng báo chậm, thẻ BHYT của người lao động đã nghỉ việc sẽ có giá trị đến hết tháng mà người sử dụng lao động báo giảm người tham gia BHYT.

Như vậy, người lao động có thể sử dụng thẻ BHYT đã được cấp để đi khám chữa bệnh BHYT đến hết tháng doanh nghiệp báo giảm lao động.

Ví dụ: Bạn thông báo sẽ chính thức nghỉ việc vào tháng 6/2023, đã báo với công ty trước thời hạn theo đúng quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019. Như vậy là, thẻ BHYT của bạn sẽ có thời hạn sử dụng đến hết ngày 31/5/2023.

Để đảm bảo các quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh, người lao động sau khi nghỉ việc cần tiếp tục tham gia BHYT. Song cần lưu ý, trường hợp người lao động đã cận mốc thời gian tham gia BHYT 5 năm nếu để gián đoạn thời gian quá 3 tháng sẽ không được tính BHYT 5 năm liên tục.

bao hiem y te sau khi nghi viec

Tham gia BHYT sau khi nghỉ việc thế nào?

Có 02 cách để người lao động sau khi nghỉ việc tiếp tục được tham gia BHYT

Cách thứ nhất: Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo nội dung Điều 51 Luật Việc làm 2013, nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động có thể tham gia BHYT trong thời gian lĩnh trợ cấp.

Đồng thời, theo Điều 23 Nghị định 28/2015/NĐ-CP và khoản 11 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, việc chi trả BHYT cho người lao động nghỉ việc sẽ kết thúc khi người đó hết thời hạn nhận trợ cấp.

>> Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp 2023: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng

Cách thứ hai: Tham gia BHYT theo hộ gia đình

Nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT do cơ quan BHYT đóng hoặc do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng, người lao động sau khi nghỉ việc có thể tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. (Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)

Việc tham gia theo hình thức BHYT hộ gia đình này phải đảm bảo toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia, cá nhân không tham gia đơn lẻ (theo Công văn 777/BHXH-BT ngày 12/3/2015).

Điều này đồng nghĩa với việc, người lao động nghỉ việc muốn mua BHYT hộ gia đình thì các thành viên còn lại trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú mà chưa có thẻ BHYT cũng phải cùng mua.

Các bước tham gia BHYT hộ gia đình

Bước 1:

- Kê khai đầy đủ thông tin vào Tờ khai tham gia BHYT theo mẫu TK1-TS

- Kê khai toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT - mẫu DK01, mẫu này có thể nhận từ trưởng thôn, xóm, khu phố, ấp, bản.

Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cư trú/đại lý thu cùng với các giấy tờ:

- Bản sao Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú

- Bản chính hoặc bản chụp thẻ BHYT của các thành viên khác trong Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú đã có thẻ để xác định giảm trừ mức đóng.

Bước 3: Đóng tiền tham gia BHYT

Đóng tiền tham gia BHYT sau khi nộp hồ sơ theo đúng quy định và lấy giấy hẹn trả kết quả.

Bước 4: Nhận thẻ BHYT

Người dân đến đại lý thu BHXH hoặc cơ quan BHXH nơi đã nộp hồ sơ để nhận thẻ BHYT căn cứ thời gian hẹn trên giấy hẹn.

Mức đóng BHYT hộ gia đình

Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018 quy định mức đóng BHYT hộ gia đình như sau:

- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;

- Người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

- Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Mức lương cơ sở áp dụng năm 2023 là 1,49 triệu đồng/tháng (trước ngày 01/7) và là 1,8 triệu đồng/tháng (từ 1/7). Do vậy, mức đóng BHYT hộ gia đình năm 2023 theo từng thành viên là:

Trước 1/7

Từ 1/7/2023 trở đi

Người thứ 1

67.050 đồng/tháng

81.000 đồng/tháng

Người thứ 2

46.935 đồng/tháng

56.700 đồng/tháng

Người thứ 3

40.230 đồng/tháng

48.600 đồng/tháng

Người thứ 4

33.525 đồng/tháng

40.500 đồng/tháng

Từ người thứ 5 trở đi

26.820 đồng/tháng

32.400 đồng/tháng

Hieuluat khuyến nghị người lao động nên tiến hành từ cách 1 (nếu đủ điều kiện) rồi chuyển sang cách 2 để được hưởng quyền lợi BHYT sau khi nghỉ việc một cách tối đa.

HieuLuat vừa giải đáp về vấn đề nghỉ việc có được hưởng BHYT không. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X