Chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng thành đất ở được thực hiện khi nào? Hồ sơ, chi phí, thủ tục được thực hiện ra sao? Cùng giải đáp trong bài viết dưới đây của HieuLuat.
Câu hỏi: Chào Luật sư, ba mẹ tôi có thửa đất ruộng gần nhà ở.
Ba mẹ tôi muốn chuyển mục đích sử dụng đất ruộng này thành đất ở, cũng là mở rộng thêm diện tích đất xây đổi lại căn nhà cũ của gia đình tôi.
Hồ sơ, thủ tục thực hiện chuyển đổi mục đích được tiến hành ra sao?
Chào bạn, câu hỏi liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng thành đất ở (đất thổ cư) mà bạn quan tâm được chúng tôi giải đáp như sau:
Điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng thành thổ cư là gì?
Trước hết, do pháp luật đất đai không định nghĩa đất ruộng là gì.
Mà thực tế, đất ruộng theo thông tin bạn cung cấp được hiểu rằng đất trồng cây hàng năm khác (đất trồng các loại cây màu, ngô, khoai, sắn…) hoặc là đất chuyên trồng lúa nước.
Căn cứ quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013, Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, Nghị định 35/2015/NĐ-CP, Nghị định 62/2019/NĐ-CP, điều kiện được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa/hoặc đất trồng cây hàng năm khác bao gồm:
Phù hợp kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nơi có đất;
Phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
Phải nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định;
Phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đầy đủ cùng các khoản chi phí khác;
Đất đã được cấp sổ đỏ/giấy chứng nhận;
Phải có hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất được kê khai theo luật định;
Như vậy, chỉ khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện luật định được chúng tôi nêu ở trên, người sử dụng đất mới được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng thành đất ở.
Hồ sơ, thủ tục thực hiện xin chuyển mục đích được chúng tôi trình bày ở phần dưới.
Hồ sơ xin chuyển mục đích từ đất ruộng thành thổ cư là gì?
Căn cứ quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, Nghị định 62/2019/NĐ-CP, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng từ đất ruộng thành đất ở (đất thổ cư) bao gồm:
Đơn xin chuyển mục đích sử dụng từ đất ruộng thành đất ở, mẫu số 01 (mẫu ban hành tại Thông tư 11/2022/TT-BTNMT);
Giấy chứng nhận đã được cấp (bản chính);
Tờ khai phụ lục III, phụ lục IV/hoặc V, ban hành tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP đối với trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thành đất ở;
Hồ sơ nhân thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người xin chuyển mục đích;
Hồ sơ đo đạc thửa đất nếu có trong trường hợp chuyển một phần diện tích thửa đất ruộng thành đất ở;
Trích lục bản đồ địa chính hoặc bản trích đo địa chính (nếu có) đối với phần diện tích đất xin chuyển mục đích sử dụng;
Văn bản ủy quyền (nếu có);
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người có đất xin chuyển mục đích tiến hành thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự các bước được chúng tôi nêu ở phần dưới.
Kết luận: Hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng thành đất ở bao gồm những loại giấy tờ như chúng tôi đã nêu ở trên.
Để tránh trường hợp phải bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ, bạn nên kiểm tra kỹ các loại giấy tờ, tài liệu cần có trong trường hợp của mình.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất ruộng thành đất ở ra sao?
Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định trình tự chuyển mục đích sử dụng từ đất ruộng thành đất thổ cư được tiến hành như sau: Nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ, đóng nộp các khoản chi phí, nhận kết quả.
Cụ thể như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ xin chuyển mục đích từ đất ruộng thành đất ở
Hồ sơ bao gồm những loại tài liệu, giấy tờ như chúng tôi trình bày ở phần trên.
Bước 2: Xử lý hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất
Cơ quan Tài nguyên môi trường tiến hành thẩm định hồ sơ, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
Nếu đủ điều kiện thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng;
Chuyển thông tin sang cơ quan thuế để tính toán các khoản thuế phí;
Chỉ đạo tiến hành cập nhật thông tin biến động đất đai;
Bước 3: Đóng nộp các khoản chi phí, nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích
Khoản chi phí trong trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất gồm:
Phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp giấy chứng nhận: Được đóng nộp theo quy định của từng tỉnh nơi có đất;
Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng: Được tính bằng chênh lệch giữa giá đất ở trừ đi giá đất ruộng nhân với diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng;
- Nếu phần diện tích đất xin chuyển mục đích lớn hơn hạn mức công nhận quyền sử dụng đất thì tiền sử dụng đất được áp dụng tính đối với phần diện tích chênh lệch thường sẽ áp dụng theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Tức hệ số điều chỉnh giá đất nhân với (giá đất ở trừ giá đất ruộng) nhân với diện tích được phép chuyển mục đích;
Tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa: Được tính theo quy định cụ thể theo Quyết định của từng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất;
- Trong đó, số tiền này không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo công thức:
Số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp ≥ 50% (giá đất ở - giá đất trồng lúa nước) x diện tích
- Giá đất được tính theo bảng giá đất nơi có đất trồng lúa xin chuyển mục đích sử dụng đất;
Bước 4: Nhận kết quả
Theo phiếu hẹn trả, người yêu cầu nhận kết quả là sổ đỏ đã được xác nhận chuyển mục đích hoặc đã được cấp mới sau khi đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính.
Như vậy, thủ tục các bước xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng thành đất thổ cư gồm có 4 bước cơ bản như chúng tôi đã nêu trên.
Bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có phương án xử lý phù hợp.
Trên đây là giải đáp về chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng, nếu còn băn khoăn, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.