Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:
1. Các loại hình nhà trường theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật giáo dục 2005 (được sửa đổi bởi Luật giáo dục sửa đổi năm 2009), các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân không có quy định nào về trường quốc tế, mà chỉ có ba loại hình là công lập, dân lập và tư thục.
Cụ thể, trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động.
Ttrường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục thì tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.
Như vậy, pháp luật hiện hành không hề có quy định về loại hình trường quốc tế cho hệ thống giáo dục tại Việt Nam.
Trên thực tế, hiện này các trường mang danh quốc tế hầu như hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên chữ quốc tế do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài. Từ "quốc tế" chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường.
2. Việc quảng cáo trường quốc tế có vi phạm pháp luật?
Theo quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo 2012 thì hành vi gắn mác "quốc tế" cho tên trường là hành vi quảng cáo không đúng sự thật và bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b, khoản 5, điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo như sau:
“Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
[…]
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
[…]
b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;”
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Tội "quảng cáo gian dối" Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong hệ thống giáo dục của Việt Nam không hề tồn tại loại hình trường “quốc tế”. Việc tự gắn mác “quốc tế” để quảng cáo cho uy tín, danh tiếng của nhà trường là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định trên.