hieuluat

Thông tư hướng dẫn hoạt động khai thác bảo hiểm và quản lý phí bảo hiểm

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 27/1998/TT-BTC Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Thông tư Người ký: Lê Thị Băng Tâm
    Ngày ban hành: 04/03/1998 Hết hiệu lực: 16/08/2001
    Áp dụng: 20/03/1998 Tình trạng hiệu lực: Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực: Doanh nghiệp, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ
  • THÔNG TƯ
    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 27/1998/TT-BTC NGÀY 4 THÁNG 3 NĂM 1998
    HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC BẢO HIỂM VÀ QUẢN LÝ
    PHÍ BẢO HIỂM

     

    Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 sửa đổi bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm;

    Để đảm bảo hoạt động kinh doanh bảo hiểm được tiến hành trong môi trường hoạt động cạnh tranh lành mạnh, tăng cường sự phối hợp hợp tác lẫn nhau giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm. Thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển, phục vụ tốt hơn nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động khai thác bảo hiểm và quản lý phí bảo hiểm như sau:

     

    I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

     

    Đối tượng áp dụng Thông tư này là doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt nam, đại lý, cộng tác viên bảo hiểm đã ký hợp đồng đại lý, cộng tác viên bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm.

    Hoạt động khai thác bảo hiểm trong Thông tư này được hiểu là hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, vận động mời chào khách hàng tham gia bảo hiểm, bán sản phẩm bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trực tiếp tiến hành hay thông qua đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm.

    Phạm vi quản lý phí bảo hiểm quy định tại Thông tư này bao gồm biểu phí, tỷ lệ phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng trực tiếp hay gián tiếp thông qua đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm trong mọi dịch vụ kinh doanh bảo hiểm phát sinh và tiến hành tại Việt nam.

     

    II. NHỮNG QUY ĐINH CỤ THỂ:

     

    1. Các quy định cụ thể về khai thác bảo hiểm:

    1.1. Hoạt động tuyên truyền quảng cáo:

    Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm có quyền tiến hành các hình thức tuyên truyền quảng cáo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành để công chúng hiểu rõ chức năng, tác dụng của việc tham gia bảo hiểm, hiểu biết về doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm và các loại sản phẩm bảo hiểm, dịch vụ có liên quan do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp.

    Thông tin tuyên truyền quảng cáo phải là các thông tin trung thực phản ánh chính xác về tình hình doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm như: Tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, cơ cấu tổ chức hoạt động, bộ máy điều hành, loại sản phẩm bảo hiểm cung cấp... nghiêm cấm thông tin không chính xác nhằm mục đích giành dịch vụ và lợi dụng lòng tin của khách hàng tham gia bảo hiểm.

    Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm không được phép tuyên truyền quảng cáo bất cứ thông tin nào liên quan đến các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm khác, trừ trường hợp được doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm này đồng ý bằng văn bản .

    Nghiêm cấm doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm, đại lý, cộng tác viên bảo hiểm thông tin không chính xác về tình hình tài chính; nội dung, phạm vi và lĩnh vực được phép hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm; quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm.

    Trường hợp nội dung tuyên truyền quảng cáo không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng nội dung quy tắc, điều khoản bảo hiểm dẫn tới tranh chấp với người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm sẽ được giải quyết theo các điều khoản có lợi nhất.

    1.2. Trường hợp bán bảo hiểm trực tiếp:

    Trong phạm vi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động mời chào khách hàng tham gia bảo hiểm. Việc vận động mời chào khách hàng tham gia bảo hiểm được thực hiện trực tiếp với khách hàng hay đại diện của họ.

    Nghiêm cấm các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua các tổ chức, cá nhân ép buộc mua bảo hiểm dưới mọi hình thức làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

    Nghiêm cấm các công ty bảo hiểm cổ phần ép buộc các cổ đông phải mua bảo hiểm tại chính công ty mình.

    1.3. Trường hợp bán bảo hiểm thông qua đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm:

    Doanh nghiệp bảo hiểm có thể ủy quyền cho đại lý, cộng tác viên bảo hiểm bán sản phẩm bảo hiểm thuộc các loại nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép tiến hành. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý, công tác viên bảo hiểm được quy định tại hợp đồng đại lý, cộng tác viên bảo hiểm ký giữa doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý, cộng tác viên bảo hiểm.

    Tổ chức môi giới bảo hiểm đại diện cho khách hàng, hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng tham gia bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm tốt nhất.

    Đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm không được ngăn cản hoặc tác động để người tham gia bảo hiểm không khai báo hoặc khai báo sai lệch các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    Đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm có trách nhiệm giải thích tất cả các thông tin về sản phẩm bảo hiểm để người tham gia bảo hiểm hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm mà họ dự định mua hoặc đã mua.

    Đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải giữ bí mật mọi thông tin mà khách hàng cung cấp liên quan đến việc giao dịch mua bảo hiểm.

    1.4. Trường hợp bán bảo hiểm thông qua phương thức đấu thầu:

    - Căn cứ để xét thầu là tài liệu mời thầu, bản chào giá phí bảo hiểm và các dịch vụ phục vụ có liên quan khác.

    - Việc tổ chức đấu thầu phải đảm bảo công khai, các điều kiện gọi thầu được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu.

    - Hồ sơ tham gia đấu thầu của các doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi rõ điều kiện bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm, biểu phí bảo hiểm và các quy định khác theo yêu cầu của tài liệu gọi thầu.

    2. Các quy định cụ thể về quản lý phí bảo hiểm:

    2.1. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện các quy định về quản lý phí bảo hiểm như sau:

    a. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ quy tắc điều khoản, biểu phí hoặc khung mức phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành.

    b. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm liên quan đến con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trình biểu phí bảo hiểm và được Bộ Tài chính phê chuẩn mới được áp dụng.

    c. Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác, doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký với Bộ Tài chính trước khi áp dụng.

    2.2. Khi xác định tỷ lệ phí bảo hiểm, ngoài những nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc quy định tại Điểm a Khoản 2.1 Mục 2 nói trên, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tự tính phí bảo hiểm hoặc căn cứ vào biểu phí của thị trường bảo hiểm quốc tế sau khi đã điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt nam và của bản thân doanh nghiệp tuân theo nguyên tắc tính phí quy định Khoản 2.3 dưới đây.

    2.3. Doanh nghiệp bảo hiểm khi tính phí bảo hiểm phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

    - Phí bảo hiểm phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong nước và có xét đến khả năng tham gia của khách hàng.

    - Phí bảo hiểm phải tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm.

    - Phí bảo hiểm phải đảm bảo tính đúng, đủ các chi phí hoạt động kinh doanh, các khoản dự phòng trích lập theo quy định và có tính đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.

    2.4. Thủ tục trình và đăng ký biểu phí bảo hiểm với Bộ Tài chính:

    Khi trình hoặc đăng ký biểu phí bảo hiểm với Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp biểu phí bảo hiểm dự kiến áp dụng và các thông tin có liên quan như sau:

    + Số liệu thống kê tình hình tổn thất, bồi thường trong ít nhất 3 năm trước (Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm mới thành lập phải có kế hoạch kinh doanh nghiệp vụ này trong 3 năm sắp tới) và xu thế tổn thất trong tương lai có tính đến chu kỳ tổn thất lớn (nếu có);

    + Chi phí quản lý, kinh doanh;

    + Các khoản thuế phải nộp.

    Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ trả lời bằng văn bản về việc áp dụng biểu phí bảo hiểm đã trình hoặc đăng ký.

    2.5. Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải tuân thủ biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, biểu phí bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm đã trình hoặc đăng ký đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

    2.6. Bộ Tài chính đảm bảo giữ bí mật mọi thông tin liên quan đến biểu phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đã trình hoặc đăng ký với Bộ Tài chính .

     

    III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

     

    Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

    Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý, cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm vi phạm các quy định tại Thông tư này tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét bổ sung, sửa đổi.

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Thông tư hướng dẫn hoạt động khai thác bảo hiểm và quản lý phí bảo hiểm

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
    Số hiệu: 27/1998/TT-BTC
    Loại văn bản: Thông tư
    Ngày ban hành: 04/03/1998
    Hiệu lực: 20/03/1998
    Lĩnh vực: Doanh nghiệp, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Lê Thị Băng Tâm
    Ngày hết hiệu lực: 16/08/2001
    Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X