hieuluat

Nghị định 62/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Viện KH và CN Việt Nam

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Chính phủ Số công báo: 271&272 - 5/2008
    Số hiệu: 62/2008/NĐ-CP Ngày đăng công báo: 18/05/2008
    Loại văn bản: Nghị định Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành: 12/05/2008 Hết hiệu lực: 19/02/2013
    Áp dụng: 02/06/2008 Tình trạng hiệu lực: Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực: Khoa học-Công nghệ, Cơ cấu tổ chức
  • NGHỊ ĐỊNH

    CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 62/2008/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 2008

    QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

    CỦA VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

     

     

    CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Xét đề nghị của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,

     

     

    NGHỊ ĐỊNH :

    Điều 1. Vị trí và chức năng

    1. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao cho đất nước theo quy định của pháp luật.

    2. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Vietnam Academy of Science and Technology, viết tắt là VAST.

    Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

    Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Viện) thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

    1. Trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới, đổi tên, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị của Viện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

    2. Về chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và việc tổ chức thực hiện:

    a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện; tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

    b) Tham gia xây dựng chiến lược phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ; tham gia hoạch định chính sách phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường của đất nước;

    c) Nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và môi trường để cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng, ban hành chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước;

    d) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; khoa học vật liệu; nghiên cứu biển, hải đảo và công trình biển; sinh thái và môi trường; tài nguyên sinh học và hợp chất thiên nhiên; kỹ thuật điện tử; thiết bị khoa học và tự động hoá; dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; công nghệ vũ trụ;

    đ) Đề xuất và chủ trì thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

    e) Triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới; tổ chức sản xuất, kinh doanh, tư vấn dịch vụ về các lĩnh vực chuyên môn vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và theo quy định của pháp luật;

    g) Thông tin, dự báo, cảnh báo động đất, sóng thần;

    h) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường khoa học, công nghệ;

    i) Thẩm định hoặc tham gia thẩm định trình độ công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật các công trình trọng điểm, quan trọng của Nhà nước và của các địa phương theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    k) Đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao; tổ chức đào tạo sau đại học về khoa học tự nhiên và công nghệ theo quy định của pháp luật;

    l) Quyết định các dự án đầu tư của Viện theo quy định của pháp luật.

    3. Về hợp tác quốc tế:

    a) Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ theo quy định của pháp luật;

    b) Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế đã ký kết;

    c) Tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình hợp tác quốc tế và quyết định tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định của pháp luật; quản lý các hội nghị, hội thảo và kế hoạch hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc.

    4. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu, nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    5. Về biên chế, cán bộ, viên chức:

    a) Lập kế hoạch biên chế của Viện gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định phân bổ, quản lý chỉ tiêu biên chế sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc trong việc chấp hành quản lý biên chế;

    b) Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong các hoạt động của Viện;

    c) Kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với cán bộ, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    6. Về quản lý tài chính, tài sản:

    a) Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Viện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

    b) Quyết định phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch; kiểm tra việc chi tiêu; chịu trách nhiệm quyết toán và có quyền điều chỉnh trong phạm vi tổng mức thu, chi tài chính được phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng không được thay đổi mục tiêu, kế hoạch đã được duyệt;

    c) Quản lý tài chính, tài sản; sử dụng có hiệu quả tài sản do Nhà nước giao và các nguồn tài sản khác; thực hiện công tác kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật.

    7. Về quản lý doanh nghiệp nhà nước:

    a) Chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Viện theo quy định của Chính phủ; tổ chức triển khai sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

    b) Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Viện theo quy định của pháp luật.

    8. Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

    9. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

    Điều 3. Cơ cấu tổ chức

    1. Ban Tổ chức cán bộ.

    2. Ban Kế hoạch - Tài chính.

    3. Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ.

    4. Ban Hợp tác quốc tế.

    5. Ban Kiểm tra.

    6. Văn phòng (được thành lập các phòng trực thuộc).

    7. Cơ quan đại diện của Viện tại thành phố Hồ Chí Minh.

    8. Viện Toán học.

    9. Viện Vật lý.

    10. Viện Hoá học.

    11. Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên.

    12. Viện Cơ học.

    13. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

    14. Viện Địa lý.

    15. Viện Địa chất.

    16. Viện Vật lý địa cầu.

    17. Viện Hải dương học.

    18. Viện Tài nguyên và Môi trường biển.

    19. Viện Địa chất và Địa vật lý biển.

    20. Viện Khoa học năng lượng.

    21. Viện Khoa học vật liệu.

    22. Viện Công nghệ thông tin.

    23. Viện Công nghệ sinh học.

    24. Viện Công nghệ môi trường.

    25. Viện Công nghệ hoá học.

    26. Viện Công nghệ vũ trụ.

    27. Viện Cơ học và Tin học ứng dụng.

    28. Viện Sinh học nhiệt đới.

    29. Viện Kỹ thuật nhiệt đới.

    30. Viện Khoa học vật liệu ứng dụng.

    31. Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang.

    32. Trung tâm Thông tin - Tư liệu.

    33. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

    34. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ.

    Tại Điều này, các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 7 là các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện; các đơn vị quy định từ khoản 8 đến khoản 31 là các viện nghiên cứu; các đơn vị quy định từ khoản 32 đến khoản 34 là các đơn vị sự nghiệp.

    Căn cứ nhu cầu phát triển, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam quyết định thành lập, đổi tên, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Viện và quyết định thành lập, đổi tên, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các đơn vị tự trang trải kinh phí và doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

    Điều 4. Lãnh đạo

    1. Lãnh đạo:

    a) Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch. Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

    b) Các Phó Chủ tịch Viện do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Viện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Viện về nhiệm vụ được Chủ tịch Viện phân công.

    2. Thẩm quyền của Chủ tịch Viện:

    a) Ban hành quy chế hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

    b) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc;

    c) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, kỷ luật người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc;

    d) Quyết định và phân cấp quản lý về tổ chức và cán bộ; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính, tài sản, về tổ chức bộ máy và biên chế cho các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;

    đ) Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển, quyết định cho nghỉ hưu, kéo dài thời gian công tác, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật;

    e) Quyết định thành lập các Hội đồng khoa học để tư vấn cho Chủ tịch Viện về chiến lược, phương hướng và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Viện;

    g) Thực hiện các thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

    Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

    1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 27/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

    2. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

    3. Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

     

    TM. CHÍNH PHỦ

    THỦ TƯỚNG

    Nguyễn Tấn Dũng

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Nghị định 62/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Viện KH và CN Việt Nam

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Chính phủ
    Số hiệu: 62/2008/NĐ-CP
    Loại văn bản: Nghị định
    Ngày ban hành: 12/05/2008
    Hiệu lực: 02/06/2008
    Lĩnh vực: Khoa học-Công nghệ, Cơ cấu tổ chức
    Ngày công báo: 18/05/2008
    Số công báo: 271&272 - 5/2008
    Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực: 19/02/2013
    Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X