hieuluat

Chỉ thị 38/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ Số công báo: 797&798-10/2017
    Số hiệu: 38/CT-TTg Ngày đăng công báo: 26/10/2017
    Loại văn bản: Chỉ thị Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
    Ngày ban hành: 19/10/2017 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 19/10/2017 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Thương mại-Quảng cáo
  •  

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------

    Số: 38/CT-TTg

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2017

     

     

    CHỈ THỊ

    VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN VÀ KHAI THÁC HIỆU QUẢ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ĐÃ CÓ HIỆU LỰC

     

    Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc, đặc biệt thông qua việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đến nay, nước ta đã ký kết và đang thực thi 10 FTA khu vực và song phương, gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ốt-xtrây-lia - Niu Di-lân (AANZFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN- Ấn Độ để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định FTA Việt Nam - Chi Lê (VCFTA), Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA).

    Trong thời gian qua, việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa đất nước, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam; giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; cơ cấu kinh tế từ đó cũng được chuyển đổi theo hướng tích cực; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản, minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh-xã hội; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh v.v. Bên cạnh đó, về mặt chính trị, việc tham gia và thực hiện các FTA trong thời gian qua cũng góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước. Các bộ ngành cũng đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA này như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA v.v.

    Tuy nhiên, công tác thực thi các FTA nói trên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt của các doanh nghiệp, chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; công tác phối hợp triển khai chưa nhịp nhàng, chặt chẽ; chưa thực hiện hiệu quả việc phổ biến chính sách thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các FTA nhằm tận dụng đầy đủ các cơ hội và đối phó với các thách thức của việc gia nhập các FTA; việc nội luật hóa để thực hiện các cam kết quốc tế cũng như sự chuẩn bị trong nước, nhất là với doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân còn chậm và thiếu chủ động; vẫn còn tồn tại tình trạng phụ thuộc vào một số ngành hàng, một số thị trường; cơ chế phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế còn bất cập v.v.

    Để tiếp tục thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới ta sẽ tham gia trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế chỉ thị các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới như sau:

    1. Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tích cực chỉ đạo:

     

     

    - Đẩy mạnh thực hiện “Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” (Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 06 tháng 11 năm 2016). Đôn đốc các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW.

    - Rà soát định kỳ, đảm bảo thực thi nghiêm túc các FTA; đánh giá kịp thời các vấn đề phát sinh và kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết FTA và việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khai thác hiệu quả các FTA.

    - Vận hành thông suốt, nhịp nhàng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị trung ương cũng như với các cơ quan đầu mối hội nhập kinh tế quốc tế ở địa phương.

    2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

     

     

    - Dành nguồn lực và ưu tiên thỏa đáng cho việc thực thi các FTA, đồng thời hỗ trợ các bên liên quan khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách.

    - Đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.

    - Phối hợp chặt chẽ, tích cực với Bộ Công Thương khi cần rà soát, đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp thực hiện và tận dụng các FTA đã có hiệu lực cũng như nghiên cứu, đánh giá khả năng tận dụng ưu đãi của các nhóm ngành hàng cụ thể.

    - Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã đề ra. Trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, cần cố gắng đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, và duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh.

    - Thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết FTA nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam là thành viên.

    - Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong trường hợp FTA bị vi phạm.

    - Tăng cường chế tài và áp dụng xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng hơn đến việc kiểm tra giám sát quá trình thực hiện chính sách.

    - Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn, giải thích cách hiểu và áp dụng thống nhất quy định của FTA trong lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng các quy định đó.

    - Chủ động đẩy mạnh việc phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức cho các đơn vị, cán bộ chuyên ngành, các địa phương và doanh nghiệp về những cam kết quốc tế có liên quan để bảo đảm việc thực thi được đầy đủ, kịp thời, cần có chủ trương, cơ chế nhằm khuyến khích đội ngũ tri thức, chuyên gia tham gia vào quá trình nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đối với Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

    - Xây dựng chính sách và cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các FTA, phù hợp với các nhiệm vụ và giải pháp nêu tại “Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” (Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016).

    - Tăng cường sự tham gia của người dân và đặc biệt là doanh nghiệp vào quá trình làm luật để vừa phù hợp cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và cũng đảm bảo lợi ích trong nước.

    - Chủ động tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA. Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

    Ngoài ra, từng bộ, ngành sẽ triển khai các công việc cụ thể sau liên quan đến lĩnh vực phụ trách:

    a) Bộ Công Thương:

    - Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, viện, các cơ quan nghiên cứu, Hiệp hội liên quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đánh giá khả năng vận dụng ưu đãi của các FTA theo các nhóm ngành hàng cụ thể, từ đó xây dựng các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực.

    - Chủ động phối hợp với các bộ ngành trong việc phát hiện những vấn đề phát sinh từ cả phía Việt Nam và các đối tác trong quá trình thực thi các FTA để đề xuất giải pháp trong khuôn khổ FTA tương ứng.

    - Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc hướng dẫn, giải thích cách hiểu và áp dụng thống nhất quy định của FTA trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng các quy định đó.

    - Chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.

    - Tăng cường, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng các kênh bán hàng, phân phối v.v.; trong đó, chú trọng các nước đối tác trong các FTA hiện hành và có tiềm năng đem lại tác động tích cực cho thương mại Việt Nam.

    - Nghiên cứu, chú trọng việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA, trong đó lưu ý tới các cam kết trong từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể, để các doanh nghiệp trong ngành nắm vững được cam kết và các quy định đối với sản phẩm của mình, đặc biệt tại các thị trường có tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các UBND tỉnh xây dựng một trang thông tin điện tử nhằm giới thiệu tới doanh nghiệp cam kết trong các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp về các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường các đối tác đã có FTA với Việt Nam; chủ động hợp tác với các cơ quan liên quan tại các nước đối tác FTA để thông tin cho nhau về thay đổi chính sách, cảnh báo về những vụ việc có thể xảy ra tranh chấp thương mại, đầu tư.

    b) Bộ Ngoại giao:

    - Chủ trì, theo dõi sát sao các diễn biến chính trị-an ninh-kinh tế trong khu vực và trên thế giới, tình hình quan hệ đối ngoại của Việt Nam nhằm dự báo và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa nước ta với các nước đối tác FTA.

    - Chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao kịp thời cung cấp các thông tin về chính sách của các nước đối tác FTA và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

    - Phối hợp với Bộ Công Thương khi cần thiết nhằm trao đổi, vận động các nước đối tác FTA dỡ bỏ các rào cản thương mại, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam cũng như trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu có.

    - Chủ trì vận động chính trị, ngoại giao các nước sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động trong nước.

    c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh để phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư mà Việt Nam là thành viên.

    - Phối hợp với Bộ Tư pháp để hướng dẫn phòng tránh và giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

    d) Bộ Tài chính:

    - Chủ trì thực hiện đầy đủ các cam kết về thuế và các cam kết khác trong lĩnh vực tài chính trong các FTA đã ký kết và có hiệu lực.

    - Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế và hải quan theo các chuẩn mực quốc tế trong khu vực như ASEAN-4 và một số chuẩn mực quốc tế khác.

    - Bố trí nguồn tài chính hàng năm phù hợp cho công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các FTA đã ký kết cũng như công tác nghiên cứu, đánh giá mức độ tận dụng các FTA và các giải pháp tăng cường khai thác hiệu quả các FTA này.

    đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

    - Chủ trì nghiên cứu, đánh giá thực trạng sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản sang các đối tác FTA và đề xuất các giải pháp nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành hàng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông lâm thủy hải sản.

    - Nghiên cứu, kiến nghị phương án, giải pháp cụ thể trong cả ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ các ngành nông nghiệp cần đối phó với cạnh tranh khi thuế nhập khẩu đang và sẽ được xóa bỏ.

    - Chủ động theo dõi, cập nhật các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật do các đối tác FTA áp dụng để phổ biến cho doanh nghiệp trong nước và đề xuất hướng đối phó.

    - Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật phù hợp với cam kết trong các FTA và tương đương với tiêu chuẩn quốc tế để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

    e) Bộ Khoa học và Công nghệ:

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin khoa học công nghệ quốc tế để phục vụ phổ cập, ứng dụng trong nước cho sản xuất hàng xuất khẩu chất lượng tốt.

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, vận dụng các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong nước, phù hợp với trình độ và định hướng phát triển công nghệ của ta trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

    - Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

    - Chủ động theo dõi, cập nhật các biện pháp kỹ thuật do các đối tác FTA dự kiến ban hành và áp dụng để cảnh báo, phổ biến cho doanh nghiệp trong nước và các cơ quan quản lý chuyên ngành nhằm đề xuất hướng đối phó.

    - Chú trọng nâng cao năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp để đáp ứng xu thế hội nhập từ các cam kết về đánh giá sự phù hợp trong các FTA.

    - Tăng cường hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, kết quả công nhận giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc tế, tổ chức công nhận của các nước tham gia ký kết các FTA nhằm giúp giảm gánh nặng đầu tư cho hệ thống đánh giá sự phù hợp của mỗi quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu cho tổ chức, doanh nghiệp (ví dụ như giảm chi phí bến bãi, giảm thời gian thông quan...)

    g) Bộ Giao thông vận tải:

    Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường kết nối giao thông vận tải với các Thành viên ASEAN và các đối tác FTA phù hợp, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

    h) Bộ Thông tin và Truyền thông:

    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Cổng thông tin điện tử tích hợp cơ sở dữ liệu tổng hợp cung cấp đầy đủ các thông tin văn kiện, tài liệu thiết yếu về các sự kiện hội nhập quốc tế.

    - Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai chương trình tuyên truyền, giới thiệu về các FTA đã ký kết tới doanh nghiệp, người dân, trong đó tập trung làm rõ các quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người dân khi nước ta tham gia các FTA.

    - Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền trong nước về các FTA đã ký kết.

    i) Bộ Tư pháp:

    - Chủ trì, điều phối các bộ, ngành liên quan tích cực rà soát và kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung các quy định của pháp luật Việt Nam để phù hợp với các cam kết FTA của Việt Nam.

    - Phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai quy trình ban hành văn bản pháp luật và chính sách theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Tăng cường sự tham gia của người dân và đặc biệt là doanh nghiệp vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để vừa phù hợp với cam kết FTA, vừa đảm bảo lợi ích trong nước.

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hợp tác đa phương trong lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là về pháp luật thương mại và đầu tư quốc tế; chủ động phòng tránh và giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ Việt Nam.

    k) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng các cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh về môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

    - Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến môi trường theo hướng hài hòa với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế nhằm tăng cường việc thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

    l) Ngân hàng Nhà nước:

    Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm pháp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, điều kiện phát triển kinh tế, thị trường tiền tệ, khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam và các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

    3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

     

     

    - Chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    - Chủ động nắm bắt sự quan tâm, mức độ sẵn sàng và năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp địa phương để giúp định hướng, tranh thủ tận dụng các FTA; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương; cung cấp các linh kiện, phụ kiện và tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các FTA; chủ động đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của trung ương.

    - Chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác, kể cả việc tích cực đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận hợp tác kinh tế-thương mại cấp địa phương với các nước đối tác FTA; tham gia các chương trình hợp tác tiểu vùng.

    - Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao kiến thức và năng lực cho các cán bộ làm hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương trong việc xây dựng chính sách cũng như thực thi các cam kết quốc tế.

    4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

     

     

    - Chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả, chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp thành viên về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và cam kết trong các FTA đã ký kết nói riêng; hướng dẫn, hỗ trợ, hợp tác với các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hiểu rõ cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài.

    - Chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên; chủ động đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ.

    - Chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm đối tác tiềm năng, mở rộng mạng lưới kinh doanh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm khai thác các FTA giữa các Phòng Thương mại, Công nghiệp.

    5. Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu.

     

     

    6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

     

     

     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán nhà nước;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: VT, QHQT (2b).

    THỦ TƯỚNG




     

     

     

     

     

     


    Nguyễn Xuân Phúc

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Chỉ thị 38/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu: 38/CT-TTg
    Loại văn bản: Chỉ thị
    Ngày ban hành: 19/10/2017
    Hiệu lực: 19/10/2017
    Lĩnh vực: Thương mại-Quảng cáo
    Ngày công báo: 26/10/2017
    Số công báo: 797&798-10/2017
    Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X