hieuluat

Thông báo 161/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 161/TB-VPCP Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Thông báo Người ký: Văn Trọng Lý
    Ngày ban hành: 27/08/2007 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 27/08/2007 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Xây dựng
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

     

    Số: 161/TB-VPCP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2007

     

     

    THÔNG BÁO

    Ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng

     

     

    Ngày 23 tháng 8 năm 2007, tại Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2007 và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2008 của ngành xây dựng. Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo và ý kiến của các cơ quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

    I. Tình hình chung

    Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu phát triển của ngành. Năng lực xây dựng công trình có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về xây dựng, kể cả những công trình quy mô lớn, yêu cầu chất lượng cao. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo xây dựng, trình ban hành được nhiều cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về xây dựng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác đã được ban hành và có hiệu lực đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng, góp phần tích cực giải quyết các vướng mắc; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước.

    Việc xây dựng đô thị, xây dựng nhà ở đạt nhiều kết quả, bộ mặt đô thị đã có bước thay đổi rõ rệt theo hướng văn minh, hiện đại; hệ thống hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư phát triển tốt hơn, là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng các đô thị. Đã hình thành và phát triển thị trường xây dựng, đặc biệt là thị trường bất động sản, đây là bước đi đúng hướng phù hợp với yêu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp ngành xây dựng tích cực, năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận và hoà nhập nhanh với cơ chế thị trường, chú trọng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, thực hiện phương châm: đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ; đa phương hoá quan hệ và đa dạng hoá sở hữu. Do vậy, đầu tư phát triển của doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển.

    Bộ đã chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Cơ bản hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2001 - 2005, các doanh nghiệp sau cổ phần hoá hoạt động hiệu quả.

    Công nghiệp vật liệu xây dựng đã được đầu tư và chuyển dịch cơ cấu sản.phẩm, đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được phần lớn thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các nhà máy xi măng cung cấp đầy đủ xi măng cho xây dựng và bình ổn thị trường.

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý và phát triển ngành xây dựng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần tập trung xử lý: Công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng còn nhiều bất cập, chưa phối hợp được ở một quy mô lớn hơn trong việc chỉ đạo, điều hành đầu tư phát triển của vùng kinh tế. Việc phân cấp phê duyệt các loại quy hoạch cần được nghiên cứu, xem xét để bảo đảm công tác phối hợp thực hiện giữa các địa phương chặt chẽ, hiệu quả.

    Việc lập và xét duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết phục vụ trực tiếp cho xây dựng và quản lý xây dựng quy hoạch chưa theo kịp tốc độ phát triển.

    II. Về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

    Thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu năm 2008, đến năm 2010 đã nêu trong báo cáo của Bộ Xây dựng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành xây dựng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao hơn nữa năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành xây dựng để phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Bộ Xây dựng cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:

    - Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục dần tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo. Bộ Xây dựng và các Bộ cần phối hợp chặt chế với nhau để xây dựng các cơ chế, chính sách thống nhất trong lĩnh vực xây dựng theo tinh thần cải cách hành chính, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, vừa tạo thông thoáng trong hoạt động xây dựng. Bộ Xây dựng cần đi đầu, khớp nối với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết những vướng mắc trong hoạt động xây dựng.

    - Đối với công tác quy hoạch: Bộ Xây dựng cần rà soát, thống kê toàn bộ các loại quy hoạch cần thiết, đánh giá toàn bộ quy trình, công đoạn của công tác quy hoạch như: việc phối hợp các loại quy hoạch, công tác phân cấp phê duyệt, thời đoạn các loại quy hoạch,... tiến tới quy chuẩn hoá công tác quy hoạch xây dựng phục vụ thiết thực cho công tác quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

    - Trong giai đoạn tới, thách thức đối với ngành xây dựng là rất lớn. Bộ chỉ cần chỉ đạo kiện toàn và phát triển lực lượng của ngành xây dựng để đủ sức thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn với tiến độ nhanh hơn. Trong sản xuất kinh doanh phải có tầm nhìn chiến lược, vừa phát triển vừa xây dựng được đội ngũ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

    Sớm hình thành một số tập đoàn mạnh trong các lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp xây dựng, công nghiệp xi măng, phát triển đô thị và bất động sản... đủ năng lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài, đồng thời có khả năng vươn ra nhận thầu ở nước ngoài.

    III. Về một số ý kiến của Bộ Xây dựng

    1. Việc phân định rõ chức năng và trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài nguyên sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị, quản lý nhà đất công sở..., Chính phủ sẽ xem xét khi ban hành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ. Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất và làm việc cụ thể với Bộ Nội vụ thống nhất trình Chính phủ.

    2. Về vốn cho công tác quy hoạch: Nghị quyết Chính phủ tại phiên họp tháng 3 năm 2007 đã quy định "Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác quy hoạch, quan tâm chỉ đạo việc thực hiện và công khai quy hoạch tỷ lệ 1/500". Đề nghị Bộ Xây dựng làm việc cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ vốn cho công tác lập quy hoạch ngay từ năm 2008 theo quy định trên, bảo đảm đủ vốn để đến năm 2010 hoàn thành quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn trong cả nước.

    3. Về phát triển đô thị: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất cụ thể cơ chế, chính sách về đầu tư, phát triển đô thị gắn với việc đổi mới chính quyền đô thị, bảo đảm phù hợp với chức năng và tính chất hoạt động đô thị.

    4. Đồng ý bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương trong kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm.

    5. Về đề nghị của Chính phủ cho phép thành lập Ngân hàng cổ phần xây dựng để huy động vốn nhàn rỗi trong xã hội và các doanh nghiệp ngành xây dựng để hỗ trợ thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển của ngành xây dựng giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo: Bộ làm việc với Ngân hàng Nhà nước thực hiện quy định hiện hành.

    Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

     

    Nơi nhận:

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;

    -  Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư,

      Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường,

      Lao động - Thương binh và Xã hội;

    - VPCP: BTCN, các PCN: Văn Trọng Lý,

      Phạm Viết Muôn, Nguyễn Quốc Huy,

      Website Chính phủ, XDPL,

      các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, V.III;

    - Lưu: Văn thư, CN (3b) XH

    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

    PHÓ CHỦ NHIỆM

     

     

     

    (Đã ký)

     

     

     

    Văn Trọng Lý

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Xây dựng số 16/2003/QH11
    Ban hành: 26/11/2003 Hiệu lực: 01/07/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    02
    Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2005 Hiệu lực: 01/07/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Luật Kinh doanh bất động sản số 63/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/06/2006 Hiệu lực: 01/01/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X