THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------ Số: 2233/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------------- Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN "HỖ TRỢ CẢI THIỆN
HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI, GIAI ĐOẠN 2013 - 2016" DO CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN CỦA LIÊN HIỆP QUỐC TÀI TRỢ
-------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 8915/BKHĐT-KTĐN ngày 05 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt danh mục dự án "Hỗ trợ cải thiện hệ thống trợ giúp xã hội, giai đoạn 2013 - 2016" do Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ với các nội dung chính sau:
1. Cơ quan chủ quản: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Mục tiêu của Dự án:
Góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 15/NQ-TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trong lĩnh vực trợ giúp xã hội thông qua kiện toàn hệ thống trợ giúp xã hội nhằm: Mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp, phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 2,5 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó có trên 30% là người cao tuổi; Nâng mức trợ cấp xã hội và cải thiện mức sống, giảm mức độ tổn thương của đối tượng nhận trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế của Nhà nước; Xây dựng và cải tiến cơ chế vận hành hệ thống trợ giúp xã hội đảm bảo trợ giúp kịp thời theo đúng nhu cầu và đúng đối tượng hưởng lợi.
3. Các kết quả chính của Dự án:
- Nâng cao nhận thức và đồng thuận về những bất cập và khoảng trống trong cách xác định đối tượng, mức hỗ trợ, độ bao phủ, cơ chế tài chính, tính minh bạch và hiệu quả của các chính sách trợ giúp xã hội, qua đó xác định các lĩnh vực đổi mới chính sách trợ giúp xã hội.
- Một lộ trình đổi mới và tích hợp hệ thống trợ giúp xã hội rõ ràng và khả thi được xây dựng thông qua trong Đề án quốc gia đổi mới trợ giúp xã hội.
- Quá trình đổi mới trợ giúp xã hội được thực hiện thông qua các hỗ trợ: Xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án quốc gia đổi mới trợ giúp xã hội dựa trên mức sống tối thiểu của người dân; xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng cách tiếp cận mức sống tối thiểu trong xác định các nhóm đối tượng và mức hỗ trợ của Chính phủ; Nâng cao năng lực của các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án; Theo dõi và đánh giá việc thực hiện khung hoặc lộ trình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội dựa trên sự tham gia, bằng chứng và trong một khuôn khổ pháp lý phù hợp.
4. Thời gian thực hiện: Từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 12 năm 2016.
5. Tổng kinh phí Dự án: 2.300.000 USD, trong đó:
- Vốn ODA (viện trợ không hoàn lại): 2.000.000 USD (vốn đã được đảm bảo là 1.000.000 USD, vốn cần huy động thêm là 1.000.000 USD).
- Vốn đối ứng: 6,3 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD).
6. Cơ chế tài chính trong nước:
- Đối với vốn ODA: 100% ngân sách cấp phát.
- Vốn đối ứng bằng tiền mặt và hiện vật do Cơ quan chủ quản tự bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Điều 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng UNDP tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan xây dựng, phê duyệt, ký kết Kế hoạch hoạt động hàng năm và triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngoại giao và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - TTg CP, các PTTg; - Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Tư pháp; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KGVX, TH, Cổng TTĐT; - Lưu: VT, QHQT (3). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Hoàng Trung Hải |