hieuluat

Thông báo 44/TB-VPCP ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2006

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 44/TB-VPCP Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Thông báo Người ký: Đoàn Mạnh Giao
    Ngày ban hành: 16/03/2007 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 16/03/2007 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Cơ cấu tổ chức
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

     

    Số: 44/TB-VPCP

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2007

     

     

    THÔNG BÁO

     Ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2006

    và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2007 của Bộ Nội vụ

     

     

    Ngày 29 và 30 tháng 01 năm 2007 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2006, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2007 của Bộ Nội vụ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2006 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2007 và ý kiến của một số đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản, đồng tình với Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo như sau:

    1. Về đánh giá tổng quát tình hình năm 2006:

    Năm 2006 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm (2006 - 2010). Thành tựu của 20 năm đổi mới đã tạo ra nhiều điều kiện cơ bản cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2006 và những năm tiếp theo. Đó là: Đảng ta có đường lối, chủ trương đúng đắn; Nhà nước tăng cường hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật; kinh tế đang liên tục tăng trưởng với tốc độ cao; nước ra đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và trên thế giới; an ninh, quốc phòng được giữ vững.

    Tuy nhiên, trong năm 2006 đất nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: tình hình thế giới diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân; thể chế và thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như chưa đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp và nhân dân; nước ta đang thiếu nguồn lực lao động có chất lượng cao; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập với kinh tế quốc tế.

    2. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2007 của ngành tổ chức nhà nước và Bộ Nội vụ:

    Chính phủ đã xác định và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và có giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời cần gấp rút đề ra những giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao (GDP đạt 8,5%), đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

    Đối với ngành tổ chức nhà nước và Bộ Nội vụ năm 2007 cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

    a) Đối với ngành tổ chức nhà nước:

    - Chủ động rà soát thể chế, thủ tục hành chính để kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tổ chức nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý và khả thi đối với các vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước;

    - Tham gia tích cực vào việc chuẩn bị và tổ chức thành công công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII tại các Bộ, ngành, địa phương.

    b) Đối với Bộ Nội vụ:

    - Cần tập trung thực hiện tốt chức năng cơ quan tham mưu, thường trực công tác cải cách hành chính nhà nước, trong đó chú trọng về thể chế, tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính nhà nước nhằm triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính của Chính phủ trong năm 2007 và các năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước;

    - Sớm hoàn chỉnh Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XII để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5; bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Chính phủ;

    - Tổ chức rà soát, tổ chức sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng: các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực. Tiến tới không còn chức năng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước;

    - Hạn chế tối đa việc thành lập tổ chức tư vấn, liên ngành (như: Ban Chỉ đạo và Hội đồng liên ngành...). Trong trường hợp cần thiết phải thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng liên ngành thì không tổ chức Ban Thư ký và Văn phòng độc lập mà sử dụng bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ, ngành liên quan làm nhiệm vụ Văn phòng và thường trực của Ban Chỉ đạo, Hội đồng liên ngành, để tổ chức bộ máy gọn nhẹ, không phát sinh thêm nhiều đầu mối tổ chức mới;

    - Tiếp tục thực hiện cơ chế "một cửa" đối với một số ngành quản lý nhà nước khác, có liên quan đến giải quyết công việc giữa cơ quan, đơn vị trong các cơ quan nhà nước. Những nội dung, công việc áp dụng cơ chế "một cửa" cần xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình cụ thể để việc áp dụng cơ chế này thực sự đi vào cuộc sống và đáp ứng với yêu cầu, nguyện vọng của tổ chức và cá nhân;

    - Chủ trì tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc phân cấp quản lý các ngành tổ chức bộ máy, quản lý biên chế cán bộ, công chức cho các Bộ, ngành, địa phương. Những nội dung phân cấp quản lý nào chưa có hoặc chưa thực sự phù hợp với luật, pháp lệnh thì kịp thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung;

    - Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ; khuyến khích đào tạo cán bộ, công chức theo hướng chuyên sâu đối với từng ngành công tác quản lý nhà nước;

    - Khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với công việc được giao. Đồng thời, có quy định cụ thể để kiên quyết thay thế số cán bộ, công chức, viên chức yếu về chuyên môn, ngiệp vụ, thoái hóa, biến chất về đạo đức, tư cách. Ban hành chức danh và tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn các chức vụ lãnh đạo để có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức;

    - Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế hành chính trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

    c) Lãnh đạo Bộ Nội vụ và ngành tổ chức nhà nước phải đi đầu và tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là tập trung sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính; trở thành những tấm gương tiêu biểu về cải cách hành chính trong các ngành về thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, công vụ./.

     

    Nơi nhận:

    - TTg, các PTTg Chính phủ;

    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

    - Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

    - VPCP: BTCN, các PCN, Website CP,

      các Vụ, cục, đơn vị trực thuộc;

    - Lưu: Văn thư, TCCB (3b), A 170

    BỘ TRƯỞNG, CHỦ NGHIỆM

     

     

    (đã ký)

     

     

    Đoàn Mạnh Giao

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X