Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 198/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Phạm Viết Muôn |
Ngày ban hành: | 10/10/2007 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 10/10/2007 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Chính sách |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 198/TB-VPCP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2007 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc
với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
Ngày 02 tháng 10 năm 2007, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, bao gồm các thành viên là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội; đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ về công tác 9 tháng đầu năm và chương trình công tác 3 tháng cuối năm 2007.
Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp báo cáo tình hình công tác 9 tháng đầu năm, chương trình công tác 3 tháng cuối năm 2007 và ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
1. Trong 9 tháng, Ban Chỉ đạo đã giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, bao gồm: phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới DNNN của 34 Bộ, địa phương và tổng công ty đến 2010; sắp xếp, đổi mới các tổng công ty nhà nước và kiện toàn tổ chức hoạt động của các tập đoàn kinh tế; chỉ đạo chặt chẽ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhất là các tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước có quy mô lớn trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, dầu khí, điện lực... Kết quả là sắp xếp được 158 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 101 doanh nghiệp, bán tiếp phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ và đưa một số cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Tổng giá trị cổ phần bán được tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đến giữa tháng 9 đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cả năm 2006.
Đã chuẩn bị tổ chức sơ kết về tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty TNHH 1 thành viên; nghiên cứu về phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với các tổng công ty nhà nước cổ phần hoá.
Chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa IX, phù hợp với Tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quy định tại Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007.
Phối hợp với các Bộ, địa phương, tổng công ty tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ có liên quan tổ chức thành công Hội nghị phát triển doanh nghiệp dân doanh và chuẩn bị Hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2007-2010.
Tuy nhiên, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, về tiền lương trong tập đoàn kinh tế, về cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, do vậy, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước nói chung và cổ phần hoá nói riêng. Việc trình các Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đến 2010 chưa đảm bảo tiến độ. Nguyên nhân cơ bản là trong năm nay, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có quy mô lớn, có những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mà ta chưa có kinh nghiệm trong xác định giá trị doanh nghiệp như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, viễn thông, lĩnh vực công ích, các tổng công ty nhà nước; thị trường chứng khoán 9 tháng qua thất thường, giá cổ phiếu sụt giảm...; một số địa phương có tâm lý chờ đợi việc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng, trình phê duyệt kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đến năm 2010 mới thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu...
2. Để thực hiện hành công chương trình công tác cuối năm 2007, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tập trung đôn đốc thực hiện các nội dung công việc sau:
a) Hoàn chỉnh báo cáo công tác 9 tháng đầu năm và chương trình công tác 3 tháng cuối năm 2007 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Bộ Tài chính:
+ Hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03 kháng 12 năm 2004 về ban hành quy chế quản lý tài chính khác của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2007;
+ Hoàn thiện dự thảo quy định về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động công ích để trình Chính phủ trong quý I năm 2008.
+ Trong tháng 10 năm 2007, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 về cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
- Bộ Công thương, trong quý IV năm 2007, trình Thủ tướng Chính phủ danh mục những lĩnh vực Nhà nước độc quyền và lộ trình xóa bỏ độc quyền trong một số lĩnh vực.
c) Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2007-2010.
d) Chỉ đạo việc sắp xếp, cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, tập trung chỉ đạo hoàn thành việc cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và đẩy mạnh cổ phần hóa một số ngân hàng thương mại và tổng công ty nhà nước.
đ) Chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Tập đoàn và tổng công ty 91: Công nghiệp Cao su Việt Nam, Xi măng, Cà phê Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
e) Phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để Tổng công ty thực hiện có hiệu quả việc quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại công ty cổ phần, đầu tư vốn nhà nước vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
g) Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an trong việc sắp xếp các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa IX.
h) Tổ chức Hội nghị về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (dự kiến tổ chức tháng 11), các Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố sau đây chịu trách nhiệm chuẩn bị báo cáo và trình bày báo cáo tại Hội nghị:
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chuẩn bị báo cáo tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và chương trình công tác đến năm 2010.
- Bộ Tài chính chuẩn bị các báo cáo: giải pháp thực hiện cổ phần hóa tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp quy mô lớn và gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; giá trị lợi thế và thương hiệu của doanh nghiệp trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh, cổ phần hóa cơ sở chế biến gắn với vườn cây.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên.
- Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị báo cáo về thí điểm cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp có thu.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị báo cáo chuyên đề về vấn đề cổ phần hóa và chính sách đất đai trong cổ phần hóa.
i) Tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế, công ty mẹ-công ty con (dự kiến tổ chức tháng 12).
k) Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Ban trong việc theo dõi khối doanh nghiệp dân doanh, đa dạng hóa sở hữu đơn vị sự nghiệp có thu. Thành lập Tổ thư ký giúp việc cho Ban, bao gồm các đồng chí cấp Vụ của các Bộ tham gia, hoạt động kiêm nhiệm. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành viên Ban Chỉ đạo để thay thế các đồng chí đã được phân công nhiệm vụ khác.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, PTTg Nguyễn Sinh Hùng - Các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT, Công Thương, GTVT, Quốc phòng, Công an; - UBND Tp: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh; - Ban CĐ ĐM&PTDN; - VPCP: BTCN, các PCN, Website CP, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, ĐP; - Lưu: Văn thư, ĐMDN (10b).45 |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM (Đã ký) Phạm Viết Muôn |
Thông báo 198/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với BCĐ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
In lược đồCơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số hiệu: | 198/TB-VPCP |
Loại văn bản: | Thông báo |
Ngày ban hành: | 10/10/2007 |
Hiệu lực: | 10/10/2007 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Chính sách |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Phạm Viết Muôn |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!