hieuluat

Nghị định 115/1997/NĐ-CP chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Chính phủ Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 115/1997/NĐ-CP Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Nghị định Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành: 17/12/1997 Hết hiệu lực: 16/10/2008
    Áp dụng: 01/01/1998 Tình trạng hiệu lực: Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực: Giao thông, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ
  • NGHỊ ĐỊNH

    CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 115/1997/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 1997
    VỀ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA
    CHỦ XE CƠ GIỚI

     

    CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

    Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;

    Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

    NGHỊ ĐỊNH:

     

    CHƯƠNG I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Nghị định này quy định về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của những người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới gây ra, đồng thời giúp chủ xe cơ giới khắc phục được hậu quả tài chính, góp phần ổn định kinh tế, xã hội.

     

    Điều 2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới kể cả chủ xe là người nước ngoài sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo các quy định tại Nghị định này.

     

    Điều 3. Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Doanh nghiệp bảo hiểm: là doanh nghiệp được phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm hợp pháp tại Việt Nam được Bộ Tài chính cho phép hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

    2. Chủ xe cơ giới: là cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu xe hay bất kỳ người nào được phép sử dụng xe cơ giới, kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe cơ giới;

    3. Xe cơ giới: là tất cả các loại xe tham gia giao thông trên đường bộ bằng động cơ của chính chiếc xe đó, trừ xe đạp máy.

     

    Điều 4. Những người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gây ra, có quyền khiếu nại trực tiếp doanh nghiệp bảo hiểm, đòi bồi thường thoả đáng và kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật.

     

    CHƯƠNG II
    NỘI DUNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
    CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

     

    Điều 5. Chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định tại Nghị định này, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra đối với người thứ ba, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách.

     

    Điều 6. Nghĩa vụ tham gia chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định tại Nghị định này được thể hiện thông qua việc ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm. Căn cứ vào quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành, doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

     

    Điều 7. Nghĩa vụ và quyền lợi của chủ xe cơ giới.

    1. Nghĩa vụ của chủ xe cơ giới:

    a) Mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra. Ngoài ra, chủ xe kinh doanh vận chuyển hành khách còn phải mua thêm bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách;

    b) Mang theo và xuất trình khi có yêu cầu của cảnh sát giao thông giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang có hiệu lực do doanh nghiệp bảo hiểm cấp trong khi sử dung xe.

    2. Quyền lợi của chủ xe cơ giới:

    a) Đối với chủ xe cơ giới là đơn vị sản xuất kinh doanh, phí bảo hiểm được tính vào giá thành hoặc phí lưu thông; đối với chủ xe cơ giới là đơn vị hành chính sự nghiệp, phí bảo hiểm được tính vào kinh phí do ngân sách nhà nước cấp;

    b) Khi xảy ra trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, chủ xe được doanh nghiệp bảo hiểm thay mặt bồi thường cho người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm gây ra và các chi phí cần thiết hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm tối thiểu tổn thất hay để thực hiện các chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

     

    Điều 8. Nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm:

    1. Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm:

    a) Bán bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách theo yêu cầu của chủ xe cơ giới;

    b) Chấp hành đúng quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành;

    c) Khi bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích đầy đủ cho chủ xe các thông tin có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm và cung cấp quy tắc, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính ban hành hay biểu phí và các mức trách nhiệm khác mà doanh nghiệp bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính;

    d) Ngay sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp cho chủ xe giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật;

    đ) Nhanh chóng xem xét giải quyết bồi thường thoả đáng và kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật, khi có yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới hay người bị thiệt hại về thân thể hoặc tài sản do xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm gây ra.

    2. Quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm.

    Được nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng và hợp pháp trong quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

     

    CHƯƠNG III
    TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG VIỆC
    BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

     

    Điều 9. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

    1. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới;

    2. Ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

    3. Tổ chức chỉ đạo công tác giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, làm tốt công tác bồi thường cho những người bị thiệt hại, triển khai công tác đề phòng và hạn chế tổn thất;

    4. Xử lý các doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

     

    Điều 10. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

    1. Tổ chức chỉ đạo công tác giám sát và kiểm tra các chủ xe cơ giới trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

    2. Xử lý các chủ xe vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

    3. Chủ trì điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông đường bộ;

    4. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tốt các quy định của Nghị định này;

    5. Cung cấp các giấy tờ cần thiết xác định lỗi, trách nhiệm của các bên liên quan và kết quả điều tra tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm nếu có yêu cầu chính đáng để xem xét, giải quyết bồi thường nhanh chóng, thoả đáng và kịp thời cho chủ xe hay những người bị thiệt hại.

     

    Điều 11. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

    1. Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình quy phạm và các định mức kinh tế kỹ thuật thuộc thẩm quyền của ngành nhằm bảo đảm xe cơ giới vận hành, vận chuyển hành khách được an toàn;

    2. Phối hợp với Bộ Nội vụ phân tích nguyên nhân, xử lý các vụ tai nạn giao thông đường bộ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thực hiện tốt chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

    3. Phối hợp với Bộ Tài chính áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất trong giao thông đường bộ.

     

    Điều 12. Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan văn hoá thông tin, báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền phổ biến cho nhân dân hiểu rõ chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, động viên chủ xe, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định này.

     

    Điều 13. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định này, phối hợp với lực lượng cảnh sát nhân dân, ngành giao thông và Bộ Tài chính áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia giải quyết tai nạn giúp chủ xe, người bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả tài chính sớm ổn định đời sống kinh tế, xã hội.

     

    CHƯƠNG IV
    XỬ LÝ VI PHẠM

     

    Điều 14.

    1. Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới được coi là một trong số những loại giấy tờ mà chủ xe phải có và thường xuyên mang theo khi sử dụng xe theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị và phải xuất trình theo yêu cầu của cảnh sát giao thông.

    2. Chủ xe cơ giới vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

     

    Điều 15. Doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

     

    CHƯƠNG V
    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 16. Các khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định trong Nghị định này được giải quyết theo trình tự, thủ tục của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

     

    Điều 17. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 30/HĐBT ngày 10 tháng 3 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các văn bản hướng dẫn thi hành.

     

    Điều 18. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.

     

    Điều 19. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 30/09/1992 Hiệu lực: 02/10/1992 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
    Ban hành: 06/07/1995 Hiệu lực: 01/08/1995 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Bộ luật Dân sự
    Ban hành: 28/10/1995 Hiệu lực: 01/07/1996 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Nghị định về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
    Ban hành: 10/03/1988 Hiệu lực: 01/04/1988 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    05
    Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới
    Ban hành: 16/09/2008 Hiệu lực: 16/10/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    06
    Quyết định 2812/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính đến hết ngày 31/12/2013
    Ban hành: 31/10/2014 Hiệu lực: 31/10/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản thay thế (01)
  • Văn bản đang xem

    Nghị định 115/1997/NĐ-CP chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Chính phủ
    Số hiệu: 115/1997/NĐ-CP
    Loại văn bản: Nghị định
    Ngày ban hành: 17/12/1997
    Hiệu lực: 01/01/1998
    Lĩnh vực: Giao thông, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực: 16/10/2008
    Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X