Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 176/TC-BH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Ngô Thiết Thạch |
Ngày ban hành: | 27/10/1989 | Hết hiệu lực: | 16/08/2001 |
Áp dụng: | 27/10/1989 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giao thông, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 176/TC-BH NGÀY 27 THÁNG 10 NĂM 1989 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC BẢO HIỂM TAI NẠN
HÀNH KHÁCH ĐI LẠI TRONG NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 155/HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 314/CP ngày 01 -10- 1980 của Hội đồng Chính phủ cho phép thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn hành khách;
Theo đề nghị của ông Tổng Giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc về bảo hiểm tai nạn hành khách đi lại trong nước thay cho quy tắc bảo hiểm tai nạn hành khách ban hành theo Quyết định số 284/CT ngày 22-12-1980 của Bộ Tài chính.
Điều 2. Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam được phép điều chỉnh lại mức phí và mức trách nhiệm bảo hiểm hiện hành mỗi khi Bộ Giao thông vận tải thay đổi giá cước vận tải hành khách theo nguyên tắc:
- Các mức điều chỉnh với tỷ lệ điều chỉnh của giá cước.
- Quan hệ tỷ lệ giữa phí và mức trách nhiệm có thể xê dịch ± 10% so với mức qui định của Bộ ban hành kèm theo văn bản, Qui tắc ở Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này thi hành từ ngày ký, các văn bản đã ban hành có liên quan đến bảo hiểm tai nạn hành khách trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Các ông Tổng Giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam, Chánh văn phòng Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUI TẮC
BẢO HIỂM TAI NẠN HÀNH KKHÁCH ĐI LẠI TRONG NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 176/TC-BH ngày 27-10-1989 của Bộ Tài chính)
CHƯƠNG I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) bảo hiểm cho hành khách người Việt Nam và người nước ngoài (dưới đây gọi là người được bảo hiểm) đi lại trong lãnh thổ nước Cộng hoà xãa hội chủ nghĩa Việt Nam bằng các phương tiện vận tải hành khách (đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, qua phà và qua cầu phao) theo các điều khoản quy định trong quy tắc này.
Các đối tượng không thuộc loại hình bảo hiểm này là:
- Nhân viên áp tải bưu kiện, nhân viên các đơn vị vận tải hành khách đi làm nhiệm vụ vận tải trên các phương tiện đó.
- Lái xe, phụ xe trên các phương tiện vận tải hành khách.
Điều 2. Người được bảo hiểm theo quy tắc này vẫn được hưởng quyền lợi theo các loại hình bảo hiểm khác mà họ tham gia.
CHƯƠNG II
PHẠM VI BẢO HIỂM
Điều 3. Phạm vi bảo hiểm bao gồm các tai nạn do: đâm va, đổ xe, cháy xe, bão lụt, sét đánh... hoặc người khác hành hung làm thiệt hại thân thể cho người được bảo hiểm, xảy ra:
- Trong suốt cuộc hành trình bắt đầu từ khi được bảo hiểm lên phương tiện vận tải ở nơi đi và kết thúc khi đến địa điểm qui định đã ghi trong vé hoặc giấy chứng nhận thay vé.
- Khi phương tiện tạm dừng ở dọc đường để tiếp nhận nhiên liệu, để cho người được bảo hiểm hoặc do sự cố dọc đường.
CHƯƠNG III
KHÔNG THUỘC PHẠM VI TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM
Điều 4. Bảo Việt không chịu trách nhiệm đối với thiệt hại thân thể của người được bảo hiểm trong các trường hợp người được bảo hiểm có một trong các điều sau đây:
1. Có hành động cố ý vi phạm nội qui, thể lệ về trật tự an toàn giao thông;
2. Có hành động gây thương tích hoặc tự tử;
3. Sử dụng rượu bia, ma tuý và các chất kích thích tương tự khác.
4. Có bệnh, hoặc tai nạn xảy ra sau khi người được bảo hiểm tự ý chấm dứt hành trình trước lúc đến địa điểm được ghi trên vé hoặc chứng nhận thay vé.
Điều 5. Những thiệt hại về vật chất (hành lý, hàng hoá...) của người được bảo hiểm không thuộc trách nhiệm của Bảo Việt.
CHƯƠNG IV
PHÍ BẢO HIỂM
Điều 6. Phí bảo hiểm do người được bảo hiểm đóng đã được tính gộp vào giá vé cước vận tải hành khách. Số phí bảo hiểm này do cơ quan quản lý vận tải hoặc chủ phương tiện vận tải thu hộ và chuyển cho Bảo Việt.
Điều 7. Vé hành khách hoặc giấy chứng nhận thay vé được coi là giấy chứng nhận bảo hiểm. Hành khách được miễn tiền vé theo chế độ của Nhà nước quy định vẫn xem như đã được bảo hiểm.
CHƯƠNG V
QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM
Điều 8. ... (1)
Điều 9. Trường hợp người được bảo hiểm bị chết thì người thừa kế hợp pháp của họ được nhận tiền bảo hiểm; nếu không có người thừa kế hợp pháp Bảo Việt sẽ thanh toán chi phí mai táng cho đơn vị hoặc cá nhân đã tổ chức mai táng cho nạn nhân, nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm quy định.
CHƯƠNG VI
THỦ TỤC TRẢ TIỀN BẢO HIỂM
Điều 10.
1. Khi xảy ra tai nạn, người được bảo hiểm hoặc thân nhân của họ phải thông báo và cung cấp ngay tình hình vụ tai nạn cho Bảo Việt nơi gần nhất để phối hợp với các bên liên quan giải quyết và lập biên bản tai nạn.
2. Trường hợp cần thiết do yêu cầu của Bảo Việt, người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp của họ phải cung cấp bằng chứng giúp cho việc xác định tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
Điều 11. Khi yêu cầu trả tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc thừa kế hợp pháp của họ phải gửi thư cho Bảo Việt các giấy tờ sau:
1. Đơn yêu cầu trả tiền bảo hiểm.
2. Vé hoặc giấy chứng nhận thay vé.
3. Giấy điều trị, hoá đơn và chứng từ liên quan đến các chi phí thuộc phạm vi trách nhiệm Bảo Việt thanh toán.
4. Giấy khai tử (trường hợp chết).
Điều 12. Trường hợp người được bảo hiểm uỷ quyền cho người khác nhận thay tiền bảo hiểm thì phải có giấy uỷ quyền hợp pháp.
Điều 13. Bảo Việt có trách nhiệm giải quyết và trả tiền bảo hiểm trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm hợp lệ như quy định tại Điều 11 của quy tắc này.
Điều 14. Trừ trường hợp có thoả thuận khác trước giữa hai bên, thời gian yêu cầu Bảo Việt trả tiền bảo hiểm chỉ giới hạn trong một năm kể từ ngày xảy ra tai nạn.
CHƯƠNG VII
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 15. Trách nhiệm Bảo Việt trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm không liên quan đến việc xử lý của toàn án nhân dân hoặc cơ quan có trách nhiệm đối với chủ xe, lái xe hoặc những người khác đã gây ra tai nạn.
Điều 16. Mọi tranh chấp có liên quan đến người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp của họ với Bảo Việt trong việc thực hiện quy tắc này nếu không giải quyết được bằng thương lượng thì đưa ra Toà án nhân dân nơi cư trú của người được bảo hiểm giải quyết.
(1) Nội dung điều này đã được quy định lại tại Quyết định số 522/TC-BH ngày5-12-1991 về việc đièu chỉnh mức phí, số tiền bảo hiểm và sửa đổi điều 8 Quy tắc bảo hiểm tai nạn hành khách đi kại trong nước. (Xem Quyết định 522/TC-BH sau văn bản này).
Quyết định 176/TC-BH quy tắc bảo hiểm tai nạn hành khách đi lại trong nước
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số hiệu: | 176/TC-BH |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 27/10/1989 |
Hiệu lực: | 27/10/1989 |
Lĩnh vực: | Giao thông, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Ngô Thiết Thạch |
Ngày hết hiệu lực: | 16/08/2001 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!