hieuluat

Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Quốc hội Số công báo: Đang cập nhật
    Số hiệu: 270b-NQ/HĐNN8 Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Luật Người ký: Võ Chí Công
    Ngày ban hành: 08/08/1990 Hết hiệu lực: 01/01/1999
    Áp dụng: 01/10/1990 Tình trạng hiệu lực: Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực: Đang cập nhật
  • NGHỊ QUYẾT

    SỐ 270B NQ/HĐNN8 NGÀY 08 THÁNG 8 NĂM 1990
    VỀ VIỆC CÔNG BỐ VÀ THI HÀNH LUẬT THUẾ DOANH THU,
    LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ LUẬT THUẾ LỢI TỨC

     

    HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
    NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

     

    Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 34 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;

    Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 7 về việc công bố và thi hành Luật thuế doanh thu, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế lợi tức;

    Theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng;

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    1- Công bố Luật thuế doanh thu, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế lợi tức vào trung tuần tháng 8 năm 1990.

    2- Luật thuế doanh thu, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế lợi tức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1990.

     

     

    LUẬT

    THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

     

    Để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lý, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với một số mặt hàng sản xuất;

    Căn cứ vào Điều 80 và Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    Luật này quy định thuế tiêu thụ đặc biệt.

     

    CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1

    Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế sản xuất mặt hàng quy định tại Điều 9 của Luật này đều phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

    Điều 2

    Mỗi mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt một lần.

    Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi bán ra những mặt hàng này, chỉ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt mà không phải nộp thuế doanh thu.

    Hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu trước, khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất, chế biến sau, nếu có chứng từ hợp lệ.

    Hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để xuất khẩu, thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

     

    Điều 3

    Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có nghĩa vụ khai báo, nộp thuế đầy đủ theo đúng quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

     

    Điều 4

    Nghiêm cấm mọi hành vi trốn thuế, dây dưa trong việc nộp thuế và các hành vi khác vi phạm những quy định của Luật này.

     

    Điều 5

    Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vi lực lượng vũ trang và mọi công dân có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc thi hành nhiệm vụ.

     

    CHƯƠNG II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

     

    Điều 6

    Căn cứ tính thuế đối với hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là số lượng hàng hoá tiêu thụ, giá tính thuế đơn vị hàng hoá và thuế suất.

     

    Điều 7

    Giá tính thuế của mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở sản xuất mặt hàng đó bán ra.

     

    Điều 8

    Trong trường hợp trao đổi hàng hoá hoặc cung ứng hàng hoá của cơ sở sản xuất cho nhu cầu tiêu dùng trong nội bộ hoặc biếu, tặng người khác, thì số hàng hoá đó phải được tính thành tiền theo giá thị trường tại thời điểm phát sinh để làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

     

    Điều 9

    Mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế suất được quy định theo Biểu thuế sau đây:

    Số TT

    Mặt hàng

    Thuế suất %

    1

    Thuốc hút

     

     

    a) Thuốc lá lá, thuốc lá sợi

    20

     

    b) Thuốc lá điều:

     

     

    + Có đầu lọc

    50

     

    + Không có đầu lọc, xì gà

    40

    2

    Rượu các loại:

     

     

    + Trên 40o

    65

     

    + Từ 30o đến 40o

    60

     

    + Dưới 30o

    55

    3

    Bia các loại

    50

    4

    Pháo

    70

    5

    Bài lá

    70

    6

    Vàng mã

    70

     

    Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Nhà nước có thể quyết định sửa đổi, bổ sung một số mặt hàng, thuế suất quy định trong Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt và phải báo cáo để Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất.

     

    CHƯƠNG III. ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI NỘP THUẾ VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ

     

    Điều 10

    Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có trách nhiệm:

    1- Kê khai, đăng ký với cơ quan thuế về vốn, lao động, mặt hàng, địa điểm sản xuất kinh doanh chậm nhất là năm ngày, trước khi bắt đầu hoạt động hoặc sáp nhập, phân chia, thay đổi địa điểm; trong trường hợp giải thể hoặc thay đổi kinh doanh cũng phải khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là năm ngày trước khi giải thể hoặc thay đổi kinh doanh;

    2- Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn theo quy định của Nhà nước cho từng loại đối tượng;

    3- Kê khai các mẫu biểu có liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt theo chế độ do Bộ tài chính quy định;

    4- Cung cấp tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế trong việc kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn, kho nguyên liệu, hàng hoá, xưởng sản xuất, chế biến, cửa hàng;

    5- Nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn.

     

    Điều 11

    Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có nghĩa vụ:

    - Nộp tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt của tháng trước cho cơ quan thuế trong thời hạn năm ngày đầu tháng sau, kể cả trường hợp không có phát sinh thuế tiêu thụ đặc biệt;

    - Nộp đủ số thuế tiêu thụ đặc biệt sau khi trừ số thuế đã tạm nộp trong tháng, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu trước nếu có, theo thời hạn quy định của cơ quan thuế. Thời hạn quy định này chậm nhất không được quá ngày mười lăm tháng sau.

     

    Điều 12

    Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có dùng nhãn hiệu phải khai báo mẫu nhãn hiệu, với cơ quan trực tiếp thu thuế. Khi thay đổi nhãn hiệu phải khai báo lại. Thời hạn khai báo chậm nhất là năm ngày trước khi sử dụng nhãn hiệu hoặc thay đổi nhãn hiệu.

     

    Điều 13

    Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ngừng hoạt động từ một tháng trở lên phải khai báo về việc ngừng hoạt động và số hàng tồn kho với cơ quan trực tiếp thu thuế; khi hoạt động trở lại phải khai báo lại. Thời hạn khai báo chậm nhất là năm ngày, trước khi ngừng hoạt động hoặc hoạt động trở lại.

     

    Điều 14

    Đối với hàng công nghiệp thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất nộp khi bán hàng hoặc trả hàng gia công.

    Đối với thuốc lá lá, thuốc lá sợi, thuế tiêu thụ đặc biệt do người thu mua nộp tại địa phương thu mua, trước khi vận chuyển hàng.

     

    Điều 15

    Việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định như sau:

    1- Cơ sở nhỏ được khoán số lượng hàng hoá tiêu thụ và nộp thuế theo định kỳ hàng tháng vào ngày 10, ngày 20 và ngày cuối tháng;

    2- Cơ sở lớn nộp thuế mỗi khi bán hàng hoặc trả hàng gia công. Cơ quan thuế cử cán bộ theo dõi thường xuyên tại các cơ sở này.

     

    Điều 16

    Hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi vận chuyển phải có chứng từ hợp lệ kèm theo. Chứng từ về thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm:

    1- Chứng từ nộp thuế:

    a) Biên lai thu thuế hoặc chứng từ nộp thuế của cơ quan thuế;

    b) Giấy chuyển vận được cơ quan thuế cấp hoặc hoá đơn của xí nghiệp quốc doanh đã được đăng ký tại cơ quan thu thuế;

    2- Giấy chuyển kho chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là chứng từ do cơ quan trực tiếp thu thuế cấp cho số hàng hoá khi chuyển kho sang địa điểm khác.

     

    Điều 17

    Cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

    1- Hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn và thủ tục kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt;

    2- Kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn, kho nguyên liệu, hàng hoá, xưởng sản xuất, chế biến, cửa hàng, phương tiện vận tải có liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt;

    3- Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt;

    4- Tính thuế, lập sổ thuế, duyệt sổ thuế, và thông báo số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp vào kho bạc Nhà nước, cấp giấy vận chuyển hàng hoá; khi thu thuế, cơ quan thu thuế phải cấp biên lai nộp thuế do Bộ tài chính phát hành;

    5- Lập biên bản và xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;

    6- Xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế tiêu thụ đặc biệt.

     

    Điều 18

    Cơ quan thuế có quyền ấn định số lượng hàng hoá tiêu thụ, giá tính thuế đơn vị hàng hoá cho cơ sở sản xuất trong các trường hợp:

    1- Không kê khai đăng ký với cơ quan thuế hoặc kê khai không đúng quy định về những điểm có liên quan đến việc xác định số lượng hàng hoá tiêu thụ, giá tính thuế đơn vị hàng hoá;

    2- Không nộp tờ khai hoặc nộp tờ khai không đúng thời hạn về số lượng hàng hoá tiêu thụ hàng tháng và giá bán hàng hoá;

    3- Không thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn;

    4- Từ chối việc xuất trình sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc không cung cấp đủ tài liệu cần thiết có liên quan đến việc xác định số lượng hàng hoá tiêu thụ, giá tính thuế đơn vị hàng hoá.

    Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra để ấn định số thuế phải nộp.

    Trong trường hợp cơ sở sản xuất không đồng ý với số thuế được ấn định, thì có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế ấn định số thuế đó. Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại vẫn phải nộp số thuế đã ấn định.

     

    CHƯƠNG IV. GIẢM THUẾ, MIẾN THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

     

    Điều 19

    Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ được giảm thuế, miễn thuế theo tỷ lệ thiệt hại.

    Bộ trưởng Bộ tài chính quyết định việc giảm thuế, miễn thuế cho từng trường hợp cụ thể.

    CHƯƠNG V. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

     

    Điều 20

    1- Việc xử lý các vi phạm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định như sau:

    a) Tổ chức, cá nhân không làm đúng những quy định về thủ tục đăng ký, kê khai, lập sổ sách kế toán và giữ chứng từ, hoá đơn nói tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền đến năm trăm nghìn đồng;

    b) Tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, thu mua, buôn bán trốn thuế, vận chuyển hàng không có chứng từ hợp lệ kèm theo, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật này, còn bị phạt tiền từ một đến ba lần số thuế gian lậu:

    - Vi phạm lần thứ nhất: phạt một lần;

    - Vi phạm lần thứ hai: phạt hai lần;

    - Vi phạm lần thứ ba trở lên: phạt ba lần;

    Trong trường hợp vi phạm có tình tiết nặng thì lần vi phạm thứ nhất cũng có thể bị phạt từ hai đến ba lần số thuế gian lậu;

    c) Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế hoặc tiền phạt theo quy định của Luật này, mỗi ngày chậm nộp còn bị phạt 0,5%, (năm phần nghìn) trên số tiền nộp chậm;

    d) Tổ chức, cá nhân dây dưa nộp thuế, nộp phạt thì bị xử lý như sau:

    - Trích tiền của cơ sở có tại Ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện chế độ ưu tiên trích tiền của cơ sở gửi tại Ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách Nhà nước theo lệnh thu và quyết định xử lý của cơ quan thuế;

    - Tạm giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền phạt;

    - Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.

    2- Cá nhân trốn thuế với số lượng lớn, hoặc đã bị xử lý hành chính theo các điểm a, b, c, d, khoản 1, Điều này mà còn vi phạm hoặc trốn thuế với số lượng rất lớn, hoặc phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật hình sự.

     

    Điều 21

    Thẩm quyền xử lý các vi phạm nói tại khoản 1, Điều 20 của Luật này được quy định như sau:

    1- Đối với vi phạm nói tại điểm a:

    a) Trưởng trạm thuế được phạt tiền đến năm mươi nghìn đồng;

    b) Thủ trưởng cơ quan thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được phạt tiền đến năm trăm nghìn đồng.

    2- Đối với vi phạm nói tại điểm b:

    a) Thủ trưởng cơ quan thuế huyện hoặc cấp tương đương được phạt một lần số thuế gian lậu;

    b) Thủ trưởng cơ quan thuế tỉnh hoặc cấp tương đương được phạt đến ba lần số thuế gian lậu.

    3- Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được phạt về nộp chậm và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d, Điều 20 của Luật này.

     

    Điều 22

    Cá nhân cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc cản trở việc điều tra và xử lý các vụ vi phạm Luật này thì tuỳ mức độ nhẹ hoặc nặng mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

     

    Điều 23

    Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm dụng, tham ô tiền thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số tiền thuế đã chiếm dụng, tham ô và tuỳ mức độ vi phạm nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; cố ý làm trái quy định của Luật này, thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì tuỳ mức độ vi phạm nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Cán bộ thuế, do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố tình xử lý sai, gây thiệt hại cho người nộp thuế hoặc người bị xử lý thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

     

    Điều 24

    Hội đồng bộ trưởng quy định chế độ khen thưởng đối với:

    1- Cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

    2- Người có công phát hiện các vụ vi phạm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

     

    CHƯƠNG VI. KHIẾU NẠI, THỜI HIỆU

     

    Điều 25

    Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt không đúng đối với tổ chức, cá nhân mình.

    Đơn khiếu nại phải được gửi đến cơ quan thuế phát hành lệnh thu hoặc quyết định xử lý trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý.

    Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo.

    Cơ quan nhận đơn khiếu nại phải xem xét giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đơn. Đối với những vụ phức tạp, có thể kéo dài thời hạn nhưng không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đơn.

     

    Điều 26

    Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan nhận đơn hoặc quá thời hạn trên mà chưa được giải quyết, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn.

     

    Điều 27

    Cơ quan thuế phải thoái trả tiền thuế, tiền phạt thu không đúng và trả tiền bồi thường nếu có, trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của cấp trên.

     

     

     

    Điều 28

    Nếu phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẵn về thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu hoặc truy hoàn thuế, trong thời hạn ba năm, kể từ ngày khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẵn về thuế.

     

    CHƯƠNG VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    Điều 29

    Hội đồng bộ trưởng lãnh đạo việc tổ chức thực hiện công tác thuế tiêu thụ đặc biệt trong cả nước.

     

    Điều 30

    Bộ trưởng Bộ tài chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra công tác thuế tiêu thụ đặc biệt trong cả nước; giải quyết các khiếu nại, kiến nghị về thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của mình.

     

    Điều 31

    Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong địa phương mình.

     

    CHƯƠNG VIII. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

     

    Điều 32

    Đối với hàng được phép xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế trước đây thuộc diện chịu thuế hàng hoá thì nay được áp dụng theo danh mục nhóm hàng, mặt hàng chịu thuế và thuế suất trong biểu thuế ban hành kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.

    Hội đồng bộ trưởng quy định giá tính thuế, tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch và quy định thuế suất đối với hàng nhập tái xuất phi mậu dịch.

     

    Điều 33

    Khi giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Hội đồng bộ trưởng được phép điều chỉnh các định mức bằng tiền xác định trong Luật này theo sát thời giá.

     

    Điều 34

    Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1990.

    Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.

     

    Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990.

     

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điều trong Điều lệ về thuế công thương nghiệp và Điều lệ về thuế hàng hoá
    Ban hành: 17/11/1987 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    02
    Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Pháp lệnh, Điều lệ về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá
    Ban hành: 03/03/1989 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    03
    Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 của Quốc hội
    Ban hành: 20/05/1998 Hiệu lực: 01/01/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    04
    Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu số 64-LCT/HĐNN8 của Quốc hội
    Ban hành: 26/12/1991 Hiệu lực: 04/01/1992 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    05
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt
    Ban hành: 05/07/1993 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    06
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt
    Ban hành: 09/11/1995 Hiệu lực: 01/01/1996 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    07
    Nghị định 325-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc quy định chi tiết thi hành Quyết định của Hội đồng Nhà nước bổ sung sửa đổi thuế doanh thu và thuế tiêu thụ đặc biệt
    Ban hành: 19/10/1991 Hiệu lực: 01/10/1991 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Quyết định 2812/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính đến hết ngày 31/12/2013
    Ban hành: 31/10/2014 Hiệu lực: 31/10/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt
    08/08/1990 Hết Hiệu lực

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản sửa đổi, bổ sung (03)
    Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu số 64-LCT/HĐNN8 của Quốc hội
    Ban hành: 26/12/1991 Hiệu lực: 04/01/1992 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt
    Ban hành: 05/07/1993 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt
    Ban hành: 09/11/1995 Hiệu lực: 01/01/1996 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản thay thế (01)
    Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 của Quốc hội
    Ban hành: 20/05/1998 Hiệu lực: 01/01/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Quốc hội
    Số hiệu: 270b-NQ/HĐNN8
    Loại văn bản: Luật
    Ngày ban hành: 08/08/1990
    Hiệu lực: 01/10/1990
    Lĩnh vực: Đang cập nhật
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Đang cập nhật
    Người ký: Võ Chí Công
    Ngày hết hiệu lực: 01/01/1999
    Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X