hieuluat

Luật Công đoàn

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Quốc hội Số công báo: Đang cập nhật
    Số hiệu: 40-LCT/HĐNN8 Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Luật Người ký: Võ Chí Công
    Ngày ban hành: 30/06/1990 Hết hiệu lực: 01/01/2013
    Áp dụng: 07/07/1990 Tình trạng hiệu lực: Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực: Đang cập nhật
  • LUẬT

    CÔNG ĐOÀN

     

    Để phát huy vai trò của công đoàn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ và lợi ích của người lao động;

    Căn cứ vào các Điều 10, 32, 83, 86 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    Luật này quy định chức năng, quyền và trách nhiệm của công đoàn.

     

    CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1

    1- Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam (gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động.

    2- Những người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị, tổ chức) đều có quyền thành lập và gia nhập công đoàn trong khuôn khổ Điều lệ công đoàn Việt Nam.

    Các hội của những người lao động thành lập theo quy định của pháp luật có quyền gia nhập các Liên đoàn lao động.

    Khi thành lập, mỗi tổ chức công đoàn thông báo cho cơ quan chính quyền, tổ chức hữu quan để xây dựng quan hệ công tác.

    Cấm mọi hành vi cản trở, vi phạm nguyên tắc tự nguyện tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn; phân biệt đối xử với lý do người lao động gia nhập, hoạt động công đoàn.

    3- Công đoàn từ cấp cơ sở trở lên có tư cách pháp nhân.

    4- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các công đoàn ngành Việt Nam có quyền gia nhập các tổ chức công đoàn quốc tế phù hợp với mục đích hoạt động của mình.

     

    Điều 2

    1- Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

    2- Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội, quản lý Nhà nước; trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.

    3- Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

     

    Điều 3

    1- Trong mọi hoạt động, công đoàn phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật.

    Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức tôn trọng quyền độc lập về tổ chức và các quyền khác của công đoàn quy định tại Luật này.

    2- Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức và công đoàn phải tăng cường mối quan hệ hợp tác trong mọi hoạt động nhằm mục đích xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức, xây dựng đất nước và chăm lo lợi ích của người lao động; khi có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì phải tiến hành đối thoại, hiệp thương, tìm cách giải quyết theo đúng pháp luật. Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện cần thiết để công đoàn hoạt động.

    3- Với sự thoả thuận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể về mối quan hệ hoạt động giữa cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức với các cấp công đoàn.

     

    CHƯƠNG II. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN

     

    Điều 4

    1- Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế, chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

    Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có quyền tham dự hội nghị của Hội đồng bộ trưởng. Chủ tịch công đoàn các cấp được dự hội nghị của cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức hữu quan khi bàn những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

    2- Công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật, giáo dục người lao động ý thức chấp hành và tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

    3- Công đoàn cơ sở cùng với cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động theo quy định của pháp luật.

    4- Công đoàn cùng với cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế quốc doanh, đơn vị sự nghiệp và hợp tác xã tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi tiềm năng của người lao động thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

     

    Điều 5

    1- Trong phạm vi các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

    2- Công đoàn tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

    3- Công đoàn có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ về lao động.

     

    Điều 6

    1- Công đoàn phối hợp với cơ quan Nhà nước nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp.

    2- Công đoàn có trách nhiệm giáo dục, vận động người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường.

    3- Công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động. Khi phát hiện nơi làm việc có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng người lao động, công đoàn có quyền yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động, nếu thấy cần thiết.

    4- Việc điều tra các vụ tai nạn lao động phải có đại diện của công đoàn tham gia. Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước hoặc Toà án xử lý người chịu trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

     

    Điều 7

    Công đoàn tham gia với cơ quan, đơn vị tổ chức hữu quan giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, văn hoá, khoa học, kỹ thuật cho người lao động.

     

    Điều 8

    1- Công đoàn tham gia xây dựng các chính sách xã hội và tham gia với cơ quan Nhà nước quản lý bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

    2- Công đoàn có trách nhiệm cùng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan chăm lo đời sống văn hoá, hoạt động thể dục thể thao, tổ chức nghỉ ngơi, du lịch cho người lao động.

    3- Công đoàn cơ sở phối hợp với cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng quỹ phúc lợi tập thể, phục vụ lợi ích của người lao động.

     

    Điều 9

    1- Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

    2- Khi kiểm tra, công đoàn yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức trả lời những vấn đề đặt ra, kiến nghị biện pháp sửa chữa các thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm pháp luật.

    3- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải trả lời cho công đoàn biết kết quả giải quyết những kiến nghị do công đoàn nêu ra trong thời hạn pháp luật quy định. Những vấn đề không giải quyết được phải nói rõ lý do.

     

    Điều 10

    Công đoàn đại diện cho người lao động yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp và trả lời các vấn đề do người lao động đặt ra.

    Khi cần thiết, công đoàn tổ chức đối thoại giữa tập thể lao động với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

     

    Điều 11

    1- Công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động ký thoả ước lao động tập thể với giám đốc xí nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động.

    2- Công đoàn tham gia với cơ quan Nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động theo pháp luật.

    3- Công đoàn đại diện cho người lao động thương lượng với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức để giải quyết các tranh chấp lao động xảy ra trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình.

    Khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc Toà án xét xử tranh chấp lao động phải có đại diện của công đoàn tham dự và phát biểu ý kiến.

    4- Người lao động, dù chưa là đoàn viên công đoàn cũng có quyền yêu cầu Ban chấp hành công đoàn đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Toà án, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan.

     

    Điều 12

    1- Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức cần phải thảo luận với công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

    2- Trước khi quyết định các vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, thi hành kỷ luật đến mức buộc người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì giám đốc xí nghiệp quốc doanh, thủ trưởng cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp phải thảo luận, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn.

    Trong trường hợp không nhất trí về những vấn đề quy định tại khoản này thì hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải trả lời.

    Hội đồng bộ trưởng và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết các trường hợp không nhất trí giữa công đoàn với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức.

    Các vấn đề thuộc phạm vi tranh chấp lao động thì giải quyết theo pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động.

    3- Những vấn đề thuộc phạm vi thảo luận và nhất trí giữa Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Hội đồng bộ trưởng thì giải quyết theo Quy chế phối hợp hoạt động giữa hai bên.

     

    Điều 13

    Căn cứ vào những quy định tại Luật này, Hội đồng bộ trưởng cùng với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định cụ thể quyền và trách nhiệm công đoàn cơ sở phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ quan, đơn vị, tổ chức và xí nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã.

     

    CHƯƠNG III. NHỮNG BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

     

    Điều 14

    Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức tạo điều kiện làm việc, cung cấp thông tin cần thiết để công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của mình.

    Với sự thoả thuận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể các vấn đề này.

     

    Điều 15

    1- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức tạo điều kiện thuận lợi để người lao động làm tròn nhiệm vụ khi họ được bầu vào Ban chấp hành công đoàn hoặc được công đoàn giao nhiệm vụ.

    2- Cán bộ công đoàn không chuyên trách được dành một số thời gian nhất định trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn. Hội đồng bộ trưởng và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định cụ thể thời gian và điều kiện hoạt động của cán bộ công đoàn không chuyên trách.

    3- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định số lượng cán bộ hoạt động chuyên trách công đoàn.

    Tiền lương của cán bộ chuyên trách do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định theo chính sách chung và do quỹ công đoàn đài thọ.

    4- Khi quyết định buộc thôi việc, cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và thuyên chuyển công tác đối với uỷ viên Ban chấp hành công đoàn thì phải được Ban chấp hành công đoàn cùng cấp thoả thuận; đối với Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn thì phải được công đoàn cấp trên trực tiếp thoả thuận.

     

    Điều 16

    1- Công đoàn thực hiện tự quản về tài chính theo pháp luật và những quy định của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

    2- Các nguồn thu vào quỹ công đoàn gồm có :

    a) Tiền do đoàn viên công đoàn đóng góp; thu được từ hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, kinh doanh của công đoàn; do các tổ chức quốc tế, các công đoàn nước ngoài ủng hộ;

    b) Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp; tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyển vào quỹ công đoàn theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

     

    Điều 17

    Tài sản của công đoàn là tài sản xã hội chủ nghĩa, được pháp luật bảo vệ và khuyến khích phát triển, phải quản lý và sử dụng đúng pháp luật.

    Các bất động sản, động sản, các quỹ công đoàn, các phương tiện hoạt động và các tài sản khác do công đoàn tạo nên, do nước ngoài viện trợ cho công đoàn là tài sản thuộc quyền sở hữu của công đoàn.

     

    CHƯƠNG IV. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

     

    Điều 18

    Người vi phạm các quy định của Luật này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

     

    Điều 19

    Luật này thay thế Luật công đoàn ngày 5-11-1957.

    Các quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.

    ---------------------

    Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Công đoàn
    Ban hành: 05/11/1957 Hiệu lực: 05/11/1957 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    02
    Luật Công đoàn của Quốc hội, số 12/2012/QH13
    Ban hành: 20/06/2012 Hiệu lực: 01/01/2013 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    03
    Nghị định 133-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn
    Ban hành: 20/04/1991 Hiệu lực: 20/04/1991 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    04
    Nghị định 302-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cơ quan
    Ban hành: 19/08/1992 Hiệu lực: 19/08/1992 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    05
    Nghị quyết 713/2008/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ XII (2007 - 2011)
    Ban hành: 11/12/2008 Hiệu lực: 11/12/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Thông tư 17/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích nộp và sử dụng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh
    Ban hành: 22/01/2009 Hiệu lực: 08/03/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Luật Công đoàn
    30/06/1990 Hết Hiệu lực

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản thay thế (01)
    Luật Công đoàn của Quốc hội, số 12/2012/QH13
    Ban hành: 20/06/2012 Hiệu lực: 01/01/2013 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Luật Công đoàn

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Quốc hội
    Số hiệu: 40-LCT/HĐNN8
    Loại văn bản: Luật
    Ngày ban hành: 30/06/1990
    Hiệu lực: 07/07/1990
    Lĩnh vực: Đang cập nhật
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Đang cập nhật
    Người ký: Võ Chí Công
    Ngày hết hiệu lực: 01/01/2013
    Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Luật Công đoàn (.zip)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X