Cơ quan ban hành: | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 24/2000/PL-UBTVQH10 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Pháp lệnh | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 28/04/2000 | Hết hiệu lực: | 01/01/2015 |
Áp dụng: | 12/05/2000 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 24/1999/PL-UBTVQH10
NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2000 VỀ NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH,
CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Để góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với nước ngoài và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2000;
Pháp lệnh này quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
1. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài; bảo hộ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam trên cơ sở pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
2. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của nhân dân Việt Nam. Nghiêm cấm lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để vi phạm pháp luật.
3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam khác với quy định của Pháp lệnh này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 2
1. Cơ quan, tổ chức Việt Nam, cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam, công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được mời người nước ngoài vào Việt Nam.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm mục đích nhập cảnh của người nước ngoài; bảo đảm tài chính và cộng tác với các cơ quan nhà nước giải quyết các sự cố phát sinh đối với người nước ngoài.
Điều 3
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Người nước ngoài" là người không có quốc tịch Việt Nam;
2. "Người nước ngoài thường trú" là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;
3. "Người nước ngoài tạm trú" là người nước ngoài cư trú có thời hạn ở Việt Nam;
4. "Nhập cảnh" là vào lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam;
5. "Xuất cảnh" là ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam;
6. "Quá cảnh" là đi qua khu vực quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam.
CHƯƠNG II. NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH
Điều 4
1. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu) và phải có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực.
2. Người nước ngoài làm thủ tục xin cấp thị thực Việt Nam tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, cơ quan lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Đơn xin cấp thị thực được trả lời trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3. Người dưới 14 tuổi đã được khai báo trong đơn xin cấp thị thực của người dẫn đi, thì không phải làm riêng thủ tục xin cấp thị thực.
Điều 5
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam gửi văn bản đề nghị tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao.
2. Văn bản đề nghị được trả lời trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản.
Điều 6
1. Người nước ngoài xin nhập cảnh được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam trong những trường hợp sau đây:
a) Vào dự tang lễ thân nhân, thăm thân nhân đang bị ốm nặng;
b) Xuất phát từ nước không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam;
c) Vào du lịch theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức;
d) Vào hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp cho công trình, dự án; cấp cứu người bị bệnh nặng, người bị tai nạn; cứu hộ thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam;
đ) Vì lý do khẩn cấp khác.
2. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thực hiện việc cấp thị thực quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 7
1. Thị thực Việt Nam (sau đây gọi là thị thực) có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam.
2. Thị thực gồm các loại sau đây:
a) Thị thực một lần, có giá trị sử dụng một lần trong thời hạn không quá 12 tháng;
b) Thị thực nhiều lần, có giá trị sử dụng nhiều lần trong thời hạn không quá 12 tháng.
3. Thị thực không được gia hạn.
Thị thực đã cấp cho người nước ngoài có thể bị huỷ bỏ nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh này.
Điều 8
1. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chưa cho người nước ngoài nhập cảnh, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Không có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này;
b) Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh;
c) Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;
d) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước;
đ) Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho người nước ngoài thuộc những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nhập cảnh.
Điều 9
1. Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang là bị đơn trong các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động;
b) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự;
c) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án dân sự, kinh tế, lao động;
d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính.
2. Những trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này, nếu có bảo lãnh bằng tiền, tài sản hoặc có biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì được xuất cảnh.
3. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan thi hành án từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.
Cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh phải ra quyết định giải toả tạm hoãn xuất cảnh khi không còn yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, quyết định giải toả tạm hoãn xuất cảnh phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an để thực hiện.
4. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
5. Người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người đề nghị tạm hoãn xuất cảnh trái với quy định của Pháp lệnh này, nếu gây thiệt hại về vật chất cho người bị tạm hoãn xuất cảnh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 10
Người quá cảnh được miễn thị thực; nếu có nhu cầu kết hợp vào Việt Nam tham quan, du lịch, thì được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an giải quyết theo Quy chế do Bộ Công an ban hành.
CHƯƠNG III. CƯ TRÚ
Điều 11
1. Người nước ngoài nhập cảnh phải đăng ký mục đích, thời hạn và địa chỉ cư trú tại Việt Nam và phải hoạt động đúng mục đích đã đăng ký.
2. Người nước ngoài không được cư trú tại khu vực cấm người nước ngoài cư trú.
Điều 12
Người nước ngoài được đi lại tự do trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với mục đích nhập cảnh đã đăng ký, trừ khu vực cấm người nước ngoài đi lại; nếu muốn vào khu vực cấm, phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam quản lý khu vực cấm đó.
Điều 13
1. Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam thuộc một trong những trường hợp sau đây được xem xét, giải quyết cho thường trú:
a) Là người đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại;
b) Có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.
2. Người nước ngoài xin thường trú làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an.
Điều 14
1. Người nước ngoài thường trú được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp Thẻ thường trú. Người mang Thẻ thường trú được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh.
2. Người nước ngoài thường trú phải trình diện và xuất trình Thẻ thường trú với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an định kỳ 3 năm một lần; nếu thay đổi địa chỉ thường trú hoặc nội dung khác đã đăng ký phải làm thủ tục tại cơ quan cấp thẻ.
3. Người nước ngoài thường trú phải khai báo tạm trú với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an nếu nghỉ qua đêm ngoài địa chỉ thường trú đã đăng ký.
4. Cơ quan cấp Thẻ thường trú thu hồi hoặc huỷ bỏ thẻ khi người được cấp đi định cư ở nước khác hoặc bị trục xuất.
Điều 15
1. Người nước ngoài được tạm trú tại Việt Nam phù hợp với mục đích, thời hạn và địa chỉ đã đăng ký.
2. Chứng nhận tạm trú được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp cho người nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam. Thời hạn tạm trú được cấp phù hợp với thời hạn giá trị của thị thực.
Chứng nhận tạm trú đã cấp có thể bị huỷ bỏ hoặc bị rút ngắn thời hạn trong trường hợp người được cấp vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc tạm trú không phù hợp với mục đích đã đăng ký.
Người nước ngoài tạm trú phải khai báo tạm trú với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an; nếu có yêu cầu cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú hoặc chuyển đổi mục đích tạm trú đã đăng ký thì phải làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an.
3. Người nước ngoài tạm trú từ 1 năm trở lên được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp Thẻ tạm trú. Thẻ tạm trú có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm. Người mang Thẻ tạm trú được miễn thị thực khi xuất cảnh, nhập cảnh trong thời hạn giá trị của thẻ.
4. Người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự làm thủ tục cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú, cấp Thẻ tạm trú tại Bộ Ngoại giao.
5. Việc xét cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực; cấp Thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú được thực hiện trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
CHƯƠNG IV. TRỤC XUẤT
Điều 16
1. Người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam trong những trường hợp sau đây:
a) Bị Toà án có thẩm quyền của Việt Nam xử phạt trục xuất;
b) Bị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất.
2. Việc trục xuất người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự được giải quyết bằng đường ngoại giao.
Điều 17
1. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thi hành bản án và quyết định trục xuất.
2. Bản án và quyết định trục xuất phải được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an giao cho người bị trục xuất chậm nhất 24 giờ trước khi thi hành.
3. Trong trường hợp người bị trục xuất không tự nguyện chấp hành bản án hoặc quyết định trục xuất thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an áp dụng biện pháp cưỡng chế trục xuất.
CHƯƠNG V. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Điều 18
Nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
2. Ký kết, tham gia điều ước quốc tế;
3. Thực hiện các hoạt động quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú;
4. Thống kê nhà nước;
5. Hợp tác quốc tế;
6. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.
Điều 19
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
2. Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 20
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ các loại thị thực tại nước ngoài.
Điều 21
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
CHƯƠNG VI. XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 22
1. Người nào vi phạm các quy định của Pháp lệnh này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của Pháp lệnh này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 23
Việc khiếu nại các quyết định hành chính, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
CHƯƠNG VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24
Pháp lệnh này cũng được áp dụng đối với người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Điều 25
Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2000.
Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 21 tháng 02 năm 1992.
Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 26
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
01
|
Văn bản hết hiệu lực |
02
|
Văn bản thay thế |
03
|
Văn bản hướng dẫn |
04
|
Văn bản hướng dẫn |
05
|
Văn bản hướng dẫn |
06
|
Văn bản dẫn chiếu |
07
|
Văn bản dẫn chiếu |
08
|
Văn bản dẫn chiếu |
09
|
Văn bản dẫn chiếu |
10
|
Văn bản dẫn chiếu |
11
|
Văn bản dẫn chiếu |
Pháp lệnh 24/2000/PL-UBTVQH10 về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
In lược đồCơ quan ban hành: | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Số hiệu: | 24/2000/PL-UBTVQH10 |
Loại văn bản: | Pháp lệnh |
Ngày ban hành: | 28/04/2000 |
Hiệu lực: | 12/05/2000 |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày hết hiệu lực: | 01/01/2015 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!