Cơ quan ban hành: | Hội đồng Nhà nước | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 9-LCT/HĐNN8 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Pháp lệnh | Người ký: | Võ Chí Công |
Ngày ban hành: | 10/11/1988 | Hết hiệu lực: | 01/01/2000 |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
PHÁP LỆNH
NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH
Để huy động hợp lý sức lao động của nhân dân tham gia xây dựng, tu bổ các công trình vì lợi ích chung của xã hội; kịp thời phòng, tránh và khắc phục hậu quả trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch hoạ;
Căn cứ vào Điều 80 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định nghĩa vụ lao động công ích của công dân.
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Nghĩa vụ lao động công ích của công dân quy định trong Pháp lệnh này bao gồm : nghĩa vụ lao động công ích hàng năm và nghĩa vụ lao động công ích trong trường hợp khẩn cấp.
Điều 2
Việc huy động công dân thực hiện nghĩa vụ lao động công ích do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định theo kế hoạch, đúng mục đích, bảo đảm công bằng, tiết kiệm và đạt hiệu quả thiết thực.
Điều 3
Các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các đơn vị cơ sở và gia đình, trong phạm vi chức năng và trách nhiệm của mình, có nhiệm vụ động viên, giáo dục, kiểm tra và tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ lao động công ích.
CHƯƠNG II. NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH HÀNG NĂM
Điều 4
Công dân có sức lao động, nam đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi có nghĩa vụ tham gia lao động công ích hàng năm.
Điều 5
Số ngày công lao động công ích hàng năm của mỗi công dân là không quá mười ngày công, kể cả ngày đi và về.
Điều 6
Ngày công lao động công ích hàng năm được sử dụng để xây dựng và tu bổ đê, kè, cống; công trình thuỷ lợi đầu mối; làm đường giao thông và phục vụ sẵn sàng chiến đấu được ghi trong kế hoạch của Trung ương và của tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và của tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương do Nhà nước quản lý.
Điều 7
Người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ lao động công ích phải hoàn thành định mức khối lượng công việc được giao.
Tuỳ theo tính chất công việc, cơ quan huy động phải thông báo rõ cho người trực tiếp tham gia lao động công ích biết, để họ mang theo công cụ lao động thông thường, thích hợp và phương tiện sinh hoạt cá nhân.
Điều 8
Người trực tiếp tham gia lao động công ích hàng năm được trợ cấp theo định mức lao động, được bảo đảm các chế độ bảo hộ lao động, bảo vệ sức khoẻ, điều trị khi ốm đau, hoặc khi bị tai nạn lao động trong thời gian tham gia lao động công ích, theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.
Điều 9
Nếu người được huy động tham gia lao động công ích hàng năm không lao động trực tiếp được, thì có thể thuê mướn người khác làm thay; trong trường hợp không thuê mướn được thì phải nộp cho cơ quan huy động một số tiền để đủ thuê mười ngày công lao động phổ thông ở địa phương.
Điều 10
Những người sau đây được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm:
1- Quân nhân, kể cả công nhân quốc phòng, công an nhân dân;
2- Thương binh, bệnh binh;
3- Bố, vợ hoặc chồng của liệt sĩ;
4- Người giữ chức sắc tôn giáo chuyên nghiệp;
5- Người tàn tật, người mức sức lao động.
Điều 11
Những người sau đây được tạm miễn tham gia lao động công ích trong thời gian có lệnh huy động thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm :
1- Người ốm đang điều trị, điều dưỡng;
2- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ chưa đủ ba mươi sáu tháng;
3- Người đang trực tiếp phục vụ thương binh, bệnh binh nặng; người bị tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh, bệnh nghề nghiệp được xếp hạng thương tật nặng;
4- Người là lao động duy nhất đang trực tiếp nuôi người khác trong gia đinh không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động, không nơi nương tựa;
5- Quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ chưa đủ ba năm, kể từ ngày có quyết định xuất ngũ;
6- Người đi xây dựng vùng kinh tế mới chưa đủ ba năm, kể từ ngày đến làm việc ở vùng kinh tế mới.
Điều 12
Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, trực chiến hoặc truy bắt biệt kích, thám báo được giảm ngày công lao động công ích hàng năm.
Điều 13
Uỷ ban kế hoạch Nhà nước thống nhất quản lý và cân đối quỹ ngày công lao động công ích hàng năm trong cả nước.
Điều 14
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm bảo đảm hiệu quả trong việc tổ chức huy động, quản lý, sử dụng lao động công ích và việc thực hiện chế độ đối với người tham gia lao động công ích trong cả nước.
Điều 15
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đơn vị hành chính tương đương có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện và quản lý quỹ ngày công lao động công ích trong địa phương; xét duyệt kế hoạch, bảo đảm nhu cầu sử dụng lao động công ích hàng năm của các ngành trung ương và địa phương; chỉ đạo, kiểm tra việc huy động, sử dụng lao động công ích đúng mục đích đạt hiệu quả và việc thi hành chế độ đối với người tham gia lao động công ích.
Điều 16
Các đơn vị sử dụng lao động công ích có trách nhiệm lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết; tổ chức quản lý, sử dụng lao động chặt chẽ, đạt hiệu quả và thực hiện đúng chế độ đối với người tham gia lao động công ích.
CHƯƠNG III. NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP
Điều 17
Những trường hợp khẩn cấp được huy động lao động công ích là những trường hợp đột xuất như bão, lụt, hoả hoạn, động đất, dịch bệnh, địch hoạ gây ra những thiệt hại lớn.
Trong các trường hợp khẩn cấp nói trên, mọi công dân có sức lao động có nghĩa vụ tham gia lao động công ích để kịp thời ngăn chặn và khắc phục thiệt hại bước đầu.
Việc huy động lao động công ích trong trường hợp khẩn cấp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định.
Điều 18
Khi huy động lao động công ích trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan ra lệnh huy động lao động có quyền trưng dụng dụng cụ, phương tiện cần thiết của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể xã hội và của công dân để hoàn thành các công việc khẩn cấp.
Điều 19
Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan ra lệnh huy động có quyền sử dụng biện pháp cưỡng chế đối với những người không chấp hành lệnh huy động để bảo đảm kịp thời ngăn chặn, khắc phục những thiệt hại do thiên tai, địch hoạ gây ra.
Điều 20
Thời hạn huy động lao động công ích trong trường hợp khẩn cấp, chế độ đối với những người tham gia lao động, việc đền bù thiệt hại về dụng cụ, phương tiên trưng dụng do Hội đồng bộ trưởng quy định.
CHƯƠNG IV. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT
Điều 21
Địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân có nhiều thành tích trong việc quản lý, sử dụng và thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, tuỳ mức độ thành tích, được Nhà nước khen thưởng về tinh thần và vật chất.
Điều 22
Người nào vi phạm các quy định về nghĩa vụ lao động công ích thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây ra thiệt hại thì phải đền bù theo chế độ trách nhiệm vật chất.
Điều 23
Công dân có quyền khiếu nại và tố giác những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm chế độ nghĩa vụ lao động công ích với cơ quan chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG V. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 24
Nay bãi bỏ Nghị định 77/CP ngày 26 tháng 4 năm 1966 ban hành Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công thời chiến, Nghị định 232/CP ngày 24 tháng 11 năm 1965 về chế độ huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực ở địa phương, Nghị định 135/CP ngày 5 tháng 8 năm 1969 về việc huy động, tổ chức, sử dụng lao động nghĩa vụ và các quy định khác trái với Pháp lệnh này.
Điều 25
Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1988
01
|
Văn bản thay thế |
02
|
Cơ quan ban hành: | Hội đồng Nhà nước |
Số hiệu: | 9-LCT/HĐNN8 |
Loại văn bản: | Pháp lệnh |
Ngày ban hành: | 10/11/1988 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Võ Chí Công |
Ngày hết hiệu lực: | 01/01/2000 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |