Cơ quan ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Số công báo: | 670&671 - 9/2007 |
Số hiệu: | 13/2007/QĐ-BTNMT | Ngày đăng công báo: | 14/09/2007 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Công Thành |
Ngày ban hành: | 04/09/2007 | Hết hiệu lực: | 10/02/2019 |
Áp dụng: | 29/09/2007 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường |
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG Số: 13/2007/QĐ-BTNMT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 20 tháng 05 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 07 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Nghị định số 162/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Công Thành
QUY ĐỊNH
Về việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BTNMT
ngày 04 tháng 09 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định nội dung, yêu cầu, sản phẩm giao nộp; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đối với các đề án, dự án, nhiệm vụ (sau đây gọi chung là dự án) điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất.
Các dự án điều tra, đánh giá nước dưới đất phục vụ việc thăm dò, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình, cải tạo đất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
2. Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, các cơ quan nhà nước liên quan, các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tầng chứa nước là một thành tạo hoặc một nhóm thành tạo địa chất, một phần của một thành tạo địa chất có chứa nước trong các lỗ hổng, khe nứt của chúng và lượng nước đó có ý nghĩa trong việc khai thác để cung cấp nước.
2. Tầng chứa nước yếu là một thành tạo hoặc một nhóm thành tạo địa chất, một phần của một thành tạo địa chất có chứa nước trong các lỗ hổng, khe nứt của chúng, nhưng khả năng thấm nước, chứa nước kém và lượng nước đó ít có ý nghĩa trong việc khai thác để cung cấp nước.
3. Tầng cách nước hoặc thể địa chất không chứa nước là một thành tạo hoặc một nhóm thành tạo địa chất, một phần của một thành tạo địa chất có tính thấm nước rất nhỏ, không có ý nghĩa thực tế trong cung cấp nước.
4. Phức hệ chứa nước hoặc hệ thống các tầng chứa nước là tập hợp các tầng chứa nước, chứa nước yếu, có quan hệ thủy lực với nhau trên phạm vi rộng và tạo thành một hệ thống thủy động lực.
5. Cấu trúc chứa nước là một cấu trúc địa chất hoặc một phần của một cấu trúc địa chất, trong đó nước dưới đất được hình thành, lưu thông và tồn tại. Cấu trúc chứa nước được giới hạn bởi các biên cách nước hoặc các biên cấp khác, thoát nước.
6. Trữ lượng khai thác tiềm năng hoặc trữ lượng có thể khai thác của một vùng là lượng nước có thể khai thác từ các tầng chứa nước và chứa nước yếu trong vùng đó mà không làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và biến đổi môi trường vượt quá mức cho phép.
7. Trữ lượng khai thác nước dưới đất của công trình là lượng nước có thể khai thác được từ công trình đó, với chế độ khai thác xác định, hợp lý về kinh tế - kỹ thuật, không gây tranh chấp nguồn nước, không tác động xấu tới môi trường; chất lượng nước đáp ứng yêu cầu sử dụng trong suốt thời gian khai thác.
8. Vùng ảnh hưởng của công trình khai thác nước dưới đất là vùng có mực nước hoặc mức áp lực của tầng chứa nước bị hạ thấp lớn hơn 0,5 mét do hoạt động của công trình đó gây ra.
9. Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất là các hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc và phân tích, đánh giá xác định điều kiện địa chất thủy văn, số lượng, chất lượng, khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất và tác động của việc khai thác nước dưới đất tới môi trường và ngược lại, làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường.
Điều 3. Mục đích của việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
1. Xác định điều kiện địa chất thủy văn, số lượng, chất lượng và khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất làm cơ sở cho việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông, vùng lãnh thổ; quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của quốc gia, ngành, vùng và địa phương.
2. Làm căn cứ để đề xuất việc điều chỉnh chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch có liên quan đến tài nguyên nước.
3. Làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư khai thác nước dưới đất và cấp phép thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất.
4. Tạo lập cơ sở thông tin, dữ liệu, tài liệu về tài nguyên nước dưới đất phục vụ công tác quản lý và nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 4. Các loại dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
1. Tùy theo mục đích, nội dung yêu cầu và phạm vi, mức độ đánh giá, dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất bao gồm các loại sau:
- Điều tra, đánh giá tổng quan;
- Điều tra, đánh giá sơ bộ;
- Điều tra, đánh giá chi tiết;
- Điều tra, đánh giá theo chuyên đề.
a) Dự án điều tra, đánh giá tổng quan là dự án được thực hiện nhằm đánh giá, xác định điều kiện địa chất thủy văn, số lượng, chất lượng và khả năng khai thác, sử dụng nước dưới đất của các cấu trúc chứa nước, thành tạo đất đá chứa nước hoặc phức hệ chứa nước lớn và có mức độ chi tiết tương ứng với bản đồ tỷ lệ 1:100.000 và nhỏ hơn.
Dự án điều tra, đánh giá tổng quan được thực hiện trên phạm vi toàn quốc hoặc vùng kinh tế-xã hội, vùng kinh tế trọng điểm; một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh); các lưu vực sông có diện tích từ 2500km2 trở lên.
b) Dự án điều tra, đánh giá sơ bộ là dự án được thực hiện nhằm đánh giá, xác định điều kiện địa chất thủy văn, số lượng, chất lượng và khả năng khai thác, sử dụng nước dưới đất của các phức hệ, tầng chứa nước và có mức độ chi tiết tương ứng với bản đồ tỷ lệ từ 1:50.000 đến 1:25.000.
Dự án điều tra, đánh giá sơ bộ được thực hiện trên phạm vi một phần hoặc toàn bộ vùng kinh tế-xã hội; vùng kinh tế trọng điểm, một tỉnh; vùng khan hiếm nước, hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các lưu vực sông có diện tích nhỏ hơn 2500km2.
c) Dự án điều tra, đánh giá chi tiết là dự án được thực hiện nhằm đánh giá, xác định trữ lượng có thể khai thác của khu vực có triển vọng; trữ lượng của công trình khai thác nước dưới đất đáp ứng mục tiêu trữ lượng cụ thể (thăm dò nước dưới đất), làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư khai thác nước dưới đất.
Dự án điều tra, đánh giá chi tiết được thực hiện trêm phạm vi khu vực có triển vọng khai thác nước dưới đất đã được xác định trong các dự án điều tra, đánh giá tổng quan, sơ bộ hoặc vùng ảnh hưởng của công trình khai thác nước dưới đất.
d) Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất theo chuyên đề là dự án được thực hiện nhằm giải quyết các nhiệm vụ có tính cấp bách hoặc nhiệm vụ chuyên môn có tính đặc thù liên quan đến công tác quản lý, khai thác sử dụng, phát triển và bảo vệ, phòng tránh suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên nước dưới đất; đánh giá, dự báo diễn biến của tài nguyên nước dưới đất và đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước dưới đất đến môi trường.
2. Nội dung yêu cầu và hồ sơ sản phẩm của các loại dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được quy định cụ thể tại Chương II của Quy định này.
3. Nội dung yêu cầu và hồ sơ sản phẩm của các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước theo chuyên đề được quy định cụ thể trong các quyết định phê duyệt đề cương dự án của cấp có thẩm quyền hoặc của tổ chức, cá nhân yêu cầu đánh giá.
Điều 5. Nguyên tắc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
1. Bảo đảm tính đồng bộ, thông nhất giữa việc điều tra, đánh giá theo vùng lãnh thổ và lưu vực sông; giữa việc điều tra, đánh giá của Trung ương với việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất với việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt.
2. Bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất giữa việc điều tra, đánh giá tổng quan, sơ bộ, chi tiết và đánh giá tài nguyên nước dưới đất theo chuyên đề.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững với yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
4. Định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất.
5. Thông tin dữ liệu, kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất phải phục vụ nhu cầu sử dụng cho quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo và các nhu cầu khác của cộng đồng; đồng thời phải được tổng hợp và công bố trong hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường.
Điều 6. Các công việc chủ yếu trong điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
1. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng khu vực, các công việc chủ yếu của dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất quy định tại Điều 4 của Quy định này bao gồm:
a) Ngoài hiện trường:
- Đo vẽ địa chất thủy văn;
- Điều tra, khảo sát hiện trạng khai thác, sử dụng nước;
- Đo địa vật lý;
- Khoan điều tra, khảo sát, tìm kiếm thăm dò nước dưới đất và lắp đặt công trình khai thác nước;
- Thí nghiệm thấm, gồm: bơm hút nước, đổ nước, múc nước thí nghiệm;
- Lấy mẫu đất; lấy mẫu nước; phân tích mẫu nước tại hiện trường;
- Quan trắc động thái nước dưới đất và các nguồn nước mặt có liên quan;
- Đo trắc địa;
- Các công việc chuyên môn khác.
b) Trong phòng:
- Phân tích mẫu nước và mẫu đất trong phòng thí nghiệm;
- Thu thập, tổng hợp tài liệu đã có;
- Phân tích, tổng hợp kết quả của các hoạt động ngoài hiện trường;
- Lập bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất và các bản đồ chuyên đề;
- Phân tích, tổng hợp, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất;
- Các công việc chuyên môn khác.
2. Căn cứ mục đích, nội dung yêu cầu của từng loại dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước được quy định trong Quy định này và căn cứ yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước, phạm vi, quy mô, đặc điểm cụ thể của từng vùng, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định các nội dung công việc, khối lượng, sản phẩm cụ thể của từng dự án trên nguyên tắc bảo đảm kế thừa có chọn lọc các tài liệu đã có và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước và của xã hội.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan quản lý tài nguyên nước
1. Cục Quản lý tài nguyên nước:
a) Tổ chức xây dựng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; xây dựng quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi cả nước, định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tổ chức xây dựng kế hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Tổ chức thẩm định, nghiệm thu nội dung chuyên môn; quản lý chất lượng dự án ngay từ giai đoạn lập dự án, thực hiện dự án cho đến khi kết thúc dự án; thực hiện đầy đủ các quy định về lập, thẩm định, trình duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết; thường xuyên kiểm tra chất lượng trong quá trình triển khai thực hiện dự án, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót ảnh hưởng đến chất lượng trong quá trình thi công các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
d) Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc và hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất ở địa phương;
đ) Định kỳ hằng năm và năm (05) năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi cả nước.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tài nguyên và Môi trường):
a) Căn cứ vào quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi cả nước, tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi tỉnh mình và theo định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
b) Tổ chức thẩm định, nghiệm thu nội dung chuyên môn và quản lý chất lượng các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh mình;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất ở địa phương;
d) Định kỳ hằng năm gửi báo cáo tổng hợp tình hình điều tra, đánh giá, tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi tỉnh mình về Cục Quản lý tài nguyên nước để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 8. Quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
1. Hồ sơ sản phẩm của các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải nộp lưu trữ tại cơ quan quản lý tài nguyên nước theo quy định sau đây:
a) Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Nộp hai (02) bộ hồ sơ sản phẩm dự án bằng giấy và một (01) bộ trên đĩa CD tại Cục Quản lý tài nguyên nước để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định;
- Nộp một (01) bộ hồ sơ có liên quan tại Cục Quản lý tài nguyên nước để chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thuộc vùng dự án.
b) Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh):
- Nộp (03) bộ hồ sơ sản phẩm dự án bằng giấy và hai (02) bộ trên đĩa CD tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Sở Tài nguyên và Môi trường gửi cho Cục Quản lý tài nguyên nước một (01) bộ hồ sơ bằng giấy và một (01) bộ trên đĩa CD để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
c) Hồ sơ sản phẩm dự án quy định tại các điểm a và điểm b khoản 1 Điều này bao gồm toàn bộ danh mục các bản đồ, báo cáo tổng hợp và báo cáo chuyên đề, phụ lục quy định tại Điều 10, Điều 12 và Điều 14 của Quy định này;
d) Hồ sơ có liên quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều này gồm các bản đồ và báo cáo chuyên đề được lập trên cơ sở trích lục, biên tập, tổng hợp những nội dung, kết quả của dự án trên phạm vi từng tỉnh thuộc vùng dự án. Trường hợp vùng dự án thuộc phạm vi của một tỉnh, thì hồ sơ có liên quan là toàn bộ hồ sơ dự án.
2. Hồ sơ sản phẩm của các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước sau khi hoàn thành phải nộp một (01) bộ hồ sơ có liên quan tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đối với trường hợp dự án điều tra, đánh giá chi tiết phục vụ xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, thì việc giao nộp hồ sơ tài liệu cho cơ quan quản lý tài nguyên nước để thẩm định, cấp phép thực hiện theo quy định của Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 07 năm 2004 của Chính phủ về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, và Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24 tháng 06 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất thực hiện theo Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước ban hành kèm theo Nghị định số 162/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan.
4. Các mẫu vật, tài liệu nguyên thủy và các tài liệu liên quan khác của dự án do đơn vị thực hiện dự án quản lý và lưu trữ theo quy định hiện hành.
Chương 2:
NỘI DUNG, YÊU CẦU, HỒ SƠ SẢN PHẨM ĐỐI VỚI CÁC LOẠI DỰ ÁN
ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Mục 1:
DỰ ÁN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN
Điều 9. Nội dung, yêu cầu
1. Xác định khái quát các đặc điểm, đặc trưng chủ yếu của các cấu trúc chứa nước, thành tạo đất đá chứa nước, phức hệ chứa nước lớn; một số đặc điểm chứa nước yếu hoặc cách nước thuộc phạm vi điều tra, đánh giá, bao gồm:
a) Phạm vi và diện tích phân bố; chiều sâu thế nằm và chiều dày; thành phần và nguồn gốc đất đá;
b) Tính thấm nước, mức độ chứa nước, nguồn cấp, miền cấp, miền thoát;
c) Chiều sâu mực nước tĩnh, độ cao cột nước áp lực và động thái nước dưới đất tại các điểm lộ, lỗ khoan đặc trưng;
d) Phạm vi và diện tích phân bố của lớp phủ thực vật; chiều dày và tính thấm của đất đá trong đới thông khí.
2. Đánh giá khái quát và phân vùng mức độ chứa nước của các cấu trúc chứa nước lớn, thành tạo đất đá chứa nước, phức hệ chứa nước chủ yếu thuộc phạm vi điều tra, đánh giá; lập bản đồ tài liệu thực tế địa chất thủy văn và bản đồ địa chất thủy văn.
3. Đánh giá khái quát trữ lượng động, trữ lượng tĩnh và xác định những đặc điểm, đặc trưng cơ bản về sự phân bố của chúng; đặc điểm biến đổi theo không gian, thời gian của trữ lượng động trên phạm vi toàn vùng, từng cấu trúc chứa nước lớn, phức hệ chứa nước chính, lưu vực sông, vùng lãnh thổ hoặc từng tỉnh.
4. Lập các bản đồ mô đun dòng ngầm, lượng cung cấp thấm trung bình năm, mùa kiệt, ba tháng kiệt và tháng kiệt nhất cho toàn vùng.
5. Đánh giá khái quát tính chất vật lý, hàm lượng các thành phần hóa học cơ bản, độ tổng khoáng hóa, loại hình hóa học chủ yếu của nước dưới đất.
6. Sơ bộ khoanh vùng và đánh giá khái quát mức độ đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nước dưới đất theo các mục đích sử dụng; lập bản đồ chất lượng nước dưới đất.
7. Đánh giá khái quát khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng nông thôn, cấp nước cho các đô thị, các khu vực trọng điểm về kinh tế-xã hội và các khu vực phát triển kinh tế-xã hội khác.
8. Các nội dung yêu cầu khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
Điều 10. Hồ sơ sản phẩm
1. Tùy theo đặc điểm của từng vùng và yêu cầu cụ thể của từng dự án, hồ sơ sản phẩm của dự án điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước dưới đất, bao gồm:
a) Bản đồ:
- Bản đồ tài liệu thực tế địa chất thủy văn;
- Bản đồ địa chất thủy văn;
- Bản đồ mô đun dòng ngầm, hoặc bản đồ lượng cung cấp thấm trung bình năm, trung bình mùa kiệt, ba tháng kiệt và tháng kiệt nhất (nếu có yêu cầu);
- Bản đồ chất lượng nước dưới đất.
b) Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước dưới đất; các báo cáo chuyên đề và phụ lục kèm theo được quy định trong quyết định phê duyệt đề cương dự án;
c) Các sản phẩm khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
2. Các loại bản đồ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được xây dựng trên nền bản đồ địa hình VN2000, có tỷ lệ 1:100.000 và nhỏ hơn được quy định cụ thể trong quyết định phê duyệt đề cương dự án.
Mục 2:
DỰ ÁN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ
Điều 11. Nội dung, yêu cầu
1. Xác định sơ bộ các đặc điểm và đặc trưng cơ bản của các phức hệ, tầng chứa nước; một số đặc điểm, đặc trưng của các tầng chứa nước yếu, cách nước chủ yếu thuộc phạm vi điều tra, đánh giá, bao gồm:
a) Phạm vi và diện tích phân bố; chiều sâu thế nằm và chiều dày; thành phần và nguồn gốc đất đá;
b) Chiều sâu mực nước tĩnh, độ cao cột nước áp lực;
c) Tính thấm nước, mức độ chứa nước;
d) Đặc điểm thủy động lực và động thái nước dưới đất, gồm: nguồn cấp, miền cấp, miền thoát, hướng dòng chảy, quan hệ của nước dưới đất với nước mặt, với các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn, quan hệ giữa các tầng chứa nước, và quy luật biến đổi số lượng, chất lượng nước;
đ) Phạm vi và diện tích phân bố của lớp phủ thực vật; diện tích phân bố, chiều dày, thành phần và tính chất thấm của đất đá trong đới thông khí.
2. Đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và của các hoạt động kinh tế-xã hội đến nguồn nước dưới đất.
3. Đánh giá sơ bộ và phân vùng mức độ chứa nước của các tầng chứa nước; khoanh vùng những khu vực có triển vọng khai thác nước dưới đất; lập bản đồ tài liệu thực tế địa chất thủy văn và bản đồ địa chất thủy văn.
4. Đánh giá sơ bộ trữ lượng động, trữ lượng tĩnh và xác định những đặc trưng cơ bản về sự phân bố của chúng; sự biến đổi theo không gian, thời gian của trữ lượng động trên phạm vi toàn vùng, từng tầng chứa nước chính, lưu vực sông, vùng lãnh thổ.
5. Xác định sơ bộ trữ lượng có thể khai thác và nguồn hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất trên phạm vi toàn vùng và tại các khu vực có triển vọng
6. Lập các bản đồ mô đun dòng ngầm, lượng cung cấp thấm trung bình năm, mùa kiệt, ba tháng kiệt và tháng kiệt nhất cho các tầng chứa nước chính.
7. Xác định tính chất vật lý, hàm lượng các thành phần hóa học cơ bản, độ tổng khoáng hóa của nước, loại hình hóa học chủ yếu, các chỉ tiêu vi lượng độc hại phổ biến, thành phần vi trùng của nước dưới đất; phân vùng và lập bản đồ hiện trạng nhiễm mặn, nhễm bẩn, nhiễm phèn (nếu có) và bản đồ mức độ bảo vệ của các tầng chứa nước (nếu cần thiết).
8. Phân vùng và đánh giá sơ bộ chất lượng nguồn nước dưới đất theo các mục đích sử dụng; sơ bộ nhận định, đánh giá sự thay đổi chất lượng nước theo thời gian; lập bản đồ chất lượng nước dưới đất.
9. Đánh giá sơ bộ khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất cho các nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất ở từng khu vực thuộc phạm vi dự án.
10. Các nội dung yêu cầu khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
Điều 12. Hồ sơ sản phẩm
1. Tùy theo đặc điểm của từng vùng và yêu cầu cụ thể của từng dự án, hồ sơ sản phẩm của các dự án điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất, bao gồm:
a) Bản đồ:
- Bản đồ tài liệu thực tế địa chất thủy văn;
- Bản đồ địa chất thủy văn chung cho từng vùng;
- Bản đồ địa chất thủy văn đối với từng tầng chứa nước có triển vọng;
- Bản đồ mô đun dòng ngầm, hoặc bản đồ lượng cung cấp thấm (nếu có yêu cầu);
- Bản đồ hiện trạng nhiễm bẩn, nhiễm mặn nước dưới đất (nếu có);
- Bản đồ mức độ tự bảo vệ của các tầng chứa nước (nếu có yêu cầu);
- Bản đồ chất lượng nước dưới đất.
b) Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất; các báo cáo chuyên đề và phụ lục kèm theo được quy định trong quyết định phê duyệt đề cương dự án;
c) Các sản phẩm khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
2. Các loại bản đồ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được xây dựng trên nền bản đồ địa hình VN2000, có tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 và được quy định cụ thể trong quyết định phê duyệt đề cương dự án.
Mục 3:
DỰ ÁN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT
Điều 13. Nội dung, yêu cầu
1, Đối với dự án điều tra, đánh giá chi tiết khu vực có triển vọng khai thác nước dưới đất:
a) Xác định chi tiết các đặc điểm, đặc trưng của từng tầng chứa nước, bao gồm: phạm vi và diện tích phân bố; chiều sâu thế nằm và chiều dày; thành phần và nguồn gốc đất đá của từng lớp đất đá trong tầng chứa nước; chiều sâu và cao độ mực nước tĩnh, độ cao cột nước áp lực tại tất cả các lỗ khoan, điểm lộ và vị trí của chúng; tính thấm nước, mức độ chứa nước, các thông số địa chất thủy văn khác và phân vùng biến đổi của chúng theo diện tích;
b) Xác định các đặc điểm, đặc trưng của từng tầng chứa nước yếu hoặc tầng cách nước, bao gồm: diện tích phân bố; chiều sâu thế nằm và chiều dày; thành phần và nguồn gốc đất đá; tính thấm nước và biến đổi của tính thấm nước theo diện tích và chiều sâu;
c) Xác định các đặc điểm, đặc trưng thủy động lực và động thái nước dưới đất, bao gồm: nguồn cấp, miền cấp, miền thoát, hướng dòng chảy và độ dốc thủy lực; biên và điều kiện biên của các tầng chứa nước; quan hệ của nước dưới đất với nước mặt, với các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn, quan hệ thủy lực giữa các tầng chứa nước; các đặc trưng chiều sâu, cao độ mực nước và diễn biến của chúng; các đặc trưng chất lượng nước và diễn biến của chúng;
d) Xác định đặc điểm phân bố của lớp phủ thực vật; diện tích phân bố, chiều dày, thành phần và tính chất thấm của đất đá trong đới thông khí; đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và của các hoạt động kinh tế-xã hội đến nguồn nước dưới đất;
đ) Xác định trữ lượng động, trữ lượng tĩnh và sự phân bố, biến đổi của chúng theo không gian, thời gian đối với từng tầng chứa nước, chứa nước yếu và trên phạm vi dự án; đánh giá chất lượng nguồn nước theo các mục đích sử dụng;
e) Đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất, bao gồm: vị trí, lưu lượng, chế độ khai thác và sự biến đổi của lưu lượng khai thác; mục đích khai thác, sử dụng nước của từng công trình và tổng lượng nước đang khai thác trong phạm vi dự án;
g) Xác lập các phương án bố trí công trình khai thác; luận chứng, đánh giá và đề xuất sơ đồ bố trí công trình khai thác, bao gồm: dạng công trình, số lượng, vị trí, lưu lượng tại từng giếng khoan; xác định giới hạn mực nước động lớn nhất và dự báo hạ thấp mực nước; xác định trữ lượng có thể khai thác, nguồn hình thành trữ lượng khai thác cùa từng tầng chứa nước và cả khu vực;
h) Đánh giá, dự báo những ảnh hưởng, tác động về xâm nhập mặn, biến đổi chất lượng nước, sụt lún mặt đất và các tác động khác do khai thác nước dưới đất gây ra, và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác ảnh hưởng tới nguồn nước dưới đất trong khu vực;
i) Xác định các đặc điểm cơ bản về hình thái, số lượng, chất lượng của các nguồn mặt nước và mối quan hệ của chúng với các tầng chứa nước; xác định vị trí, quy mô các nguồn gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong khu vực;
k) Các nội dung yêu cầu khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
2. Đối với dự án phục vụ xây dựng công trình khai thác có lưu lượng từ 3000m3/ngày đêm trở lên:
a) Trong phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình khai thác:
- Xác định chi tiết các đặc điểm, đặc trưng của từng tầng chứa nước, bao gồm:
+ Phạm vi và diện tích phân bố; chiều sâu thế nằm và chiều dày; thành phần và nguồn gốc đất đá của từng lớp đất đá trong tầng chứa nước;
+ Chiều sâu và cao độ mực nước tĩnh, độ cao cột nước áp lực tại tất cả các lỗ khoan, điểm lộ và vị trí của chúng;
+ Tính thấm nước, mức độ chứa nước, các thông số địa chất thủy văn.
- Xác định các đặc điểm, đặc trưng của từng tầng chứa nước yếu hoặc tầng cách nước, bao gồm:
+ Diện tích phân bố; chiều sâu thế nằm và chiều dày; thành phần và nguồn gốc đất đá;
+ Tính thấm nước và sự biến đổi của tính thấm nước theo diện tích và chiều sâu.
- Xác định các đặc điểm, đặc trưng thủy động lực và động thái nước dưới đất, bao gồm:
+ Nguồn nước, miền cấp, miền thoát, hướng dòng chảy và độ dốc thủy lực; biên và điều kiện biên của các tầng chứa nước; quan hệ của nước dưới đất với nước mặt, với các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn, quan hệ thủy lực giữa các tầng chứa nước;
+ Diễn biến mực nước, chất lượng nước
- Xác định các đặc điểm cơ bản về hình thái, số lượng, chất lượng của các nguồn nước mặt và mối quan hệ của chúng với tầng chứa nước;
- Đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất, bao gồm: vị trí, lưu lượng, chế độ khai thác và sự biến đổi của lưu lượng khai thác; mục đích khai thác, sử dụng nước của từng công trình và tổng lượng nước đang khai thác; đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình dự kiến khai thác đến các công trình này;
- Xác định vị trí, quy mô các nguồn gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm và khoảng cách đến khu vực dự kiến bố trí công trình khai thác nước.
Trường hợp công trình khai thác có lưu lượng từ 10.000m3/ngày đêm trở lên, thì phải tính toán cân bằng nước trong khu vực và đánh giá nguồn hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất; đề xuất mạng quan trắc nước dưới đất của công trình.
b) Trong phạm vi khu vực bố trí công trình khai thác:
Đối với khu vực bố trí công trình khai thác nước dưới đất, ngoài các nội dung, yêu cầu được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này còn phải thực hiện các nội dung, yêu cầu sau:
- Xác định chiều sâu phân bố của từng lớp đất đá tại các vị trí lỗ khoan;
- Xác định các thông số địa chất thủy văn và đánh giá trữ lượng khai thác của công trình;
- Đánh giá chất lượng nguồn nước theo mục đích sử dụng;
- Đề xuất sơ đồ bố trí công trình khai thác, bao gồm; dạng công trình, số lượng và vị trí giếng khoan, lưu lượng và mực nước hạ thấp dự báo tại giếng khoan; cấu trúc giếng khoan khai thác và giới hạn mực nước động lớn nhất của từng giếng;
- Xác định hiệu suất giếng khoan (nếu kết hợp lắp đặt giếng khai thác);
- Đánh giá, dự báo những ảnh hưởng, tác động về xâm nhập mặn, biến đổi chất lượng nước, sụt lún mặt đất và các tác động khác do khai thác dưới đất gây ra, và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác trong khu vực ảnh hưởng tới nguồn nước dưới đất. Đề xuất đới phòng hộ vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình khai thác.
3. Đối với dự án phục vụ xây dựng công trình khai thác có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3000m3/ngày đêm:
a) Trong phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình khai thác:
Tùy theo lưu lượng của từng công trình và mức độ điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất ở từng vùng, từng khu vực mà nội dung, yêu cầu đánh giá tài nguyên nước trong trường hợp này có thể bao gồm toàn bộ hoặc một số nội dung, yêu cầu sau:
- Mô tả các đặc điểm, đặc trưng chung của từng tầng chứa nước, tầng chứa nước yếu hoặc tầng cách nước, bao gồm: phạm vi và diện tích phân bố, chiều sâu, chiều dày, thành phần đất đá; tính chất thấm nước, chứa nước; chiều sâu mực nước tĩnh và các thông số địa chất thủy văn (nếu có);
- Mô tả các đặc điểm, đặc trưng chung của động thái nước dưới đất, bao gồm: mực nước tĩnh, chất lượng nước, quan hệ của nước dưới đất với nước mặt, với các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn, quan hệ thủy lực giữa các tầng chứa nước và điều kiện biên của các tầng chứa nước (nếu có);
- Mô tả đặc điểm chung về hình thái, chất lượng của các nguồn nước mặt (nếu có) và mối quan hệ của chúng với các tầng chứa nước;
- Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, bao gồm: vị trí, lưu lượng, mục đích khai thác, sử dụng nước của từng công trình và tổng lượng nước đang khai thác; đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình dự kiến khai thác đến các công trình này;
- Xác định vị trí, quy mô các nguồn gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm và khoảng cách đến khu vực dự kiến bố trí công trình khai thác nước.
b) Trong phạm vi khu vực bố trí công trình khai thác:
Đối với khu vực bố trí công trình khai thác nước dưới đất, ngoài các nội dung, yêu cầu được quy định tại điểm a khoản 3 Điều này còn phải thực hiện các nội dung, yêu cầu sau:
- Xác định chiều sâu phân bố, chiều dày của từng lớp đất đá tại các vị trí lỗ khoan;
- Lập đồ thị bơm hút nước thí nghiệm và xác định mực nước hạ thấp của từng giếng theo đồ thị, hoặc xác định thông số địa chất thủy văn theo kết quả bơm hút nước thí nghiệm và dự báo mực nước hạ thấp của từng giếng;
- Đánh giá chất lượng nguồn nước theo mục đích sử dụng;
- Đề xuất vị trí, cấu trúc, lưu lượng khai thác, chế độ khai thác của từng giếng khoan khai thác và tính toán xác định giới hạn mực nước động lớn nhất của từng giếng;
- Xác định hiệu suất giếng khoan (nếu kết hợp lắp đặt giếng khai thác);
- Đề xuất đới phòng hộ vệ sinh bảo vệ công trình khai thác.
4. Đối với dự án phục vụ xây dựng công trình khai thác có lưu lượng dưới 200m3/ngày đêm:
a) Xác định chiều sâu phân bố, chiều dầy, thành phần đất đá của tầng chứa nước khai thác tại các vị trí lỗ khoan;
b) Thống kế các công trình khai thác hiện có trong phạm vi bán kính đến 200m kể từ công trình dự kiến khai thác;
c) Xác định mực nước tĩnh; mực nước hạ thấp của từng giếng khai thác theo kết quả bơm hút nước thí nghiệm;
d) Đánh giá chất lượng nguồn nước theo mục đích sử dụng;
đ) Đề xuất cấu trúc, lưu lượng, chế độ khai thác của từng giếng khai thác và xác định giới hạn mực nước động lớn nhất của từng giếng; đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình dự kiến khai thác đến các công trình hiện có trong phạm vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
e) Xác định hiệu suất giếng khoan (nếu kết hợp lắp đặt giếng khai thác);
g) Đề xuất đới phòng hộ vệ sinh bảo vệ công trình khai thác.
Điều 14. Hồ sơ sản phẩm
Tùy theo đặc điểm của từng vùng, quy mô và yêu cầu cụ thể của từng dự án, hồ sơ sản phẩm của các dự án điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất, bao gồm:
1. Đối với dự án điều tra, đánh giá chi tiết khu vực có triển vọng khai thác nước dưới đất:
a) Bản đồ:
- Bản đồ tài liệu thực tế địa chất thủy văn;
- Bản đồ địa chất thủy văn chung cho toàn khu vực và của từng tầng chứa nước;
- Bản đồ phân bố chiều sâu, chiều dầy và các thông số địa chất thủy văn của từng tầng chứa nước;
- Bản đồ công trình khai thác hiện có và công trình dự kiến khai thác;
- Bản đồ dự báo mực nước hạ thấp của từng tầng chứa nước;
- Bản đồ chất lượng nước, dự báo xâm nhập mặn và biến đổi chất lượng nước (nếu có).
b) Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất; các báo cáo chuyên đề và phụ lục kèm theo được quy định trong quyết định phê duyệt đề cương dự án;
c) Các sản phẩm khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
2. Đối với dự án phục vụ xây dựng công trình khai thác có lưu lượng từ 3000m3/ngày đêm trở lên:
a) Bản đồ:
- Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 hoặc 1:25.000;
- Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn khu vực tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 hoặc lớn hơn;
- Sơ đồ vị trí các công trình đã thi công và vị trí các công trình dự kiến khai thác tỷ lệ 1:25.000 đến 1:10.000 hoặc lớn hơn.
b) Báo cáo kết quả đánh giá trữ lượng khai thác nước dưới đất;
c) Các phụ lục:
- Bản vẽ hình trụ cột địa tầng, cấu trúc các giếng khoan đã thi công và cấu trúc các giếng khoan dự kiến khai thác hoặc cấu trúc các giếng khoan khai thác (nếu đã lắp đặt giếng khai thác);
- Kết quả bơm hút nước thí nghiệm, quan trắc động thái nước dưới đất và tính toán các thông số địa chất thủy văn;
- Kết quả phân tích chất lượng nước, phân tích mẫu đất;
- Kết quả đánh giá trữ lượng khai thác bằng các phương pháp khác nhau;
- Kết quả đo địa vật lý, kết quả đo trắc địa và các tài liệu khác (nếu có).
d) Các sản phẩm khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
3. Đối với dự án phục vụ xây dựng công trình khai thác có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3000m3/ngày đêm:
a) Bản đồ:
- Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 hoặc lớn hơn;
- Sơ đồ vị trí các công trình đã thi công và vị trí các công trình dự kiến khai thác tỷ lệ 1:25.000 đến 1:10.000 hoặc lớn hơn.
b) Báo cáo kết quả đánh giá trữ lượng khai thác nước dưới đất;
c) Các phụ lục:
- Bản vẽ hình trụ cột địa tầng, cấu trúc các giếng khoan đã thi công và cấu trúc các giếng khoan dự kiến khai thác hoặc cấu trúc các giếng khoan khai thác (nếu đã lắp đặt giếng khai thác);
- Kết quả bơm hút nước thí nghiệm, quan trắc động thái nước dưới đất (nếu có);
- Kết quả phân tích chất lượng nước;
- Kết quả đo địa vật lý và các tài liệu khác (nếu có).
d) Các sản phẩm khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương dự án quyết định.
4. Đối với dự án phục vụ xây dựng công trình khai thác có lưu lượng dưới 200m3/ngày đêm:
a) Sơ đồ vị trí giếng;
b) Báo cáo kết quả thi công giếng khoan khai thác;
c) Bản vẽ hình trụ cột địa tầng, cấu trúc các giếng khoan khai thác;
d) Kết quả phân tích chất lượng nước về thành phần hóa học và vi trùng.
5. Các loại bản đồ quy định tại khoản 1 Điều này được xây dựng trên nền bản đồ địa hình VN2000; tỷ lệ bản đồ được quy định cụ thể trong quyết định phê duyệt đề cương dự án.
Các loại bản đồ, sơ đồ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được xây dựng trên nền bản đồ địa hình VN2000. Sơ đồ quy định tại khoản 4 Điều này được xây dựng trên nền bản đồ địa hình VN2000 hoặc bản đồ địa chính.
Chương 3:
TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ QUẢN LÝ VIỆC THỰC HIỆN
DỰ ÁN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Điều 15. Lập dự án
1. Công tác lập dự án bao gồm toàn bộ các công việc nghiên cứu, khảo sát, xác định nội dung chuyên môn, khối lượng các hạng mục, tổ chức thực hiện và dự toán kinh phí để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
2. Nội dung cơ bản của dự án bao gồm:
a) Sự cần thiết, mục tiêu và nhiệm vụ của dự án:
Nêu rõ cơ sở pháp lý, nhu cầu thông tin, dữ liệu và sự cần thiết phải thực hiện dự án; mục tiêu, nhiệm vụ của dự án; thời gian thực hiện, phạm vi thực hiện dự án; đơn vị thực hiện hoặc chủ trù thực hiện dự án; đơn vị phối hợp thực hiện dự án (nếu có); nguồn kinh phí thực hiện dự án.
b) Đánh giá khái quát về hiện trạng thông tin, dữ liệu, những công việc đã làm, những kết quả đã có liên quan đến dự án:
Nêu rõ các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của khu vực thực hiện dự án; đánh giá mức độ đã điều tra, đánh giá theo nội dung yêu cầu của loại dự án tương ứng quy định tại Chương II của Quy định này; tình hình thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất, các kết quả đã thực hiện có liên quan đến nội dung dự án và đánh giá mức độ sử dụng tài liệu phục vụ dự án.
c) Nội dung chính của dự án:
Nêu cụ thể những nội dung công việc cần làm; những phương pháp, kỹ thuật, công nghệ sẽ sử dụng, khối lượng công việc và kết quả đạt được của từng nội dung công việc; sơ đồ dự kiến bố trí công trình thi công (nếu có).
d) Tổ chức thực hiện:
Nêu rõ cách thức tổ chức thực hiện; phân chia giai đoạn hoặc kế hoạch thực hiện hằng năm (nếu có); trình tự, tiến độ thực hiện các hạng mục công việc chính.
đ) Dự toán kinh phí:
Nêu các căn cứ pháp lý sử dụng để lập dự toán và trích dẫn các nội dung đã sử dụng của các văn bản có liên quan. Dự toán chi tiết cho từng hạng mục công việc và tổng hợp dự toán của toàn bộ dự án.
Đối với những dự án lớn hoặc những hạng mục công việc chưa lập được dự toán chi tiết của từng công việc cụ thể thì có thể lập dự toán cho từng hạng mục công việc chính. Trong quá trình triển khai dự án sẽ lập dự toán chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e) Các phụ lục (nếu có).
Điều 16. Nội dung, trình tự thẩm định, phê duyệt các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước
1. Nội dung thẩm định:
Tất cả các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước phải được thẩm định nội dung chuyên môn, dự toán kinh phí trước khi phê duyệt. Nội dung thẩm định bao gồm:
a) Nội dung chuyên môn:
- Sự cần thiết thực hiện dự án;
- Cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, thông tin dữ liệu sử dụng để lập dự án và mức độ tin cậy của số liệu;
- Mục tiêu, nhiệm vụ của dự án; mức độ phù hợp giữa mục tiêu và nhiệm vụ của dự án;
- Sự phù hợp giữa nội dung, khối lượng các hạng mục công việc với nội dung yêu cầu và hồ sơ sản phẩm của loại dự án tương ứng quy định tại Chương II của Quy định này và với mục tiêu, nhiệm vụ của dự án;
- Tính hợp lý của giải pháp kỹ thuật, công nghệ và tổ chức thực hiện dự án;
- Tính khả thi, hiệu quả của dự án;
- Sản phẩm và mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu theo mục tiêu của dự án.
b) Dự toán kinh phí:
- Sự phù hợp của dự án với nhiệm vụ kế hoạch được giao;
- Căn cứ xác định đơn giá và mức độ chính xác của dự toán kinh phí.
2. Trình tự thẩm định, phê duyệt dự án:
a) Sau khi dự án được lập, đơn vị được giao, hoặc được đặt hàng xây dựng dự án tổ chức thẩm định ở cấp cơ sở. Quy trình thẩm định ở cấp cơ sở do thủ trưởng đơn vị quyết định;
b) Trên cơ sở kết quả thẩm định ở cấp cơ sở, đơn vị được giao hoặc được đặt hàng xây dựng dự án gửi hồ sơ dự án, gồm tờ trình và năm (05) bộ hồ sơ dự án tới:
- Cục Quản lý tài nguyên nước đối với trường hợp dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý;
- Sở Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
c) Các cơ quan quản lý tài nguyên nước quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn của dự án và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. Khi xét thấy cần thiết, thủ trưởng cơ quan có thể thành lập hội đồng thẩm định, hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng thẩm định đối với những dự án có phạm vi, nội dung tính chất và quy mô lớn, có tính quốc gia liên ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Thời gian thẩm định không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án;
d) Sau khi có kết quả thẩm định nội dung chuyên môn của dự án, cơ quan quản lý tài nguyên nước thông báo cho đơn vị xây dựng dự án để chỉnh sửa. Dự án sau khi được chỉnh sửa về nội dung chuyên môn được gửi lại cơ quan quản lý tài nguyên nước kèm theo tờ trình đề nghị phê duyệt, trong đó nêu rõ những nội dung đã được tiếp thu sửa chữa.
Thời gian chỉnh sửa và gửi lại hồ sơ dự án không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo sửa chữa;
đ) Trên cơ sở dự án đã được chỉnh sửa, cơ quan cơ quan quản lý tài nguyên nước trình cấp có thẩm quyền để thẩm định dự toán kinh phí và phê duyệt hoặc thẩm định dự toán kinh phí và phê duyệt theo thẩm quyền đối với những dự án đã được phân cấp, ủy quyền.
Điều 17. Nội dung, trình tự thẩm định, phê duyệt dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước
1. Đối với các dự án điều tra, đánh giá chi tiết quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 13 của Quy định này:
a) Nội dung, trình tự thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 07 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, và Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24 tháng 06 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Sau khi có quyết định phê duyệt dự án của cơ quan quản lý tài nguyên nước, chủ đầu tư dự án tổ chức thẩm định, phê duyệt kinh phí dự án theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với các dự án không quy định tại khoản 1 Điều này:
Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư dự án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Điều 18. Quản lý việc thực hiện các dự án
1. Đối với các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì việc quản lý thực hiện các dự án thực hiện theo Quy chế lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và thực hiện các dự án, đề án chuyên môn thuộc phạm vi phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 814/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 06 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Đối với các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thì việc quản lý thực hiện, nghiệm thu dự án thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Đối với các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thì việc quản lý thực hiện các dự án thực hiện theo quy định của chủ đầu tư dự án./.
01
|
Văn bản căn cứ |
02
|
Văn bản căn cứ |
03
|
Văn bản căn cứ |
04
|
Văn bản căn cứ |
05
|
Văn bản thay thế |
06
|
Văn bản dẫn chiếu |
07
|
Văn bản dẫn chiếu |
08
|
Văn bản dẫn chiếu |
09
|
Văn bản dẫn chiếu |
Quyết định 13/2007/QĐ-BTNMT Quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Số hiệu: | 13/2007/QĐ-BTNMT |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 04/09/2007 |
Hiệu lực: | 29/09/2007 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường |
Ngày công báo: | 14/09/2007 |
Số công báo: | 670&671 - 9/2007 |
Người ký: | Nguyễn Công Thành |
Ngày hết hiệu lực: | 10/02/2019 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!