Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 28-TN/NT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Ngô Thiết Thạch |
Ngày ban hành: | 26/07/1984 | Hết hiệu lực: | 01/01/1995 |
Áp dụng: | 26/07/1984 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 28-TN/NT NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1984 SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 25-TC/NT NGÀY 5 THÁNG 12 NĂM 1980 VỀ VIỆC THU VÀ SỬ DỤNG 10% PHÍ PHỤC VỤ ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH
Thi hành Công văn số 2815/V7 ngày 2-7-1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí phục vụ của khách nước ngoài. Bộ Tài chính đã có Thông tư số 25-TC/NT ngày 5-12-1980 hướng dẫn việc thu và quản lý sử dụng số phí này.
Qua kết quả kiểm tra thực tế ở một số đơn vị khách sạn Bộ Tài chính thấy việc thực hiện chế độ thu và sử dụng 10% phí phục vụ có những điểm chưa đúng với tinh thần và nội dung chế độ đã ban hành.
- Có những trường hợp đã thu mức 10% phí phục vụ trên giá bảo đảm kinh doanh;
- Thu chưa đúng đối tượng cho phép. Đã thu cả những trường hợp khách hàng là các Bộ, ngành trường học, các đơn sản xuất kinh doanh;
- Thu về các dịch vụ bán hàng nguyên đai, nguyên kiện như rượu, bia bán cả chai, thuốc lá, kẹo nguyên gói, hàng mỹ nghệ v.v...
Việc mở rộng diện thu 10% phí như trên, trong nhiều trường hợp thực chất là gián tiếp lấy tiền từ Ngân sách Nhà nước để tăng thu nhập ngoài quỹ lương và tăng phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên trái với chế độ chung.
Việc phân phối và sử dụng nguồn thu 10% phí phục vụ cũng chưa hợp lý như phân phối số phí thu được không những cho bộ phận trực tiếp phục vụ mà cả cho bộ phận quản lý gián tiếp theo một tỉ lệ thuận với mức lương (coi như tăng mức thu nhập bình quân) nên thực tế đã làm giảm tác dụng kích thích những cá nhân và tập thể có hoạt động trực tiếp phục vụ khách, không thúc đẩy được công tác nâng cao chất lượng phục vụ trong ngành du lịch, không cân đối với chế độ tiền thưởng đối với ngành sản xuất khác và trái với tinh thần cơ bản của chủ trương thu phí phục vụ này.
Để thực hiện đúng tinh thần Công văn số 2815-V7 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí phục vụ của khách nước ngoài đồng thời để khuyến khích ngành du lịch mở rộng hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ khách tận thu phí phục vụ ở các đối tượng không thuộc nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp, Bộ tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm đã quy định tại Điều 3 và Điều 5 của Thông tư số 25-TC/NT ngày 5-12-1980 như sau:
I. MỤC ĐÍCH THU VÀ SỬ DỤNG 10% PHÍ PHỤC VỤ
Việc thu 10% phí phục vụ phải có tác dụng khuyến khích cán bộ, nhân viên trong ngành du lịch làm tốt nhiệm vụ phục vụ khách nước ngoài, làm cho khách cảm thấy được phục vụ chu đáo hơn nên đã tự nguyện đóng góp thêm 10% phí phục vụ.
Ở những đơn vị mà số thu này sau khi chấn chỉnh đúng chế độ mà vẫn còn dồi dào thì ngoài việc dành phần thích đáng làm tiền thưởng trực tiếp cho những người trực tiếp phục vụ có năng suất lao động cao, có thái độ, tác phong và kỹ thuật phục vụ tốt, còn có thể sử dụng một phần số thu 10% phí phục vụ làm nguồn tăng thêm quỹ phúc lợi cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị.
II. NHỮNG ĐỐI TƯỢNG KHÁCH VÀ NHỮNG NGHIỆP VỤ
KINH DOANH DU LỊCH ĐƯỢC PHÉP THU 10% PHÍ PHỤC VỤ
1. Đối tượng khách được phép thu 10% phí phục vụ:
Trong trường hợp bảo đảm chất lượng phục vụ tốt các nghiệp vụ nói ở điểm 2, mục II thì được phép thu ở các đối tượng:
a. Khách nước ngoài:
- Khách quốc tế đi theo đường du lịch;
- Khách vãng lai do họ tự đài thọ mọi chi phí (thương nhân, thuỷ thủ, chuyên gia đến công tác tại Việt Nam);
- Khách thuộc các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế thường trú tại Việt Nam;
- Việt kiều trong các đoàn du lịch do các hãng du lịch nước ngoài tổ chức vào Việt Nam
b. Khách trong nước:
- Khách du lịch nội địa;
- Khách tự trả tiền mặt;
2. Những nghiệp vụ kinh doanh du lịch được phép thu 10% phí phục vụ (vào các đối tượng ghi ở điểm 1, mục II nói trên):
- Thuê phòng ngủ;
- Ăn tại quầy, tại bàn;
- Uống (pha chế "cốc tay" phục vụ tại quầy, bàn tiệc);
- Thuê xe và phương tiện vận chuyển;
- Giặt là, may đo, cắt tóc;
- Các dịch vụ khác như đánh điện, điện thoại, khám chữa bệnh, dạy học, dạy nghề, hướng dẫn du lịch, hướng dẫn vui chơi giải trí.
Mỗi đơn vị khách sạn cần công bố cho khách hàng rõ là dù đối tượng và nghiệp vụ thuộc diện được thu phí phục vụ, nhưng do chất lượng phục vụ chưa đạt yêu cầu, thì khách có quyền không thanh toán khoản thu phí này.
III. NHỮNG ĐỐI TƯỢNG KHÁCH VÀ NHỮNG NGHIỆP VỤ
KINH DOANH KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THU 10% PHÍ PHỤC VỤ
1. Đối tượng khách:
a. Khách nước ngoài:
- Khách quốc tế do Đảng và Nhà nước mời (do ngân sách Nhà nước đài thọ).
- Khách quốc tế do các cơ quan kinh doanh sản xuất mời vào làm việc, do chính cơ quan đó đài thọ hạch toán vào giá thành và chi phí lưu thông.
- Việt kiều về thăm tổ quốc do Ban Việt kiều Trung ương quyết định cho về.
b. Khách trong nước:
- Các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc các Bộ, ngành, uỷ ban, trường học do kinh phí ngân sách cấp;
- Các đơnvị sản xuất, kinh doanh (hạch toán tăng thêm chi phí vào giá thành và phí lưu thông giảm tích luỹ đối với ngân sách Nhà nước).
Tuy các đối tượng nói ở mục III này không thuộc diện thu phí phục vụ, đơn vị kinh doanh du lịch khách sạn vẫn cần bảo đảm chất lượng phục vụ như đối với khách có thu phí (nhất là đối với các đối tượng khách của Đảng và Nhà nước ta mà việc tiếp đón chu đáo là một yêu cầu chính trị).
2. Những mặt hàng bán không qua các lao động dịch vụ, lao động kỹ thuật của người phục vụ như bán nguyên chai, cân bánh, cân kẹo, bao thuốc lá, hàng thủ công mỹ nghệ.
IV. PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG SỐ THU 10% PHÍ PHỤC VỤ
1. - Vì đối tượng thu phí đã được hướng dẫn mở rộng hơn Công văn số 2815-V7 của Thủ tướng Chính phủ (tuy về tinh thần cơ bản của mục đích thu phí vẫn giữ đúng theo công văn số 2815-V7), nay qui định việc vận dụng phân phối và sử dụng số thu 10% phí phục vụ vào các mục đích sau :
- Nơi mà sau khi chấn chỉnh thu đúng đối tượng và loại nghiệp vụ, số thu vẫn còn dồi dào thì vẫn trích theo các tỷ lệ :
+ 60% dành cho quỹ phúc lợi.
+ 30% dùng làm tiền thưởng cho cán bộ, công nhân viên trực tiếp phục vụ.
+ 10% cho quĩ bồi thường.
- Ở nơi mà sau khi chấn chỉnh việc thu phí, số thu bị giảm nhiều thì phải giảm tỷ lệ trích quĩ phúc lợi và tăng tương ứng tỷ lệ dành tiền thưởng cán bộ, công nhân viên trực tiếp phục vụ để bảo đảm thưởng thích đáng về chất lượng phục vụ cho số cán bộ công nhân viên này.
Tỷ lệ phân phối phục vụ và tình hình phân phối sử dụng số thu về phí phục vụ cần được báo cáo công khai cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.
- Nội dung sử dụng các quĩ như sau :
a. Được phép chi từ quĩ phúc lợi cho những mục đích :
- Chi bữa ăn trưa, bồi dưỡng ca, trực ban.
- Sửa chữa và xây dựng nhà cửa để phục vụ đời sống cho cán bộ, công nhân viên.
- Phụ cấp thêm công tác phí (nói chung công tác phí phải thống nhất theo chế độ chung, chỉ phụ cấp thêm trong trường hợp mức phụ cấp đã bất hợp lý, việc phụ cấp thêm và mức phụ cấp thêm được cơ quan tài chính thoả thuận.)
- Tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi tham quan học tập các đơn vị du lịch bạn.
b. Được chi từ quĩ khen thưởng để thưởng cho cán bộ, công nhân viên trực tiếp có năng suất cao, có thái độ và kỹ thuật phục vụ tốt đối với khách.
c. 10% quĩ bồi thường được dùng để bồi thường cho khách trong trường hợp nhân viên khách sạn sơ ý làm hư hỏng tài sản của khách. Sau 1 năm đơn vị nào không chi hết thì phải chuyển số dư từ quĩ bồi thường về Tổng cục Du lịch nộp vào quỹ sửa chữa và phát triển cơ sở hành chính sự nghiệp của Tổng cục Du lịch.
d. Các cơ sở hành chính sự nghiệp trong ngành du lịch, nếu được cấp có thẩm quyền điều vốn từ quĩ bồi thường của các đơn vị kinh doanh du lịch sang dùng vào việc sửa chữa và phát triển cơ sở thì cần phản ánh số vốn này trên quyết toán năm của cơ sở mình.
V. BIỆN PHÁP THI HÀNH:
1. Đề nghị Tổng cục Du lịch hướng dẫn cho các đơn vị kinh doanh trong toàn ngành thực hiện nghiêm chỉnh những qui định trên và chỉ thị cho các đơn vị phản ánh trong quyết toán quí, nắm tình hình thu và sử dụng 10% phí phục vụ theo biểu mẫu đã qui định tại Công văn số 374 - NT/NT ngày 24/10/1983 của Bộ Tài chính.
2. Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch cơ sở, cơ quan tài chính địa phương cần phối hợp với ngân hàng cung cấp thường xuyên theo dõi việc thực hiện chế độ thu và sử dụng 10% phí phục vụ, tiến hành kiểm tra định kỳ việc chấp hành chế độ thu và phân phối số thu về phí phục vụ này.
Các khoản thu sai đối tượng khách và thu sai mặt hàng nghiệp vụ qui định trong văn bản này, nếu phát hiện thì truy thu nộp ngân sách Nhà nước. Nếu việc thu sai chế độ kéo dài một cách có ý thức làm ngân sách phải tăng chi bất hợp lý thì cơ quan tài chính có trách nhiệm quản lý và cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị kinh doanh du lịch có quyền đặt vấn đề với thủ trưởng đơn vị về trách nhiệm bồi hoàn cho công quĩ số tiền thu sai đã nhỡ phân phối.
Chế độ này được thi hành kể từ ngày ban hành và thay cho Thông tư số 25-TC/NT ngày 5/12/80 của Bộ Tài chính.
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số hiệu: | 28-TN/NT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 26/07/1984 |
Hiệu lực: | 26/07/1984 |
Lĩnh vực: | Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Ngô Thiết Thạch |
Ngày hết hiệu lực: | 01/01/1995 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!