Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Số công báo: | 168/2003 |
Số hiệu: | 118/2003/NĐ-CP | Ngày đăng công báo: | 18/10/2003 |
Loại văn bản: | Nghị định | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 13/10/2003 | Hết hiệu lực: | 22/06/2009 |
Áp dụng: | 02/11/2003 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 118/2003/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2003
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG
LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng
1. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là “cá nhân, tổ chức”) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.
2. Nghị định này áp dụng đối với:
a) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định tại Chương II của Nghị định này.
b) Cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Điều 2. Nguyên tắc xử phạt
1. Mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
3. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
4. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.
Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là 02 năm, kể từ ngày cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm a và điểm đ khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì bị xử phạt hành chính; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm hành chính hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Điều 4. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu sau một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, nếu quá 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý thì được coi như chưa bị áp dụng biện pháp đó.
CHƯƠNG II
CÁC HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT
VÀ MỨC XỬ PHẠT
MỤC 1
VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP
Điều 5. Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép đặt Văn phòng đại diện
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không công bố hoặc công bố sai sự thật nội dung hoạt động theo các quy định của pháp luật có liên quan;
b) Không hoạt động sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép;
c) Chậm công bố so với thời hạn quy định các nội dung thay đổi đã được chấp thuận theo quy định tại Điều 69 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép đặt văn phòng đại diện.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Thuê, mượn, chuyển nhượng Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện;
b) Tẩy xoá, sửa chữa Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện;
c) Kinh doanh hoặc hoạt động không đúng nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện;
d) Tiếp tục hoạt động, kinh doanh khi đã bị đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc đã bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh môi giới bảo hiểm không có Giấy phép;
b) Nhận dịch vụ môi giới bảo hiểm do doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài không được phép hoạt động tại Việt Nam cung cấp.
5. Hình thức xử phạt bổ sung
Tước quyền sử dụng Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép đặt Văn phòng đại diện đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 1; khoản 2; điểm b và điểm c khoản 3 Điều này.
6. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc công bố nội dung hoạt động hoặc đính chính các nội dung hoạt động đã công bố sai sự thật đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Điều 6. Vi phạm các quy định về trụ sở làm việc, thành lập, giải thể doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mở, chấm dứt hoạt động, thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mà chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy phép thành lập và hoạt động đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này gây ra.
Điều 7. Vi phạm về quản trị, điều hành, kiểm soát
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) khi chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Điều 8. Vi phạm về thay đổi tên gọi, mức vốn, nội dung, phạm vi hoạt động
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với việc thay đổi tên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng do thay đổi một trong những nội dung sau đây mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản:
a) Mức vốn điều lệ;
b) Nội dung, phạm vi và thời gian hoạt động;
c) Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 9. Vi phạm quy định về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiến hành việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi không đáp ứng đầy đủ các điều kiện của việc chuyển giao theo quy định của pháp luật;
b) Tiến hành việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản;
c) Không công bố và thông báo việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản theo các quy định của pháp luật.
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra được quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.
MỤC 2
VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ KHAI THÁC BẢO HIỂM
Điều 10. Cạnh tranh bất hợp pháp
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong những hành vi sau đây:
a) Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, hoặc của doanh nghiệp bảo hiểm khác;
b) Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác;
c) Khuyến mại bất hợp pháp;
d) Thoả thuận hạn chế cạnh tranh gây thiệt hại cho quyền lợi của bên mua bảo hiểm.
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính theo hình thức và thủ tục do pháp luật quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 11. Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm trái pháp luật
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc mua bảo hiểm, sử dụng dịch vụ môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm dưới mọi hình thức.
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra được quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 12. Vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm được kinh doanh bảo hiểm bắt buộc từ chối bán bảo hiểm bắt buộc cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua bảo hiểm bắt buộc;
b) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động môi giới bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam.
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 13. Vi phạm các quy định về tái bảo hiểm bắt buộc
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong những hành vi sau đây:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ tái bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối nhận tái bảo hiểm bắt buộc toàn bộ hoặc một phần theo quy định của pháp luật.
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 14. Tham gia bảo hiểm tại nước ngoài trái pháp luật
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong những hành vi sau đây:
1. Mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam hoặc của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam trái với các quy định của pháp luật;
2. Ép buộc cá nhân, tổ chức khác tham gia bảo hiểm tại nước ngoài trái với các quy định của pháp luật.
Điều 15. Hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, giải quyết khiếu nại bảo hiểm
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi trục lợi để nhận tiền bồi thường, tiền bảo hiểm.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hay doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
b) Đồng loã với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm hành chính gây ra được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 16. Vi phạm về bí mật hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cán bộ, nhân viên hay đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi tiết lộ bí mật, thông tin có liên quan đến việc giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Điều 17. Vi phạm các quy định về sử dụng điều khoản, quy tắc, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng các quy tắc, điều khoản mà chưa đăng ký với Bộ Tài chính hay không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, do Bộ Tài chính phê chuẩn, ban hành;
b) Doanh nghiệp bảo hiểm trả hoa hồng bảo hiểm cao hơn tỷ lệ hay trả hoa hồng bảo hiểm không đúng đối tượng theo quy định pháp luật;
c) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện việc tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm chưa được Bộ Tài chính ban hành, phê chuẩn hoặc chưa được đăng ký với Bộ Tài chính.
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm hành chính gây ra được quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 18. Vi phạm các quy định về tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và hoạt động của đại lý bảo hiểm
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không tuân thủ các quy định về đào tạo đại lý bảo hiểm, tuyển dụng, sử dụng đại lý bảo hiểm không đủ điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm, không có chứng chỉ đại lý, không ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm;
b) Cá nhân hoạt động đại lý mà không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 86 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
c) Đại lý bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật nhằm mục đích lừa dối bên mua bảo hiểm.
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm hành chính gây ra được quy định tại khoản 1 Điều này.
MỤC 3
VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH,
HẠCH TOÁN KẾ TOÁN VÀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Điều 19. Vi phạm quy định về vốn và ký quỹ
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không đảm bảo tiến độ góp vốn theo quy định tại điều lệ;
b) Không nộp đủ hoặc không nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không duy trì mức vốn điều lệ đã đóng tối thiểu bằng mức vốn pháp định;
b) Sử dụng tiền ký quỹ trái với quy định của pháp luật.
3. áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc bổ sung tiền ký quĩ hoặc nộp tiền ký quĩ theo qui định của pháp luật;
c) Buộc thu hồi số tiền ký quỹ sử dụng trái quy định đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
d) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 20. Vi phạm quy định về dự trữ bắt buộc, trích lập, quản lý và sử dụng dự phòng nghiệp vụ
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không trích lập hoặc trích lập không đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định;
b) Không tuân thủ phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ đã đăng ký với Bộ Tài chính;
c) Không trích lập hoặc trích lập không đủ dự trữ bắt buộc theo quy định;
d) Sử dụng quỹ dự trữ bắt buộc, dự phòng nghiệp vụ không đúng quy định.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ, dữ trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Thu hồi số tiền dự phòng nghiệp vụ, dự trữ bắt buộc sử dụng không đúng theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d, khoản 2 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 21. Vi phạm các quy định về đầu tư vốn
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đầu tư ngoài các lĩnh vực được phép đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Đầu tư quá tỷ lệ được phép vào mỗi danh mục đầu tư;
c) Sử dụng nguồn vốn dự phòng nghiệp vụ để đầu tư ra nước ngoài;
d) Sử dụng các nguồn vốn đầu tư trái với quy định của pháp luật
2. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại hoạt động đầu tư theo đúng qui định của pháp luật;
b) Thu hồi số tiền đầu tư trái với các quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 22. Vi phạm các quy định về an toàn tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không báo cáo kịp thời với Bộ Tài chính khi doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng thanh toán;
b) Không tuân thủ đúng thời hạn xây dựng và thực hiện phương án khôi phục khả năng thanh toán, củng cố tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp;
c) Không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính về việc khôi phục khả năng thanh toán.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì khả năng thanh toán vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hoạt động.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hẹp nội dung, phạm vi, địa bàn hoạt động đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 23. Vi phạm về quản lý thông tin, báo cáo hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Các hành vi vi phạm và việc xử lý các vi phạm hành chính trong chế độ kế toán, báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
Điều 24. Vi phạm các quy định về thanh tra, kiểm tra và giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi trì hoãn, lẩn tránh, hoặc không cung cấp tài liệu, số liệu theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát; hoặc có thủ đoạn đối phó với thanh tra viên, cán bộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang thi hành nhiệm vụ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan thanh tra, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
b) Can thiệp vào việc xử lý của cơ quan thanh tra, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
c) Giấu diếm, sửa chữa chứng từ, sổ sách hoặc thay đổi tang vật trong khi đang bị thanh tra;
d) Tự ý tháo bỏ, di chuyển hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng niêm phong: kho, quỹ, sổ sách, chứng từ kế toán, hồ sơ bảo hiểm hoặc các tang vật đang bị niêm phong, tạm giữ.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
Đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
CHƯƠNG III
THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM
Điều 25. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
1. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Điều 29 và Điều 30 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
2. Thanh tra viên Bộ Tài chính, Thanh tra viên Sở Tài chính đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này, trừ biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
3. Chánh thanh tra Sở Tài chính có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại Nghị định này, trừ biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
4. Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức cao nhất quy định tại Nghị định này;
c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
CHƯƠNG IV
THỦ TỤC XỬ PHẠT, THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT
VÀ KHIẾU NẠI
Điều 26. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Chương VI của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002.
Điều 27. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002.
Điều 28. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chống đối người thi hành công vụ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi chống đối người thi hành công vụ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.
Điều 29. Khen thưởng và kỷ luật
1. Cá nhân, tổ chức có thành tích trong đấu tranh và phòng, chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì được xét khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
2. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có hành vi che dấu hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm hoặc không chấp hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm hết hiệu lực thi hành sau 01 năm, kể từ ngày ra quyết định; trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì không áp dụng thời hiệu quy định tại Điều này.
Điều 31. Khiếu nại và tố cáo
Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Tổ chức thực hiện
Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thi hành Nghị định này.
Điều 33. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
01
|
Văn bản căn cứ |
02
|
Văn bản căn cứ |
03
|
Văn bản căn cứ |
04
|
Văn bản thay thế |
05
|
Văn bản được hướng dẫn |
06
|
Văn bản hướng dẫn |
07
|
Nghị định 118/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
In lược đồCơ quan ban hành: | Chính phủ |
Số hiệu: | 118/2003/NĐ-CP |
Loại văn bản: | Nghị định |
Ngày ban hành: | 13/10/2003 |
Hiệu lực: | 02/11/2003 |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính, Bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ |
Ngày công báo: | 18/10/2003 |
Số công báo: | 168/2003 |
Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày hết hiệu lực: | 22/06/2009 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!