hieuluat

Công văn 289/LĐTBXH-BĐG thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2013

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 289/LĐTBXH-BĐG Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Công văn Người ký: Nguyễn Thanh Hòa
    Ngày ban hành: 28/01/2013 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 28/01/2013 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Chính sách
  •  

    BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
    ----------------

    Số: 289/LĐTBXH-BĐG
    V/v: Triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2013.

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -------------------------

    Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2013

     

     

    Kính gửi:

    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
    - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

     

     

    Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới trên phạm vi cả nước đã thu được những kết quả bước đầu, song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các Chiến lược, Chương trình có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Ban, ngành liên quan tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm trong năm 2013 như sau:

    1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

    - Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cụ thể:

    + Đối tượng: Năm 2013, đề nghị tập trung vào nhóm đối tượng trẻ như thanh niên, học sinh, sinh viên, cán bộ làm truyền thông và các cấp lãnh đạo.

    + Nội dung: Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, giáo dục về Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thông qua các hình thức phù hợp để tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về bình đẳng giới đối với toàn xã hội.

    Chú trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng định kiến giới là nguyên nhân làm gia tăng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, chú trọng tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; trong đó có vấn đề xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

    + Hình thức: Thông qua các lớp tập huấn, các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình, chiến dịch, truyền thông tại cộng đồng; khuyến khích các địa phương xây dựng và lắp đặt các pano, áp phích, tranh cổ động về bình đẳng giới; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền nhằm tạo hiệu ứng tốt cho công tác truyền thông, lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị...

    - Xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên về bình đẳng giới ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới.

    2. Nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới

    - Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức và cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp theo quy định hiện hành, phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp.

    + Đối với cấp trung ương: Phân công đơn vị chuyên môn để tham mưu, thực hiện công tác bình đẳng giới.

    + Đối với cấp địa phương: Phân công làm rõ trách nhiệm cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

    - Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Tổ chức tập huấn kiến thức về giới và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ, công chức nói chung và cán bộ chuyên trách nói riêng; đối với các cơ quan làm chính sách cần chú trọng tới các lĩnh vực có đông phụ nữ tham gia.

    + Đối với cấp trung ương: Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác xây dựng và hoạch định chính sách, cán bộ pháp chế, thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để từng bước có đủ kiến thức cần thiết xác định được những nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.

    + Đối với cấp địa phương: Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức giới và kỹ năng lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách cho cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới, cán bộ tư pháp, thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ lao động - xã hội cấp xã.

    3. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới

    - Xây dựng và phát triển các hệ thống dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

    - Thí điểm xây dựng các mô hình dịch vụ nhằm hỗ trợ cả nam và nữ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

    - Tăng cường xã hội hóa và công tác phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới.

    4. Công tác thanh tra, kiểm tra về bình đẳng giới

    - Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thanh tra về bình đẳng giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

    - Đẩy mạnh triển khai thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, trong đó có Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất cần tháo gỡ trong việc thực hiện Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

    5. Về triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015

    Căn cứ nội dung được nêu tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, thực trạng công tác bình đẳng giới của đơn vị và chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí chi tiết các hoạt động gắn với từng dự án năm 2013. Trong đó, tập trung ưu tiên những hoạt động phù hợp nhiệm vụ và thế mạnh của đơn vị; đồng thời chú ý lồng ghép với các chương trình, dự án khác mà đơn vị đang quản lý hoặc đang thực hiện.

    Năm 2013, Ngân sách trung ương đã bố trí kinh phí cho một số Bộ, ngành trung ương và hỗ trợ có mục tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

    a) Đối với cơ quan trung ương:

    Năm 2013, ngân sách bố trí cho các Bộ: Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin truyền thông; Ủy ban Dân tộc để thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Đề nghị các Bộ căn cứ vào dự toán đã được thông báo, phân bố cho các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả kinh phí được giao; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính kết quả thực hiện kinh phí được giao của năm 2012 (Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 28/2/2012).

    b) Đối với địa phương:

    Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thông báo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Công văn số 4359/LĐTBXH-KHTC ngày 22/11/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó lưu ý:

    - Đây là phần kinh phí trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm phân bố cho các Sở, ngành, địa phương để thực hiện; đồng thời cần bố trí đủ ngân sách địa phương theo Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và yêu cầu của Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2011 - 2015, Thông tư liên tịch số 56/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 9/4/2012 về việc quy định và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.

    - Duy trì bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên cho công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ theo quy định tại Thông tư 191/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, không vì lý do có kinh phí hỗ trợ của Trung ương mà cắt giảm kinh phí hoạt động thường xuyên từ nguồn ngân sách của địa phương.

    - Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa gửi dự toán kinh phí chi tiết các hoạt động gắn với từng dự án cho cả giai đoạn đến năm 2015 (theo từng năm) theo yêu cầu tại công văn số 1275/LĐTBXH-BĐG ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 trong năm 2012, đề nghị gửi ngay về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ sở phân bổ ngân sách các năm tiếp theo cho các địa phương (Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được Dự toán kinh phí của 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

    - Đối với Dự án hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới (Dự án 4), căn cứ vào hướng dẫn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì thực hiện các mô hình (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình, khuyến khích cộng đồng phát huy ý tưởng sáng tạo trong thực hiện và nhân rộng mô hình.

    Kinh phí trung ương bố hỗ trợ có mục tiêu cho các Mô hình cụ thể như sau:

    + Mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới: 70 triệu đồng/mô hình.

    + Mô hình hỗ trợ làng xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới: 3 triệu đồng/mô hình x 5 mô hình/tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    + Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại 30 xã phường, thị trấn ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 45 triệu đồng/mô hình.

    6. Thực hiện chế độ báo cáo và thu thập số liệu thống kê tách biệt giới

    - Báo cáo kết quả thực hiện bình đẳng giới của Bộ, ngành, địa phương về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Bình đẳng giới) trước ngày 15 tháng 12 năm 2013 để tổng hợp.

    - Chủ động thu thập các số liệu thống kê tách biệt giới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành và trong phạm vi đơn vị, địa phương để phục vụ cho việc soạn thảo báo cáo cũng như nghiên cứu xây dựng chính sách có nhạy cảm giới.

    Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Bình đẳng giới) để phối hợp xử lý./.

     

     Nơi nhận:
    - Như trên;
    - PTTg Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo);
    - Bộ trưởng (để báo cáo);
    - Bộ Tài chính;
    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
    - Vụ KHTC;
    - Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố;
    - Website UBQG;
    - Lưu: VT, Vụ BĐG.

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Nguyễn Thanh Hòa

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X