hieuluat

Quyết định 1934/QĐ-BTP phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng.

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 1934/QĐ-BTP Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Quyết định Người ký: Hà Hùng Cường
    Ngày ban hành: 09/10/2008 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 09/10/2008 Tình trạng hiệu lực: Đã sửa đổi
    Lĩnh vực: Cơ cấu tổ chức, Tư pháp-Hộ tịch
  • BỘ TƯ PHÁP

     

    Số: 1934/QĐ-BTP

     

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2008

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Về việc phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng

     

     

    BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

     

     

    Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

    Căn cứ Quy chế làm việc mẫu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 337/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ;

    Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng Bộ,

     

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

     

    Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng

    1. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ; là người đứng đầu, lãnh đạo Bộ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội về quản lý Nhà nước các lĩnh vực công tác tư pháp thuộc Bộ phụ trách; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất quản lý công tác tư pháp trong phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo, điều hành những vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

    2. Bộ trưởng phân công cho các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, xử lý thường xuyên, toàn bộ các công việc trong các lĩnh vực, đơn vị và địa bàn công tác được phân công, trừ một số công việc, đơn vị, địa bàn do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo.

    Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, Thứ trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng và nhân danh Bộ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các công việc thuộc các lĩnh vực, đơn vị, địa bàn công tác được phân công. Các Thứ trưởng đề xuất hoặc báo cáo Bộ trưởng các điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí, tài chính, về công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, kỷ luật...; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ, về duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, đoàn kết nội bộ, chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về những vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở các lĩnh vực, đơn vị phụ trách.

    Thứ trưởng phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng về những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương, những vấn đề do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo và những vấn đề mới phát sinh chưa có trong quy định của Đảng và Nhà nước.

    Trong khi thực thi nhiệm vụ, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực, đơn vị,  địa bàn do Thứ trưởng khác phụ trách thì các Thứ trưởng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau hoặc liên quan đến lĩnh vực, đơn vị, địa bàn do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách thì Thứ trưởng đang phụ trách giải quyết công việc đó báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

    3. Bộ trưởng phân công một Thứ trưởng làm nhiệm vụ thường trực. Thứ trưởng Thường trực, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công như các Thứ trưởng khác, còn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

    a) Điều phối các hoạt động chung của cơ quan Bộ theo chương trình, kế hoạch công tác của Bộ và theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng;

    b) Thay mặt Bộ trưởng chỉ đạo, giải quyết các công việc do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách và ký các văn bản thay Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt hoặc uỷ quyền;

    c) Chủ trì việc phối hợp hoạt động giữa các Thứ trưởng;

    d) Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Bộ; giải quyết các công việc phát sinh hàng ngày;

    đ) Chủ trì các cuộc họp, giao ban, hội ý Lãnh đạo Bộ; chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung và thông báo kết luận các cuộc họp, giao ban, hội ý Lãnh đạo Bộ;

    e) Giải quyết một số công việc cấp bách của Thứ trưởng khác khi Thứ trưởng đó vắng mặt hoặc theo sự phân công của Bộ trưởng.

    4. Khi Bộ trưởng và Thứ trưởng Thường trực đều vắng mặt và  được Bộ trưởng giao thì một Thứ trưởng khác làm nhiệm vụ thay Thứ trưởng Thường trực và chịu trách nhiệm giải quyết công việc của Thứ trưởng Thường trực.

    5. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng trực tiếp xử lý công việc đã phân công cho các Thứ trưởng. Tuỳ theo tình hình thực tế, để đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ, Bộ trưởng sẽ xem xét, điều chỉnh việc phân công công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

    Khi có sự điều chỉnh việc phân công công tác giữa các Thứ trưởng thì các Thứ trưởng phải bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nhau và báo cáo Bộ trưởng biết.

    6. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành các công việc cụ thể được phân công, Bộ trưởng, Thứ trưởng phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với Thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ đó theo quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của mình. Bộ trưởng, các Thứ trưởng không giải quyết các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo Bộ.

    7. Bộ trưởng và các Thứ trưởng duy trì các cuộc giao ban Lãnh đạo Bộ định kỳ hàng tuần, họp Lãnh đạo Bộ định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và năm; khi cần thiết còn có các cuộc họp, giao ban, hội ý đột xuất để phối hợp xử lý công việc.

    Nội dung và thời gian các cuộc họp, giao ban, hội ý Lãnh đạo Bộ do Bộ trưởng quyết định hoặc do các Thứ trưởng đề nghị Bộ trưởng xem xét, quyết định. Thứ trưởng Thường trực chỉ đạo Chánh Văn phòng Bộ chuẩn bị nội dung, thời gian các cuộc họp, giao ban, hội ý và xin ý kiến các Thứ trưởng có liên quan trước khi trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.

    Các cuộc họp, giao ban, hội ý Lãnh đạo Bộ do Thứ trưởng Thường trực chủ trì, Chánh Văn phòng Bộ báo cáo về kết quả chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác trong tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm, đồng thời dự kiến kế hoạch, chương trình công tác tiếp theo; báo cáo những vấn đề mới phát sinh, các công việc cần phối hợp xử lý; Thứ trưởng trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Chánh Văn phòng Bộ, hoặc Thủ trưởng đơn vị trực tiếp phụ trách trình bày nội dung cụ thể các công việc cần phối hợp xử lý. Bộ trưởng kết luận nội dung các cuộc họp, giao ban, hội ý và chậm nhất sau 03 ngày làm việc, Thông báo kết luận của Bộ trưởng được Chánh Văn phòng Bộ ký ban hành và được đăng tải trên cổng Thông tin điện tử  nội bộ của Bộ theo quy định.

    Điều 2. Nội dung công tác được phân công và trách nhiệm, quyền hạn của Thứ trưởng

    Thứ trưởng giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ trưởng và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. Trong phạm vi lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, Thứ trưởng có trách nhiệm và quyền hạn sau:

    1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, hàng năm, các cơ chế, chính sách, các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ trình Bộ trưởng ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật.

    2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ công tác tư pháp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề nghị Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp, xử lý các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

    3. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền được phân công và những vấn đề mà giữa các Bộ, ngành, địa phương, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ không thống nhất được ý kiến; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được phân công;

    Đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách, phương thức, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Bộ đối với các lĩnh vực công tác được phân công.

    4. Thứ trưởng không xử lý các vấn đề không được Bộ trưởng phân công và những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.

    Điều 3. Phân công công tác cụ thể của Bộ trưởng và các Thứ trưởng

    1. Bộ trưởng Hà Hùng Cường

    a) Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành mọi mặt hoạt động của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ; những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

    b) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

    - Chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch công tác dài hạn, năm  năm và hàng năm;

    - Công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh, quốc phòng;

    - Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật;

    - Công tác Kế hoạch - Tài chính toàn ngành;

    - Cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp thuộc phạm vi, quyền hạn của Bộ;

    - Phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Trung ương của Đảng, trừ những cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương được phân công cho các Thứ trưởng trực tiếp phụ trách công tác phối hợp;

    - Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Chính phủ, thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công.

    c) Phụ trách các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.

    d) Chỉ đạo công tác tư pháp của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên

    a) Làm nhiệm vụ Thứ trưởng Thường trực.

    b) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

    - Xây dựng và theo dõi chung việc thi hành pháp luật về hình sự, hành chính và pháp luật quốc tế;

    - Hợp tác quốc tế;

    - Nghiên cứu khoa học pháp lý;

    - Công nghệ thông tin;

    -  Công tác Văn phòng;

    - Thi đua, khen thưởng;

    - Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

    c) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

    d) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

    đ) Phụ trách các đơn vị: Văn phòng Bộ; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Vụ Pháp luật quốc tế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Viện Khoa học pháp lý; Cục Công nghệ thông tin.

    e) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố phía Bắc, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.

    3. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng

    a) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

    - Xây dựng và theo dõi chung việc thi hành pháp luật về dân sự, kinh tế;

    - Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;

    - Hành chính tư pháp;

    - Con nuôi;

    - Đăng ký giao dịch bảo đảm;

    - Trợ giúp pháp lý.

    -  Công tác Đảng.

    b) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

    c) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

    d) Phụ trách các đơn vị: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Hành chính tư pháp; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Cục Trợ giúp pháp lý; Cục Con nuôi.

    đ) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh Miền Đông Nam bộ, bao gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Đắc Nông.

    4. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính

    a) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

    - Thi hành án dân sự;

    - Bổ trợ tư pháp;

    - Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

    - Phòng, chống tham nhũng.

    b) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

    c) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

    d) Phụ trách các đơn vị: Cục Thi hành án dân sự (gồm cả các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương); Vụ Bổ trợ tư pháp; Thanh tra Bộ; Cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

    đ) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ.

    5. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền

    a) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

    - Phổ biến, giáo dục pháp luật;

    - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;

    - Xuất bản, báo chí;

    - Thực hiện quy chế dân chủ;

    - Công tác đoàn thể, vì sự tiến bộ phụ nữ, đời sống cán bộ, công chức.

    b) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

    c) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

    d) Phụ trách các đơn vị: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Trường Đại học Luật Hà Nội; Học viện Tư pháp; Nhà Xuất bản Tư pháp; Tạp chí Dân chủ và pháp luật; Báo Pháp luật Việt Nam. 

    đ) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố Miền trung và Tây nguyên bao gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, thành phố Đà Nẵng.

     Điều 4. Hiệu lực thi hành

    Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 1424/QĐ-BTP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng; bãi bỏ các quy định trước đây của Bộ Tư pháp trái với Quyết định này.

    Bộ trưởng, Thứ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:

    - Ban Bí thư Trung ương (để b/c);

    - Thủ tướng Chính phủ,

      Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng

      (để  b/c);

    - Ban Tổ chức Trung ương (để b/c);

    - Văn phòng Trung ương;

    - Văn phòng Quốc Hội;

    - Văn phòng Chủ tịch nước;

    - Văn phòng Chính phủ;

    - Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;

    - Các bộ, cơ quan ngang bộ,

      cơ quan thuộc Chính phủ;

    - Uỷ ban nhân dân tỉnh,

      thành phố trực thuộc Trung ương;

    - Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự các tỉnh,

      thành phố trực thuộc Trung ương;

    - Các đơn vị thuộc Bộ;

    - Lưu: VT; Vụ TCCB.

    BỘ TRƯỞNG

     

     

     

     

     

    (Đã ký)

     

     

     

     

     

    Hà Hùng Cường

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Quyết định 1934/QĐ-BTP phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng.

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp
    Số hiệu: 1934/QĐ-BTP
    Loại văn bản: Quyết định
    Ngày ban hành: 09/10/2008
    Hiệu lực: 09/10/2008
    Lĩnh vực: Cơ cấu tổ chức, Tư pháp-Hộ tịch
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Hà Hùng Cường
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Đã sửa đổi
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X