hieuluat

Quyết định 48/2006/QĐ-BGDĐT Quy định về việc xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Số công báo: 11&12 - 11/2006
    Số hiệu: 48/2006/QĐ-BGDĐT Ngày đăng công báo: 10/11/2006
    Loại văn bản: Quyết định Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
    Ngày ban hành: 25/10/2006 Hết hiệu lực: 11/12/2009
    Áp dụng: 25/11/2006 Tình trạng hiệu lực: Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, An ninh trật tự
  • BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

     

    Số: 48/2006/QĐ-BGDĐT

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2006

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Ban hành Quy định về việc xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy

     

     

    BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

     

     

    Căn cứ Luật phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;

    Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

    Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    Căn cứ Quyết định số 49/2005/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010";

    Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên,

     

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

    Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc sở giáo dục và đào tạo; giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    BỘ TRƯỞNG

    Nguyễn Thiện Nhân

     

     

     

    QUY ĐỊNH

    Về việc xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BGDĐT

    ngày 25 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

     

    Chương 1:

    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

    1. Văn bản này quy định các nguyên tắc, hình thức, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy.

    2. Văn bản này áp dụng đối với thí sinh trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học vào các cơ sở giáo dục; học sinh, sinh viên, học viên đang học tại các đại học, học viện, trường đại học, dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục phổ thông (dưới đây gọi tắt là người học).

    Điều 2. Giải thích từ ngữ

    Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành;

    2. Chất gây nghiện là chất kích thích, ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng;

    3. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng;

    4. Người học nghiện ma túy là người học sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này;

    5. Tệ nạn ma túy là tình trạng nghiện ma túy, tội phạm về ma túy và các hành vi trái phép khác về ma túy;

    6. Phòng, chống ma túy là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

    Điều 3. Nguyên tắc xem xét, xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy

    1. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật;

    2. Phân biệt trường hợp tự giác khai báo với trường hợp cố tình vi phạm, trốn tránh;

    3. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người học trong quá trình xem xét xử lý; cấm áp dụng biện pháp phạt tiền thay cho hình thức kỷ luật;

    4. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

    Chương 2:

    HÌNH THỨC XỬ LÝ NGƯỜI HỌC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TỆ NẠN MA TÚY

    Điều 4. Trường hợp người học vi phạm quy định về sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng ma túy

    1. Nếu là người đang làm thủ tục nhập học thì thu hồi giấy triệu tập, thông báo cho gia đình và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

    2. Nếu là học sinh, sinh viên, học viên đang học trong các cơ sở giáo dục thì kỷ luật buộc thôi học, thông báo cho gia đình và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

    Điều 5. Trường hợp người học nghiện ma túy

    1. Nếu là người đang làm thủ tục nhập học thì thu hồi giấy triệu tập, thông báo cho gia đình và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức cai nghiện.

    2. Nếu là học sinh, sinh viên, học viên đang học trong các cơ sở giáo dục thì:

    a) Kỷ luật đình chỉ học tập một năm trả về gia đình để phối hợp tổ chức cai nghiện đối với trường hợp không tự giác khai báo;

    b) Cho nghỉ học một năm trả về gia đình để phối hợp tổ chức cai nghiện đối với trường hợp tự giác khai báo.

    Điều 6. Trường hợp người học mới sử dụng ma túy mà chưa nghiện

    1. Nếu tự giác khai báo thì không kỷ luật mà nhà trường tổ chức giáo dục;

    2. Nếu bị phát hiện sử dụng ma túy sẽ bị kỷ luật cảnh cáo và nhà trường tổ chức giáo dục;

    3. Trường hợp tái sử dụng ma túy:

    a) Lần thứ nhất: Đình chỉ học tập một năm;

    b) Lần thứ hai: Buộc thôi học.

    Chương 3:

    THỦ TỤC XỬ LÝ

    Điều 7. Thủ tục xử lý kỷ luật

    Thủ tục xử lý kỷ luật đối với người học có liên quan đến sử dụng ma túy được áp dụng theo quy định tại Quy chế công tác học sinh, sinh viên và quy định về xét kỷ luật đối với học sinh ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

    Điều 8. Thủ tục xử lý đối với người tự giác khai báo

    1. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Quy định này thì thủ tục xử lý thực hiện như sau:

    a) Người học nghiện ma túy làm bản tường trình về tình trạng nghiện của mình và đơn xin nghỉ học để cai nghiện; lớp học tổ chức góp ý kiến cho người học nghiện ma túy với sự chủ trì của giáo viên chủ nhiệm;

    b) Hiệu trưởng ra quyết định cho nghỉ học một năm và giao người học nghiện ma túy cho gia đình để cai nghiện.

    2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này thì thủ tục xử lý thực hiện như sau:

    a) Người học viết bản tường trình về việc sử dụng ma túy của mình, bản cam đoan không tái sử dụng ma túy có xác nhận của gia đình;

    b) Lớp học tổ chức góp ý kiến với sự chủ trì của giáo viên chủ nhiệm;

    c) Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với chi đoàn học sinh, sinh viên (đối với học sinh, sinh viên, học viên đại học, dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp (đối với học sinh phổ thông) phân công người giúp đỡ người vi phạm;

    d) Nhà trường phối hợp tổ chức kiểm tra sức khỏe của người học khi có dấu hiệu sử dụng ma túy. Nếu phát hiện thấy tái sử dụng ma túy thì xử lý như quy định tại khoản 3 Điều 6.

    Điều 9. Thủ tục xét học tiếp

    1. Đối với trường hợp kỷ luật đình chỉ học tập một năm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 3 Điều 6 của Quy định này:

    a) Trước khi hết hạn kỷ luật từ 20 đến 30 ngày, người bị kỷ luật phải gửi đến Hội đồng kỷ luật của cơ sở giáo dục các loại giấy tờ sau:

    - Đơn xin xóa kỷ luật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) nơi cư trú của gia đình;

    - Bản xác nhận không nghiện của cơ sở cai nghiện hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

    - Bản cam đoan của gia đình về việc tiếp tục theo dõi, phối hợp giáo dục người học không tái nghiện.

    b) Hội đồng kỷ luật của cơ sở giáo dục xem xét và đề nghị Hiệu trưởng ra quyết định tiếp nhận người học vào học tiếp đồng thời cử người theo dõi, giúp đỡ người học phòng ngừa tái nghiện;

    c) Nhà trường phối hợp tổ chức kiểm tra sức khỏe của người học khi có dấu hiệu sử dụng ma túy. Nếu phát hiện có sử dụng ma túy thì Hiệu trưởng nhà trường quyết định kỷ luật buộc thôi học.

    2. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của bản Quy định này:

    a) Trước khi hết hạn cai nghiện từ 20 đến 30 ngày, người được nghỉ học để cai nghiện phải gửi đến cơ sở giáo dục các loại giấy tờ sau:

    - Đơn xin học tiếp;

    - Bản xác nhận không nghiện của cơ sở cai nghiện hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

    - Bản cam đoan của gia đình về việc tiếp tục theo dõi, phối hợp giáo dục người học không tái nghiện.

    b) Hiệu trưởng xem xét ra quyết định tiếp nhận người học vào học tiếp đồng thời cử người theo dõi, giúp đỡ người học phòng ngừa tái nghiện.

    c) Nhà trường phối hợp tổ chức kiểm tra sức khỏe của người học khi có dấu hiệu sử dụng ma túy. Nếu phát hiện có sử dụng ma túy thì Hiệu trưởng nhà trường quyết định kỷ luật buộc thôi học.

    Chương 4:

    TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ GIÁO DỤC VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC

    Điều 10. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo

    1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân xây dựng cơ chế phối hợp xử lý người học vi phạm tệ nạn ma túy, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xử lý người học liên quan đến tệ nạn ma túy tại địa phương;

    2. Chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy và xử lý người học liên quan đến tệ nạn ma túy, theo phân cấp quản lý;

    3. Tổ chức thống kê tình hình người học liên quan đến tệ nạn ma túy tại địa phương và thực hiện việc báo cáo theo quy định.

    Điều 11. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục

    1. Tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy theo chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục và của chính quyền địa phương;

    2. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh;

    3. Tổ chức khám sức khỏe cho người học khi tuyển sinh, khi phát hiện có sử dụng ma túy và định kỳ theo quy định;

    4. Lập hồ sơ theo dõi các trường hợp liên quan đến tệ nạn ma túy trong người học;

    5. Kịp thời tổ chức tiếp nhận người học sau cai nghiện; bảo lưu kết quả học tập trước khi cai nghiện của người học;

    6. Phân công các tổ chức, cá nhân theo dõi, giúp đỡ người học liên quan đến tệ nạn ma túy;

    7. Chủ động phối hợp với gia đình người học và các cơ quan liên quan để xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy.

    Chương 5:

    TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    Điều 12. Chế độ báo cáo

    Các sở sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học, trung cấp chuyên nghiệp thực hiện việc báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp.

    1. Báo cáo định kỳ với thời gian cụ thể như sau:

    a) Báo cáo tháng vào ngày 25 hàng tháng;

    b) Báo cáo quý vào tuần cuối của tháng ba và tháng chín hàng năm;

    c) Báo cáo sáu tháng vào cuối tháng sáu và cuối tháng mười hai hàng năm.

    2. Báo cáo đột xuất ngay với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp khi có sự việc phức tạp xảy ra.

    Điều 13. Khen thưởng

    Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, tố giác, xử lý người học liên quan đến tệ nạn ma túy được đề nghị khen thưởng theo quy định của pháp luật.

    Điều 14. Xử lý vi phạm

    Tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về xử lý người học liên quan đến tệ nạn ma túy sẽ bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu vi phạm gây thiệt hại về vật chất thì phải đền bù theo quy định.

    Điều 15. Khiếu nại, tố cáo

    Người học liên quan đến tệ nạn ma túy và mọi công dân có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo. Người khiếu nại, tố cáo được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

    Điều 16. Trách nhiệm tổ chức kiểm tra và tổng hợp tình hình

    Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên tổ chức kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện Quy định này./.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Phòng, chống ma tuý số 23/2000/QH10 của Quốc hội
    Ban hành: 09/12/2000 Hiệu lực: 01/06/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 86/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
    Ban hành: 05/11/2002 Hiệu lực: 20/11/2002 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 85/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Ban hành: 18/07/2003 Hiệu lực: 12/08/2003 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Thông tư 31/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
    Ban hành: 23/10/2009 Hiệu lực: 11/12/2009 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    05
    Quyết định 582/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố các Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2016 và hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
    Ban hành: 28/02/2017 Hiệu lực: 28/02/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Quyết định 48/2006/QĐ-BGDĐT Quy định về việc xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma túy

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Số hiệu: 48/2006/QĐ-BGDĐT
    Loại văn bản: Quyết định
    Ngày ban hành: 25/10/2006
    Hiệu lực: 25/11/2006
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, An ninh trật tự
    Ngày công báo: 10/11/2006
    Số công báo: 11&12 - 11/2006
    Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
    Ngày hết hiệu lực: 11/12/2009
    Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X