hieuluat

Thông báo 45/TB-VPCP ý kiến của Phó Thủ tướng tại phiên họp Hội đồng Giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 45/TB-VPCP Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Thông báo Người ký: Kiều Đình Thụ
    Ngày ban hành: 26/02/2008 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 26/02/2008 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, An ninh trật tự, An ninh quốc gia
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

     

    Số: 45/TB-VPCP

     

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2008

     

     

    THÔNG BÁO

    Ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp Hội đồng

    Giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương

     

     

    Ngày 11 tháng 01 năm 2008 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì phiên họp Hội đồng Giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương.

    Sau khi nghe đồng chí Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương báo cáo kết quả công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2008, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:

    I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GDQP-AN NĂM 2007

    Nhất trí như dự thảo Báo cáo kết quả công tác GDQP-AN năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2008. Nhấn mạnh một số điểm sau:

    1. Trong năm 2007, Ban Thường trực Hội đồng và Hội đồng Giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) Trung ương đã làm được nhiều việc, nổi bật là: giúp Đảng ủy quân sự Trung ương soạn thảo và trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; giúp Bộ Quốc phòng soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 về Giáo dục quốc phòng-an ninh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1404/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2007 về thành lập Hội đồng Giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương, quân khu và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị, Nghị định nêu trên. Chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định số 224/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Giáo dục quốc phòng (GDQP) cấp tỉnh, cấp huyện; kiểm tra công tác GDQP-AN của Hội đồng GDQP các Quân khu: 3,9, Thủ đô, Hội đồng GDQP 6 tỉnh và một số địa phương, đơn vị, góp phần đưa công tác GDQP-AN ngày càng đi vào nề nếp, có chiều sâu:

    2. Hội đồng GDQP các cấp đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (KTQP-AN) cho cán bộ, đảng viên và các đối tượng khác tăng về số lượng, nâng cao chất lượng và mở rộng đối tượng; một số địa phương đã tổ chức bồi dưỡng KTQP-AN cho lãnh đạo doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có 35 tỉnh, thành phố đã tổ chức bồi dưỡng KTQP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo (160 lớp với 14.126 chức sắc, chức việc).

    3. Một số hạn chế

    - Nhận thức của một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành ở địa phương về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, về GDQP-AN chưa chắc, chưa sâu, chưa phân biệt rõ giữa đối tượng, đối tác.

    - Hoạt động của Hội đồng GDQP ở một số địa phương chưa thành nề nếp (có quân khu từ khi thành lập Hội đồng GDQP quân khu đến nay chưa họp Hội đồng lần nào, chỉ họp Ban Thường trực Hội đồng); chậm ban hành Kế hoạch công tác GDQP-AN; một số thành viên của Hội đồng GDQP chưa phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm. Công tác kiểm tra của nhiều Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện còn hạn chế, có Hội đồng trong năm không tổ chức kiểm tra.

    - Thiếu các giải pháp tích cực và đồng bộ trong đào tạo giáo viên GDPQ-AN, nhất là giáo viên GDQP-AN khối trung học phổ thông nên nhiều trường chưa tổ chức theo phân phối chương trình (học rải), làm hạn chế chất lượng GDQP-AN cho học sinh.

    II. CÔNG TÁC GDQP-AN NĂM 2008 CẦN TẬP TRUNG MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM SAU

    1. Hết quý I năm 2008, các Bộ, Ban, ngành, các quân khu và địa phương phải hoàn thành công tác quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng-an ninh và các văn bản của Hội đồng GDQPAN Trung ương; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GDQP-AN (đến ngày 31 tháng 3 năm 2008 có báo cáo gửi về Ban Thường trực Hội đồng).

    Kiện toàn xong Hội đồng GDQPAN quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp xã kiêm nhiệm công tác GDQP-AN, đưa hoạt động của Hội đồng GDQPAN các cấp thành nề nếp, chất lượng hiệu quả.

    2. Hội đồng thẩm định liên Bộ khẩn trương tổ chức nghiệm thu bộ giáo trình GDQP-AN dùng cho học sinh, sinh viên và học viên các trường chính trị, hành chính và đoàn thể. Ban hành, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQP-AN (xong trước năm học 2008-2009).

    3. Đào tạo giáo viên, giảng viên GDQP-AN

    a) Đào tạo giáo viên GDQP-AN trong các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề:

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan sơ kết đánh giá toàn diện về chất lượng, hiệu quả GDQP-AN ở các trường trung học phổ thông và thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên GDQP-AN trung học phổ thông. Qua sơ kết, xác định chủ trương, giải pháp chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho môn học GDQP-AN; chủ trì, phối hợp các Bộ: Quốc phòng, Nội vụ, Công an, và một số Bộ, Ban, ngành liên quan xây dựng Đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý II năm 2008; thực hiện đào tạo từ năm 2008 đến năm 2015 đạt mục tiêu mỗi trường có 1-2 giáo viên chuyên trách GDQP-AN (0,06 giáo viên/lớp).

    Phương pháp đào tạo: vừa duy trì đào tạo giáo viên chính quy ghép môn đến năm 2015, vừa triển khai Đề án đào tạo giáo viên văn bằng 2.

    b) Đào tạo giảng viên GDQP-AN cho các trường cao đẳng, đại học:

    Trên cơ sở lựa chọn giáo viên GDQP-AN văn bằng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng chương trình đào tạo thích hợp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; về lâu dài, chỉ giữ lại số lượng thích hợp sĩ quan quân đội biệt phái làm nòng cốt.

    c) Nghiên cứu mỗi quý có một số tài liệu về GDQP-AN gửi cho các cơ sở đào tạo, giúp đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQP-AN cập nhật đầy đủ hơn về thông tin, phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.

    4. Thực hiện bồi dưỡng KTQP-AN cho các đối tượng từ 1-5 đảm bảo chất lượng, trong đó chú trọng đối tượng 2 là cấp cục, vụ, viện và tương đương thuộc các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91. Năm 2008, tổ chức các khóa bồi dưỡng KTQP-AN cho đối tượng 2 tại Trường Quân sự các Quân khu: 1,2,7, Thủ đô và Học viện Chính trị-Quân sự.

    5. Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương sơ kết công tác bồi dưỡng KTQP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo (quý II năm 2008). Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan, đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quân khu tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác bồi dưỡng KTQP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo những năm qua, rút ra bài học kinh nghiệm làm cơ sở xây dựng nội dung, chương trình thống nhất để chỉ đạo thực hiện những năm tiếp theo; nghiên cứu mở rộng đến đối tượng là những người có uy tín trong các dân tộc thiểu số.

    6. Giáo dục quốc phòng-an ninh cho công nhân, nông dân

    - Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất nội dung, chương trình phù hợp với đối tượng; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Hội đồng xây dựng kế hoạch thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn làm cơ sở thực hiện GDQP-AN trong công nhân, người lao động.

    - Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng xác định nội dung, chương trình, biện pháp GDQP-AN cho nông dân có hiệu quả.

    7. Xây dựng và củng cố các trung tâm GDQP sinh viên theo Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 104/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng Đề án trung tâm GDQP-AN trong trường quân sự quân khu, trường quân sự cấp tỉnh.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng rà soát lại các Trung tâm GDQP sinh viên, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 104/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung theo hướng tập trung đầu tư nâng cao chất lượng các trung tâm GDQP sinh viên đã triển khai và hoạt động có hiệu quả; các trung tâm chưa đủ yếu tố để triển khai cần nghiên cứu cho phù hợp; nghiên cứu sử dụng các cơ sở đào tạo của quân đội làm nhiệm vụ GDQP-AN cho học sinh, sinh viên, phấn đấu đến năm 2015 tất cả sinh viên học môn GDQP-AN tại các trung tâm GDQP-AN; gắn các trung tâm GDQP-AN với quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học.

    - Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án trung tâm GDQP-AN trong trường quân sự quân khu, trường quân sự cấp tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý II năm 2008, quý III  năm 2008; trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, từ năm 2009 trở đi thực hiện theo Đề án.

    8. Về giáo dục quốc phòng-an ninh toàn dân qua Truyền hình Trung ương và truyền hình địa phương

    Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương thống nhất kế hoạch tuyên truyền, giáo dục về quốc phòng-an ninh trên các kênh truyền hình (tháng 3 năm 2008). Chú trọng giáo dục về lịch sử và truyền thống của dân tộc, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho toàn dân, nhất là học sinh, sinh viên; đặc biệt là GDQP-AN nhân dịp các ngày lễ: 30 tháng 4, 19 tháng 5, 19 tháng 8, 2 tháng 9, 22 tháng 12.

    Tiếp tục nghiên cứu tăng thời lượng, nâng cao chất lượng GDQP-AN của các chương trình Truyền hình Quân đội, Công an trên các kênh của Đài Truyền hình Trung ương đã thực hiện và nghiên cứu mở rộng GDQP-AN trên các kênh truyền hình khác.

    Về GDQP-AN bằng tiếng Khmer: trên cơ sở giáo trình GDQP-AN, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu dịch ra tiếng Khmer để phổ biến, tuyên truyền đồng bào dễ nhớ, dễ hiểu (thực hiện trong năm 2008).

    9. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác GDQP-AN ở tất cả các cấp. Năm 2008, Hội đồng GDQPAN Trung ương kiểm tra công tác GDQP-AN của Hội đồng GDQP-AN 4 quân khu và Hội đồng GDQPAN 11 tỉnh (theo kế hoạch công tác GDQP-AN năm 2008); đề nghị các đồng chí trong Ban Thường trực Hội đồng chủ trì các cuộc kiểm tra, các đồng chí thành viên Hội đồng tham gia đoàn kiểm tra theo kế hoạch của Ban Thường trực Hội đồng.

    Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

     

    Nơi nhận:

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;

    - Các Bộ: cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

    - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

    - Văn phòng Chủ tịch nước;

    - Văn phòng Quốc hội;

    - Ủy ban QP-AN của Quốc hội;

    - Hội đồng GDQP-AN các tỉnh,

      thành phố trực thuộc Trung ương (UBND);

    - Hội đồng GDQP-AN,

      các Quân khu: 1,2,3,4,5,7,9 và Thủ đô;

    - Các thành viên Hội đồng GDQPANTW;

    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    - Cơ quan TW của các đoàn thể;

    - Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị (BQP);

    - Các Học viện: CT-HCQG Hồ Chí Minh,

      QP, CT-QS, LQ/BQP;

    - Quân chủng PK-KQ, HQ, BTL Bộ đội Biên phòng;

    - Ban Thư ký Hội đồng GDQPANTW;

    - Cục DQTV (BQP);

    - Vụ Đào tạo, Tổng cục Xây dựng lực lượng (BCA);

    - Vụ Giáo dục quốc phòng (BGD&ĐT);

    - VPCP: BTCN,

      các PCN: Kiều Đình Thụ, Trần Quốc Toản,

      Website Chính phủ, các Vụ: TH, KG;

    - Lưu: Văn thư, NC (5b). XH 260.

    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

    PHÓ CHỦ NHIỆM

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    (Đã ký)

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Kiều Đình Thụ

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông báo 45/TB-VPCP ý kiến của Phó Thủ tướng tại phiên họp Hội đồng Giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
    Số hiệu: 45/TB-VPCP
    Loại văn bản: Thông báo
    Ngày ban hành: 26/02/2008
    Hiệu lực: 26/02/2008
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, An ninh trật tự, An ninh quốc gia
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Kiều Đình Thụ
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X