Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | TCVN 8244-2:2010 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam | Người ký: | |
Ngày ban hành: | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật | |
Áp dụng: | 01/01/2010 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Khoa học-Công nghệ |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8244-2:2010
ISO 3534-2:2006
THỐNG KÊ HỌC - TỪ VỰNG VÀ KÝ HIỆU - PHẦN 2: THỐNG KÊ ỨNG DỤNG
Statistics - vocabulary and symbols - Part 2: Applied statistics
Lời nói đầu
TCVN 8244-2:2010 hoàn toàn tương đương với ISO 3534-2:2006;
TCVN 8244-2:2010 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 69 Ứng dụng các phương pháp thống kê biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 8244 gồm các phần dưới đây có tên chung “Thống kê học - Từ vựng và ký hiệu”:
- TCVN 8244-1:2010 (ISO 3534-1:2006), Phần 1: Thuật ngữ chung về thống kê và thuật ngữ dùng trong xác suất
- TCVN 8244-2:2010 (ISO 3534-2:2006), Phần 2: Thống kê ứng dụng
Bộ ISO 3534 còn có phần dưới đây có tên chung “Statistics - Vocabulary and symbols”:
- Part 3: Design of experiments
THỐNG KÊ HỌC - TỪ VỰNG VÀ KÝ HIỆU - PHẦN 2: THỐNG KÊ ỨNG DỤNG
Statistics - vocabulary and symbols - Part 2: Applied statistics
Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các thuật ngữ về thống kê ứng dụng và thể hiện chúng dưới dạng khái niệm theo quy định của ISO. Các thuật ngữ được sắp xếp theo chủ đề. Tiêu chuẩn có chỉ mục theo bảng chữ cái. Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn quy định các ký hiệu và chữ viết tắt chuẩn hóa.
Tiêu chuẩn này đã được chấp nhận trong lĩnh vực thống kê ứng dụng như một phương tiện nhằm cải thiện tính hiệu lực và hiệu quả của các tổ chức khi gặp phải vướng mắc bởi tính phức tạp và nhầm lẫn do sự mâu thuẫn trong thiết kế và sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa, chữ viết tắt và các ký hiệu.
Hai mục đích chính của tiêu chuẩn này là thiết lập một từ vựng chung để sử dụng trong toàn bộ các tiêu chuẩn của Ban kỹ thuật TC 69, cùng với mục đích lớn hơn là tăng cường tính chính xác, rõ ràng và nhất quán trong việc sử dụng/áp dụng thống kê ứng dụng nói chung. Trình độ toán học được duy trì ở mức thấp để nội dung có thể dễ hiểu với phần đông độc giả.
Tiêu chuẩn này và TCVN 8244-1 tương thích nhau. Tuy nhiên, thuật ngữ trong TCVN 8244-1 sử dụng trong xác suất và thống kê là các thuật ngữ cơ bản; do vậy được trình bày ở mức độ toán học phức tạp hơn so với tiêu chuẩn này. Vì người sử dụng tiêu chuẩn này trong thống kê ứng dụng thường có thể tham khảo TCVN 8244-1 đối với các thuật ngữ nhất định, nên các chú thích và ví dụ giống như trong TCVN 8244-1 cho các thuật ngữ được chọn cũng đưa ra giải thích thông thường về các thuật ngữ chính thức.
1. Tạo lập và thu thập dữ liệu
1.1. Hệ giá trị tham chiếu đối với các đặc trưng
1.1.1. Đặc trưng
Đặc điểm phân biệt.
CHÚ THÍCH 1: Một đặc trưng có thể là vốn có hoặc được ấn định.
CHÚ THÍCH 2: Một đặc trưng có thể là định tính hoặc định lượng.
CHÚ THÍCH 3: Có nhiều loại đặc trưng, ví dụ như:
- tự nhiên (ví dụ: cơ, điện, hóa, sinh);
- cảm quan (ví dụ: liên quan đến khứu giác, xúc giác, vị giác, thị giác, thính giác);
- ứng xử (ví dụ: lịch sự, trung thực, thành thực);
- thời thức (ví dụ: đúng lúc, tin cậy, sẵn có);
- ergonomi (ví dụ: đặc trưng tâm lý hoặc liên quan đến an toàn của con người);
- tính năng (ví dụ: tốc độ tối đa của máy bay).
[TCVN ISO 9000:2007, 3.5.1]
1.1.2. Đặc trưng chất lượng
đặc trưng (1.1.1) vốn có của một sản phẩm (1.2.32), quá trình (2.1.1) hoặc hệ thống liên quan đến một yêu cầu.
CHÚ THÍCH 1: Vốn có nghĩa là tồn tại dưới dạng nào đó, đặc biệt là đặc trưng lâu bền.
CHÚ THÍCH 2: Đặc trưng ấn định cho một sản phẩm, quá trình hoặc hệ thống (ví dụ như giá của sản phẩm, chủ sở hữu sản phẩm) không phải là đặc trưng chất lượng của sản phẩm, quá trình hoặc hệ thống đó.
[TCVN ISO 9000:2007, 3.5.2]
1.1.3. Thang đo
Hệ thống các giá trị quy chiếu đối với một đặc trưng (1.1.1).
CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ “giá trị” được dùng theo nghĩa rộng bao gồm cả thông tin định tính.
CHÚ THÍCH 2: Theo nghĩa định tính, thang đo có thể bao gồm một tập hợp các ký hiệu mà giữa chúng ít nhiều có mối quan hệ phân biệt xác định.
1.1.4. Thang đo liên tục
Thang đo (1.1.3) có các giá trị liên tục.
VÍ DỤ: Thang đo khoảng (1.1.8) và thang đo tỉ số (1.1.9).
CHÚ THÍCH 1: Thang đo liên tục có thể chuyển thành thang đo rời rạc (1.1.5), bằng cách nhóm “các giá trị”. Điều này rõ ràng sẽ dẫn đến mất mát thông tin nhất định. Thang đo rời rạc dạng này thường là thang thứ tự.
CHÚ THÍCH 2: Độ phân giải của thang đo có thể chịu ảnh hưởng bất lợi do hạn chế của hệ thống đo. Đôi khi, những hạn chế của phép đo như vậy có thể dẫn đến nhiều phép đo được biểu diễn theo thang đo rời rạc, thứ tự.
1.1.5. Thang đo rời rạc
Thang đo (1.1.3) chỉ có một tập hợp hoặc chuỗi giá trị phân biệt.
1.1.6. Thang đo danh nghĩa
Thang đo (1.1.3) với các loại được gán nhãn không có thứ tự hoặc nhãn có thứ tự quy ước.
VÍ DỤ: Quốc tịch, màu, mẫu ôtô, giống chó, loại lỗi.
CHÚ THÍCH: Có thể đếm số phần tử theo loại nhưng không thể xếp thứ tự hoặc đo các loại đó.
1.1.7. Thang đo thứ tự
Thang đo (1.1.3) có các hạng được ghi theo thứ tự.
CHÚ THÍCH 1: Đôi khi, giữa thang đo thứ tự và thang đo rời rạc không có ranh giới rõ ràng (1.1.5). Việc phân hạng một cách chủ quan như xuất sắc, rất tốt, trung bình, kém và rất kém được mã hóa, tức là từ 1 đến 5, là hình thức chuyển đổi từ dạng thứ tự sang dạng rời rạc. Tuy nhiên, không được coi chúng như các số thứ tự vì khoảng cách giữa 1 và 2 có thể không giống với 2 và 3, hoặc 3 và 4. Mặt khác, một số lĩnh vực được xếp thứ tự một cách khách quan theo cường độ, ví dụ như thang Richter từ 0 đến 8 theo lượng năng lượng thoát ra, có mối quan hệ bình đẳng với thang đo rời rạc.
CHÚ THÍCH 2: Đôi khi, thang đo danh nghĩa (1.1.6) được xếp thứ tự theo quy ước. Ví dụ như nhóm máu, ABO, luôn được nêu theo thứ tự này. Trường hợp tương tự là khi các chữ cái đơn lẻ biểu thị cho các cấp khác nhau. Khi đó, chúng được xếp thứ tự quy ước theo bảng chữ cái.
1.1.8. Thang đo khoảng
Thang đo liên tục (1.1.4) hoặc thang đo rời rạc (1.1.5) có khoảng giá trị thang đo bằng nhau và điểm không (điểm gốc) bất kỳ.
VÍ DỤ: Độ Celsius, độ Fahrenheit, (xem TCVN 6398-4) và biểu diễn thời gian, thời điểm (xem ISO 8601).
CHÚ THÍCH: Chênh lệch giữa các giá trị không bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi điểm không của thang đo (1.1.3).
1.1.9. Thang đo tỷ số
Thang tỷ lệ
Thang đo liên tục (1.1.4) có khoảng giá trị thang đo bằng nhau và điểm không tuyệt đối hoặc tự nhiên.
VÍ DỤ: Giá trị khối lượng (xem TCVN 6398-3) và độ dài (xem TCVN 6398-1).
CHÚ THÍCH: Tỷ số giữa các giá trị không bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi đơn vị (1.2.14) của thang đo (1.1.3).
1.2. Nguồn dữ liệu
1.2.1. Tổng thể
CHÚ THÍCH 1: Một tổng thể có thể là thực và hữu hạn hoặc giả thiết và vô hạn.
CHÚ THÍCH 2: Lấy mẫu (1.3.1) mở rộng từ một tổng thể thực hữu hạn có thể tạo ra phân bố (2.5.1) tần suất hoặc tần suất thực tương đối. Hoặc việc này có thể phát sinh một mô hình lý thuyết của tổng thể giả định dựa trên phân bố xác suất có thể rút ra. Điều này cho phép thực hiện các dự đoán.
CHÚ THÍCH 3: Một tổng thể có thể là kết quả của một quá trình đang diễn ra bao gồm kết quả trong tương lai.
CHÚ THÍCH 4: Một tổng thể có thể gồm các vật phân biệt được hoặc vật liệu dạng đống.
1.2.2. Tham số của tổng thể
Giá trị đo tổng hợp của một đặc trưng (1.1.2) nào đó của một tổng thể (1.2.1).
VÍ DỤ: Trung bình tổng thể = m, độ lệch chuẩn của tổng thể = s.
CHÚ THÍCH: Tham số của tổng thể thường được ký hiệu bằng chữ Hy Lạp thường, nghiêng.
1.2.3. Tổng thể con
Một phần của tổng thể (1.2.1).
1.2.4. Lô
Phần xác định của tổng thể (1.2.1) cấu thành trong các điều kiện về cơ bản giống với tổng thể xét về mục đích lấy mẫu.
CHÚ THÍCH: Ví dụ, mục đích lấy mẫu có thể để xác định khả năng chấp nhận lô hoặc để ước lượng giá trị trung bình của một đặc trưng (1.1.1) cụ thể.
1.2.5. Lô riêng lẻ
Lô (1.2.4) được hình thành tách biệt với một loạt lô và cũng không tạo thành một phần của loạt lô đó.
1.2.6. Loạt các lô riêng lẻ
Nhóm các lô liên tiếp nhưng không tạo thành bộ phận của một loạt lớn hoặc tạo bởi một quá trình liên tục.
1.2.7. Lô duy nhất
Lô (1.2.4) hình thành trong các điều kiện đặc thù của lô đó và không phải là bộ phận của loạt thông thường.
1.2.8. Lô thí điểm
Lô (1.2.4) nhỏ tiến hành trước loạt lô thông thường để thu thập thông tin và kinh nghiệm.
1.2.9. Lô giao nộp lại
Lô (1.2.4) trước đó đã được ấn định là không được chấp nhận và được giao nộp lại để kiểm tra (4.1.2) sau khi đã được xử lý, thử nghiệm, phân loại, tái xử lý, ...
1.2.10. Lô con
Phần xác định của lô (1.2.4)
1.2.11. Thực thể cá thể
Bắt cứ thứ gì có thể mô tả và xem xét riêng rẽ.
VÍ DỤ: Cá thể vật lý; lượng vật liệu xác định; dịch vụ (1.2.33), hoạt động, con người, hệ thống hoặc kết hợp từ đó.
CHÚ THÍCH 1: Xem thêm đơn vị mẫu (1.2.14).
CHÚ THÍCH 2: Không nên dùng thuật ngữ “đối tượng”.
1.2.12. Cá thể không phù hợp
Cá thể (1.2.11) có một hoặc nhiều sự không phù hợp (3.1.11).
1.2.13. Cá thể khuyết tật
Cá thể (1.2.11) có một hoặc nhiều khuyết tật (3.1.12).
1.2.14. Đơn vị mẫu
Đơn vị
Một trong các phần riêng lẻ hợp thành tổng thể (1.2.1).
CHÚ THÍCH 1: Đơn vị mẫu có thể gồm một hoặc nhiều cá thể (1.2.11), ví dụ một bao diêm, nhưng sẽ bao hàm một kết quả thử (3.4.1).
CHÚ THÍCH 2: Đơn vị mẫu có thể gồm các cá thể rời rạc hoặc một lượng vật liệu dạng đống xác định.
CHÚ THÍCH 3: Đối với “đơn vị mẫu”
1.2.15. Đơn vị không phù hợp
Đơn vị (1.2.14) có một hoặc nhiều sự không phù hợp (3.1.11).
1.2.16. Đơn vị khuyết tật
Đơn vị (1.2.14) có một hoặc nhiều khuyết tật (3.1.12).
1.2.17. Mẫu
Tập hợp con của tổng thể (1.2.1) gồm một hoặc nhiều đơn vị mẫu (1.2.14).
CHÚ THÍCH: Trong việc chọn mẫu có nhiều cách khác nhau, ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên. Tập hợp dữ liệu thu được theo cách lấy mẫu (1.3.1) chệch không thể tránh khỏi trong nhiều lĩnh vực (ví dụ như trong di truyền học người, của dòng họ được phát hiện thông qua trẻ em dị thường), cũng là một ví dụ. Trong lấy mẫu điều tra (1.3.18), các đơn vị mẫu thường được chọn với xác suất tỷ lệ với quy mô của một biến đã biết, sẽ cho mẫu chệch.
1.2.18. Thống kê mẫu
Đơn vị đo biểu thị chung cho một giá trị quan trắc (3.2.8) nhất định của một mẫu (1.2.17).
CHÚ THÍCH 1: Thống kê mẫu (biến ngẫu nhiên) được ký hiệu bằng chữ Latinh hoa, in nghiêng (ví dụ và S) trong khi thể hiện thực tế của thống kê mẫu (giá trị quan trắc) được ký hiệu bằng chữ Latinh thường, in nghiêng (ví dụ và s). Điều này ngược với tham số tổng thể (1.2.2) được ký hiệu bằng chữ Hylạp thường, in nghiêng (ví dụ m và s).
CHÚ THÍCH 2: Các giá trị quan trắc có thể kết hợp để tạo thành kết quả thử (3.4.1) hoặc kết quả đo (3.4.2). Ví dụ, tỷ trọng của một thanh có thể là sự kết hợp giữa các giá trị quan trắc về độ dài, đường kính và khối lượng.
1.2.19. Mẫu con
Phần được chọn của mẫu (1.2.17).
CHÚ THÍCH: Mẫu con có thể được chọn bằng cùng một phương pháp đã được dùng để chọn mẫu ban đầu nhưng không nhất thiết phải như vậy.
1.2.20. Mẫu kép
Một trong hai hoặc nhiều mẫu (1.2.17) hoặc mẫu con (1.2.19) thu được riêng rẽ đồng thời bằng cùng một quy trình lấy mẫu hoặc quy trình phần mẫu.
1.2.21. Mẫu cấp một
Mẫu (1.2.17) lấy trong giai đoạn đầu của phép lấy mẫu nhiều tầng (1.3.10).
1.2.22. Mẫu cấp hai
Mẫu (1.2.17) lấy từ mẫu cấp một (1.2.21) trong giai đoạn thứ hai của phép lấy mẫu nhiều tầng (1.3.10).
CHÚ THÍCH: Việc này có thể mở rộng đến giai đoạn thứ k đối với k >2.
1.2.23. Mẫu cuối
Mẫu (1.2.17) nhận được ở giai đoạn cuối cùng của phép lấy mẫu nhiều tầng (1.3.10).
1.2.24. Mẫu ngẫu nhiên đơn giản
mẫu (1.2.17) được chọn bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản (1.3.4)
1.2.25. Mẫu ngẫu nhiên
Mẫu (1.2.17) chọn bằng phép lấy mẫu ngẫu nhiên (1.3.5).
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này liên quan đến mẫu vật lý ngược với mẫu ngẫu nhiên định nghĩa trong TCVN 8244-1 là một khái niệm lý thuyết.
1.2.26. Cỡ mẫu
Số đơn vị mẫu (1.2.14) trong một mẫu (1.2.17).
CHÚ THÍCH: Trong lấy mẫu nhiều tầng, cỡ mẫu là tổng số đơn vị mẫu (1.2.14) tại thời điểm kết thúc giai đoạn cuối của việc lấy mẫu (1.3.1).
1.2.27. Khung mẫu
Danh mục đầy đủ các đơn vị mẫu (1.2.14).
VÍ DỤ: Bản kiểm kê các thành phần trong một kho hàng, bản kê các kiện len trên một chuyến tàu hoặc bản kê các khoản phải trả.
CHÚ THÍCH: Khung mẫu hay “tổng thể mẫu” (1.2.1) có thể khác với “tổng thể mục tiêu”. Ví dụ, một danh sách cử tri có thể lấy làm khung mẫu để thể hiện tổng thể người trưởng thành trong một vùng cụ thể. Điều này không có nghĩa là nó sẽ hoàn toàn chính xác.
1.2.28. Chùm
Bộ phận của tổng thể (1.2.1) chia tách thành các nhóm đơn vị mẫu (1.2.14) tách biệt nhau theo một cách thức nhất định.
1.2.29. Lớp
Tổng thể con (1.2.3) tách biệt và đầy đủ được xem là đồng nhất hơn về các đặc trưng (1.1.1) nghiên cứu so với toàn bộ tổng thể (1.2.1).
VÍ DỤ: Trong lấy mẫu dạng đống (1.3.2), theo thời gian, khối lượng và không gian, các lớp điển hình là:
- thời gian sản xuất (ví dụ 15 phút);
- khối lượng sản xuất (ví dụ 100 tấn);
- lưu giữ trong thùng, toa xe trên tàu và côngtenơ.
1.2.30. Phân lớp
Việc phân chia tổng thể (1.2.1) thành các lớp (1.2.29).
VÍ DỤ: Tổng thể mèo hoặc chó được phân lớp theo giống, tổng thể người được phân lớp theo giới tính và tầng lớp xã hội, một quốc gia được chia thành các vùng, miền.
1.2.31. Không gian cơ hội
Đơn vị (1.2.14) hoặc phần vật liệu, quá trình, sản phẩm (1.2.32) hoặc dịch vụ (1.2.33) trong đó có thể xảy ra (các) biến cố đã định.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ này thường được gọi là “vùng cơ hội”. Tuy nhiên, khi liên quan đến ba biến trở lên thì thuật ngữ “vùng” không thích hợp.
1.2.32. Sản phẩm
Kết quả của một quá trình (2.1.1).
CHÚ THÍCH 1: Có bốn loại sản phẩm chung là:
- dịch vụ (ví dụ: vận chuyển);
- phần mềm (ví dụ: chương trình máy tính);
- phần cứng (ví dụ: bộ phận cơ khí của động cơ);
- vật liệu qua xử lý (ví dụ: dầu bôi trơn).
Nhiều sản phẩm gồm nhiều thành phần thuộc các loại sản phẩm chung khác nhau. Khi đó, sản phẩm được gọi là gì tùy thuộc vào thành phần chủ đạo.
[TCVN ISO 9000:2005, 3.4.2]
1.2.33. Dịch vụ
Sản phẩm (1.2.32) là kết quả của ít nhất một hoạt động được thực hiện giữa người cung cấp và khách hàng.
VÍ DỤ: Dịch vụ có thể liên quan đến:
- một hoạt động thực hiện trên một sản phẩm hữu hình do khách hàng cung cấp (ví dụ: sửa ôtô);
- giao một sản phẩm hữu hình (ví dụ: trong công nghiệp giao thông vận tải);
- giao một sản phẩm không hữu hình (ví dụ: trong chuyển giao thông tin);
- tạo ra bầu không khí cho khách hàng (ví dụ trong khách sạn, nhà hàng).
1.2.34. Cá thể thử/đo đồng nhất
Mẫu (1.2.17) được chuẩn bị và có thể giả định là đồng nhất đối với mục đích dự kiến.
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu thực tế được nêu trong bản thỏa thuận về mục đích dự kiến.
1.2.35. Mẫu đại diện
Mẫu ngẫu nhiên (1.2.25) được chọn sao cho các giá trị quan trắc (3.2.8) có cùng phân bố (2.5.1) trong mẫu (1.2.17) giống như trong tổng thể (1.2.1).
VÍ DỤ: Mẫu được chọn bằng phép lấy mẫu ngẫu nhiên phân lớp (1.3.7) trong đó tỷ lệ cá thể lấy từ các lớp (1.2.29) khác nhau bằng tỷ lệ cá thể của tổng thể trong lớp đó, có thể được xem là mẫu đại diện đối với các giá trị quan trắc.
CHÚ THÍCH 1: Định nghĩa này chỉ ra rằng mẫu là hình ảnh giống hệt hay thu nhỏ của tổng thể.
CHÚ THÍCH 2: Trong tài liệu và ứng dụng chung, thuật ngữ “mẫu đại diện” và “lấy mẫu đại diện” được dùng theo ít nhất là sáu nghĩa khác nhau:
- một tuyên bố, phê chuẩn chung, không giải thích về dữ liệu;
- không có áp đặt lựa chọn;
- hình ảnh phản chiếu hay thu nhỏ của tổng thể. Mẫu có cùng phân bố với tổng thể;
- trường hợp điển hình hoặc lý tưởng;
- bao trùm tổng thể. Mẫu được thiết kế để phản ánh độ biến động (2.2.1) đặc biệt là giữa các lớp;
- lấy mẫu xác suất: chương trình lấy mẫu chính thức đưa ra cho mỗi thành phần của tổng thể một xác suất lựa chọn đã biết.
Sự có mặt của tất cả các nghĩa khác nhau này chỉ ra rằng cần tránh hoặc sử dụng thuật ngữ này một cách thận trọng.
1.3. Loại lấy mẫu
1.3.1. Lấy mẫu
Hoạt động lấy hoặc thành lập một mẫu (1.2.17).
1.3.2. Lấy mẫu dạng đống
Lấy mẫu (1.3.1) vật liệu (5.1.1) dạng đống.
VÍ DỤ: Lấy mẫu dạng đống than đá đối với hàm lượng tro hoặc thuốc lá đối với hàm lượng ẩm.
1.3.3. Lấy mẫu rời rạc
Lấy mẫu (1.3.1) vật liệu riêng rẽ.
1.3.4. Lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản
Phép lấy mẫu (1.3.1) trong đó một mẫu (1.2.17) gồm n đơn vị mẫu (1.2.14) được lấy từ một tổng thể (1.2.1) sao cho tất cả các tổ hợp có thể có của n đơn vị mẫu có cùng xác suất được lấy ra.
CHÚ THÍCH: Trong lấy mẫu dạng đống (1.3.2), nếu đơn vị mẫu là mẫu sơ cấp thì việc định vị, phân định và lấy các mẫu sơ cấp phải sao cho tất cả các đơn vị mẫu có xác suất được chọn như nhau.
1.3.5. Lấy mẫu ngẫu nhiên
Phép lấy mẫu (1.3.1) trong đó một mẫu (1.2.17) gồm n đơn vị mẫu (1.2.14) được lấy từ một tổng thể (1.2.1) sao cho mỗi tổ hợp có thể có của n đơn vị mẫu có một xác suất được lấy cụ thể.
1.3.6. Lấy mẫu phân lớp
Lấy mẫu (1.3.1) sao cho các phần mẫu (1.2.17) được lấy từ lớp (1.2.29) khác nhau và mỗi lớp được lấy mẫu ít nhất là một đơn vị mẫu (1.2.14).
CHÚ THÍCH 1: Trong một số trường hợp, các phần là tỷ lệ quy định được xác định trước. Nếu việc phân lớp (1.2.30) được thực hiện sau khi lấy mẫu thì tỷ lệ quy định không được biết trước.
CHÚ THÍCH 2: Cá thể (1.2.11) từ mỗi lớp được chọn bằng phép lấy mẫu ngẫu nhiên (1.3.5).
1.3.7. Lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản phân lớp
Lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản (1.3.4) từ mỗi lớp (1.2.29).
CHÚ THÍCH: Nếu tỷ lệ cá thể (1.2.11) lấy từ các lớp khác nhau bằng với tỷ lệ cá thể của tổng thể trong lớp đó thì được gọi là lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản phân lớp tỷ lệ.
1.3.8. Lấy mẫu theo chỉ định
Lấy mẫu phân lớp (1.3.6) trong đó mẫu (1.2.17) được chọn theo cách không ngẫu nhiên.
1.3.9. Lấy mẫu chùm
Phép lấy mẫu (1.3.1) trong đó mẫu ngẫu nhiên (1.2.25) của các chùm (1.2.28) được chọn và tất cả các đơn vị mẫu (1.2.14) tạo thành chùm bao gồm trong mẫu (1.2.17).
1.3.10. Lấy mẫu nhiều tầng
Phép lấy mẫu (1.3.1) trong đó mẫu (1.2.17) được chọn theo tầng, các đơn vị mẫu (1.2.14) tại mỗi tầng được lấy từ đơn vị mẫu lớn hơn được chọn ở tầng trước đó.
CHÚ THÍCH 1: Lấy mẫu nhiều tầng khác với lấy mẫu nhiều lần. Lấy mẫu nhiều lần là lấy mẫu theo nhiều tiêu chí đồng thời.
CHÚ THÍCH 2: Phương pháp lấy mẫu đối với các tầng khác nhau có thể khác nhau, sao cho có thể chọn mẫu cấp một (1.2.21) ví dụ bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản (1.3.4), trong khi mẫu cuối (1.2.23) nhận được thông qua, ví dụ, lấy mẫu hệ thống (1.3.12).
1.3.11. Lấy mẫu chùm nhiều tầng
Lấy mẫu chùm (1.3.9) với hai hoặc nhiều tầng, mỗi lần lấy mẫu (1.3.1) được thực hiện theo chùm (1.2.28), trong đó các chùm nhận được bằng việc chia nhỏ mẫu (1.2.17) trước đó.
1.3.12. Lấy mẫu hệ thống
Lấy mẫu (1.3.1) theo phương án có hệ thống.
CHÚ THÍCH: Trong lấy mẫu dạng đống (1.3.2), mẫu hệ thống có thể đạt được bằng cách lấy các cá thể (1.2.11) cách nhau một khoảng cách cố định hoặc sau những khoảng thời gian có độ dài cố định. Các khoảng có thể được xác định, chẳng hạn trên cơ sở khối lượng hoặc thời gian, về mặt khối lượng, các đơn vị mẫu (1.2.14) hoặc mẫu sơ cấp có khối lượng bằng nhau.
Trên cơ sở thời gian, đơn vị mẫu hoặc mẫu sơ cấp được lấy từ một luồng hoặc băng tải, nghĩa là, ở các khoảng thời gian đều nhau. Trong trường hợp này, khối lượng của mỗi đơn vị mẫu hoặc mẫu sơ cấp tỷ lệ với lưu lượng khối lượng tại thời điểm lấy đơn vị mẫu hoặc mẫu sơ cấp đó.
CHÚ THÍCH 2: Nếu lô (1.2.4) được chia thành các lớp (1.2.29), thì có thể tiến hành lấy mẫu hệ thống phân lớp bằng cách lấy các mẫu sơ cấp ở các vị trí tương đương trong từng lớp.
CHÚ THÍCH 3: Với việc lấy mẫu hệ thống, việc ngẫu nhiên hóa lấy mẫu sẽ bị hạn chế.
1.3.13. Lấy mẫu hệ thống định kỳ
Lấy mẫu hệ thống (1.3.12) trong đó đơn vị mẫu (1.2.14) trong một tổng thể (1.2.1) được sắp xếp theo trật tự và đánh số từ 1 đến N trong mẫu (1.2.17), khi đó tạo thành các đơn vị mẫu đánh số
h, h + k, h + 2k, …., h + (n - 1)k,
trong đó h và k là các số nguyên dương thỏa mãn quan hệ:
nk < N < n(k +1) và h < k;
h thường được lấy ngẫu nhiên từ số nguyên k đầu tiên; và n = số đơn vị mẫu.
CHÚ THÍCH 1: Lấy mẫu hệ thống định kỳ là phương pháp lấy mẫu trong đó ngẫu nhiên hóa việc lấy mẫu (1.3.1) được giới hạn đến việc lựa chọn một số trong k số nguyên đầu tiên.
CHÚ THÍCH 2: Mẫu hệ thống định kỳ thường được sử dụng để nhận được một mẫu ngẫu nhiên đối với các đặc trưng (1.1.1) đã biết là không phụ thuộc vào cơ sở hệ thống.
CHÚ THÍCH 3: Một cơ sở hệ thống có thể là trật tự sản xuất. Tuy nhiên cần thận trọng. Nếu cứ lấy cá thể (1.2.11) thứ 6, 12 hoặc 18 được sản xuất từ máy sáu đầu thì có nhiều khả năng mẫu không phải là đại diện cho đầu ra của máy đó.
1.3.14. Lấy mẫu hệ thống theo điểm
Lấy mẫu hệ thống (1.3.12) trong đó mẫu (1.2.17) với số lượng hoặc cỡ quy định được lấy từ một vị trí quy định trong môi trường hoặc tại vị trí hoặc thời gian quy định trong dòng và được xem là đại diện cho môi trường cục bộ hoặc trực tiếp của nó.
1.3.15. Lấy mẫu có hoàn lại
Lấy mẫu (1.3.1) trong đó mỗi đơn vị mẫu (1.2.14) được lấy ra, quan trắc, rồi được trả về tổng thể trước khi lấy đơn vị mẫu tiếp theo.
CHÚ THÍCH: Trong trường hợp này, cùng một đơn vị mẫu có thể xuất hiện nhiều hơn một lần trong mẫu (1.2.17).
1.3.16. Lấy mẫu không hoàn lại
Lấy mẫu (1.3.1) trong đó mỗi đơn vị mẫu (1.2.14) chỉ được lấy ra từ tổng thể (1.2.1) một lần mà không được trả về tổng thể đó.
1.3.17. Lấy mẫu chấp nhận
Lấy mẫu (1.3.1) sau đó đưa ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận một lô (1.2.4), hoặc nhóm sản phẩm (1.2.32), vật liệu hoặc dịch vụ (1.2.33) khác, dựa trên các kết quả mẫu.
1.3.18. Lấy mẫu điều tra
Lấy mẫu (1.3.1) sử dụng trong các nghiên cứu liệt kê hoặc phân tích để ước lượng các giá trị của một hoặc nhiều đặc trưng (1.1.1) trong một tổng thể (1.2.1), hoặc để ước lượng sự phân bố của các đặc trưng đó trong tổng thể.
VÍ DỤ: Việc lấy mẫu trong sản xuất để thực hiện phân tích khả năng của quá trình và đánh giá hệ thống để đánh giá mức độ phù hợp của hệ thống theo một tiêu chuẩn.
2. Quản lý quá trình thống kê
2.1. Khái niệm chung liên quan đến quá trình
2.1.1. Quá trình
Tập hợp các hoạt động liên quan hoặc tương tác với nhau để chuyển đổi đầu vào thành đầu ra.
CHÚ THÍCH 1: Đầu vào của một quá trình thường là đầu ra của một quá trình khác.
CHÚ THÍCH 2: Các quá trình trong một tổ chức thường được hoạch định và thực hiện trong các điều kiện được kiểm soát để làm gia tăng giá trị.
CHÚ THÍCH 3: Quá trình mà sự phù hợp của sản phẩm làm ra không thể xác nhận một cách dễ dàng hoặc kinh tế thường được gọi là “quá trình đặc biệt”.
[ISO 9000:2005, 3.4.1]
2.1.2. Quản lý quá trình
Các hoạt động phối hợp để hướng và kiểm soát quá trình (2.1.1).
2.1.3. Phương pháp thống kê
Phương pháp thu thập, phân tích và diễn giải dữ liệu dưới ảnh hưởng của tính ngẫu nhiên.
CHÚ THÍCH: Dữ liệu đề cập đến sự kiện hoặc thông tin dạng số hoặc không phải số.
2.1.4. Quản lý quá trình thống kê
Quản lý quá trình (2.1.2) liên quan đến việc áp dụng các phương pháp thống kê (2.1.3) để hoạch định quá trình (2.1.5), kiểm soát quá trình (2.1.6) và cải tiến quá trình (2.1.7).
2.1.5. Hoạch định quá trình
Quản lý quá trình (2.1.2) tập trung vào việc thiết lập các mục tiêu và yêu cầu của quá trình cũng như quy định cách thức để đạt được những mục tiêu và yêu cầu này.
2.1.6. Kiểm soát quá trình
Quản lý quá trình (2.1.2) tập trung vào việc đáp ứng các yêu cầu của quá trình.
2.1.7. Cải tiến quá trình
Quản lý quá trình (2.1.2) tập trung vào việc giảm độ biến động (2.2.1) và cải tiến tính hiệu lực và hiệu quả của quá trình.
CHÚ THÍCH 1: Tính hiệu lực là mức độ mà các hoạt động đã hoạch định được nhận biết và các kết quả hoạch định đạt được [ISO 9000].
CHÚ THÍCH 2: Hiệu quả là mối quan hệ giữa kết quả đạt được và các nguồn lực sử dụng [ISO 9000].
2.1.8. Kiểm soát quá trình thống kê
SPC
Hoạt động tập trung vào việc sử dụng các kỹ thuật thống kê nhằm làm giảm độ biến động (2.2.1), tăng sự hiểu biết về quá trình (2.1.1) và hướng quá trình theo cách thức mong muốn.
CHÚ THÍCH 1: SPC vận dụng hiệu quả nhất nhờ việc kiểm soát sự biến động của một đặc trưng của quá trình hoặc đặc trưng (1.1.1) của sản phẩm trong quá trình có mối tương quan với đặc trưng sản phẩm cuối cùng và/hoặc bằng cách tăng độ bền vững của quá trình chống lại sự biến động đó. Một đặc trưng sản phẩm cuối cùng của người cung cấp có thể là một đặc trưng quá trình cho quá trình của người cung cấp tiếp theo.
CHÚ THÍCH 2: Mặc dù SPC ban đầu chủ yếu liên quan đến hàng hóa được sản xuất, nhưng cũng có thể áp dụng tương đương cho các quá trình cung cấp dịch vụ hoặc các giao dịch, ví dụ những quá trình liên quan đến dữ liệu, phần mềm, truyền thông và vận chuyển vật liệu.
CHÚ THÍCH 3: SPC liên quan đến kiểm soát quá trình (2.1.6) và cải tiến quá trình (2.1.7).
2.1.9. Phương án kiểm soát
Tài liệu
CHÚ THÍCH: Tài liệu là môi trường chứa thông tin [TCVN ISO 9000]. Tài liệu có thể là tổ hợp các loại phương tiện thông tin khác nhau, ví dụ, giấy, từ, điện tử hoặc đĩa quang, ảnh hoặc mẫu (1.2.17) chính.
2.1.10. Phân tích quá trình
Nghiên cứu nhằm đem lại tác động lên hệ thống nguyên nhân và kết quả để kiểm soát và/hoặc cải tiến quá trình (2.1.1) hoặc sản phẩm (1.2.32) bao gồm cả dịch vụ (1.2.33).
2.2. Khái niệm liên quan đến độ biến động
2.2.1. Độ biến động
Sự khác biệt giữa các giá trị của một đặc trưng (1.1.1).
CHÚ THÍCH: Độ biến động thường được biểu thị bằng phương sai hoặc độ lệch chuẩn.
2.2.2. Độ biến động vốn có của quá trình
Độ biến động (2.2.1) trong một quá trình (2.1.1) khi quá trình được thực hiện ở trạng thái kiểm soát thống kê (2.2.7).
CHÚ THÍCH 1: Khi biểu thị theo độ lệch chuẩn thì sử dụng chỉ số dưới “w”, (ví dụ sw, Sw hoặc sw), để chỉ ra tính vốn có. Xem thêm 2.7.1, chú thích 2.
CHÚ THÍCH 2: Độ biến động này tương ứng với “độ biến động trong phạm vi nhóm con”.
2.2.3. Độ biến động toàn phần của quá trình
Độ biến động (2.2.1) trong một quá trình (2.1.1) do các nguyên nhân đặc biệt (2.2.4) và nguyên nhân ngẫu nhiên (2.2.5).
CHÚ THÍCH 1: Khi biểu thị theo độ lệch chuẩn thì sử dụng chỉ số dưới “t” (ví dụ st, St hoặc st), để chỉ thị độ biến động toàn phần. Xem thêm 2.6.1, chú thích 3.
CHÚ THÍCH 2: Độ biến động này tương ứng với sự kết hợp giữa “độ biến động trong phạm vi nhóm con” và “độ biến động giữa các nhóm con”.
2.2.4. Nguyên nhân đặc biệt
Nguồn gây biến động quá trình không phải là biến động vốn có của quá trình (2.2.2).
CHÚ THÍCH 1: Đôi khi “nguyên nhân đặc biệt” được hiểu đồng nghĩa với “nguyên nhân ấn định”. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt. Nguyên nhân đặc biệt chỉ có thể ấn định khi nó được xác định cụ thể.
CHÚ THÍCH 2: Trường hợp đặc biệt phát sinh do những tình huống cụ thể không phải khi nào cũng có. Như vậy, trong một quá trình (2.1.1) có những nguyên nhân đặc biệt, mức độ biến động (2.2.1) đôi khi không thể dự đoán được.
2.2.5. Nguyên nhân ngẫu nhiên
Nguyên nhân thông thường
Nguyên nhân tình cờ
Nguồn gây biến động (2.2.1) vốn có trong một quá trình (2.1.1) qua thời gian.
CHÚ THÍCH 1: Trong một quá trình chỉ chịu biến động do nguyên nhân ngẫu nhiên, thì có thể dự đoán được độ biến động trong phạm vi giới hạn thống kê được thiết lập.
CHÚ THÍCH 2: Việc làm giảm những nguyên nhân này giúp cải tiến quá trình (2.1.7). Tuy nhiên, mức độ nhận biết, giảm thiểu và loại trừ nguyên nhân cần được phân tích chi phí/lợi ích về tính khả thi kỹ thuật cũng như tính kinh tế.
2.2.6. Nhóm con hợp lý
Nhóm con, trong đó độ biến động (2.2.1) được giả định là chỉ do các nguyên nhân ngẫu nhiên (2.2.5).
CHÚ THÍCH 1: Nhóm con là một tập hợp dữ liệu lấy từ một quá trình (2.1.1) sao cho đảm bảo tính tương đồng cao nhất của dữ liệu trong mỗi nhóm con và tính khác biệt lớn nhất của dữ liệu giữa các nhóm con khác nhau. Nhóm con càng lớn thì biểu đồ kiểm soát (2.3.1) càng nhạy với các thay đổi của mức quá trình (2.4.13). Lý tưởng là mỗi phép đo (3.2.1) trong một nhóm con độc lập với nhau.
CHÚ THÍCH 2: Phương pháp phổ biến nhất để nhận được nhóm con hợp lý là thành lập nhóm tại một thời điểm. Dữ liệu lấy từ các khoảng thời gian khác nhau khi đó sẽ được xếp vào các nhóm con khác nhau. Một ví dụ là cứ mỗi giờ thực hiện các phép đo trên năm bộ phận liền nhau từ một máy cụ thể. Khi đó, thống kê mẫu (1.2.18) từ các nhóm con có thể được vẽ trên biểu đồ kiểm soát theo trật tự thời gian. Điều này tạo thuận lợi cho việc phát hiện biến động liên quan đến thời gian.
2.2.7. Quá trình ổn định
Quá trình ở trạng thái kiểm soát thống kê quá trình
CHÚ THÍCH 1: Một quá trình ổn định thường được coi như các mẫu (1.2.17) lấy từ quá trình tại mọi thời điểm là mẫu ngẫu nhiên đơn giản (1.2.24) lấy từ cùng tổng thể (1.2.1).
CHÚ THÍCH 2: Phát biểu này không có nghĩa là độ biến động ngẫu nhiên lớn hay nhỏ, nằm trong hay ngoài quy định (3.1.1), mà đúng hơn là có thể dự đoán được độ biến động (2.2.1) bằng cách sử dụng các kỹ thuật thống kê.
CHÚ THÍCH 3: Năng lực quá trình (2.7.1) của một quá trình ổn định thường được cải thiện bằng những thay đổi cơ bản làm giảm hoặc loại trừ một số nguyên nhân ngẫu nhiên và/hoặc điều chỉnh trung bình về giá trị ưu tiên.
CHÚ THÍCH 4: Trong một số quá trình, trung bình của một đặc trưng có thể có độ trôi hoặc độ lệch chuẩn tăng lên, ví dụ, do dụng cụ bị mòn hoặc nồng độ chất hòa tan trong dung dịch giảm xuống. Xu hướng thay đổi tăng giá trị trung bình hoặc độ lệch chuẩn của quá trình như vậy được coi là do hệ thống chứ không phải nguyên nhân ngẫu nhiên. Khi đó, các kết quả không phải là các mẫu ngẫu nhiên từ cùng một tổng thể.
2.2.8. Chuẩn mực mất kiểm soát
Tập hợp các quy tắc quyết định đối với việc nhận biết sự có mặt của các nguyên nhân đặc biệt (2.2.4).
CHÚ THÍCH: Các quy tắc quyết định có thể bao gồm nguyên tắc liên quan đến các điểm nằm ngoài giới hạn kiểm soát (2.4.2), thời gian hoạt động, xu hướng, chu kỳ, tính tuần hoàn, sự tập trung của các điểm gần đường tâm hoặc giới hạn kiểm soát, sự phân tán bất thường của các điểm trong giới hạn kiểm soát (độ phân tán lớn hoặc nhỏ) và quan hệ giữa các giá trị trong phạm vi các nhóm con.
2.2.9. Độ dài trung bình của loạt mẫu
ARL
CHÚ THÍCH 1: Nếu không có nguyên nhân đặc biệt thì giá trị ARL lý tưởng là bằng vô cùng, trong trường hợp đó, quyết định đúng là không bao giờ đạt được. Mục tiêu thực tế là làm cho ARL lớn khi không có nguyên nhân đặc biệt nào.
CHÚ THÍCH 2: Ngược lại, khi có nguyên nhân đặc biệt thì giá trị ARL lý tưởng là 1, trong trường hợp đó, quyết định được đưa ra khi lấy mẫu tiếp theo.
CHÚ THÍCH 3: Như vậy, việc chọn ARL là một sự thỏa hiệp giữa các yêu cầu trái ngược nhau đó.
CHÚ THÍCH 4: Việc đưa ra hành động thích hợp đối với nguyên nhân đặc biệt trong khi nó không tồn tại sẽ dẫn đến việc kiểm soát quá mức.
CHÚ THÍCH 5: Việc không đưa ra hành động thích hợp khi có nguyên nhân đặc biệt sẽ dẫn đến việc kiểm soát kém.
2.3. Biểu đồ liên quan đến kiểm soát
2.3.1. Biểu đồ kiểm soát
Biểu đồ trên đó độ đo thống kê nào đó của một loạt mẫu (1.2.17) được vẽ theo một trật tự cụ thể để lái quá trình (2.1.1) theo độ đo đó đồng thời kiểm soát và làm giảm độ biến động (2.2.1).
CHÚ THÍCH 1: Trật tự cụ thể thường dựa theo thời gian hoặc thứ tự mẫu.
CHÚ THÍCH 2: Biểu đồ kiểm soát được áp dụng hiệu quả nhất khi độ đo là biến quá trình tương quan với đặc trưng (1.1.1) cơ bản của sản phẩm hoặc dịch vụ.
2.3.2. Biểu đồ kiểm soát Shewhart
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) với giới hạn kiểm soát (2.4.5) Shewhart chủ yếu nhằm phân biệt giữa độ biến động (2.2.1) của độ đo vẽ trên biểu đồ do các nguyên nhân ngẫu nhiên (2.2.5) với độ biến động do các nguyên nhân đặc biệt (2.2.4).
2.3.3. Biểu đồ kiểm soát chấp nhận
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) chủ yếu nhằm đánh giá độ đo được vẽ có thể thỏa mãn dung sai quy định (3.1.6) hay không.
2.3.4. Biểu đồ kiểm soát điều chỉnh quá trình
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) sử dụng mô hình dự đoán quá trình (2.1.1) để ước lượng và vẽ diễn biến tương lai của quá trình nếu không có thay đổi nào, đồng thời định lượng thay đổi cần thực hiện để duy trì độ lệch quá trình trong phạm vi giới hạn chấp nhận.
2.3.5. Biểu đồ kiểm soát tổng tích lũy
Biểu đồ CUSUM
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) trong đó tổng tích lũy độ lệch của các giá trị mẫu liên tiếp so với giá trị quy chiếu được vẽ thành đồ thị để tìm ra những thay đổi về mức của độ đo được vẽ.
CHÚ THÍCH 1: Tung độ của mỗi điểm đồ thị thể hiện tổng đại số của tung độ trước đó và độ lệch gần nhất so với mốc quy chiếu, đích hoặc giá trị kiểm soát.
CHÚ THÍCH 2: Có thể có được sự phân biệt rõ nhất các thay đổi về mức khi giá trị quy chiếu bằng giá trị trung bình tổng.
CHÚ THÍCH 3: Biểu đồ này có thể dùng trong kiểm soát, chẩn đoán hoặc dự đoán.
CHÚ THÍCH 4: Khi sử dụng trong kiểm soát, có thể thể hiện dưới dạng biểu đồ bằng mạng (ví dụ mạng V) chồng lên đồ thị. Tín hiệu xuất hiện khi đường biểu đồ giao hoặc tiếp xúc ranh giới của mạng.
2.3.6. Biểu đồ kiểm soát định lượng
Biểu đồ kiểm soát Shewhart (2.3.2) trong đó số đo được vẽ trên đồ thị thể hiện dữ liệu theo thang đo liên tục (1.1.4).
2.3.7. Biểu đồ kiểm soát định tính
Biểu đồ kiểm soát Shewhart (2.3.2) trong đó số đo được vẽ trên đồ thị thể hiện dữ liệu số đếm hoặc dữ liệu phân loại.
2.3.8. Biểu đồ c
Biểu đồ kiểm soát số đếm
Biểu đồ kiểm soát định tính (2.3.7) đối với số lượng các sự cố mới trong đó cơ hội xảy ra là cố định.
CHÚ THÍCH: Các sự cố mới thuộc một loại cụ thể, ví dụ số người vắng mặt và số dẫn đầu doanh thu, tạo thành số đếm. Trong lĩnh vực chất lượng, các sự cố mới thường thể hiện bằng sự không phù hợp và cơ hội cố định liên quan đến mẫu (1.2.17) có cỡ mẫu không đổi hoặc lượng vật liệu cố định. Các ví dụ là “các vết nứt trên mỗi 100 mét vuông xây dựng” và “lỗi trong mỗi 100 hóa đơn”.
2.3.9. Biểu đồ u
Biểu đồ kiểm soát số đếm trên đơn vị
Biểu đồ kiểm soát định tính (2.3.7) đối với số lượng các sự biến cố mới trên đơn vị (1.2.14) trong đó cơ hội là biến số.
CHÚ THÍCH: Các sự cố mới thuộc một loại cụ thể, ví dụ số người vắng mặt và số dẫn đầu doanh thu, tạo thành số đếm. Trong lĩnh vực chất lượng, các sự cố mới thường thể hiện bằng sự không phù hợp và cơ hội cố định liên quan đến mẫu (1.2.17) có cỡ mẫu không đổi hoặc lượng vật liệu cố định.
2.3.10. Biểu đồ np
Biểu đồ kiểm soát số đơn vị phân loại
Biểu đồ kiểm soát định tính (2.3.7) đối với số đơn vị (1.2.14) của một loại nhất định trong đó cỡ mẫu (1.2.26) không đổi.
CHÚ THÍCH: Trong lĩnh vực chất lượng, việc phân loại thường được lấy dưới dạng “đơn vị không phù hợp” (1.2.15).
2.3.11. Biểu đồ p
Biểu đồ kiểm soát tỷ lệ hoặc phần trăm đơn vị theo loại
Biểu đồ kiểm soát định tính (2.3.7) đối với số đơn vị (1.2.14) của một loại nhất định trên tổng số đơn vị trong mẫu (1.2.17) biểu thị bằng một tỷ lệ hoặc phần trăm.
CHÚ THÍCH 1 Trong lĩnh vực chất lượng, việc phân loại thường được lấy dưới dạng “đơn vị không phù hợp” (1.2.15).
CHÚ THÍCH 2: Biểu đồ “p” được sử dụng đặc biệt khi cỡ mẫu (1.2.26) là biến số.
CHÚ THÍCH 3: Độ đo vẽ đồ thị có thể được biểu diễn theo tỷ lệ hoặc phần trăm.
2.3.12.
Biểu đồ kiểm soát Xbar
Biểu đồ kiểm soát trung bình
Biểu đồ kiểm soát định lượng (2.3.6) dùng cho đánh giá mức quá trình (2.4.13) theo trung bình nhóm con.
2.3.13. Biểu đồ kiểm soát trung vị
Biểu đồ kiểm soát định lượng (2.3.6) dùng cho đánh giá mức quá trình (2.4.13) theo trung vị nhóm con.
2.3.14. Biểu đồ kiểm soát trung bình trượt
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) dùng cho đánh giá mức quá trình (2.4.13) theo trung bình cộng của mỗi n quan trắc liên tiếp.
CHÚ THÍCH 1: Biểu đồ này đặc biệt hữu ích khi chỉ có một quan trắc trên một nhóm con. Các ví dụ là đặc trưng (1.1.1) quá trình như nhiệt độ, áp suất và thời gian.
CHÚ THÍCH 2: Quan trắc hiện thời thay thế quan trắc cũ nhất trong số n + 1 quan trắc gần nhất.
CHÚ THÍCH 3: Biểu đồ này có một nhược điểm của hiệu quả không lấy trọng số trải theo n điểm.
2.3.15. Biểu đồ kiểm soát cá thể
Biểu đồ kiểm soát X
Biểu đồ kiểm soát định lượng (2.3.6) dùng cho đánh giá mức quá trình (2.4.13) theo các quan trắc riêng lẻ trong mẫu (1.2.17).
CHÚ THÍCH 1: Biểu đồ này thường đi kèm biểu đồ độ rộng trượt, thường với n = 2.
CHÚ THÍCH 2: Dạng biểu đồ này đánh mất ưu điểm về trung bình về giảm thiểu độ biến động (2.2.1) ngẫu nhiên và giả thiết của định lý giới hạn trung tâm của phân bố chuẩn.
2.3.16. Biều đồ kiểm soát EWMA
Biểu đồ kiểm soát trung bình trượt có trọng số mũ
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) dùng cho đánh giá mức quá trình (2.4.13) theo trung bình trượt được làm trơn theo hàm mũ.
2.3.17. Biểu đồ kiểm soát xu hướng
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) dùng cho đánh giá mức quá trình (2.4.13) theo độ lệch của trung bình nhóm con so với thay đổi mong muốn về mức quá trình.
CHÚ THÍCH 1: Xu hướng có thể được xác định bằng thực nghiệm hoặc phương pháp hồi quy.
CHÚ THÍCH 2: Xu hướng là chiều hướng đi lên hoặc đi xuống, sau khi loại trừ độ biến động (2.2.1) ngẫu nhiên và hiệu ứng tuần hoàn, khi các giá trị quan trắc (3.2.8) được vẽ theo trật tự thời gian của các quan trắc.
2.3.18. Biểu đồ R
Biểu đồ kiểm soát độ rộng
Biểu đồ kiểm soát định lượng (2.3.6) dùng cho đánh giá độ biến động (2.2.1) theo độ rộng nhóm con.
2.3.19. Biểu đồ s
Biểu đồ kiểm soát độ lệch chuẩn
Biểu đồ kiểm soát định lượng (2.3.6) dùng cho đánh giá độ biến động (2.2.1) theo độ lệch chuẩn nhóm con.
2.3.20. Biểu đồ kiểm soát độ rộng trượt
Biểu đồ kiểm soát định lượng (2.3.6) dùng cho đánh giá độ biến động (2.2.1) theo độ rộng của mỗi n quan trắc liên tiếp.
CHÚ THÍCH: Quan trắc hiện thời thay thế quan trắc cũ nhất trong số n + 1 quan trắc gần nhất.
2.3.21. Biểu đồ kiểm soát đa biến
Biểu đồ kiểm soát (2.3.1) về đáp ứng của hai hay nhiều biến tương quan kết hợp thành một thống kê mẫu (1.2.18) duy nhất đối với mỗi nhóm con.
2.3.22. Biểu đồ kiểm soát nhiều đặc trưng
Biểu đồ kiểm soát định tính (2.3.7) dựa trên nhiều hơn một đặc trưng (1.1.1).
2.3.23. Biểu đồ kiểm soát khuyết tật
Biểu đồ điểm chất lượng
Biểu đồ kiểm soát nhiều đặc trưng (2.3.22) trong đó các trọng số khác nhau được chia cho các biến cố tùy theo ý nghĩa của chúng.
2.3.24. Điều chỉnh quá trình
Hành động làm giảm độ lệch so với đích ở đặc trưng (1.1.1) đầu ra nhờ kiểm soát phía trước (2.3.25) và/hoặc kiểm soát phía sau (2.3.26).
CHÚ THÍCH: Việc theo dõi tiến hành xác định xem quá trình (2.2.1) và bản thân hệ thống điều chỉnh quá trình có ở trạng thái kiểm soát thống kê (2.2.7) hay không.
2.3.25. Kiểm soát phía trước
Đưa ra những thay đổi bù thích hợp cho biến kiểm soát (2.3.27) khác bằng phép đo (3.2.1) những biến động của biến đầu vào.
2.3.26. Kiểm soát phía sau
Đưa ra những thay đổi bù thích hợp cho biến kiểm soát (2.3.27) khác bằng cách sử dụng độ lệch so với đích hoặc tín hiệu sai số của chính đặc trưng (1.1.1) đầu ra.
2.3.27. Biến kiểm soát
Biến số trong quá trình (2.1.1) thay đổi theo tín hiệu tác động làm thay đổi giá trị của đầu ra quá trình.
2.3.28. Tự tương quan
Mối tương quan nội tại giữa các thành phần của chuỗi quan trắc theo trật tự thời gian.
2.4. Thành phần của biểu đồ kiểm soát
2.4.1. Đường tâm
Đường nằm trên biểu đồ kiểm soát (2.3.1) biểu diễn mục đích dự kiến hoặc trung bình trước đó của thống kê (1.2.18) mẫu được vẽ.
CHÚ THÍCH: Đường tâm có thể có hai dạng:
a) đường tâm “làm chuẩn” có giá trị được quy định trước;
b) đường tâm “không làm chuẩn” có giá trị là trung bình trước đó.
2.4.2. Giới hạn kiểm soát
Đường nằm trên biểu đồ kiểm soát dùng để đánh giá độ ổn định của quá trình (2.1.1).
CHÚ THÍCH 1: Đường điều chỉnh được vẽ trên biểu đồ kiểm soát (2.3.1) để biểu diễn giới hạn điều chỉnh.
CHÚ THÍCH 2: Giới hạn kiểm soát đưa ra ranh giới thống kê đối với độ lệch khỏi đường tâm (2.4.1) của đồ thị thống kê trên biểu đồ kiểm soát Shewhart (2.3.2) chỉ do các nguyên nhân ngẫu nhiên (2.2.5).
CHÚ THÍCH 3: Giới hạn kiểm soát dựa trên dữ liệu thực về quá trình và không nằm trên giới hạn quy định (3.1.3), ngoại trừ biểu đồ kiểm soát chấp nhận (2.3.3).
CHÚ THÍCH 4: Ngoài các điểm nằm ngoài giới hạn kiểm soát, chuẩn mực “ngoài tầm kiểm soát” có thể bao gồm độ dài loạt mẫu, xu hướng, chu kỳ, tính tuần hoàn và các dạng bất thường trong phạm vi giới hạn điều chỉnh.
2.4.3. Giới hạn cảnh báo
Giới hạn kiểm soát (2.4.2) mà khi quá trình (2.1.1) đang được kiểm soát thống kê, thống kê được xét nằm trong phạm vi giới hạn này với xác suất cao.
CHÚ THÍCH 1: Đường cảnh báo được vẽ trên biểu đồ kiểm soát (2.3.1) để biểu diễn giới hạn cảnh báo.
CHÚ THÍCH 2: Khi giá trị của thống kê được vẽ nằm ngoài giới hạn cảnh báo nhưng vẫn nằm trong giới hạn hoạt động (2.4.4), thì cần tăng cường theo dõi quá trình theo các quy tắc quy định trước.
2.4.4. Giới hạn hành động
Giới hạn kiểm soát (2.4.2) khi quá trình (2.1.1) được kiểm soát thống kê thì thống kê được xét nằm trong giới hạn này với xác suất rất cao.
CHÚ THÍCH 1: Đường hoạt động được vẽ trên biểu đồ kiểm soát (2.3.1) để biểu diễn giới hạn hoạt động.
CHÚ THÍCH 2: Khi độ đo được vẽ nằm ngoài giới hạn hoạt động thì thực hiện hành động khắc phục (3.1.15) đối với quá trình.
2.4.5. Giới hạn kiểm soát Shewhart
Giới hạn kiểm soát (2.4.2), dựa trên bằng chứng thực nghiệm và các xem xét về kinh tế, đặt gần đường tâm (2.4.1) ở khoảng cách độ lệch chuẩn ± z (trong đó z là một hệ số) của thống kê được xét và dùng để đánh giá việc quá trình (2.1.1) đang trong trạng thái kiểm soát thống kê (2.2.7) hay không.
CHÚ THÍCH: Thông thường, theo Shewhart, các giới hạn kiểm soát này cần dựa theo tính chuẩn và lấy z = 3 đối với giới hạn hành động (2.4.4), z = 2 đối với giới hạn cảnh báo (2.4.3).
2.4.6. Giới hạn kiểm soát xác suất
Giới hạn kiểm soát (2.4.2) cùng với đường tâm (2.4.1) xác định khoảng khi quá trình (2.1.1) ở trạng thái kiểm soát thống kê (2.2.7) thì thống kê được xét nằm trong giới hạn này với xác suất đặt trước rất cao.
CHÚ THÍCH: Việc rút ra giới hạn kiểm soát xác suất liên quan đến việc xác định trước phân bố (2.5.1) cơ bản của thống kê.
2.4.7. Giới hạn kiểm soát chấp nhận
ACL
Giới hạn kiểm soát (2.4.2), đối với biểu đồ kiểm soát chấp nhận (2.3.3), cho phép có sự thay đổi nhất định về mức quá trình (2.4.13) dựa trên các yêu cầu quy định, với điều kiện tính biến động của nhóm con chỉ là do các nguyên nhân ngẫu nhiên (2.2.5) được kiểm soát thống kê.
2.4.8. Giới hạn kiểm soát trên
UCL
UCL
Giới hạn kiểm soát (2.4.2) xác định biên giới kiểm soát trên.
2.4.9. Giới hạn kiểm soát dưới
LCL
LCL
Giới hạn kiểm soát (2.4.2) xác định biên giới kiểm soát dưới.
2.4.10. Vùng không phân định
Mức quá trình (2.4.13) nằm giữa APL (2.4.14) và RPL (2.4.15).
2.4.11. Vùng chấp nhận quá trình
Vùng quanh đường tâm (2.4.1) bao gồm các mức quá trình (2.4.13) đại diện cho các quá trình (2.1.1) mong muốn được chấp nhận.
2.4.12. Vùng loại bỏ quá trình
Vùng mức quá trình (2.4.13) nằm trên hoặc nằm ngoài (các) RPL (2.4.15) bao gồm các mức quá trình (2.4.13) đại diện cho các quá trình (2.1.1) cần loại bỏ.
2.4.13. Mức quá trình
Giá trị của thống kê mẫu (1.2.18) được vẽ ở thời điểm cho trước.
2.4.14. Mức quá trình chấp nhận
APL
Mức quá trình (2.4.13) tạo thành đường biên ngoài của vùng chấp nhận quá trình (2.4.11).
2.4.15. Mức quá trình loại bỏ
RPL
Mức quá trình (2.4.13) tạo thành đường biên trong của vùng loại bỏ quá trình (2.4.12).
2.5. Thuật ngữ cơ bản liên quan đến hiệu năng và năng lực của quá trình
2.5.1. Phân bố
Thông tin
CHÚ THÍCH 1: Phân bố của đặc trưng có thể được đại diện, ví dụ, bằng vị trí các giá trị của đặc trưng đó và thể hiện dạng thước đo hoặc điểm dưới dạng đồ thị điểm hoặc biểu đồ phân bố. Các dạng này cung cấp tất cả các thông tin trị số về đặc trưng ngoại trừ thứ tự dãy chứa dữ liệu.
CHÚ THÍCH 2: Phân bố của đặc trưng phụ thuộc vào các điều kiện chủ đạo. Do đó, nếu muốn có thông tin có ý nghĩa về phân bố của đặc trưng thì cần quy định điều kiện thu thập dữ liệu.
CHÚ THÍCH 3: Điều quan trọng là cần biết về lớp phân bố (2.5.2), ví dụ, chuẩn hay loga chuẩn, trước khi dự đoán hay ước lượng khả năng, tính năng quá trình và các chỉ số hoặc tỷ lệ không phù hợp.
2.5.2. Lớp phân bố
Họ phân bố (2.5.1) cụ thể mà mỗi thành phần của nó có cùng các tính chất được quy định cho họ đó.
VÍ DỤ 1: Phân bố chuẩn hai tham số, dạng chuông đối xứng có các tham số trung bình và độ lệch chuẩn.
VÍ DỤ 2: Phân bố Weibull ba tham số có các tham số định vị, định dạng và thang đo (1.1.3).
VÍ DỤ 3: Phân bố liên tục một mốt.
CHÚ THÍCH: Lớp phân bố thường được quy định đầy đủ thông qua giá trị của các tham số thích hợp.
2.5.3. Mô hình phân bố
Phân bố (2.5.1) hoặc lớp phân bố (2.5.2) quy định.
VÍ DỤ 1: Mô hình đối với phân bố của đặc trưng (1.1.1) sản phẩm, đường kính bu lông, có thể là phân bố chuẩn có trung bình 15 mm và độ lệch chuẩn 0,05 mm. Ở đây mô hình được quy định đầy đủ.
VÍ DỤ 2: Mô hình đối với đường kính bu lông như trong ví dụ 1 có thể là lớp phân bố chuẩn mà không cần cố gắng quy định một phân bố cụ thể. Ở đây mô hình này là lớp phân bố chuẩn.
(Mời xem tiếp trong file tải về)
Tiêu chuẩn TCVN 8244-2:2010 ISO 3534-2:2006 về Thống kê học-Từ vựng và ký hiệu-Phần 2: Thống kê ứng dụng
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Số hiệu: | TCVN 8244-2:2010 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Năm ban hành: | 0 |
Hiệu lực: | 01/01/2010 |
Lĩnh vực: | Khoa học-Công nghệ |
Người ký: | |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản tiếng Việt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!