Cơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 563/QĐ-NHNN | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Lê Minh Hưng |
Ngày ban hành: | 18/03/2013 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 18/03/2013 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC Số: 563/QĐ-NHNN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
Căn cứ Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/3/2013.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT. THỐNG ĐỐC |
QUY TRÌNH
MUA, BÁN VÀNG MIẾNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
(Ban hành theo Quyết định số 563/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 3 năm 2013
của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy trình này quy định cụ thể về việc mua, bán vàng miếng trực tiếp và mua, bán vàng miếng qua hình thức đấu thầu giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) và tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là “Thông tư 06/2013/TT-NHNN”).
Việc mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của Thông tư 06/2013/TT-NHNN, Quy trình này và Phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt.
MỤC 2. QUY TRÌNH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG QUA HÌNH THỨC ĐẤU THẦU
Điều 3. Thông báo đấu thầu vàng miếng
Chậm nhất trong ngày làm việc liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu, Sở Giao dịch gửi thông báo đấu thầu (theo mẫu tại Phụ lục 1) qua fax cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước theo số fax đã đăng ký.
Chậm nhất đến 17 giờ của ngày liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của Ngân hàng Nhà nước theo thông báo đấu thầu.
Điều 5. Kiểm tra và thông báo tư cách dự thầu của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp
1. Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu, Sở Giao dịch kiểm tra tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trên tài khoản theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước và kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
2. Tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là hợp lệ để tham gia đấu thầu khi tiền đặt cọc lớn hơn hoặc bằng giá trị đặt cọc tính theo công thức: Giá trị đặt cọc = Tỷ lệ đặt cọc x Giá tham chiếu x Khối lượng vàng miếng đặt thầu tối thiểu.
3. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đang trong thời gian bị tạm ngừng quan hệ giao dịch hoặc bị hủy quan hệ giao dịch;
b) Người đại diện của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không xuất trình giấy tờ tùy thân theo quy định;
c) Giấy tờ tùy thân không hợp lệ;
d) Người tham dự không phải là người đại diện giao dịch do tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký;
e) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không tuân thủ quy định về đặt cọc theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Sở Giao dịch thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước, trong đó nêu rõ lý do.
Điều 6. Thông báo giá
Sở Giao dịch thông báo cho người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp giá trần, giá sàn (nếu có) đối với đấu thầu theo giá, (theo mẫu tại Phụ lục 2a) hoặc giá mua, giá bán đối với đấu thầu theo khối lượng (theo mẫu tại Phụ lục 2b).
Điều 7. Nộp phiếu dự thầu
Chậm nhất trong thời hạn 30 (ba mươi) phút kể từ thời điểm Sở Giao dịch thông báo giá theo quy định tại Điều 6 Quy trình này, người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp điền đầy đủ các nội dung của phiếu dự thầu (theo mẫu tại Phụ lục 3a đối với đấu thầu theo giá, theo mẫu tại Phụ lục 3b đối với đấu thầu theo khối lượng) và nộp phiếu dự thầu.
Điều 8. Đóng thầu và mở thầu
1. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) đóng thầu tại thời điểm kết thúc thời hạn nộp phiếu dự thầu. Sau thời điểm đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) không nhận phiếu dự thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
2. Chậm nhất trong thời hạn 10 (mười) phút kể từ thời điểm đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) tiến hành mở thầu.
Điều 9. Thực hiện xét thầu và xác định kết quả đấu thầu
Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm mở thầu, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện tổng hợp số liệu đặt thầu, xét thầu và xác định kết quả đấu thầu như sau:
1. Kiểm tra tính hợp lệ của phiếu dự thầu và lập danh sách các phiếu dự thầu hợp lệ, không hợp lệ và tổng hợp số liệu đặt thầu. Phiếu dự thầu không hợp lệ trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng nhưng vẫn nộp phiếu dự thầu.
b) Có một trong các nội dung ghi tại phiếu dự thầu không đúng quy định như giá đặt thầu cao hơn giá trần (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước thông báo giá trần) hoặc thấp hơn giá sàn (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước thông báo giá sàn); khối lượng đặt thầu cao hơn mức tối đa hoặc thấp hơn mức tối thiểu mà mỗi tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép đặt thầu; ghi giá và khối lượng sai bước giá và bước khối lượng; ghi nhiều hơn một mức giá; số liệu bằng số và bằng chữ không thống nhất; sửa chữa, tẩy xóa nội dung điền trong phiếu dự thầu; ghi không đầy đủ nội dung phiếu dự thầu...
c) Phiếu dự thầu nộp sau thời điểm đóng thầu.
2. Kiểm tra tính hợp lệ của tiền đặt cọc đối với trường hợp khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng dự kiến đặt thầu. Tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không hợp lệ khi tiền đặt cọc nhỏ hơn giá trị đặt cọc hợp lệ tính theo công thức: Giá trị đặt cọc hợp lệ = Tỷ lệ đặt cọc x Giá tham chiếu x Khối lượng vàng miếng đặt thầu.
3. Nguyên tắc xét thầu đối với đấu thầu theo khối lượng:
a) Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp dự thầu bằng hoặc thấp hơn tổng khối lượng Ngân hàng Nhà nước dự kiến mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bằng khối lượng đặt thầu của chính tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
b) Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia vượt quá tổng khối lượng Ngân hàng Nhà nước dự kiến mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia được xác định theo nguyên tắc từ khối lượng đặt thầu cao nhất xuống thấp cho tới khi Ngân hàng Nhà nước mua hoặc bán được tối đa khối lượng dự kiến mua hoặc bán. Trường hợp ở mức khối lượng trúng thầu thấp nhất có nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt mua hoặc bán cùng khối lượng thì khối lượng cần mua, bán còn lại được chia đều cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó. Trường hợp khối lượng trúng thầu có lẻ lô sẽ được làm tròn xuống chẵn lô.
4. Nguyên tắc xét thầu đối với đấu thầu theo giá:
a) Nguyên tắc xét thầu là xét theo thứ tự giảm dần từ giá trúng thầu cao nhất cho tới giá trúng thầu thấp nhất mà tại đó Ngân hàng Nhà nước bán được khối lượng tối đa dự kiến bán (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng) hoặc xét theo thứ tự tăng dần từ giá trúng thầu thấp nhất cho tới giá trúng thầu cao nhất mà tại đó Ngân hàng Nhà nước mua được tối đa khối lượng dự kiến mua (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước đấu thầu mua vàng miếng). Trong trường hợp ở mức giá trúng thầu thấp nhất (đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng) hoặc trường hợp ở mức giá trúng thầu cao nhất (đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua vàng miếng) có nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cùng một mức giá thì khối lượng trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp này sẽ được xác định theo tỷ lệ thuận giữa khối lượng cần mua, bán còn lại và khối lượng đặt thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó. Trường hợp khối lượng trúng thầu có lẻ lô sẽ được làm tròn xuống chẵn lô.
b) Giá trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là giá đặt thầu của chính tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
Điều 10. Hủy thầu
Trước thời điểm thông báo giá hoặc thông báo kết quả đấu thầu, nếu giá vàng biến động vượt quá mức biến động giá trong phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt, Sở Giao dịch hủy thầu và thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
Điều 11. Thông báo kết quả đấu thầu
Sau khi xác định kết quả đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo bằng văn bản:
1. Kết quả tổng hợp đấu thầu (theo mẫu tại Phụ lục 4).
2. Kết quả trúng thầu cho từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có phiếu dự thầu hợp lệ thông qua người đại diện giao dịch (theo mẫu tại Phụ lục 5).
3. Về phiếu dự thầu không hợp lệ cho từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có phiếu dự thầu không hợp lệ thông qua người đại diện giao dịch (theo mẫu tại Phụ lục 6).
Điều 12. Ký văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng miếng
Trong thời hạn 30 phút (ba mươi phút) kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo kết quả đấu thầu, người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trúng thầu phải ký văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng với Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) (theo mẫu tại Phụ lục 7).
MỤC 3. QUY TRÌNH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG TRỰC TIẾP
Điều 13. Thông báo mua, bán vàng miếng
Chậm nhất trong ngày làm việc liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức giao dịch mua, bán vàng miếng, Sở Giao dịch gửi thông báo mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 8) qua fax cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước theo số fax đã đăng ký.
Điều 14. Chuyển tiền đặt cọc
Chậm nhất đến 17 giờ của ngày liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức mua, bán vàng miếng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của Ngân hàng Nhà nước tại thông báo mua, bán vàng miếng.
Điều 15. Kiểm tra tư cách tham gia giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp
1. Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức mua, bán vàng miếng, Sở Giao dịch kiểm tra tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trên tài khoản theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước và kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
2. Tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là hợp lệ để tham gia mua, bán khi lớn hơn hoặc bằng giá trị đặt cọc tính theo công thức: Giá trị đặt cọc = Tỷ lệ đặt cọc x Giá tham chiếu x Khối lượng vàng miếng đăng ký mua, bán.
3. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đang trong thời gian bị tạm ngừng quan hệ giao dịch hoặc bị hủy quan hệ giao dịch;
b) Người đại diện của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không xuất trình giấy tờ tùy thân theo quy định;
c) Giấy tờ tùy thân của người đại diện giao dịch không hợp lệ;
d) Người tham dự không phải là người đại diện giao dịch do tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký;
e) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có tiền đặt cọc không hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Sở Giao dịch thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước, trong đó nêu rõ lý do.
Điều 16. Thông báo giá mua, bán vàng miếng
Sở Giao dịch thông báo bằng văn bản mức giá mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước cho người đại diện giao dịch của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia giao dịch (theo mẫu tại Phụ lục 9).
Điều 17. Đăng ký mua, bán vàng miếng
Trong thời hạn 30 (ba mươi) phút kể từ khi Sở Giao dịch thông báo giá mua, bán, người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nộp cho Ngân hàng Nhà nước đơn đăng ký mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 10).
Điều 18. Xét đăng ký mua, bán và xác định kết quả mua, bán
Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm kết thúc việc nộp đơn đăng ký mua, bán, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện xét đăng ký mua, bán và xác định kết quả mua, bán như sau:
1. Kiểm tra tính hợp lệ của đơn đăng ký mua, bán và lập danh sách các đơn đăng ký hợp lệ, không hợp lệ và tổng hợp số liệu đăng ký mua, bán. Đơn đăng ký không hợp lệ trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia mua, bán vàng miếng nhưng vẫn nộp đơn đăng ký mua, bán,
b) Có một trong các nội dung ghi tại đơn đăng ký mua, bán không đúng quy định như khối lượng đăng ký mua, bán cao hơn mức tối đa hoặc thấp hơn mức tối thiểu mà mỗi tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép đăng ký mua, bán; số liệu bằng số và bằng chữ không thống nhất; sửa chữa, tẩy xóa nội dung điền trong đơn đăng ký mua, bán; ghi không đầy đủ nội dung đơn đăng ký mua, bán...
c) Tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không hợp lệ khi tiền đặt cọc nhỏ hơn giá trị đặt cọc hợp lệ tính theo công thức: Giá trị đặt cọc hợp lệ = Tỷ lệ đặt cọc x Giá tham chiếu x Khối lượng vàng miếng đăng ký mua, bán.
d) Đơn đăng ký mua, bán nộp sau thời hạn quy định tại Điều 17 Quy trình này.
2. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) xác định khối lượng vàng miếng mua, bán với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trên cơ sở đăng ký mua bán của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt.
Điều 19. Thông báo ngừng giao dịch mua, bán vàng miếng
Trước khi thông báo kết quả mua, bán vàng miếng, nếu giá vàng biến động vượt quá mức biến động giá trong phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt, Sở Giao dịch ngừng giao dịch mua, bán và thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia mua, bán.
Điều 20. Thông báo khối lượng vàng miếng mua, bán
Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo bằng văn bản cho người đại diện giao dịch về khối lượng vàng miếng Ngân hàng Nhà nước mua, bán với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục 11)
Điều 21. Ký văn bản xác nhận giao dịch
Trong thời hạn 30 phút (ba mươi phút) kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo kết quả mua, bán, người đại diện giao dịch của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia mua, bán phải ký văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng với Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) (theo mẫu tại Phụ lục 7).
MỤC 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Tổ triển khai đấu thầu
1. Ngân hàng Nhà nước thành lập Tổ triển khai đấu thầu để giúp Sở Giao dịch tổ chức thực hiện việc đấu thầu mua, bán vàng miếng qua hình thức đấu thầu theo phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt.
2. Thành phần Tổ triển khai đấu thầu bao gồm: Đại diện lãnh đạo cấp Vụ của Sở Giao dịch làm Tổ trưởng và các thành viên là đại diện các đơn vị Sở Giao dịch, Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Cục Phát hành và Kho quỹ, Cục Công nghệ tin học, Vụ Pháp chế và đại diện các đơn vị khác. Thành phần cụ thể do Thống đốc quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Giao dịch.
3. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Tổ triển khai đấu thầu do Tổ trưởng phân công.
Điều 23. Tổ giúp việc đấu thầu
1. Giám đốc Sở Giao dịch thành lập Tổ giúp việc đấu thầu để thực hiện các công việc liên quan đến quy trình mua, bán vàng miếng thông qua hình thức đấu thầu.
2. Thành phần tổ giúp việc là công chức thuộc Sở Giao dịch, số lượng thành viên, nhiệm vụ của từng thành viên do Giám đốc Sở Giao dịch quyết định trong từng thời kỳ.
Điều 24. Tổ chức thực hiện
Sở Giao dịch triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thông tư 06/2013/TT-NHNN, Quy trình này và Phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt.
01
|
Văn bản căn cứ |
02
|
Văn bản căn cứ |
03
|
Văn bản căn cứ |
04
|
Văn bản căn cứ |
05
|
Văn bản căn cứ |
06
|
Văn bản căn cứ |
Quyết định 563/QĐ-NHNN Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước
In lược đồCơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Số hiệu: | 563/QĐ-NHNN |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 18/03/2013 |
Hiệu lực: | 18/03/2013 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Lê Minh Hưng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!